Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
– Lê Anh Xuân – Tháng 3 năm1968-
Năm 1966, được kết nạp vào Đảng, nhà thơ, chiến sĩ Lê Anh Xuân càng hăng hái công tác, nhà thơ liên tục xung phong đi khắp Nam Bộ tìm hiểu sâu sát thực tế để sáng tác. Mùa xuân năm 1968, lấy cảm hứng từ chiến dịch Mậu Thân, nhà thơ Lê Anh Xuân viết bài “Dáng đứng Việt Nam”.
Bài thơ ngay lập tức nổi tiếng bởi cái “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” ấy. Nhưng như là định mệnh, chưa đầy hai tháng sau, nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh khi quân đội Mỹ tổ chức một trận tấn công càn quét tại Long An.
Hai mươi tám tuổi thanh xuân, chưa lập gia đình, có một người yêu xa xứ, nhà thơ, chiến sĩ Lê Anh Xuân đã nằm lại chiến trường. Bảy năm sau, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập.
Nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân tên thật Ca Lê Hiến, sinh ngày 5.6.1940 tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (nay Mỏ Cày Bắc), tỉnh Bến Tre. Ông sinh trưởng trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Ca Văn Thỉnh. Lê Anh Xuân hy sinh ngày 21.5.1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Năm 2001, ông được Đảng và Chính phủ tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và năm 2011, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tên ông được đặt cho một đường phố ở quận 1, TPHCM, một con đường ở quận Hà Đông, Hà Nội và một con đường ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình.
Nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân sống với gia đình ở vùng kháng chiến miền Tây Nam Bộ. Năm 1952, lên 12 tuổi ông vừa đi học vừa tập việc ở nhà in Trịnh Đình Trọng tại chiến khu, thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ. Năm 1954, ông theo gia đình tập kết ra Bắc học phổ thông Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng, tiếp đó về học Trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tốt nghiệp trung học phổ thông, ông thi đỗ vào Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân được ở lại trường làm phụ giảng tại Khoa Sử một thời gian ngắn.
Năm 1964, nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng cũng như bao bạn trẻ khác cùng thời, ông xin trở về chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Cuối năm 1964, ông vượt Trường Sơn vào Nam. Tại đây ông làm việc ở Tiểu ban Giáo dục, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, sau đó chuyển sang Hội Văn nghệ Giải phóng. Do yêu cầu giữ bí mật cần phải đổi tên khi về Nam, để địch không phát hiện là cán bộ miền Bắc cử vào, ông lấy tên là Lê Lan Xuân, tên người bạn gái Xuân Lan. Về sau ông đổi là Lê Anh Xuân. Trong 4 năm ở chiến trường miền Nam, ông sống và chiến đấu như một chiến sỹ – nghệ sỹ.
Nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân ham mê văn học, rất thích làm thơ từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. “Nhớ mưa quê hương” là bài thơ được giải nhì cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ tổ chức năm 1960 và đây là bài thơ được đánh dấu khẳng định tài năng của nhà thơ trẻ .
Những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân: tập thơ “Tiếng gà gáy” (thơ, 1965); “Không đâu như ở miền Nam” (thơ, in chung, 1968); “Hoa dừa” (thơ, 1971); “Thơ Lê Anh Xuân” (tuyển thơ, 1981); “Không đâu như ở miền Nam”; “Về Bến Tre”; “Qua Ấp Bắc”… Ngoài thơ, ông còn có truyện ngắn “Giữ đất” (1966).
Trân trọng và biết ơn sự hy sinh của nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân hiện nay tại Bảo tàng Văn học Việt Nam có gian trưng bày về ông với những hiện vật và bút tích và một số tác phẩm tiêu biểu của ông.
BTVHVN