Sáng nay, đoàn cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam có dịp đến “tệ xá” của nhà văn, nhà Lý luận phê bình Ngô Vĩnh Bình. Căn nhà với mảnh vườn xinh xắn, ấm cúng nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Phan Kế Bính, Hà Nội.
Nhà văn, nhà lý luận phê bình với nụ cười đôn hậu, gần gũi đã đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình, chu đáo. Với giọng điệu trầm ấm của mình ông đã kể cho chúng tôi quá trình đến với văn học của mình như thế nào.
Từ một cậu học sinh giỏi văn nhưng lại chọn khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để theo học. Năm 1975, ông ra trường và được phân công về làm việc tại Viện Dân tộc học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Những tưởng như thế sẽ có một nhà sử học chuyên về Dân tộc học, thế nhưng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979) xảy ra, theo tiếng gọi của Tổ quốc, người thanh niên ấy đã lên đường nhập ngũ và con đường binh nghiệp bắt đầu từ đấy.
Nhà văn, Nhà Lý luận phê bình Ngô Vĩnh Bình viết văn, làm thơ từ khá sớm. Ông viết báo từ khi còn là sinh viên nên có thể nói ông có “thâm niên” trong nghề. Vì vậy, trong thời gian tham gia bộ đội, với “thâm niên” của mình ông đã viết cho các báo từ báo đơn vị đến báo Nhân dân, Tạp chí cộng sản, Văn nghệ, Văn nghệ quân đội… Rồi từ đó ông đảm nhiệm các vị trí Trưởng ban lý luận phê bình Tạp chí văn nghệ quân đội, trợ lý Tổng biên tập cho tướng Dũng Hà, tướng Hồ Phương…và sau ông đảm nhiệm cương vị Tổng biên tập báo Văn nghệ Quân đội.
Ông viết nhiều thể loại từ nghiên cứu, thơ, lịch sử, bút ký, tạp văn…và nhiều người bạn còn trêu rằng nhìn ông Bình là cứ hình dung như nồi lẩu với nhiều món và nhà văn đã tếu táo nhận mình như món lẩu Ngũ vị. Gia tài sáng tác của ông đến nay cũng “khá” khoảng 30 đầu sách. Là nhà khoa học nghiên cứu về dân tộc học vì vậy ông chuyên viết về dân tộc, trường ca, truyện cổ dân tộc, hát xoan… nhưng để nói về tác phẩm văn học đầu tiên thì phải kể đến cuốn “Nẻo vào Văn học” và đây cũng là tác phẩm được Giải thưởng của Bộ quốc phòng.
Coi Bảo tàng Văn học Việt Nam như “người nhà” hơn nữa là người học sử nên ông rất trân trọng công việc sưu tầm lưu giữ hiện vật. Với ông hiện vật là tiếng nói, nó thức tỉnh tiềm thức của con người còn hơn cả sách vở. Mỗi lần nhìn vào kỷ vật bao nhiêu cảm xúc sẽ ùa về. Với lần gặp gỡ này ông đã “đóng góp” cho bảo tàng một số hiện vật mà ông đã cẩn thận lưu giữ lâu nay như: 1.500 tờ báo ông đã viết và giữ gìn “Sự kiện nhân chứng”; “Đầu súng trăng treo” của Quân đội nhân dân; Máy đánh chữ ông đã sử dụng những năm 1980; Bản luận văn của sinh viên Đại học Huế về ông; Khung ảnh chân dung của ông, Mũ kepi quân đội của ông dùng khi đang công tác.
Nhà văn, nhà lý luận phê bình Ngô Vĩnh Bình chia tay đoàn cán bộ chúng tôi và hẹn sẽ tìm thêm những hiện vật nữa để trao tặng bảo tàng vào dịp gần nhất để bổ sung kho tư liệu cho bảo tàng.
Bảo tàng Văn học Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự tin tưởng của nhà văn, nhà lý luận phê bình Ngô Vĩnh Bình đã trao tặng cho bảo tàng những hiện vật quý ông đã cẩn thận lưu giữ.
BTVHVN