“Giữa những gọng kìm” là nhan đề hồi ký của nhà văn Nguyên Hồng viết về thời kỳ hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc những năm 1942 – 1945. Bài được ông viết lại từ tháng 8 năm 1962 đến tháng 6 năm 1963 để đăng trên tạp chí Văn học. Tư liệu hiện được lưu giữ tại bảo tàng Văn học Việt Nam.
“Cuối năm 1941, tôi bị đưa từ trại giam Bắc Mê (Hà Giang) về quản thúc ở thành phố Nam Định, đến tháng 5-1942 thì ra Hải Phòng. Cùng là bị quản thúc nhưng đưa về Hải Phòng tôi thấy nhẹ hẳn người. Nghĩ lại những ngày ở Nam Định vừa qua, tôi càng thêm ngột ngạt…Nhưng tôi ra Hải Phòng chỉ ít lâu rồi cũng thấy tâm trí càng bị đè chĩu, và một sự đau xót vô cùng cứ da diết lấy người.
Cái thành phố công nghiệp và hải cảng quen thuộc của tôi ấy tuy bề mặt có vẻ tấp nập, vui hơn cái thành phố bé nhỏ Nam Định chôn rau cắt rốn của tôi kia, nhưng cả đến cái bề mặt nhếnh nhoáng này rồi cũng để trơ trật ra sự sa sút kiệt cùng của cái bên trong đã ruỗng…Tồi về một xóm lao động cũ sống với gia đình chưa được bao lâu thì phải chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tàn phá của chiến tranh, mà những người phải chịu đựng đều là những bà con anh em chung quanh….
Mặc dầu càng cố cất ngòi bút lên thì ngòi bút chỉ càng quằn xuống, tôi vẫn thấy phải viết. Dù rằng chỉ được viết một phần nào sự thật hay một khía cạnh của phần đó thì tôi cũng cứ phải viết để người đọc phải nghĩ về sự thật và thấy cuộc sống không cho phép mình trốn tránh, vô trách nhiệm, nhẫn tâm đối với chung quanh. Tôi phải viết, đồng thời phải liên lạc với các anh em, các đồng chí, các ngòi bút tiến bộ già trẻ để thôi thúc nhau viết.
Chúng tôi phải giành lấy bạn đọc, lấy quần chúng. Chúng tôi phải đem hết sức mình mà chống lại các sức phản động, phải đem sức mình cùng với các hoạt động của cách mạng làm công việc bóc đi, đập đi những màng những lưới ma mị đen tối mà bọn thống trị cố che phủ lên chân lý. Dù chỉ được cất lên dăm ba tiếng, qua những gọng kìm của đàn áp, để bảo vệ chính nghĩa, để ca ngợi sự tiến hóa, nói bóng gió xa xôi về cách mạng, và thổi thêm cho rực rỡ những ánh tương lai, thì chúng tôi cũng phải cất những tiếng đó lên.
Tờ báo và nhà xuất bản. Đó là hai khí giới chúng tôi phải có trong tay. Chúng tôi phải tìm kiếm người tốt để ra báo cho được, mở nhà xuất bản cho được. Chúng tôi phải tổ chức được người làm “nhân” trong những báo, nhà xuất bản tương đối ít chịu sự chỉ đạo của thống trị lúc bấy giờ. Một mặt khác, trong những nhóm, những cánh văn học nghệ thuật đương chia ra năm bè bảy bút, chúng tôi sẽ tranh thủ lôi kéo những anh em trung thực về với ảnh hưởng của mình. Bằng sự làm việc có một mục đích, một lý tưởng, bằng tư cách với lối sống ngay thẳng trong sạch, bằng tinh thần chiến đấu của những kẻ dám đương đầu với những sức mạnh tàn bạo để giành giữ lấy sự đo chân chính, bằng những quan điểm nghệ thuật vì con người, vì quần chúng, vì dân tộc, bằng những ý chí vươn lên một ngày mai thật là tươi sáng nhân đạo…chúng tôi sẽ tìm đến liên lạc chuyện trò, bàn luận với các anh em. Trong sự hoạt động này, chúng tôi được thêm những anh em cùng đi vào con đường văn học nghệ thuật theo chủ nghĩa Mác rồi thành đồng chí, cùng đứng trong tổ chức chiến đấu dưới lá cờ của Đảng là điều hay nhất. Không thế, cách mạng cũng được những quần chúng có cảm tình, chúng tôi thì được những người bạn nghệ sĩ. Chúng tôi khoác lấy cánh tay họ, không để cho họ ngã vào tay bọn phản động; chúng tôi gây thêm cho họ niềm tự hào của một nghệ sĩ dám đứng thẳng người và cất cao đầu trước bọn thống trị oai quyền tàn bạo và bọn giàu sang hãnh tiến, nhẫn tâm một cách quái gở, đương là chúa xã hội bấy giờ.
….
Muốn chiến đấu và xây dựng nền văn hóa mới ấy của dân tộc, của quần chúng, không thể nào không gắn liền hành động với phong trào cách mạng, phong trào cứu quốc, lúc bấy giờ. Muốn chiến đấu và xây dựng nền văn hóa mới dấy của dân tộc, của quần chúng, không thể nào không có sự soi chiếu của chủ nghĩa Mác-Lênin. Phong trào cứu quốc càng dân cao, những nguyện vọng, nhận thức và quyết tâm kia càng mạnh mẽ, tích cực. Vì vậy chủ trương vẫn là tranh thủ mọi khả năng, mọi điều kiện công khai để tuyên truyền, để tổ chức tập hợp quần chúng, song cần phải xúc tiến ra được báo bí mật làm cơ quan chiến đấu chính thức, trực tiếp và kịp thời của Văn hóa cứu quốc. Chủ trương ấy đã được anh em đồng chí và những quần chúng cảm tình của Văn hóa cứu quốc vui mừng đón nhận như một trong những nghị quyết chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa vậy.
Cơ quan này là báo Tiên phong, ra thành tạp chí. Cái lần tôi bày tập giấy trắng ngồi viết gần bực cửa dưới hàng hiên của ngôi nhà cũ ở quê hương thành phố Nam Định sau hơn hai năm tôi ở tù và ở trại giam về, tôi đã nghẹn ngào nao nức không sao viết được ngay. Lần này tôi cũng trở lại những cảm xúc ấy khi chuẩn bị bài cho tạp chí Tiên phong mà địa điểm tôi được ngồi viết lại ở ngay một cơ quan. Đây là nhà xuất bản của một đồng chí trong Văn hóa cứu quốc: nhà xuất bản Mới của đồng chí Trần Văn Tấn. Mới đã in được một cuốn của đồng chí Đặng Thai Mai dịch tạp văn của Trung Quốc, và một truyện vừa của tôi: truyện “Ngọn lửa”. Cơ quan ở đường bờ sông Hà Nội, có một gác xép có lối cổng hậu ăn ra một ngõ hẻm ở phố đằng sau. Tôi vẫn đi lấy “Cứu quốc”, “Cờ Giải phóng”, “Độc lập” và các tài liệu đem về đây, phân phối cho những tổ, những anh em và quần chúng Văn hóa cứu quốc. Tôi một mình một bàn rộng một gian gác vắng ngồi viết truyện ngắn: truyện “Một buổi chiều xám” mà một số sự việc, cảnh tượng, và tình ý đã do đồng chí Như Phong gợi ra.
Vào khoảng giữa tháng 5-1945.
Những tin chiến thắng dồn dập của hồng quân Liên Xô đang tiến hành về Bá Linh như bão lửa…Những tin chiến thắng của các trận đánh du kích ở căn cứ địa Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên liên tiếp dội về Hà Nội và các tỉnh đồng bằng…Những tin phá kho thóc, chia thóc cho nông dân, những tin tước khí giới của các đồn các huyện tới tấp để về Hà Nội và tràn đi các làng các chợ. Những gạch chéo, những ngôi sao đánh dấu trên các vùng giải phóng cứ ngày một mở rộng, trên bản đồ Bắc Bộ in ở báo “Cứu quốc”…Trên các đường số 1, số 5 và đường các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, nông dân nghèo đói còn sống sót sau trận đói giết hại hàng hai triệu người đã lũ lượt trở về quê hương làng mạc gặt hái cày cấy và tham gia phong trào cứu quốc. Cả Hà Nội âm ỉ, rần rật, nung nấu…Con sông Hồng ở bên kia đường trước cửa nhà tôi ngồi viết cuồn cuộn ì ầm phù sa nước lũ. Chiều chiều trên các đỉnh Tam Đảo, Ba Vì mây trắng lung linh, rực rỡ, vang âm như có cờ bầy, quân trẩy, súng dậy, ngựa reo… Hà Nội càng như một ngọn núi lửa rình phụt…
“Buổi chiều xám” của tôi viết một lần, rồi hai lần, rồi ba lần bản thảo. Tôi tung hoành ngọn bút như chưa bao giờ được như thế. Lần chép sạch sẽ cuối cùng để gửi “Buổi chiều xám” đăng lên “Tiên phong”, tôi không ứa nước mắt như những năm tôi bắt đầu vào đời văn, khi xong những truyện ngắn, tiểu thuyết mà tôi đặt hết kỳ vọng của mình vào.
Nhưng mà nước mắt vẫn vỡ ra ở trong lòng. Tôi vừa nghe thấy nước mắt rỉ mặn trong người vừa cất thầm lên những tiếng hát, vừa nghe dội lại rùng rùng, vang chuyển không biết bao nhiêu tiếng hát…”
BTVHVN