“Những chiến sĩ của Đảng và kịch “Đại đội trưởng của tôi” – Đào Hồng Cẩm
Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm (1924 – 1995), tên thật Cao Mạnh Tưởng, là Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú và một trong những nhà viết kịch xuất sắc nhất của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Sinh ra tại Hải Phú, Hải Hậu, Nam Định, ông dành cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật sân khấu, để lại nhiều tác phẩm kinh điển phản ánh chân thực tinh thần chiến đấu và những trăn trở của con người trong chiến tranh, như “Trước giờ chiến thắng”, “Chị Nhàn”, “Nổi gió”, “Đại đội trưởng của tôi”…
Năm 1974, Đào Hồng Cẩm viết thành công vở kịch dài sáu cảnh “Đại đội trưởng của tôi”, được coi là đỉnh cao của kịch bản sân khấu thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Với tài năng bậc thầy, ông đã khắc họa sinh động chân dung những người anh hùng quân đội Việt Nam, những con người kiên cường, bất khuất trước mọi khó khăn và hiểm nguy nơi chiến trường. “Đại đội trưởng của tôi” không chỉ là vở kịch nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Đào Hồng Cẩm, mà còn là tác phẩm mang tính biểu tượng, góp phần quan trọng đưa ông đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I).
Tại khu trưng bày của Bảo tàng Văn học Việt Nam, khách tham quan sẽ có dịp chiêm ngưỡng bản “Những chiến sĩ của Đảng và vở kịch Đại đội trưởng của tôi” của kịch tác gia Đào Hồng Cẩm được con trai ông chép lại. Con trai nhà văn Đào Hồng Cẩm đã chép lại rất nhiều những bài viết của cha mình đã được in trên báo. Đây là một tư liệu quý giá, không chỉ phản ánh dấu ấn nghệ thuật đặc sắc của một trong những cây bút kịch tài ba của nền sân khấu cách mạng Việt Nam, mà còn khắc họa rõ nét tinh thần chiến đấu anh hùng và những hy sinh thầm lặng của người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung bài viết cho thấy kịch tác gia Đào Hồng Cẩm đã bộc lộ những xúc cảm sâu sắc khi sáng tác vở kịch này. Ông chia sẻ: “Tôi đã từng viết kịch và kịch tính trong nhiều vở đó đã hấp dẫn tôi khá mạnh. Nhưng đến lần này tôi đã chảy nước mắt khi viết về “Đại đội trưởng của tôi”. Hình ảnh cao quý của người chiến sỹ của Đảng cầm súng trên tuyến đầu Tổ quốc đó làm tôi rung động”. Đó không chỉ là sự cảm động trước những hy sinh của những người lính, mà còn là sự kính trọng sâu sắc đối với họ, những con người kiên cường trên mặt trận và cũng vững vàng trong đời sống thường nhật. Qua các nhân vật trong vở kịch, Đào Hồng Cẩm không chỉ tái hiện chân thực sự hy sinh, đoàn kết và lý tưởng chiến đấu của bộ đội ta mà còn lột tả những tình cảm, tình đồng đội gắn bó giữa các chiến sĩ. Ông viết: “Anh em chiến trường thương nhau vô kể. Đối với tôi, anh em săn sóc từng nắm cơm, góc hầm đến động viên tình cảm.” Những tình cảm chân thành ấy chính là nguồn động lực giúp các chiến sĩ vượt qua mọi thử thách và cũng là hình ảnh mà tác giả đã lựa chọn để thể hiện trong tác phẩm của mình. Đặc biệt, những trải nghiệm thực tế tại chiến trường Quảng Trị, nơi tác giả sống và chiến đấu cùng các chiến sĩ, đã giúp ông thấu hiểu sâu sắc về lòng dũng cảm, sự hy sinh và tình đồng đội vô bờ bến. Đào Hồng Cẩm nhớ lại một kỷ niệm đáng nhớ: “Một lần giữa lúc địch đánh phá, một chiến sĩ trẻ tên là An ôm lấy tôi, anh nói vui “Bố ơi, bố chết đi thì gay lắm, ai viết kịch cho chúng con xem. Bố phải viết kịch bộ đội chúng con đấy”. Những lời nói đầy ắp tình cảm ấy như một lời nhắc nhở, “một yêu cầu, và cũng là một thứ mệnh lệnh” thôi thúc ông viết nên vở kịch này.
Những câu chuyện, hình ảnh trong vở kịch không chỉ là những kỷ niệm, mà còn tái hiện sâu sắc về lòng kiên trung, về lý tưởng chiến đấu không bao giờ lay chuyển của những người chiến sĩ. Đào Hồng Cẩm đã ghi lại những hình ảnh anh hùng ấy, để không chỉ tôn vinh họ, mà còn để chúng ta, thế hệ mai sau, đời đời ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh vì Tổ quốc.