Tầm vóc vĩ nhân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được đánh là vĩ nhân có tầm vóc, tài năng và nhiều đóng góp với lịch sử văn hóa Việt Nam, xứng đáng được UNESCO vinh danh.

Ý kiến được các đại biểu đưa ra trong Hội thảo khoa học Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử Việt Nam thế kỷ 16 tổ chức ngày 22.11 tại Hải Phòng.

Tài năng xuất chúng

Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6.4.1491 âm lịch ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dưới thời vua Lê Thánh Tông – thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ.

Sinh ra trong gia đình có bố mẹ nổi tiếng học rộng, mẹ là con út của quan tiến sĩ thượng thư bộ Hộ triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực và trí lực nên “to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến một tuổi đã nói sõi”, sớm được mẹ dạy sách Kinh, thơ Nôm… Đến tuổi trưởng thành, ông tìm đến bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều (thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay) để tầm sư học đạo.

Dù tài năng xuất chúng nhưng do triều chính đảo điên, xã hội hỗn loạn, ông không vội đi thi. Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quê dạy học rồi tranh thủ đi khắp nơi để học thêm từ thực tiễn. “Ông là hình mẫu của thực học, thực tài, sớm trở thành chuyên gia hàng đầu của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Triết học, Lý học”, giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nói.

Hội thảo khoa học Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử Việt Nam thế kỷ 16 tổ chức sáng 22.11 tại Hải Phòng. Ảnh: Lê Tân

Chính vì vậy, ông được sứ nhà Thanh sau này ca ngợi là “nhà Lý học duy nhất của An Nam”. Nhà bác học Phan Huy Chú thời nhà Nguyễn thì nhận xét ông “hiểu sâu nghĩa lý Kinh dịch, mưa nắng, họa phúc đều biết trước”.

Ông bỏ qua 8 khoa thi liên tiếp, đến khi nhận ra vua Mạc Đăng Doanh là minh quân mới ứng thi để giúp nước. “Điều đó không chỉ biểu thị thái độ của kẻ sĩ với triều đình mà còn thể hiện nhãn quan chính trị, tầm nhìn vể thế sự và thời cuộc của trí thức”, giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nói tại hội thảo.

Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

Suốt 8 năm làm quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, thể hiện phẩm chất một vị quan thanh liêm, có thái độ đầu tranh quyết liệt với tệ tham nhũng, lộng quyền của tầng lớp quan lại thoái hoá biến chất.

“Một lời yên ba họ”

Sau khi Mạc Đăng Doanh qua đời, triều chính suy vi, chính sự hỗn loạn. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sở đòi vua Mạc Phúc Hải trị tội 18 lộng thần nhưng không được quan tâm, ông đã cáo từ quan về quê dạy học.

Tiếng là về ở ẩn nhưng vị cư sĩ thông kinh, bác quyền vẫn không quay lưng với thời cuộc. Ông được cả ba họ đang đấu tranh quyền lực với nhau tin kính và đã đưa ra những lời chỉ dẫn mà Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, danh sỹ cuối thời Lê nhận định là “một lời yên ba họ, sau trước việc đều thông”.

Ông khuyên Nguyễn Hoàng nên tiến về phía Nam để lập nghiệp với câu nói nổi tiếng Hoành sơn một dải, dung thân muôn đời. Lời chỉ dẫn có tầm nhìn chiến lược về vùng đất phía Nam không chỉ để chúa Nguyễn xây dựng đại nghiệp mà còn giúp lãnh thổ Đại Việt được mở rộng gần như gấp đôi.

Với chúa Trịnh, ông nhắc “giữ chùa thờ Phật được ăn oản” với hàm ý không được hạ bệ vua Lê để duy trì tính cân bằng và ổn định của triều đình và đất nước. Khi nhà Mạc suy yếu, ông khuyên vua chạy lên đất Cao Bằng thì có thể duy trì thêm ba đời, thực tế đúng như vậy.

Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được coi là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền biển Đông với câu thơ “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

Người dạy không biết mệt mỏi

Là người có kiến thức uyên thâm nên thành tựu lớn nhất của ông là sự nghiệp giáo dục. Khi về quê nhà, ông cho dựng am Bạch Vân làm nơi tĩnh tâm suy ngẫm thế sự, lập quán Trung Tân để gặp gỡ đàm đạo với tri kỷ đồng thời, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân để dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học bên cạnh sông Hàn. Vì vậy, các môn sinh vì vậy tôn ông là “Tuyết Giang phu tử”.

Nguyễn Bỉnh Khiêm coi trọng đạo lý hơn văn chương, với triết lý hướng ý chí và hành động của người học vào ước muốn cống hiến hết mình cho đất nước.

Ông cho rằng tác dụng cao nhất của giáo dục là cứu nhân độ thế, hướng con người trở về tính thiện nên đã dành nhiều tâm huyết cho việc giáo hóa nhân tâm, dạy học trò rất nhiều về đạo làm người, đạo lý ở đời, sự học, cách học.

Theo các đại biểu tại hội thảo, Nguyễn Bỉnh Khiêm có cuộc đời dạy người không biết mệt mỏi và đã phát hiện, đào tạo được rất nhiều người thành tài, có đóng góp lớn cho đất nước như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ…

Khu di tích Danh nhân Văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngày 18.11. Ảnh: Đàm Thanh

Thời điểm ông cáo quan về quê cũng là lúc tài năng văn chương thực sự được tỏa sáng. Các tác phẩm đặc sắc của Trạng Trình phải kể đến Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập và các tập sấm ký, được người đời đánh giá là lời tiên tri về thế sự sẽ diễn ra trong vòng nửa thiên nhiên kỷ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, hội thảo khoa học là một hoạt động có ý nghĩa, nằm trong chương trình hoạt động của Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. “Kết quả của hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học, những sử liệu tin cậy, góp phần hoàn thiện hồ sơ đề cử, nhìn nhận, đánh giá chuyên sâu hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”, ông Nam nói.

Đến nay, Việt Nam có 7 người được UNESCO vinh danh gồm Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

LÊ TÂN

Theo Vnexpress

Theo nguồn: https://vanvn.vn/tam-voc-vi-nhan-cua-trang-trinh-nguyen-binh-khiem/