*Duyên tình bạn:
Một tình bạn mà tôi được chứng kiến từ lúc còn nhỏ và để lại dấu ấn sâu đậm trong kí ức của tôi đó là tình bạn giữa cha tôi- nhà thơ Quang Dũng- và nhà thơ Trần Lê Văn, “Tình bạn nhân đôi niềm vui và chia sẻ nỗi buồn” là câu danh ngôn về tình bạn mà tôi rất thích và cũng rất đúng với tình bạn của hai nhà thơ.
Nhà thơ Trần Lê Văn (chúng tôi vẫn gọi là bác Văn) và cha tôi gặp nhau vào khoảng cuối năm 1948, lúc đó cha tôi là cộng tác viên cho báo Công dân (Tờ báo có bác Văn đang tham gia). Năm 1951, hai ông cùng nhau dạy học ở trường dân lập cấp III Tống Duy Tân ở Rừng Thông, thuộc huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Bác Văn dạy môn văn sử còn cha tôi được phân công dạy môn vạn vật. Thời gian đó cha tôi về ở chung nhà với gia đình bác Văn và hai người đã trở thành bạn thân thiết của nhau. Cha tôi đã vẽ một bức tranh cô gái Thái bên suối (cảm hứng từ người vợ bác Văn là dân tộc Thái). Hai ông còn hay dừng chân ở cầu Thiều (trên đường Rừng Thông- Quán Giắt) đọc tác phẩm của mình và nghe tác phẩm của bạn, cha tôi còn là người bạn lớn vui tính, hóm hỉnh yêu thương các con của bác Văn từ khi chúng còn rất nhỏ… đó cũng là những kỉ niệm ban đầu tình bạn giữa hai ông mà sau này tôi mới được biết.
Những năm gia đình tôi ở 296 phố Bà Triệu, Hà Nội là thời gian tôi được gặp, nói chuyện với bác Văn nhiều nhất. Bác Văn và cha tôi hiếm ngày nào không gặp nhau, dù bận rộn đến đâu cũng cần tìm đến nhau hàng ngày để chuyện trò tâm sự, lúc chỉ có hai ông, lúc cùng với vài ba người bạn khác. Có lúc bác Văn chỉ chạy đến nhà tôi, gặp bạn rồi lại về ngay, quyến luyến đến lúc về vẫn chưa muốn chia tay, lại đứng nói chuyện một hồi ở nhà thương đau mắt trên phố Bà Triệu (bệnh viện mắt Trung ương bây giờ) rồi mới trở về nhà trên phố Hàm Long. Tôi quen cả tiếng hắng giọng, tiếng ho và bước chân của bác Văn khi lên cầu thang nhà tôi. Hai người chia sẻ với nhau từ củ khoai lang luộc, đĩa lạc luộc, vài quả chuối tiêu…cho đến những nỗi niềm cuộc sống riêng tư, đủ cả vui, buồn, mừng, giận… Trong quãng thời gian lận đận khốn khó nhất của cả hai ông thì vẫn thấy nhiều tiếng cười lạc quan giữa các câu chuyện, hai ông san sẻ, động viên nhau cả một quãng thời gian dài.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Nguyên đán, vào sáng mồng Một, bác Văn là người đầu tiên đến “xông” nhà tôi. Cha tôi thường dậy thật sớm, tập luyện, giúp mợ tôi mấy việc nhà rồi ông pha sẵn ấm chè ngon, sửa soạn một góc xuân với bình hoa đào phai đặt trên chiếc ghế đẩu bọc giấy đỏ, bên cạnh một đĩa bày ngũ quả sắc màu rực rỡ. Cha tôi và cả nhà chờ đón bác Văn đến chúc tết, bác cười rất tươi, vừa chúc mừng vừa nói vài câu hài hước làm cho cả nhà cười vui. Như thường lệ, bác Văn mừng tuổi mỗi người trong nhà một phong giấy đỏ trong đó có tí tiền lấy may. Riêng bọn trẻ chúng tôi được những phong giấy đỏ trong có những viên kẹo trứng chim xanh, đỏ, tím, vàng. Những thời khắc hạnh phúc đó theo tôi đến bây giờ.
*Trọn nghĩa vẹn tình với bạn:
Năm 1984, khi cha tôi bị tai biến, bác Văn lo lắng và thương bạn, chạy đôn chạy đáo nhờ vả người em trai bác là giám đốc bệnh viện E tiếp nhận cha tôi nằm viện điều trị (vì lúc đó cha tôi không có tiêu chuẩn vào bệnh viện gần nhà, nhiều tiện nghi và phương tiện chữa bệnh hơn). Quãng đường từ nhà tôi ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ lên Bệnh viện E hơn 10 kilomét, chị em tôi vừa đi làm vừa thay nhau đạp xe đi về trông nom bố rất vất vả (lúc đó tôi đang dạy học ở Thanh Trì). Trong suốt bốn năm trời cha tôi bạo bệnh phải nằm liệt giường, không biết bao nhiêu lần bác Văn đi lại thăm hỏi trò chuyện với cha tôi, báo tin tình hình sức khỏe của cha tôi đến bạn bè thân thiết gần xa quý mến ông.
Ngoài tập thơ “Rừng biển quê hương” in chung với bác Trần Lê Văn năm 1957 thì gần 30 năm sau, cha tôi chưa ra thêm tập thơ nào. Bác Văn cho đó là điều đáng tiếc đối với tác giả bài thơ Tây Tiến, từ lâu đã có chỗ đứng vững vàng trong lịch sử văn học cách mạng Việt Nam. Bác đã thay cha tôi tập hợp, tuyển chọn và hoàn thành bản thảo tập thơ Mây đầu ô (NXB Tác phẩm mới- 1986), một công việc mà bác Văn từng thốt lên: “Như người ta sưu tầm những di cảo di vật của người đời xưa”, do cha tôi không để tâm đến việc lưu giữ và xuất bản tác phẩm của mình. Được thấy tập thơ đầu tiên được in riêng, cha tôi rất vui. Ông chứng kiến mấy người bạn thân thiết đến nhà chia vui cùng ông nhưng đã không thể kí tặng tập thơ cho bạn. Sau thời gian bệnh trở nặng, cha tôi mất ngày 13 tháng10 năm 1988 tại nhà riêng. Từ chiều hôm ấy, bác Văn có mặt bên cha tôi cùng mấy người thân, họ hàng, làng xóm, lúc lâm chung, ánh mắt cuối cùng của cha tôi sau một lượt nhìn tất cả, dừng lại ở bác Văn. Sau một thời gian dài bị liệt, cha tôi không nói được nữa, thế mà vào phút chót ông còn cố gắng cất lên giọng trầm đục, nói hơi rõ được hai tiếng: “Ông Văn”!
Sau khi cha tôi mất, cũng là bác Văn viết lời điếu đọc trong lễ tang của cha tôi. Điếu văn có đoạn: “Xưa nay những nghệ sỹ tài năng dù có sống đến trăm tuổi vẫn là quá ít đối với người đời, vẫn là những con chim sơn tiêu bay qua rừng cây, rừng người rồi bay đi mất. Chim hiếm quý có gửi lại một cánh lông rực đẹp cũng là đáng quý”.
Rồi một năm sau, nhân ngày giỗ đầu của cha tôi, bác Văn cùng những người bạn văn của ông tổ chức một buổi tưởng niệm tại thư viện Hà Nội, khán phòng chật kín bạn bè và người yêu thơ Quang Dũng. Nhiều bài viết, bài phát biểu về cuộc đời và tác phẩm của cha tôi tại buổi tưởng niệm đã thực sự gây xúc động.
Trong cuốn “Trần Lê Văn, những chặng đời, những chặng thơ”, có hai bài thơ bác Văn viết tặng cha tôi ở những thời gian khác nhau, bài thơ “Bức tranh- thơ bạn” viết khi được cha tôi tặng bác bức tranh, có đoạn: “Cây cỏ gửi anh lời thắm thiết/ Nói bằng câu chữ nói bằng tranh/ Những ngày bận rộn không tìm gặp/ Cứ ngó lên tường cũng thấy anh” (1982)- và bài “Trên giường bệnh anh cười” bác Văn viết năm 1986 khi cha tôi đang nằm bệnh viện E, bài thơ có đoạn: “Cười như thuở hài nhi/ Bắt đầu được mụ dạy/ Bắt đầu biết ngó nghênh/ Vào kiếp người từ đấy/ Anh dồn sức giơ tay/ Cho bạn bè nắm chặt/ Kéo trở về nhân gian/ Có nhau giờ họp mặt/ Cũng cứ nên trở về/ Bởi còn nhiều đùm bọc/ Trên giường bệnh anh cười/ Sao tôi mừng, muốn khóc”.
Nói về tình bạn với cha tôi, bác Văn viết: “Chúng tôi học tập lẫn nhau và người này tìm thấy ở người kia cái gì có thể bổ sung cho mình, Quang Dũng ưa ở tôi sự cần mẫn, tôi ưa ở Quang Dũng sự phiêu diêu”- tr 445. “Nói về phận sự thì có một mặt tôi tự cho là “được”, đó là trọn nghĩa vẹn tình với một người bạn. Người đó là Quang Dũng”- tr 232.
Cả cha tôi và bác Văn, hai người cha mà tôi luôn yêu thương, kính trọng giờ đã phiêu du ở một cõi xa vời nhưng tình bạn đẹp thắm thiết của hai ông sẽ còn mãi.
Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2024
Bùi Phương Thảo