Nơi lưu giữ tài năng của các nhà văn, nhà báo nổi tiếng

(CATP) Bảo tàng Văn học Việt Nam (VHVN) tọa lạc tại số 275 Âu Cơ (P. Quảng An, Q. Tây Hồ, Hà Nội). Bước vào không gian văn hóa tĩnh lặng như ngôi đền thiêng này, nhiều người choáng ngợp với vô vàn điều mới mẻ và xúc động trước các “tượng đài kỳ vĩ” của VHVN qua nhiều thế kỷ đau thương nhưng oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta; qua các cuộc kháng chiến chống xâm lược, phá bỏ ách đô hộ của ngoại bang!

Bác Hồ với “Nhật ký trong tù” (đã được dịch ra 11 thứ tiếng)

Trong “ngôi đền thiêng” này còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, triết học… của nhiều nhà văn, nhà thơ đồng thời cũng là nhà báo nổi tiếng như: Tản Ðà, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Quang Dũng, Vũ Bằng… để mỗi người Việt Nam đều tự hào, để các thế hệ sau phải trân trọng, gìn giữ, phát huy giá trị đó.

Ðến Bảo tàng VHVN là đến với ký ức tuổi thơ qua những chữ cái, câu vần từ thuở tập đọc, tập viết của mỗi đời người. Là những bài học về tả cảnh, tả tâm, tả tình… để trí và đức lớn dần theo từng lớp học. Là lòng hiếu thảo, lòng yêu nước được hun đúc, bồi đắp qua từng đoạn văn, câu thơ của tiền nhân để lại trong sách giáo khoa trung học. Là bản lĩnh, văn hóa hành xử ở mỗi con người sau quá trình giáo dục học đường và được gia đình dạy dỗ… Tất cả đều có vai trò cực kỳ quan trọng của văn học, để đứa trẻ sinh ra, trưởng thành, đóng góp nhiều điều cho xã hội… Bảo tàng VHVN còn mang đến cho chúng ta ký ức về nền giáo dục qua mô phỏng sinh động về các lớp học của thầy đồ thời phong kiến. Những cậu học trò đầu ba chỏm và vị sư phụ mặc áo dài, khăn đóng, ngồi uy nghi trên sạp với chồng sách chữ nho, chữ nôm của thánh hiền cùng cây roi răn đe. Nhìn lại những hình ảnh này trong Bảo tàng VHVN cũng là nhìn lại thời đại của tổ tiên, ông bà, cha chú…; nhìn lại truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của người Việt.

Khi các học trò lớn lên, lại tiếp tục “dùi mài kinh sử” rồi lên kinh dự thi. Giấc mơ khoa bảng lại bắt đầu từ lều chỏng ở các trường thi, nếu đỗ đạt thì được triều đình bổ làm quan, nếu rớt chờ sang năm thi lại, thi hoài không đậu thì đó là… số phận (học tài thi phận).

Một hoài niệm khác tìm thấy ở Bảo tàng VHVN là những nền tảng tạo ra phông văn hóa, hoặc cảm hứng sáng tác cho mỗi nhà văn, thi sĩ Việt, đó là nền văn minh lúa nước với “con trâu đi trước cái cày theo sau”; cối chày giã gạo, chợ quê, cây đa, con đò; quán nước chè đơn sơ, mộc mạc…

Bảo tàng Văn học Việt Nam

Với phạm vi một bài báo, không thể nào nói hết giá trị lớn lao từ những tác phẩm của các tác giả lẫy lừng được vinh danh trong Bảo tàng VHVN. Chúng tôi rất tiếc vì đã không thể giới thiệu hết những tên tuổi đã được đúc tượng trong Bảo tàng VHVN cũng như trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Xin được nói về một số nhà văn điển hình, đã trở thành niềm tự hào, tự tôn của dân tộc ta suốt mấy trăm năm qua, như: Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) với công lao lãnh đạo toàn dân hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Ngài là vị vua anh minh, đồng thời là tác giả của các tác phẩm thơ, văn rất giá trị như: “Thiền Lâm chiết thủy ngữ lục”, “Thạnh Thất Mỵ Ngữ”, “Ðại Hương Hải Ấn thi tập”…; thi hào Nguyễn Du – danh nhân văn hóa thế giới với tuyệt tác “Truyện Kiều” ảnh hưởng đến nhiếu thế hệ người Việt; Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Ðình Chiểu (1822 – 1888) với câu nói nổi tiếng “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà”; Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh (1890 – 1969) với “Nhật ký trong tù” (đã được dịch ra 11 thứ tiếng); nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao (1923 – 1995) – tác giả Quốc ca Việt Nam; nhà văn Nam Cao (1917 – 1951) – cha đẻ của các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở đã đi vào ngôn ngữ dân gian… Hay “Chị Dậu” phải bán chó, bán con để đóng thuế cho chế độ thực dân đô hộ đã làm nhiều thế hệ người Việt phải rơi nước mắt hoặc nuôi nấng căm hờn lên đường theo Bác Hồ, Việt Minh đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cảnh đời chị Dậu hiện diện trong Bảo tàng VHVN làm người xem xúc động và yêu mến, khâm phục nhà văn Ngô Tất Tố (1893 – 1954).

Cảnh “lều chõng” đi thi trong tác phẩm của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố

Lớp nhà văn, nhà báo chống Pháp, chống Mỹ như: Hữu Loan của “Màu tím Hoa Sim”, Quang Dũng với “Tây Tiến”, Hữu Thỉnh với “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, hay Phạm Tiến Duật với “Tiểu đội xe không kính”, Thu Bồn với trường ca “Bài ca chim Chơ-rao”… Một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo vẫn đang còn sống, thậm chí là chưa già nhưng có tác phẩm nổi tiếng, vẫn được giới thiệu, trưng bày ở Bảo tàng VHVN như: Trần Ninh Hồ, Trần Ðăng Khoa, Thanh Thảo, Lê Thành Nghị…

Ðược biết, Bảo tàng VHVN được khởi công xây dựng từ năm 2001, đến năm 2012 thì đi vào hoạt động. Ðây là nơi rất phù hợp cho học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập và du khách trong nước đến tìm lại ký ức, đam mê qua các tác phẩm nổi tiếng một thời. Với du khách nước ngoài thì Bảo tàng VHVN sẽ là một địa chỉ để họ tìm hiểu thêm về bề dày và bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Nhà thơ, nhà báo Thu Bồn
Nhà văn, nhà báo Nam Cao – cha đẻ của các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở

LẠI VĂN LONG

Theo nguồn: https://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/noi-luu-giu-tai-nang-cua-cac-nha-van-nha-bao-noi-tieng_163789.html#:~:text=(CATP)%20B%E1%BA%A3o%20t%C3%A0ng%20V%C4%83n%20h%E1%BB%8Dc,T%C3%A2y%20H%E1%BB%93%2C%20H%C3%A0%20N%E1%BB%99i).