Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), là một nhà thơ lớn của Miền Nam nửa cuối thế kỷ 19, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ. Ông sinh tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định nay là thành phố Hồ Chí Minh. Xuất thân trong gia đình nhà nho, từ bé ông được mẹ nuôi dậy. Lên sáu, bảy tuổi Nguyễn Đình Chiểu theo học ông thầy đồ ở làng sau đó vì binh biến ông được gửi ra Huế sống từ năm mười một đến mười tám tuổi thì trở về Gia Định. Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học để chờ khoa thi nhưng lúc sắp thi thì nhận được tin mẹ mất phải bỏ thi về chịu tang. Trên đường trở về vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả Nguyễn Đình Chiểu bị đau mắt rồi bị mù.
Không khuất phục trước số phận oan nghiệt, ông trở về trường Gia Định dậy học, bốc thuốc, chữa bệnh cho dân và tiếng thơ đồ Chiểu bắt đầu vang khắp miền lục tỉnh. Vào đầu năm 1859, quân Pháp vào Nam đánh phá thành Gia Định, người trí thức yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đứng vững trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ông cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu đánh giặc và sáng tác văn thơ cháy bỏng căm hờn, sôi sục ý chí chiến đấu. Nam Kỳ mất ông ở lại Ba Tri tiếp tục dậy học, bốc thuốc và đem ngòi bút yêu nước của mình ra phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Kỳ suốt 20 năm. Dù đã mù lòa nhưng thực dân Pháp vẫn tìm mọi cách dụ dỗ mua chuộc ông. Ông khẳng khái khước từ tất cả để giữ chọn nghĩa khí.
Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà thơ đầu tiên ở Nam Kỳ sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm, bằng ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu sức gợi cảm và các tác phẩm của ông có sức hút mạnh mẽ người đọc nhất là đối với nhân dân Miền Nam.
Hiện Bảo tàng Văn học Việt Nam đang trưng bày một số tác phẩm quý và hiếm của ông như: Cuốn “Lục Vân Tiên truyện” do Gia Định thành Duy Minh thị đính chính, in năm Nhâm Thân 1872, Quảng Tỉnh, Phật Trấn, Phước Lộc Đại Nhai thiên bửu lầu tàng bản. Cuốn “Lục Vân Tiên” in bằng tiếng Pháp do Dương Quảng Hàm dịch, NXB Alexandre De Rhodes Hà Nội 1944. Cuốn “Lục Vân Tiên” in theo bản của cụ Trương Vĩnh ký- NXB Tân Việt, Sài Gòn 1968…. và nhiều tư liệu quý khác.
Thái Sơn