Tạm biệt Huế (1980) – Thu Bồn-

“…Xin chào Huế một lần anh đến
để ngàn lần anh nhớ hư vô
em rất thực nắng thì mờ ảo
xin đừng lầm em với cố đô
….
Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
anh trở về hóa đá phía bên kia.”
“Tạm biệt Huế” là một bài thơ tình có thể nói hay nhất của nhà thơ Thu Bồn với những câu da diết đến quặn lòng. Bài thơ ra đời sau “thất bại” về tình cảm của nhà thơ với một thiếu nữ Huế, vết thương lòng bị khắc sâu đến mức “bật” lên một tuyệt phẩm khiến nhiều người phát khóc.
Chân dung nhà thơ Thu Bồn

Nhiều bạn bè văn chương cùng lứa với nhà thơ Thu Bồn vẫn truyền tụng một “giai thoại thất tình” có một không hai của làng văn Việt Nam.

Sinh thời, Thu Bồn vốn là một người đàn ông hào hoa, đa tài và cũng rất đa tình, đã yêu ai là cố công theo đuổi dù mất đến mấy năm trời. Hồi còn ở Huế, nhà thơ mê một người thiếu nữ có đôi mắt buồn như mưa cố đô nên quyết tâm “tán đổ” bằng thơ.
Sau này, nhà thơ có nhiều mối tình khác, có những tình yêu trở thành biểu tượng đẹp của niềm mê đắm, nhưng không bao giờ Thu Bồn viết được bài thơ tình nào hay hơn “Tạm biệt Huế”. Tác giả giờ đây đã thành người thiên cổ, bài thơ thì mãi mãi ở lại với nhân gian, chỉ có nàng thơ thuở ấy không biết có khi nào đọc được và nhận ra những tình cảm mãnh liệt đó dành riêng cho mình?
Tác phẩm của nhà thơ Thu Bồn
Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng sinh ngày 1 tháng 12 năm 1935. Ông quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhà thơ Thu Bồn tham gia Thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi, làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông liên tục có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt như Tây Nguyên, Khu V, Quảng Trị, biên giới Tây Nam, lúc làm phóng viên mặt trận, lúc làm lính xung kích, lính pháo. Ông từng là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ, biên tập viên và cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông sáng tác nhiều thể loại: Trường ca, Thơ, Tiểu thuyết…Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: “Bài ca chim Chrao”; “Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên”; “Vùng pháo sáng”…
Nhà thơ Thu Bồn đạt nhiều giải thưởng về văn học trong đó ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt V, năm 2017.
Gian trưng bày về nhà thơ Thu Bồn tại Bảo tàng Văn học Việt Nam
Hiện nay một số hiện vật của nhà thơ Thu Bồn được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
BTVHVN