Tiểu thuyết “Bỉ vỏ” tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng được viết trong những năm 1935-1936, giải thưởng Tự Lực văn đoàn năm 1937 và xuất bản lần đầu năm 1938. Tác phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp văn chương của ông. Tháng 3-1938, khi cuốn sách được xuất bản lần đầu, nhà văn Nguyên Hồng đã chia sẻ cùng bạn đọc, quá trình hình thành và ra đời của tiểu thuyết “Bỉ vỏ”.
“Năm ấy tôi mười sáu tuổi, hết hạn tù, được tha. Mẹ tôi lên tận nhà giam tôi, đón tôi. Nhưng chúng tôi không về Nam Định – quê hương của chúng tôi – mà dắt nhau ra Hải Phòng.
Khi tôi đi tù, đoạn tang cha tôi, mẹ tôi bước đi một bước nữa. Nên lúc rời bỏ cái tỉnh đã chứng kiến bao nhiêu việc không hay kế tiếp phá tan gia đình tôi, sự ngậm ngùi của mẹ tôi bắt tôi nghĩ đến lòng héo hắt của một người đàn bà đã cải giá trước sự khi bỉ, rẻ dúng của họ hàng nhà chồng và trước sự ghê tởm của mọi người quen biết đối với con mình, mới một dúm tuổi mà đã trải hết lao này sang lao khác.
Hôm đó, trời thu trong và sáng. Con tàu chở chúng tôi lướt trên một dòng sông lặng lẽ giữa những đồng ruộng xanh bát ngát.
Ra Hải Phòng chúng tôi càng khổ sở. Trông vào vài hào làm vốn buôn trầu cau, mẹ con tôi được bữa sớm bữa tối. Lắm phen, luôn mấy hôm, chỉ một bữa cháo lót lòng.
Bao nhiêu ngày tháng, bị câu thúc thân thể và phải làm những việc bẩn thỉu, nặng nhọc quá sức mình, tôi tưởng khi thoát khỏi cảnh tù tội đày ải ấy sẽ sống no ấm…ngờ đâu! Vì thế xác thịt tôi dần suy nhược; ôm cái ngực thỉnh thoảng đau nhói lên, tôi cảm thấy đời tôi đã bị rút ngắn đi và một ngày rất gần kia sẽ hết. Chết! Mỗi lần cái chữ đen tối khủng bố ấy hiện ra, tôi thấy sao mà chung quanh tôi sự vật gì cũng sáng sủa, tươi đẹp thế! Hết thảy đều kêu gọi lòng ham sống của tôi.
Tôi chết đi, mới mười sau tuổi đầu, sẽ làm cho mẹ tôi đau đớn biết chừng nào. Và trong cái phút cuối cùng của một đời sớm tắt ấy, tôi sẽ quằn quại như con bướm non bị hai ngón tay dữ tợn kẹp chặt vừa lúc nó mới đánh thấy mùi nhị hoa thơm ngát.
Những lúc lo sợ, bối rối, đau đớn quá, trong tâm trí người ta hay nẩy ra những ước muốn khác thường. Tôi, tôi muốn có một cái gì để mãi mãi an ủi mẹ tôi và để tỏ lòng tôi mến tiếc và thương nhớ những người và vật đã làm tôi vui thích đến say mê. Nghĩa là tôi phải để lại một cái gì tinh khiết nhất của hồn và xác tôi cho cõi đời mà tôi yêu mến.
Ý nghĩa viết về tiểu thuyết thụ thai trong trí tưởng tượng tôi mỗi ngày một mạnh mẽ thêm, lan rộng mãi ra. Khi ăn, khi chơi, khi ngủ…lúc nào tôi cũng nghĩ đến viết. Ở nhà, ngoài đường, trên vỉa hè, ở ghế vườn hoa, dưới gốc cây, bờ sông bến tàu, đâu đâu cũng là chỗ tôi mơ tưởng đến viết. Có một xu một trinh nào tôi cũng mua giấy để viết. Không có tiền mua sách, báo, tôi cố đón đọc những báo hàng ngày ở phòng đọc báo của một hội ái hữu kia chỉ mở cửa từ 7 giờ đến 9 giờ tối đế xem cách viết của một số nhà văn.
Nhưng, tiền càng ngày càng hiếm, tưởng như không còn bao giờ lọt vào tay tôi nữa, và thời về tối dạo ấy càng rét dữ đội với những ngọn gió tê buốt và những trận mưa dầm dài ghê sợ. Mẹ tôi phải đi vào Vinh, cầu cứu một người chị họ tôi, để tôi ở nhà với ông chú dượng. Trước khi đi, phải vay cho chúng tôi tám ngày gạo và một món tiền chi tiêu không quá bốn hào để mua củi và thức ăn.
Đã lâu lắm mới có sẵn một thạp gạo ở trong nhà ông chú dượng tôi và tôi bị khiêu khích. Không ngày một bữa nữa. Chúng tôi tin rằng vào tới Vinh vay mượn được tiền, mẹ tôi thế nào sớm tối chả gửi ra. Chúng tôi đã thất vọng. Và càng lo sợ, càng khổ sở vì đói. Hơn mười ngày rồi mà chẳng thấy thư từ gì ở trong đó gửi ra.
Tôi còn nhớ, nhớ rõ ràng lắm, những đêm mưa dầm gió bấc, trong một căn nhà không đèn lửa gì cả và ran ran tiếng muỗi, trên một cái phản lung lay, hai thân hình nhọc lả co quắp trong một chiếc chăn rách mướp. Ông chú dượng tôi và tôi không ai nói với ai nửa nhời vì không đủ sức mà nói và cũng cảm thấy tiếng nói lúc bấy giờ chẳng còn ý nghĩa gì hết, chỉ làm đau tủi thêm hai con người muốn sống mà chẳng có việc gì làm để được sống. Sự yên lặng còn là sự đau đớn xót xa đến cực điểm của chúng tôi trước sự sống của vợ chồng người thuê nhà bên cạnh.
Người chồng làm thợ quét vôi, hiền lành, thất nghiệp, nghiện rượu. Người vợ, một người buôn thúng bán mẹt ở các chợ, rất lắm điều. Họ không còn cha mẹ già nhưng đông con. Chưa đứa nào quá mười ba tuổi và tinh khôn chút ít để đỡ đần công việc. Bữa có, bữa không, rách rưới và ốm yếu, cũng như chúng tôi. Nhưng vợ chồng người này luôn luôn cắn cấu, đay nghiến, chửi rủa và đánh đập nhà. Được mấy lần, người chồng bị vợ sỉ vả đã uất lên, chực thắt cổ mình và dìm ao mấy đứa bé.
Bỗng gần về sáng đêm thứ mười hai, mốt tiếng thất thanh gọi chúng tôi. Chúng tôi bổ choàng dậy. Giời ơi! Mẹ tôi đã về. Mẹ tôi về với hai sọt hàng trầu vỏ mà ông chú dượng tôi và tôi ưỡn đến gẫy lưng mới khiêng vào được.
Từ ngày đó, bụng tôi không đến nỗi cồn cào quá như trước. Và tôi đã có tiền mua cả một thếp giấy. Tiền mua giấy đó, mẹ tôi cho tôi những hôm lãi nhiều. Tôi không cần phải hỏi mẹ tôi cũng đưa. Mẹ tôi không nỡ trông thấy tôi thẫn thờ trước một ít giấy đã kín chữ.
Mấy truyện ngắn tôi đã viết xong từ lâu, và “Bỉ vỏ” trải bao nhiêu ngày tháng đã dàn xếp kỹ càng trong đầu tôi…
….Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, thưa các bạn, những bạn đọc yêu dấu của tôi, “Bỉ vỏ” đã viết xong rồi.
“Bỉ vỏ” đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầy bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro; “Bỉ vỏ” đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là ran lên tiếng muỗi và tiếng trẻ con khóc; “Bỉ vỏ” đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo, âm thầm mà mọi vật như đều rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dào dạt trong những bụi mưa thấm thía.
Thưa mẹ, người mẹ hiền từ của con, con xin dâng “Bỉ vỏ” cho mẹ với cả tấm lòng kính mến trong sạch của con, và xin tặng nó cho các bạn với tất cả tinh thần đằm thắm sáng tươi của tôi.”
Ngay khi ra đời, “Bỉ vỏ” đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán. Hơn 90 năm trôi qua, những dòng chia sẻ của nhà văn Nguyên Hồng, vẫn làm lay động cảm xúc của biết bao bạn đọc về đời sống nhà văn và bối cảnh xã hội khi tác phẩm được “chào đời”.
Bảo tàng Văn học Việt Nam