Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1983 – 1989, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình. Giáo sư Phan Cự Đệ đồng thời là Nhà giáo Nhân dân, ông trực tiếp giảng dạy tại Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) liên tục từ năm 1957 và góp phần đào tạo hàng chục thế hệ sinh viên và rất nhiều học trò của ông hiện nay giữ cương vị khác nhau, từ các nhà văn, nhà báo đến các nhà quản lý cấp cao.
Sinh ra trong một gia đình xứ Nghệ, cha là thầy giáo, mẹ là cháu gái của cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn tham gia phong trào Cần Vương vì vậy đã có những ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của Giáo sư Phan Cự Đệ. Ông có chí từ nhỏ, vừa đi làm gia sư cả môn văn và toán cho con nhà người ta, ông vẫn đi cày cho chủ nhà, gắng học một năm hai lớp. Để đi học Đại học ông phải đi bộ và đi xe nhờ mất 3 ngày ra Hà Nội. Vốn phấn đấu đi lên từ sự vất vả và khổ luyện trong học tập vì vậy Giáo sư Phan Cự Đệ rất thương học trò. Những năm bao cấp, sinh viên đến nhà, ông còn nói với vợ đi rang cơm để các anh chị ấy ăn cho đỡ đói. Nhiều sinh viên ra trường đều nhờ ông xin việc làm giúp.
Đi đến đâu, Giáo sư Phan Cự Đệ cũng gắn bó chân tình dân dã với mọi người, từ bà con nơi sơ tán, bạn bè, đồng nghiệp tới xóm giềng xung quanh. Khi Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp sơ tán ở Đại Từ, Bắc Thái trong chiến tranh phá hoại những năm 1960 ông đã cùng con gái ở nhờ nhà cụ Trương Cáp và hàng ngày ông dậy sớm quét sân, ra vườn nhổ cỏ rau. Rồi khi khoa Văn có ít thịt trâu liên hoan, Giáo sư Phan Cự Đệ đều nhớ đem phần về cho cụ chủ nhà. Cụ Trương Cáp coi hai bố con Giáo sư Phan Cự Đệ như người nhà. Vợ Giáo sư Phan Cự Đệ sơ tán cùng cơ quan ở nơi khác vì vậy ông vừa giảng dạy, vừa viết sách và nuôi con. Con gái Giáo sư Phan Cự Đệ kể lại “Hồi ấy ăn uống chỉ có cơm và xốt cà chua từ vườn cụ Trương Cáp, mà sáng nào cô cũng chén ba bát đầy. Tuy vậy, vẫn thèm thịt, nên cô hay theo lũ trẻ thôn quê đi bắt muồm muỗm nướng ăn ngoài đồng, có hôm về bị cha phát hiện ra con muồm muỗm sót lại trong túi, cô bị cha mắng cho một trận vì ông sợ con gái đau bụng. Cô bé vừa gật gù ngủ vừa khóc. Tỉnh dậy giữa đêm muộn, vẫn thấy cha mình cặm cụi ngồi viết. Và những năm chiến tranh phá hoại nơi sơ tán là những năm Giáo sư Phan Cự Đệ hoàn thành hơn 800 trang của cuốn “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại”, đây là một trong số hơn ba chục đầu sách của ông. Ông viết lý luận phê bình với tình cảm và tâm thức của người cầm bút muốn xông pha ra trận cùng những người lính.
Ngoài ra Giáo sư Phan Cự Đệ là tác giả của các cuốn sách: “Tuyển tập Phan Cự Đệ” với gần 3000 trang, gồm các công trình đã xuất bản ở VN và nước ngoài trong hơn 40 năm cầm bú; bộ tổng tập “Văn học Việt Nam thế kỷ XX”, “Nhà văn Việt Nam (1945-1975)” mà ông tham gia chủ biên và viết bài và những công trình khác…, góp phần nghiên cứu một số vấn đề lý luận phê bình văn học và góp phần tổng kết một thế kỷ văn học hiện đại nước nhà. Ông là một trong những người khai mở một số vấn đề lý luận về phương pháp sáng tác, thể loại, phong trào, hiện tượng văn học, tác giả; và chạm tới thi pháp học, là những người tiếp cận sớm nhất thành tựu lý luận của các học giả nước ngoài về thể loại tiểu thuyết, về chủ nghĩa lãng mạn và các trào lưu khác. Giáo sư Phan Cự Đệ đã trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành về các vấn đề nói trên ở Việt Nam.