Năm 2001, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều công tác tại Báo An ninh thế giới và được cử đi công tác tại Pakistan và Afganistan nơi đang xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa một bên là Mỹ – NATO và một bên là lực lượng Taliban.
Để chuẩn bị cho chuyến đi ông đã sắm chiếc vali bình dân ngoài vỉa hè trên một con phố ở Hà Nội. Cũng vì tình hình chính trị bất ổn lúc đó nên để đề phòng trường hợp thất lạc nhà thơ đã dùng bút tô đi tô lại chữ N.Q.T (chữ viết tắt tên nhà thơ). Có một điều hơi nuối tiếc là do tính cẩn thận của vợ nhà thơ mà những tem an ninh ghi dấu những nơi nhà thơ đặt chân tới đã được bà bóc bỏ và đánh rửa thật sạch sẽ chỉ còn chữ N.Q.T vẫn còn đậm nét.
Ông tâm sự: “tôi không chọn một chiếc va li bóng bẩy, đắt tiền mà ưu tiên chiếc vali nhỏ gọn, bền như đi chiến trường nhưng chứa đủ thuốc men, máy ảnh và vài bộ quần áo. Nó đã cùng tôi đi hội thảo thơ ca, hội thảo văn học, đi trại sáng tác và gắn bó với tôi cho đến nay. Một kinh nghiệm nữa là khi đi nước ngoài tôi thường mang thật gọn nhẹ còn quần áo gặp đâu mua đó.
Chiếc Vali đã cùng tôi đi lang thang khắp nơi trên thế giới nhưng chuyến đi đặc biệt để lại trong tôi nhiều ấn tượng là chuyến đi đầu tiên ấy, mỗi khi nhìn lại tôi như thấy nó chứa đựng một thời kỳ lịch sử chính vì lý do đó tôi quyết định tặng lại Bảo tàng văn học Việt Nam.”
Ngày 20.3.2024, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhận trực tiếp chiếc va li do chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao tặng cho bảo tàng để lưu giữ và trưng bày.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1957 tại Thôn Hoàng Dương (Làng Chùa), xã Sơn Công, huyên Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi và Mỹ la tinh. Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Ông sáng tác nhiều thể loại: Thơ, Tiểu thuyết, truyện ngắn và dịch. Các tác phẩm của ông như: Ngôi nhà tuổi 17; Những người đàn bà gánh nước sông; Thơ Nguyễn Quang Thiều. Thơ tuyển cho thiếu nhi; Nhật ký người xem đồng hồ; Mùa hoa cải bên sông; Hai người đàn bà xóm Trại; Người cha; Bí mật hồ cá thần; Con quỷ gỗ; Ngọn núi bà già mù; Người đàn bà tóc trắng; Đứa con của hai dòng họ; Truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều..cùng một số tác phẩm dịch: Chó Dingô Bài ca những con chim đêm; Bí mật hồ cá thần; Con quỷ gỗ; Năm nhà thơ Hàn quốc; Người nhìn thấy trăng thật; Ngọn núi bà già mù. Những người đàn bà gánh nước sông…
Thơ và truyện ngắn của ông đã được dịch in thành sách và đăng trên rất nhiều báo, tạp chí văn học tại các quốc gia: Hoa Kỳ, Pháp, Austraylia, Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Venezuela, Colombia, Na Uy, Thụy Điển, Malaysia, Thailand … và nhiều nước trên thế giới. Tập thơ The women carry water (bản Anh ngữ của cuốn Những người đàn bà gánh nước sông) được University of Massachusetts Press xuất bản năm 1997, và được The National Translation Association of America trao giải thưởng vào năm 1998. Hai tập truyện ngắn của ông đã được dịch và xuất bản tại Pháp: La fille du fleuve (1997), và La petite marchande de vermicelles (1998).
Ngoài ra ông là tác giả của 400 bài thuộc các thể loại báo chí: tiểu luận, phê bình, bút ký, phóng sự, tản văn, bình luận… với các bút danh: Trực Ngôn, Vương Thảo, Hạnh Nguyên, Hoàng Lê …
Ông cũng tham gia viết kịch bản điện ảnh và sân khấu. Nhiều kịch bản và truyện ngắn của ông đã được dựng thành phim. Tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng được VFC Đài truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim Chuyện làng Nhô. Truyện ngắn Tiếng gọi cuối mùa đông được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chuyển thể thành phim Tiếng gọi bên sông (1993). Truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của ông cũng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim Lời nguyền của dòng sông, giành Huy chương Vàng Liên hoan Phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận được hơn 20 giải thưởng văn học trong và ngoài nước: Giải thưởng thơ 1983 – 1984 của tạp chí Văn nghệ quân đội với tác phẩm Đêm trên sân ga; Giải thưởng thơ của Liên đoàn Thanh niên sinh viên Đại học Tổng hợp Lahabana 1986 với tác phẩm Trò chuyện với Hôxê Macti; Giải thưởng truyện ngắn 1989 – 1990 tạp chí Văn nghệ quân đội với tác phẩm Mùa hoa cải bên sông; Giải thưởng truyện ngắn hay 1991 của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh với tác phẩm Cái chết của bầy mối; Giải thưởng thơ hay 1993 của báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh với tác phẩm Những người đàn bà gánh nước sông; Giải thưởng bút ký 1991 của tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam với Thành phố chỉ sống 60 ngày; Giải thưởng truyện ngắn 1993 – 1994 của tạp chí Văn nghệ quân đội với Hai người đàn bà xóm Trại; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa; Giải thưởng Final cho tập thơ The Women Carry River Water (Những người đàn bà gánh nước sông) của The National Literary Translators Association of America (Hội dịch giả văn học quốc gia Hoa Kỳ) năm 1998; Giải thưởng Nhà xuất bản Kim Đồng 2000 – 2002; Giải thưởng thơ Hàn Quốc năm 2018; Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật đợt IV, năm 2017.
Bảo tàng văn học Việt Nam trân trọng cảm ơn ông đã tặng nhiều hiện vật quý ủng hộ công việc xây dựng kho tư liệu tại Bảo tàng.
BTVHVN