Một cách nhận diện về thành tựu và sự vận động của kí Việt Nam sau 1975

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của PGS.TS Đinh Trí Dũng tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V:

 Mở đầu

Ký là một thể loại đa dạng, trong đó có nhiều thể/tiểu loại như phóng sự, ký sự, tạp văn, tản văn, hồi ký, du ký, nhật ký… Ký được xem như thể loại “xung kích” của văn xuôi, hấp dẫn bạn đọc bởi tính thời sự, bám sát hiện thực đời sống, có khả năng bộc lộ trực tiếp cảm xúc, suy tư của người viết. Trong bức tranh văn xuôi đương đại sau 1975, đặc biệt là sau 1986, ký Việt Nam vận động gấp rút, có nhiều thành tựu nổi bật, góp phần làm sôi động đời sống văn học và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước.

  1. Nội dung

2.1. Ký bùng nổ và nhập cuộc mạnh mẽ với đời sống

Với tư cách là thể loại xung kích, ký nhanh nhạy với những gì đang diễn ra. Nếu như ký từ 1945 đến 1975 thường tập trung phát hiện những vẻ đẹp của cuộc sống, con người, phục vụ đắc lực cho hai cuộc kháng chiến (Trận phố Ràng của Trần Đăng, Nhật ký ở rừng của Nam Cao, Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, Bức thư Cà Mau của Anh Đức…), ký từ 1975 đến 1985 cơ bản vẫn tiếp nối quán tính sử thi, thể hiện những dư âm hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ (Tháng Ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải, Bắc Hải Vân xuân 1975 của Xuân Thiều, Xuân Lộc – Sài Gòn của Nam Hà, Nhật ký chiến dịch của Nguyễn Thành Vân, Ký sự miền đất lửa của Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân…, thì ký sau 1986 thể hiện tinh thần nhập cuộc mạnh mẽ với công cuộc đổi mới, tiếp cận hiện thực trong cái nhìn nhiều chiều, dám xông vào những góc khuất tối tăm nhất, thậm chí đầy nguy hiểm với người viết.

Nổi bật nhất của ký trong những năm ngay sau đổi mới (1986) là thể loại phóng sự, với nhiều sáng tác tạo được tiếng vang trong dư luận: Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc), Lời khai của bị can (Trần Huy Quang), Người đàn bà quỳ (Trần Khắc), Thủ tục để làm người còn sống (Minh Chuyên), Đêm trắng (Hoàng Hữu Các)… Phóng sự trở thành người lính xung kích tấn công vào những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, khuyến khích những cái mới có khi chỉ mới là chồi, nụ. Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, qua bối cảnh làng Láng (Phú Yên, Thọ Xuân, Thanh Hóa – quê hương tác giả), tái hiện chân thực thực trạng nông thôn và cuộc sống đói khổ của người nông dân những năm trước Đổi mới, là tiếng nói mạnh mẽ chống lại tầng lớp cường hào mới ở thôn quê. Sau bài ký này, hàng triệu nông dân đã được xem lại chính sách thuế khóa, mở đường cho việc thay đổi, từng bước dân chủ hóa đời sống nông thôn.

Nhưng xã hội không chỉ có những tiêu cực mà còn có những điểm sáng. Trong các phóng sự của Hoàng Hữu Các, Nguyễn Văn Đệ, Minh Chuyên, Vũ Đình Minh, Trần Huy Quang… còn có những sự thật khác: những đảng viên, cán bộ trung kiên ở nông thôn quyết đứng lên chống lại những tiêu cực, yếu kém, thay đổi cách làm ăn (Đêm trắng, Tiếng Đất – Hoàng Hữu Các); Những nỗ lực vươn lên làm ăn theo lối mới, thay đổi cuộc đời (Đảng viên làng tôi – Nguyễn Văn Đệ, Người nghèo, người giàu ở vùng lúa – Vũ Đình Minh, Một gia đình thợ của Trinh Đường, Chứng nhân của hai cơ chế của Nguyễn Thành…). Cùng với những trăn trở về đổi mới cơ chế, cách thức làm ăn, phóng sự còn quan tâm nhiều đến cuộc đấu tranh cho quyền con người, cho công bằng, dân chủ trong xã hội: Lời khai của một bị can của Trần Huy Quang, Thủ tục để làm người còn sống của Minh Chuyên, Ông già ôm 7kg đơn từ của Xuân Ba…

Sau giai đoạn phát triển sôi động khoảng hơn 10 năm đầu Đổi mới, từ khoảng năm 2000 trở đi, phóng sự, ký sự, bút ký tiếp tục phát triển, dù các tác phẩm xuất sắc, gây tiếng vang không phải là nhiều. Các cây bút viết phóng sự, ký sự xuất sắc có thể kể đến là Trần Huy Quang, Nguyên Ngọc, Nguyễn Bắc Sơn, Hà Minh Đức, Hà Nguyên Huyến, Huỳnh Dũng Nhân… Đề tài trong các tác phẩm cũng rất đa dạng. Trước hết, các nhà văn tiếp tục viết về các cuộc chiến tranh vệ quốc như một món nợ phải trả (Có một con đường mòn trên biển Đông của Nguyên Ngọc, Huyền thoại tàu không số, Tìm gặp những chiến sĩ “đoàn tàu không số” của Đình Kính, Thánh ca Truông Bồn của Trần Huy Quang, Về lại Mỹ Á của Đỗ Viết Nghiệm, Bến Vũng Rô của Tô Phương…); viết về cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới (Gần lắm Trường Sa của Nguyễn Tam Mỹ, Trường Sa mùa biển lặng của Lương Ngọc An, Tổ quốc hiện lên sau mỗi cánh buồm, Lời thề Trường Sa của Nguyễn Văn Toàn, Tổ quốc phía mặt trời của Hà Nguyên Huyến, Nằm lại với Hoàng Sa của Phạm Đương…). Đúng như nhận xét của Trần Đăng Khoa, các nhà văn “bằng con chữ mong manh” đã góp phần “cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho quần đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta”[1]. Viết về các tiêu cực xã hội, những mặt trái của cơ chế thị trường cũng là mặt mạnh của phóng sự, bút ký (Tôi đi bán tôi – Huỳnh Dũng Nhân, Tôi đi lắc – Quang Hiệu, Con đường bia bọt – Huỳnh Dũng Nhân, Màng trinh và kim chỉ y khoa – Xuân Ba, Nỗi niềm vỉa hè bệnh viện của Bùi Nguyên Ngọc, Lấy chồng xa xứ của Võ Đắc Danh…). Đồng thời, phóng sự, ký sự cũng kịp thời biểu dương những tập thể, những con người tích cực, góp phần làm giàu và đổi thay đất nước (Đoàn tàu mùa xuân của Lê Đình Cánh, Đặc khu không dưng mà có của Hà Phạm Phú, Âm vang đường Hồ Chí Minh của An Bình Minh, Thành phố bên sông Mã của Kiều Vượng, Đà Nẵng vươn vai của Nguyễn Nhã Tiên…). Cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phóng sự, ký sự, bút ký cũng mở rộng phạm vi phản ánh, viết về các nước anh em, bè bạn (Mùa thu ở đất nước triệu voi của Đỗ Kim Cuông, Thái Lan, Phật trước mắt của Trần Thị Trường, Rumani giao thừa của Võ Khắc Nghiêm, Singapore một lần cho mãi mãi của Vân Long, Ấn Độ những điều nghe và thấy của Hoàng Quốc Hải, Ba lần đến nước Mỹ, Đi một ngày đàng, Nước Nga thu vàng và miên man tuyết trắng của Hà Minh Đức… Bước đầu hình thành nhiều phong cách viết phóng sự, ký sự: Trần Huy Quang thường chú ý đến những con người bị oan khuất, những số phận kém may mắn. Minh Chuyên chú ý đến những vấn đề thời hậu chiến. Nguyễn Bắc Sơn, Bình Nguyên viết phóng sự, bút ký pha du ký. Hà Minh Đức, Nguyễn Quang Sáng kết hợp bút ký, du ký và cả chân dung văn học…

Văn đàn xuất hiện hàng loạt hồi ký của các tướng lĩnh, các nhà văn, nhà thơ, các nhà văn hóa đã đem lại cho bạn đọc nhiều hiểu biết sâu sắc, sinh động, chân thực về xã hội, lịch sử, về đời sống văn học, cả về những nhược điểm, ấu trĩ trong quản lý xã hội, quản lý văn học. Cuộc đời, tiểu sử các nhà văn không chỉ được khắc họa ở mặt tích cực, mặt tốt đẹp mà còn được soi chiếu ở cả mặt trái, mặt khuất lấp. Nổi bật nhất là các hồi ký Cát bụi chân ai (1992), Chiều chiều (1999) của Tô Hoài, Hồi ký (1993) của Nguyễn Hiến Lê, Một thời để mất (1995), Rừng xưa xanh lá (2004) của Bùi Ngọc Tấn, Từ bến Sông Thương (2002) của Anh Thơ, Hồi ký song đôi (1997) của Huy Cận, Nhớ lại một thời (2002) của Tố Hữu… Sự nhìn lại quá khứ một cách chân thực, dũng cảm, cộng với cách viết giàu biểu cảm đã giúp hồi ký chuyển tải những thông điệp đầy ý nghĩa nhân sinh. Không khí cởi mở và dân chủ tạo điều kiện cho nhà văn có thể bộc bạch nhiều sự thật, nhiều nỗi niềm, gửi gắm những trăn trở của cái tôi với tâm thế soi vào quá khứ để hiểu hơn và rút ra những bài học cho hiện tại. Sự thật trong hồi ký không chỉ được soi rọi từ nhiều góc nhìn, mà tâm thế của người viết cũng đa dạng, phức tạp hơn, đúng như nhận xét của Minh Luận: “Có người viết để tái hiện một thời đại với lịch sử và những nhân vật của thời đại đó. Có người viết để suy ngẫm hay độc thoại với chính mình. Có người viết như một sự sám hối, một sự tự kiểm điểm, nhưng cũng có người viết để tôn vinh cá nhân hoặc trả thù một hay những người khác”[2].

Thể loại chân dung văn học cũng đã xuất hiện nhiều cây bút được dư luận chú ý như Nguyễn Đăng Mạnh (Chân dung văn học – 1990, Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách – 2000), Vương Trí Nhàn (Những kiếp hoa dại – 1993, Cây bút đời người – 2002, Ngoài trời lại có trời – 2003, Cánh bướm và hoa hướng dương – 1999), Hà Minh Đức (Vị giáo sư và ẩn sĩ đường – 1996, Tài năng và danh phận – 2014), Trần Đăng Khoa (Chân dung và đối thoại – 1998), Phan Thị Thanh Nhàn (Sự cực đoan đáng yêu – 2010), Nguyễn Quang Lập (Bạn văn – 2011)… Đó là những trang chân thực viết về giới nhà văn, đề cao những đóng góp của họ, đồng thời là tiếng nói tâm huyết với các cấp quản lý văn học nghệ thuật phải nghiêm túc rút ra những sai lầm trong quá khứ, hiểu văn nghệ sĩ và tạo mọi điều kiện để họ sáng tạo tác phẩm.

Thể loại tản văn/tạp văn cũng thực sự khởi sắc và phát triển sôi động. Các tác giả viết tản văn nổi bật có thể kể đến Nguyễn Tuân (Cảnh sắc và hương vị đất nước – 1988), Hoàng Phủ Ngọc Tường (Hoa trái quanh tôi – 1995, Nhàn đàm – 1997, Người ham chơi – 1998, Miền gái đẹp – 2001); Tô Hoài (Tạp bút – 2007, Chuyện cũ Hà Nội – 2007), Nguyễn Ngọc Tư (Tạp văn – 2005, Yêu người ngóng núi – 2009, Gáy người thì lạnh – 2011, Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư – 2013), Nguyễn Việt Hà (Đàn bà uống rượu – 2010, Tạp văn tuyển chọn – 2011), Đỗ Phấn (Hà Nội thì không có tuyết – 2013, Ngẫm ngợi phố phường – 2016, Đi chơi Bờ Hồ – 2018, Bâng quơ một thời Hà Nội – 2018), Y Phương (Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm – 2009, Fừn nèn củi tết – 2016), Nguyễn Quang Thiều (Có một kẻ rời bỏ thành phố – 2012; Mùi của ký ức – 2017)… Tác giả phần lớn là các cây bút viết ký đã thành danh. Nội dung chủ yếu vẫn là đề cao, ngợi ca vẻ đẹp con người, cuộc sống, vẻ đẹp của thiên nhiên ở các vùng quê, phong tục, thú ẩm thực của người Việt… Bên cạnh những đề tài quen thuộc như cuộc sống nông thôn, thành thị, về quyền con người và dân chủ xã hội, về văn hóa, văn học, về gia đình…, tản văn còn hướng đến những đề tài mới: chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, vấn đề toàn cầu hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa…

Một hiện tượng cũng được dư luận chú ý là sự xuất hiện trở lại của nhiều tác phẩm tùy bút – một kiểu tản văn đậm chất trữ tình – được viết bởi các nhà văn trước đây được xem là “có vấn đề”, đang sống và sáng tác ở hải ngoại, do các nhà xuất bản trong nước thực hiện. Có thể kể đến Quê hương tôi (2012) của Tràng Thiên (Võ Phiến), Nxb Thời đại; Tùy bút tuyển chọn (2015) của Du Tử Lê, Nxb Hội Nhà văn. Hai cuốn tùy bút này đều viết về quê hương, đất nước, phong tục, các món ăn… của người Việt với một giọng văn bùi ngùi, đầy chất hoài niệm của những đứa con xa xứ luôn nặng lòng với đất mẹ.

Thể tản văn tuy không thiên về điều tra, phơi bày cụ thể các hiện tượng xã hội như phóng sự, ký sự nhưng lại chứa đựng nhiều cảm xúc, suy tư của người viết trước thực trạng cuộc sống. Tính chiến đấu, phê phán cũng là đặc trưng nổi bật của tản văn. Các nhà văn trăn trở nhiều về những mặt trái của nền kinh tế thị trường đang làm cho sự phát triển xã hội trở nên thực dụng, méo mó; các làng quê êm đềm đang bị tàn phá nặng nề (Ngậm ngùi Hưng Mỹ, Đi qua những cơn bão khô, Ngơ ngác mùa dưa, Chờ đợi những mùa tôm của Nguyễn Ngọc Tư; Đêm Sài Gòn nghe dừa rụng, Nhớ mạ, Giận thì vẫn giận của Dạ Ngân, Làng quê đang biến mất của Tạ Duy Anh… Đời sống phồn tạp, lộn xộn của đô thị cũng đi vào những trang tản văn của Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý, Trần Nhã Thụy. Những vấn đề về đạo đức, lối sống, về văn hóa, giáo dục, y tế cũng được quan tâm nhiều trong tản văn Phan Thị Vàng Anh, Dạ Ngân, Nguyễn Việt Hà…

Ở thể nhật ký, một loạt nhật ký chiến tranh chống Mỹ được sưu tầm phát hiện, tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận bạn đọc và toàn xã hội. Đặc biệt hai cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm (2005) và Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc (2005) với số lượng in lên đến hàng trăm ngàn bản, trở thành những hiện tượng best seller của ngành xuất bản. Các hồi ký này thể hiện sinh động vẻ đẹp đầy chất lý tưởng của một thế hệ thanh niên sẵn sàng chiến đấu, hy sinh tuổi thanh xuân và cả xương máu cho sự nghiệp cứu nước cao cả.

Khoảng từ năm 2000 về sau, sự bùng nổ của du ký thế hệ 8x, 9x có thể xem là hiện tượng đặc biệt của ký. Trong hơn một thập kỉ trở lại đây, cùng với sự phát triển của xu hướng hội nhập quốc tế, truyền thông và mạng xã hội, du ký đang trở thành thể loại văn học có sức hấp dẫn bậc nhất đối với bạn đọc trẻ. Hàng loạt tác phẩm du ký ra đời, đến tay bạn đọc và nhanh chóng trở thành những “hiện tượng” đã chứng tỏ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của loại hình văn học này tới đời sống văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như Ngô Thị Giáng Uyên với Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (2006), Bánh mì thơm, café đắng; Dương Thụy với Venise và những cuộc tình Gondola (2009); Phan Việt với bộ ba tác phẩm trong chuỗi Bất hạnh như một tài sản gồm Một mình ở châu Âu (2012), Xuyên Mỹ, Về nhà (2017); Trương Anh Ngọc với Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (2012), Phút 90++ (2013) và Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (2017); Nguyễn Phương Mai với Tôi là một con lừa (2013); Trần Hùng John với John đi tìm Hùng (2013); Đinh Hằng và hành trình Quá trẻ để chết (2015); Nguyễn Phan Quế Mai với Hạt muối rong chơi… Tất cả họ, một thế hệ nhà văn và người viết trẻ trưởng thành trong bối cảnh đất nước đổi mới, có học thức, bản lĩnh văn hóa và khát vọng dấn thân, đã làm sống lại một thể loại văn học vốn thịnh hành ở Việt Nam cách đây một thế kỉ, vào những năm đầu của thế kỉ XX với tên tuổi của Nguyễn Đôn Phục, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tuân… Trong bối cảnh mới của thế kỷ 21, vẫn là câu chuyện đi và ghi chép trên đường về những điều mắt thấy tai nghe, nhưng du ký đương đại đã được nâng lên ở tầm cao mới với cảm quan nhân loại đặc biệt, điều mà trước đó chỉ hiện hình thấp thoáng trong tư tưởng của những nhà văn ham thích xê dịch và khát vọng thay đổi môi trường sống. Cảm quan nhân loại được biểu hiện rõ nét trong ý thức vươn mình đến những giá trị phổ quát của nhân loại, nỗ lực đưa bản sắc văn hóa dân tộc tiệm cận với những vấn đề mang tính toàn cầu. Hành trình đi để hội nhập, để trở về chính là những đặc điểm nổi bật được phản ánh trong du ký Việt Nam đương đại.

2.2. Ký mở rộng đường biên thể loại và tạo ra những tương tác, giao thoa độc đáo

Ký Việt Nam sau 1975 đã phá vỡ quan niệm thông thường về ranh giới giữa ký và các thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ trữ tình cũng như ranh giới giữa các tiểu loại ký. Giữa ký và truyện, tiểu thuyết thì đúng như Phạm Quang Long nhận xét: “Có thể nói chưa bao giờ sự giao thoa giữa ký với truyện, ký với tiểu thuyết lại rõ nét như thế, trong tường thuật, kể chuyện thật lại đậm chất truyện (được hiểu như là viết văn sáng tạo) như vậy”[3].

Sự thâm nhập của ký vào tiểu thuyết tạo ra xu hướng tiểu thuyết tự truyện, tiểu thuyết tư liệu. Tiểu thuyết tự truyện giai đoạn 1930-1945 đã có những thành tựu nổi bật với Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Sống mòn của Nam Cao, Sống nhờ của Mạnh Phú Tư. Đến giai đoạn sau 1975, tiểu thuyết tự truyện lại sống lại với Thời xa vắng (Lê Lựu), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Tiền định (Đoàn Lê), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải)…

Các tiểu thuyết trên, căn cứ trên cốt truyện, tình tiết, người ta thấy có sự gặp gỡ giữa cuộc đời tác giả và nhân vật chính (hoặc nhân vật trần thuật) như giữa nhà văn Tiệp và Dạ Ngân, cô Chín và Đoàn Lê, Lê Lựu và Giang Minh Sài… Nhà văn có ý thức sử dụng chất liệu cuộc đời mình một cách có chủ ý, nhưng không phải là với mục đích phô trương thân thế, sự nghiệp, tài năng của mình. Cái họ hướng đến là thân phận cá nhân, những bài học đớn đau, những bi kịch mang tính phổ quát của con người. Vì thế, tiểu sử chỉ là vật liệu để nhà văn hư cấu, nhào nặn theo một ý đồ nghệ thuật riêng. Các tiểu thuyết này không còn là câu chuyện của một ai đó mà là câu chuyện của số đông, câu chuyện của con người. Tính chất tích hợp thể loại ở đây đã làm gia tăng sự hấp dẫn, khả năng chuyển tải thông điệp của các tiểu thuyết.

Trong giai đoạn 1945-1975, do sự khuyến khích viết về người tốt, việc tốt, về những người anh hùng, thể loại truyện ký được dịp phát triển, nhưng với sự sàng lọc của thời gian, số tác phẩm để lại ấn tượng với bạn đọc không nhiều (như Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi). Sau 1975, cũng với xu hướng bám sát thực tế, lấy sự thật cuộc sống làm trục chính của tác phẩm, xuất hiện một xu hướng được gọi là “tiểu thuyết tư liệu”, tiểu thuyết “phi hư cấu” (non-fiction). Nếu tiểu thuyết tự truyện thuộc “thể tài đời tư” thì tiểu thuyết tư liệu lại thiên về “thể tài lịch sử” hoặc “thể tài thế sự” (theo cách phân chia của G.N Pospelov). Khá nhiều trong số đó đã tạo được tiếng vang trong dư luận như Ông cố vấn: hồ sơ một điệp viên (Hữu Mai), Ông tướng tình báo và hai bà vợ của Nguyễn Trần Thiết, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Trần Mai Hạnh)… Xu hướng đề cao tư liệu, đề cao sự thật cũng thể hiện khá rõ trong một số tiểu thuyết như Mùa hè giá buốt, Phượng Hoàng (Văn Lê), Trong cơn lốc xoáy (Trầm Hương), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Chuyện lính Tây Nam (Trung sĩ Xuân Tùng), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Trần Mai Hạnh).

Có một bộ phận ký giao thoa với thơ, rất giàu chất thơ. Chúng ta thấy nhiều tác phẩm tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tản văn của Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Quốc, Nguyễn Ngọc Tư… giống như những bài thơ văn xuôi. Chất thơ trước hết thể hiện ở cách cấu tứ tác phẩm. Các tác phẩm tản văn của Nguyễn Quang Thiều có thể quy về các tứ: hoài niệm đồng quê, hoài niệm về các món quà quê, hoài niệm về những người thân yêu, hoài niệm về cái đẹp đã mất…Ngay tiêu đề các bài ký đã thấm đẫm chất thơ: Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Hoa cải rơi không thể cầm lòng?, Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại, Trên xứ sở của những cánh đồng rau dại… Có lúc, để diễn tả cho hết cảm xúc dâng trào của mình, nhà văn dùng kết hợp cả văn xuôi và thơ (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại… (trong tập Mùi của ký ức). Các tản văn của Lê Minh Quốc cũng đan cài tài tình tự sự và trữ tình, văn xuôi và thơ. Tập tản văn tiêu biểu của ông Ngày qua bóng ngày (2018) có một cách viết độc đáo: bắt đầu từ một tứ thơ, đoạn thơ, câu thơ, sau đó là phát triển ý tưởng, bàn luận, suy tư, thỉnh thoảng lại đan xen một vài đoạn thơ, trích dẫn về thơ (Lòng thanh thản lật từng tờ giấy ngoan, Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa, Người đời thử ngẫm mà hay, Nợ tình chưa trả cho ai, Một con ong chết tôi buồn lắm…). Tính chất giao thoa giữa ký và thơ cũng xuất hiện khá đậm ở các sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Y Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Phấn…

Giữa các thể/tiểu loại của ký như tản văn, tạp văn, bút ký, tùy bút cũng có sự tương tác, mở rộng đường biên, có lúc khó phân biệt ranh giới, chẳng hạn trong các tản văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Quốc, Du Tử Lê, Tràng Thiên… Hoàng Phủ Ngọc Tường có kiểu viết bút ký/tùy bút kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều, với vốn kiến thức sâu rộng về triết học, lịch sử, địa lý, văn hóa… Miền đất quen thuộc của ông là xứ Huế, nơi có thiên nhiên thơ mộng, miền hoa thơm cỏ lạ, miền của những cô gái Huế đẹp và lãng mạn khiến lòng người mê đắm. Đặc biệt Hoàng Phủ bị ám ảnh bởi những dòng sông, đặc biệt là dòng sông Hương (Ai đã đặt tên cho dòng sông, Sử thi buồn...). Cũng thường được định danh là tùy bút là các tác phẩm của Tràng Thiên (Võ Phiến) với Quê hương tôi, Du Tử Lê với Tùy bút tuyển chọn. 48 tuỳ bút của Tràng Thiên viết về những sự vật, hiện tượng quen thuộc gắn với văn hóa dân tộc như áo dài, thưởng trà, lễ bái…, về những món ăn dân giã như nước mắm, bánh tráng (bánh đa)… Dưới ngòi bút Tràng Thiên, quê hương, đất nước hiện lên trong vẻ đẹp nên thơ, thiêng liêng, vừa quen, vừa lạ.

2.3. Bút pháp viết ký đa dạng

Trong văn học bút pháp được hiểu như cách viết văn sao cho hay, với những lối viết và phong cách khác nhau, nhằm thể hiện sinh động chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Ký sau 1975 hết sức đa dạng về bút pháp. Các nhà văn có thể kết hợp cả bút ký và hồi ký, hồi ký và du ký, hồi ký và chân dung văn học, có thể xen thêm thư từ, tài liệu, ghi chép, phỏng vấn. Có những tác giả nghiêng về miêu tả sự kiện như cách viết của Nguyên Ngọc, Tô Hoài, Nguyễn Bắc Sơn… Có những tác giả lại nghiêng về trữ tình, bộc lộ cảm xúc người viết như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Thiều, Du Tử Lê, Vân Long… Lại có kiểu viết pha thêm nhiều chất trào lộng, hài hước như cách viết của Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Lập… Có thể tạm phân chia ký với ba loại bút pháp chủ yếu: hiện thực, trữ tình và hài hước, u-mua. Trong phóng sự của Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang, Hoàng Minh Tường, Minh Chuyên…luôn có nhiều chi tiết nóng rẫy chất hiện thực, nhiều khi là hiện thực nghiệt ngã nhất (Cái đêm hôm ấy đêm gì, Lời khai của bị can, Thủ tục để làm người còn sống…). Ký sự, bút ký của Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Bắc Sơn, Hoàng Minh Tường, Hà Minh Đức… cũng giàu bút pháp tả thực. Nguyễn Bắc Sơn viết về nhiều vùng đất đã đi qua, từ vùng núi phía Bắc đến mũi Cà Mau cực Nam; từ đỉnh Hoàng Liên Sơn mây phủ đến Phú Quốc, Côn Đảo quanh năm sóng vỗ. Những trang viết sống động, với nhiều tư liệu, con số được lấy từ lịch sử, từ báo chí, từ điều tra riêng. Hà Minh Đức viết khá chi tiết về nhiều vùng đất, chú ý khai thác vẻ đẹp văn hóa, nhất là những đất nước mà tác giả có dịp đi qua như Hoa Kỳ, Nga, Thái Lan… Hồi ký thường đan xen nhiều loại bút pháp, nhưng trong đó không thể thiếu sự ghi chép một cách chân thực. Tô Hoài viết nhiều, viết kỹ về nhiều mảng hiện thực cả trước và sau cách mạng. Trong Cát bụi chân ai có những trang tả thực đầy xúc động về không khí ngột ngạt những năm 60 của thế kỷ trước thời kỳ chống Nhân văn Giai phẩm. Còn ở Chiều chiều, nhà văn cũng phơi bày chân thực những sự thật, có khi bi hài về các chuyến đi thực tế của các nhà văn, sự thực về những ngày đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, thời kỳ ông làm Trưởng ban đại biểu dân phố với nhiều chi tiết sống động như trong chuyến đi thực tế về Thái Bình, Tô Hoài, Phùng Quán phải đi khắp làng “gắp phân trâu bò”, làm hố phân; chuyện học viên Trường Nguyễn Ái Quốc “mỗi người một mánh một tật”, có ông đi nghỉ hè về muộn vì mải viết kịch bản phim bị kiểm điểm, có ông lập trường sắt đá nhưng âm mưu giết vợ phải ra tòa, có ông mỗi ngày tìm cách “nhón một quả chuối” ở căng tin mà không trả tiền…

Trong tản văn, đặc biệt là tản văn của các cây bút vốn là các nhà thơ thường rất giàu cảm xúc trữ tình, trước hết có thể kể đến Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Minh Quốc… Trong tản văn Y Phương, rất nhiều trang xúc động, chan chứa tình cảm khi ông viết về ngôi nhà sàn của mình, bản làng mình, vùng đất miền núi phía Bắc còn nhiều nghèo khó lạc hậu nhưng cũng là nơi chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa ngàn đời nay. Những con chữ trong tản văn Y Phương luôn thổn thức, phập phồng cùng con người, sự kiện mà ông viết ra bằng tất cả sự gắn bó, yêu thương. Nếu Y Phương thường viết về mảnh đất miền núi phía Bắc thì quê hương quen thuộc trong tản văn của Nguyễn Quang Thiều là vùng đất châu thổ ven con sông Đáy, nơi có một làng quê mà ông thường gọi lên một cách trìu mến trong thơ văn: làng Chùa. Nơi ấy có người bà, người mẹ, người chị, những người dân quê sống nghèo khó nhưng trong tâm hồn họ luôn ẩn chứa một chiều sâu thăm thẳm của tình yêu, tình người đằm thắm. Nơi đó có những bờ đê mướt cỏ, những cánh đồng rau khúc tốt tươi, những món ăn dân dã nhưng ngon hơn tất cả các sơn hào hải vị.

Chân dung văn học của Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn, Phan Thị Thanh Nhàn, Vân Long, Nguyễn Đăng Mạnh… cũng nhiều trang thấm đậm chất trữ tình, nhất là khi nhớ về bè bạn, về quá khứ, những ngày mà giới văn nghệ sĩ chịu nhiều cơ cực, cay đắng nhưng cũng sáng lên nhiều vẻ đẹp của tình người, tình đồng nghiệp. Bùi Ngọc Tấn thường rưng rưng khi nhắc đến bạn bè: “Ba chúng tôi đứng lên. Rời xa bếp. Rét. Chúng tôi lại khoác vai nhau. Vẫn im lặng. Chỉ có tiếng lá khô gió thổi lăn dưới lòng đường, lăn trên vỉa hè” (Viết về bè bạn). Nguyễn Đăng Mạnh trong các chân dung thường kết hợp bút pháp nghiên cứu, khảo cứu với bút pháp trữ tình, nhất là khi nói về bi kịch của các nhà văn. Đây là đoạn ông viết về Nguyên Hồng: “Nguyên Hồng là con người rất dễ xúc động, rất dễ khóc. Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy như thế. Khóc khi nhắc đến nỗi khổ của con người trong xã hội cũ. Khóc khi nghĩ đến công ơn cách mạng. Khóc khi ôn lại những kỷ niệm thắm thiết của mình với bạn bè đồng chí… Nguyên Hồng sống hơn sáu mươi năm, đã viết hơn bốn mươi năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật…” (Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng).

Ký ghi chép, phản ánh sự kiện, con người trong cái nhìn chân thật nhưng không phải là sự tái hiện sự thực thuần túy. Ký về bản chất còn muốn đào sâu vào bản chất sự kiện, đề ra các bài học, các giải pháp. Bút pháp khảo cứu, nghiên cứu thường xuất hiện trong nhiều tiểu loại ký: phóng sự, ký sự, tản văn. Các phóng sự giai đoạn 1930-1945 như Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng, Tôi kéo xe của Tam Lang, Việc làng của Ngô Tất Tố… nổi tiếng là những tác phẩm điều tra, phanh phui những tệ nạn xã hội, phơi bày tình trạng văn hóa, đạo đức thảm hại của con người. Phóng sự sau 1975 cũng xông xáo vào mọi ngõ ngách đời sống, chỉ ra những mảng tối của hiện thực, góp phần đề ra các giải pháp làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Phóng sự của Trần Huy Quang, Hoàng Minh Tường, Minh Chuyên… thường đào sâu vào những phi lý của cơ chế quản lý, của những ứng xử máy móc đã dẫn biết bao con người đến bi kịch. Huỳnh Dũng Nhân – cây bút phóng sự với nhiều tác phẩm có tiếng vang – đã thực hiện hai chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy, lần thứ nhất đi qua 2.000 km của 19 tỉnh thành, lần thứ hai đi qua 3.500 km của 16 tỉnh thành. Ông vừa đi, vừa lấy tư liệu, vừa viết. Phóng sự của ông thường kết hợp việc phản ánh sự kiện với những khám phá, suy tư có chiều sâu. Bút ký của Nguyễn Bắc Sơn, Hà Minh Đức, tạp văn Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tiến… cũng giàu chất khảo cứu. Nguyễn Bắc Sơn, Hà Minh Đức thường đi sâu khám phá nét đẹp riêng về văn hóa, con người nơi mình đi qua, cả trong nước và ngoài nước. Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý, Tạ Duy Anh… thường bám sát những vấn đề thời sự, những vấn đề xã hội nóng hổi, kèm theo những suy tư, phân tích sâu sắc. Nguyễn Ngọc Tiến là một cây bút khá đặc biệt. Ông có 4 tập tản văn viết về Hà Nội: 5678 bước chân quanh Hồ Gươm (2008), Đi dọc Hà Nội (2012), Đi ngang Hà Nội (2012), Đi xuyên Hà Nội (2015). Ông ý thức rằng đã có nhiều cây bút bậc thầy viết tản văn, tùy bút về Hà Nội như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Tô Hoài, Băng Sơn, nên ông chọn một lối đi riêng: lối viết tản văn – khảo cứu, với sự điều tra, tìm hiểu công phu, tỉ mỉ, với các căn cứ, số liệu rõ ràng. Dưới ngòi bút của ông, Hà Nội hiện lên vừa quen vừa lạ, có nhiều điều gây bất ngờ cho độc giả.

  1. Kết luận

Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, thể loại ký có sự bùng nổ về số lượng, góp phần làm sôi động bức tranh văn xuôi đương đại. Những năm đầu Đổi mới, thể phóng sự tạo được nhiều tiếng vang, với các tác phẩm mạnh mẽ tuyên chiến với cái xấu, cái ác, bảo vệ cho những cái mới, cái tốt đẹp đang nảy mầm, hồi sinh. Tiếp đó, nhiều thể ký cũng gặt hái thành công, tạo nên bức tranh đa dạng của thể loại: ký sự, hồi ký, bút ký, tản văn, du ký, chân dung văn học. Cùng với sự phong phú về đề tài, về nội dung, ký sau 1975 cũng có sự đa dạng về hình thức nghệ thuật. Đáng chú ý là sự mở rộng đường biên thể loại, có sự kết hợp, giao thoa độc đáo giữa ký và các thể loại khác như tiểu thuyết, truyện, thơ, cũng như giao thoa ngay trong các thể/ tiểu loại của ký. Nhờ đó mà phạm vi phản ánh hiện thực trong ký được mở rộng, cái tôi nhân chứng, cái tôi tự thể hiện trong ký được bộc lộ với nhiều cảm xúc, nhiều suy tư, trăn trở trên con đường đấu tranh vì hạnh phúc con người, vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

[1] Trần Đăng Khoa, Trường Sa, Hoàng Sa một đề tài lớn, Tạp chí Nhà văn, số 7/2011.

[2] Minh Luận, Viết nhật ký, hồi ký và hai mặt đen trắng, https://thvl.vn/trang-van-nghe/viet-nhat-ky-hoi-ky-va-hai-mat-den-trang, cập nhật 15/04/2008.

[3] Phạm Quang Long (2018), “Những chuyển động ý thức thể loại của ký từ 1986 đến nay”, Lý luận phê bình Văn học-Nghệ thuật, số 1, tr.73-80.