Một buổi “Loạn đàm”

“Một buổi Loạn đàm” là bài viết của nhà viết kịch Bửu Tiến kể lại kỷ niệm về một buổi nói chuyện giữa ông Nguyễn Sơn và nhà văn Đặng Thai Mai bàn việc lập các lớp bồi dưỡng Văn nghệ liên khu VI, làng Quần Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp (1947-1954).
Nhà văn Đặng Thai Mai giảng dạy tại Quần Tín, Thanh Hóa.

“Một khóa bồi dưỡng văn nghệ khu?” – Nguyễn Sơn mồm không rời điếu thuốc lá thơm Phillip Morris, nhướn đôi lông mày rậm, nhắc lại câu nói của thầy Mai.

Hồi đó, Chính phủ chưa phong tướng cho ông. Nhưng, nhân dân khu IV đã truyền tụng với nhau nhiều giai thoại về ông, một trong số người đã tham gia cuộc vạn lý trường chinh của hồng quân Trung Quốc, ngày ra đi 72 vạn người, sau 10 năm trở về còn lại 7 vạn hai, đã đánh nhau hàng trăm trận với quân Tưởng, và đã trở về. “Thằng này đã trở về” – ông thường tự hào nhắc lại câu nói đó – trái với lời thơ xưa: “Xưa nay chiến trận mấy ai về!”. Ông có tài hùng biện, diễn thuyết trước đám đông ba, bốn giờ đồng hồ liên tục, liên tục hút thuốc lá thơm, thỉnh thoảng chêm những mẩu chuyện vui, bên cạnh những mẩu chuyện vui, bên cạnh những mẩu chuyện chiến đấu dũng cảm, gây những chuỗi cười rộ trong người nghe khiến quên cả thời gian tràng giang đại hải.
Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân của ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh tự do đã tự hào về vị khu trưởng quân sự mà họ phong tướng “văn, võ khiêm toàn”, mà họ ví với Từ Hải vì nước da bánh mật và bộ mặt “râu hùm, hàm én, mày ngài” của ông.
Võ có ông, văn có giáo sư Đặng Thai Mai, đã từng ở tù chính trị thời Pháp thuộc, đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sau đây trở thành bạn chiến đấu.
“Lúc Quốc học, lúc Thăng Long, dạy nghĩa đồng bào trong tiếng quốc kêu khắc khoải.
Khu khu Tư, khi Việt Bắc, khuyên tình đống chí dưới cờ sao dậy xôn xao…”
Lớp nhà văn kháng chiến liên khu IV tại Quần Tín, Thanh Hóa năm 1948
Hôm đó, thầy Mai đến bàn với khu trưởng khu Bốn về việc một khóa bồi dưỡng văn nghệ khu…Nguyễn Sơn rít một hơi thuốc dài và nói tiếp.
– Về mặt “đấm đá”, mình có thể cam đoan với các ông là thực dân Pháp không có đủ sức nống ra ba tỉnh tự do này. Vừa qua, chúng tập trung quân nhẩy dù xuống chiến khu Thừa Thiên. Anh Lâu đã đón tiếp chúng bằng một bãi mìn trước mặt chiến khu. Hơn 300 tên nằm lại trên đó! Hiện chúng không đủ quân bảo vệ những đồn đóng ở đồng bằng Bình Trị Thiên. Du kích đã bắt đầu hoạt động mạnh. Trận Đông Dương tháng trước, tuy chỉ diệt được 11 bảo vệ quân trong trận càn đồng bằng Quảng Trị, nhưng là trận mở màn cho phong trào du kích đang lên, níu giữ từng tấc đất, chống càn của giặc. Chúng không còn ngang nhiên đi lại, như vào chỗ không người được nữa. Trong đó, bộ ba Nguyễn Chí Thanh, Trần Quý Hai, Hà Văn Lâu làm ăn rất khá. Có cơ phát đạt. Bọn mình ngoài này cũng đang chuẩn bị một đợt rèn cán chỉnh quân, gửi quân vào tiếp sức với trong đó. Giặc càn đến đâu, du kích đánh đó. Hăng đấy! Nhưng chưa có quy củ, bài bản gì cả. Cũng như tuyên truyền. Xông xáo đấy! Nhưng chỉ có thuộc lòng bài ba giai đoạn của Hải Triều mà thôi! Khô như ngói rang. Phải có bài bản.
Khóa hồi dưỡng văn nghệ khu này, theo mình hiểu, cũng là một kiểu “rèn cán chỉnh quân” bên văn đó. Phải có mầu sắc văn nghệ vào tuyên truyền mới uyển chuyển, sinh động, êm nhẹ vào lòng người cứ như không. Điều kiện cho phép, tình thế đang cần, các ông cứ việc “rèn cán chỉnh quân” của các ông đi!
Thầy Mai tủm tỉm:
– Vậy mới phải bàn với anh. “Cán” của chúng tôi nằm trong quân đội của anh khá nhiều: văn; Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Lạp: họa; Nguyễn Văn Ty, Sỹ Ngọc: kịch; Chu Ngọc, Bửu Tiến…
Nguyễn Sơn tiếp:
– Bên Hải Triều cũng có một số: văn; Bùi Hiển: nhạc; Nguyễn Văn Thương…về lý luận Mác – xít, anh sẵn có Đào Duy Anh, Trương Tửu…Tập trung cả lại, có thể có một khung giảng viên mạnh đấy!
Nguyễn Sơn quay sang Bửu Tiến là tôi, lúc bấy giờ là một “thực khách” của ông đang ngồi chầu hẫu nghe chuyện:
– Ví dụ: “Mệ” đây có thể phụ trách môn sân khấu, dạy cho thanh niên làm kịch.
Tôi mỉm cười:
– Sân khấu là cả một biển mênh mông…Tôi chỉ biết “tôtô” năm, ba sải nước gần bờ. Anh “đề bạt mạng” giảng viên cho chết tôi à.
Thầy Mai nhìn tôi, cười rất hóm:
– Toa chẳng phải đã diễn kịch Lôi Vũ? Thời gian dạy học tư ở Huế, đã diễn một số kịch Pháp? Đã viết một số kịch ngắn? Không có một chút kinh nghiệm gì sân khấu ư? Toa không nhớ gì về môn sân khấu đã học ở trường ừ?
– Đã xa xôi lắm rồi, thầy ạ! Và tôi buột mồm đọc lên hai câu về sân khấu cổ điển Pháp.
“Qu’en un lieu, en un jour, une action accomplie
Tienne jusqu’à la fin le théâtre rempli’’
Thầy Mai phút chốc trở lại ông giáo văn ở Quốc học ngày trước:
– C’est du Boileau. Bien!
Ce que l’on concoit bien s’énonce clairement
Et les mots pour le dire arrivent aisément.
– C’est du Boileau ausii!
Nguyễn Sơn cười ngặt nghẽo:
– Thầy khen trò: ‘‘Bien!’’, trò khen thầy ‘‘Bien!’’ Toàn giọng thực dân! Vậy sân khấu Việt Nam, tuồng, chèo, cải lương, ‘‘Mệ’’ có biết gì không. Hay là mất gốc rồi?
– Từ nhỏ, tôi đã được xem tuồng cung đình, ngồi trong sân ông nội. Chòm râu giăng một tấm màn tơ trước mắt, phải vén râu ông lên, mới xem rõ sân khấu. Ấn tượng để lại ngày nay là hình ảnh Hồ Nguyệt Cô quằn quại trên sân khấu, sau khi bị Tiết Giao ‘‘đoạt ngọc’’, kết quả của ngàn năm tu luyện từ con cáo trở thành con người.
‘‘Uổng ngàn năm thâu góp báu càn khôn
Sẩy một phút, tan tành trường phong nguyệt’’
Nguyễn Sơn hể hả:
– Bài học cảnh giác cho cán bộ cách mạng đấy.
– Hồi ba tôi ngồi làm quan ở đất Thanh Hóa này, tôi đã được xem chèo vài lần. Ấn tượng để lại là lời bông phèng của tên hề đồng Từ Thức, tả chân cô tiêng Giáng Hương, người tình mơ ước của chủ: ‘‘tiên trước ngực ‘‘lù lù’’ hai bàn bốc’’. Từ Thức ngạc nhiên: ‘‘Sao mầy gọi là bàn bốc’’. Hề cười toe toét: ‘‘Thế khi thầy đùa với cô tiên, thấy lấy đũa thầy gắp à ? Thầy phải bốc tay chứ’’.
Nguyễn Sơn lại cười ngặt nghèo :
– Trí tuệ dân gian đấy ! Thông minh lắm! Hiện thực trần trụi, không có mỹ từ nào, không có vòng vèo nào che giấu được. Nhưng văn nghệ không phải luôn luôn thẳng thừng như thế. Khi bóng bẩy: “Uổng ngàn năm thâu góp báu càn không”. Khi thẳng thừng: “Trước ngực cô tiên hai bàn bốc…” vấn đề là đúng chỗ, đúng lúc…không nói đến Boileau nào xa xôi, cứ Hồ Nguyệt Cô, cứ bàn bốc, cứ “Từ đưa phu tướng, bao kiếm sắc phong lên đường” mà giảng! Sân khấu dân tộc đó! Bơi “tôtô” cũng bị sặc nước như thường. Nhưng giảng viên cũng tập bơi thêm với học viên, từ “tôtô” sang brasse, sang crawl, càng xa, càng tốt. Cũng là một dịp để soát lại cái vốn hiểu biết của mình. Thấy còn ít, thì học thêm, cùng với học viên, học thực tế, học kinh nghiệm, học sách vở…Giảng chỉ là nói chuyện, là trao đổi với học viên. Biết một, nói một, chủ yếu là kinh nghiệm của bản thân đã làm. Đừng phiêu lưu vào cái chưa biết, không biết! Thực sự cầu thị. Thành tâm trao lại cho thanh niên cái vốn hiểu biết của mình, dù còn rất ít ỏi so với cái biển mênh mông của văn nghệ, lắm luồng lạch, nổi chìm. Phiêu lưu dễ chết chìm lắm…
Anh bỗng quay sang thầy Mai: “Các anh còn cái ông làm thơ “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” nữa kia mà!” Thầy Mai: “Xuân Sanh! Anh mới về nước mà cũng chịu khó đọc nhỉ?” Nguyễn Sơn “Cái dạo mình phải giấu mặt mấy thằng Tầu vàng, theo lệnh ông Cụ, nằm bẹp dí một chỗ, và xa nước lâu ngày, nhớ nước quá, nên cứ vớ được sách nào, đọc sách ấy: chỉ văn nghệ mới phản ánh được bộ mặt của một đất nước, nên đọc bạt mạng, độc ngấu nghiến, đọc “Đáy đĩa”…cũng như đọc: “Hương thời gian thanh thanh – Màu thời gian tím ngát”.
– Thầy Mai: “Đoàn Phú Tứ! Anh có hiểu loại thơ đó nói gì không?” Nguyễn Sơn tỉnh bơ: “Không! Dùi đục chấm nước cáy như mình làm sao hiểu nổi những cái vẹo của thứ văn nghệ “hũ nút” đó được! Không hiểu nhưng cứ nhớ nhớ: nó thanh thoát, nó lâng lâng, như khi nhìn áng mây trôi, khi ngắm dòng nước chảy. Nói gì với mình, cụ thể? Không hiểu nổi. Nhưng nó lung linh như một khúc nhạc thiều, nó chập chờn như một bóng Liễu Trai!”
Rồi bỗng nhiên anh nhảy cẫng: “À! Cái nhóm Dạ Đài đó có đi kháng chiến không?” Thầy mai: “Hiện họ đang ở khu Ba!” Nguyễn Sơn: “Cái anh chàng “Ba mươi năm trên vai mà trống không bình sinh” đó, nay với cách mạng, đã thấy cái to lớn của dân tộc, có lấp được cái trống không bình sinh đó chưa?” Thầy Mai: “Vũ Hoàng Chương đang ở trên khu Ba!” Nguyễn Sơn: “Rủ về đây! Vực dậy mà đánh thực dân! Này, cái chính sách Liên hiệp của ông Cụ, hay tuyệt đấy!
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công!”
Cái ông “Mầu thời gian tím ngát” đó đã vào Quốc hội phải không? Đoàn kết với ông “Mầu thời gian”, đoàn kết với ông “Lá vàng bay ngổn ngang”, đoàn kết với ông “Bướm trắng”. Rủ về! Cách mạng chứa được tất cả! Mỗi người một tính, một nết, miễn đống ý chung một điểm: Đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho nước nhà. Chưa đồng ý rồi sẽ đồng ý…Cái “Mệ” Hoàng gia ngồi đây (chỉ Bửu Tiến) là hiện thân của chính sách Liên hiệp của ông Cụ. Đoàn kết thực sự, chân thành từ đáy lòng của người cộng sản Việt Nam! Đừng ai dại dột nghĩ rằng đó chỉ là chiến thuật trong một giai đoạn ngắn, mà là cả một chiến lược lâu dài, trong công cuộc giành độc lập còn khá lâu dài gian khổ…trong công cuộc xây dựng đất nước sau đó, một nước Việt nam dân giàu, nước mạnh, đứng ngang hàng các nước trên thế giới, còn lâu dài, gian khổ hơn nữa. Hiểu đó là chiến thuật, là bá đạo! Hiểu đó là chiến lược, là vương đạo! Phân biệt “cách mạng thực” và cách mạng giả là ở điểm mấu chốt này. Lịch sử lâu dài đã chứng minh cái quy luật vĩnh cửu đó Đinh, Lê, Lý Trần, Lê, Nguyễn…”
Thầy Mai tủm tỉm: “Chúng ta loạn đàm rồi! Ông Cụ đã giễu cách nói trang giang đại hải của một số cán bộ, một khi lên bục nói say sưa, giây cà ra giây muống, đến nỗi không biết rời bục bằng cách nào nữa”! Nguyễn Sơn đấm vào vai thầy, nắm đấm của Từ Hải vào vai một Kim Trọng về già! Thầy Mai nhăn mặt, lùi ghế ra xa. Nguyễn Sơn: “Anh phê bình lối nói trang giang đại hải của tôi, dẫn đi quá xa vấn đề! Tiếp thu! Tiếp thu! Nào, ta trở lui: Khóa bồi dưỡng văn nghệ khu…”
Thầy Mai đưa bàn tay sờ vai: “Tiếp thu kiểu đó cũng đau cho người phê bình!” Và họ cười hẻ hả với nhau. Đồng hồ gõ 11 tiếng. Kết luận đến rất nhanh: Lớp bồi dường văn nghệ khu Bốn đã được quyết định”.
Bài được nhà viết kịch Bửu Tiến viết vào năm 1992, nhân kỷ niệm 45 năm các khóa văn nghệ kháng chiến liên khu IV. Đặc biệt, bài được viết ra trước vài ngày khi ông ngã bệnh, nhập viện và từ trần. Tư liệu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
BTVHVN