“Năm 1975, họ đã sống như thế” là một cuốn tiểu thuyết ghi dấu ấn lịch sử trong tiến trình văn học cách mạng Việt Nam. Bởi ngay sau ngày ăn mừng chiến thắng đã có ba cuốn tiểu thuyết của ba nhà văn trẻ, ba bức tượng đài ngợi ca những đoàn quân từ trên chiến khu đổ về giải phóng thành phố, đó là “Trong cơn gió lốc” của Khuất Quang Thụy; “Nắng đồng bằng” của Chu Lai và “Năm 1975, họ đã sống như thế” của Nguyễn Trí Huân. Tôi mơ cũng không có được cái vị trí hoành tráng như thế…
Chơi với Huân thì quả thật là khá nhạt nhẽo, đôi khi tức anh ách vì tính khí ngập ngừng, không ráo riết, trong khi đó tôi thì cứ hơi tí đã sồn sồn lên. Công nhận thực ra thì tôi không thích chơi với Huân. Và chúng tôi cũng ít khi chơi bời với nhau thật, mặc dù rất thân. Huân là một trong những người bạn thân nhất của tôi. Nhưng chơi thì không.
Có lẽ vì thế lúc nào tôi với Huân cũng có cái để ghét nhau, để cáu nhau, để quan tâm tới nhau. Tôi biết, nhiều lần Huân lo việc của tôi hơn cả lo cho mình. Mà nào có lo chi được. Nhưng mà cứ lo. Lo thật chứ không phải lo chiếu lệ.
Đời tôi vốn lông bông, không có quy hoạch trước được cái gì, từ công ăn việc làm đến vợ con, nhà cửa, tất tật đều do cái ông tướng số mà thành. Huân thì khác. Huân dường như đã có sẵn cái mặc định cho cuộc đời từ khi còn rất trẻ. Từ việc biết yêu đương, đến khi dựng vợ gả chồng, không phải đâu vào đấy, nhưng mà có lớp có lang, có bài có bản. Huân là một trong số vài người chưa học xong khóa I Nguyễn Du đã có Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (VNQĐ) ghi danh nhận về công tác.
Tôi thì học xong vất vưởng chả ma nào ngó đến, may mà có anh “Ban ký sự lịch sử quân sự” mới thành lập người ta ghép cho tôi về. Ngày tôi về trại viết khu V cũng là suất vét. Trại đã ổn định cả về nhân sự lẫn danh tánh, các nhà văn toàn người đã và đang rất nổi tiếng, trong đó có Huân. Còn tôi lẹt đẹt từ trong rừng ra, mới viết được đôi ba truyện ngắn in tạp chí Văn nghệ Quân khu, là lính địa phương, người nhà quê, Huân thì đã có tập truyện ngắn và cả tiểu thuyết lẫy lừng.
“Năm 1975, họ đã sống như thế” là một cuốn tiểu thuyết ghi dấu ấn lịch sử trong tiến trình văn học cách mạng Việt Nam. Bởi ngay sau ngày ăn mừng chiến thắng đã có ba cuốn tiểu thuyết của ba nhà văn trẻ, ba bức tượng đài ngợi ca những đoàn quân từ trên chiến khu đổ về giải phóng thành phố, đó là “Trong cơn gió lốc” của Khuất Quang Thụy; “Nắng đồng bằng” của Chu Lai và “Năm 1975, họ đã sống như thế” của Nguyễn Trí Huân. Tôi mơ cũng không có được cái vị trí hoành tráng như thế.
***
Huân là một trong số ít các nhà văn được chuẩn bị chu đáo cả về sức khỏe, kiến thức nghề nghiệp lẫn kiến thức người lính để đi chiến trường. Đi chiến trường để viết văn. Đó là những năm cuộc chiến tranh chống Mỹ lên đến cao trào. Chiến trường đã kinh qua nhiều chiến dịch to lớn. Còn hậu phương lớn thì cũng đã có những vị trí nhất định nhằm chi viện tối ưu cho chiến trường.
Các vùng chiến trường lớn như khu V, Bình Trị Thiên hay trong Nam bộ đều đã có những đợt cán bộ các ngành nghề như Kinh tế, Giáo dục, Văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các văn nghệ sĩ được bổ sung kịp thời cho từng mặt trận. Họ náo nức lên đường và nhập cuộc rất nhanh. Họ là những văn nghệ sĩ chiến sĩ. Khi cần có thể cầm súng trực tiếp chiến đấu. Khi cần có thề làm chuyên viên, chuyên gia, làm cán bộ cơ sở, làm cán bộ phong trào v.v… Huân trước khi đi B đã có truyện ngắn in ở VNQĐ, đã được học khóa 3 lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn.
Họ được các nhà văn lớp trước như Nguyên Hồng, Kim Lân, Bùi Hiển, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu tận tình truyền đạt những kinh nghiệm và bí quyết nghề nghiệp. Không khí xã hội lúc bấy giờ ngùn ngụt khí thế. Ra đường gặp anh hùng dũng sĩ. Thơ văn chống Mỹ lúc bấy giờ hầu hết là thơ văn cổ động, thơ văn ngợi ca những điển hình, những tấm gương chiến đấu và sản xuất giỏi, chỉ le lói vài giọng trữ tình khe khẽ xao xuyến như văn Đỗ Chu, như thơ Bằng Việt. Thế là quá đủ. Còn lại thơ văn phải phục vụ chiến đấu thiết thực như cơm muối, như quân trang quân dụng. Hai tờ VNQĐ và báo Văn nghệ là món ăn bổ dưỡng cho người lính. Nguyễn Trí Huân khoác ba lô đi chiến trường vào thời điểm ấy, 1970, một chàng trai trẻ giàu mơ mộng, nhiều khao khát, gặp thời thế như thế được gọi là quá may mắn, quá tuyệt vời.
Nếu cứ chiếu theo quy chuẩn thì tôi bị loại ngay đầu nước khi chọn vào học khoá I Nguyễn Du, vì hồi ấy tôi mới duy nhất có được một cái truyện ngắn “Đêm nguyệt thực” in ở VNQĐ. Thái Bá Lợi thì đã có “Thung Lũng thử thách” Nguyễn Trí Huân đã có tập truyện ngắn “Mặt Cát”.
Tôi nhớ hồi đó người ta quy định tiêu chuẩn vào học ít nhất cũng phải có bằng tốt nghiệp phổ thông. Tôi chưa học hết phổ thông (mới hết lớp 9) đã phải đi bộ đội thì làm sao có bằng. Thế mà rồi đâu cũng vào đấy. Tôi phải đi học lớp bổ túc cấp tốc ưu tiên cho một số sĩ quan sắp được cử đi học các trường.
Cái khoá I “chuyên tu đại học viết văn Nguyễn Du) là một khoá học rất đặc biệt. Tôi biết không phải mình tôi thiếu bằng tốt nghiệp chính quy đâu! Tuy nhiên, bù lại, môn năng khiếu thì chúng tôi hoành tráng. Tôi, Thái Bá Lợi và Nguyễn Trí Huân đều thế. Cùng xuất quân từ trại viết Khu V. Lợi đã có vợ có con. Tôi và Huân là hai thằng đực rựa, yêu yêu, đương đương lăng nhăng thì có chứ chưa có ý định “lập gia đình”.
Như trên tôi đã nói, Huân thì chững chạc, còn tôi thì lêu têu chả ra gì. Hai thằng cùng chuyến tàu từ Đà Nẵng ra Bắc, tôi thấy Huân ngồi gần một bà mẹ, Huân rất khéo chiều bà, lo đi lấy nước, mua cơm giúp bà rất tận tình. Còn tôi, chả hiểu duyên phận thế nào, tôi lại làm quen được một cô nữ sinh đại học sư phạm ngoại ngữ, khoa tiếng Nga. Chúng tôi quen thân nhau rất nhanh.
Cả đêm cả ngày trên tàu tíu tít với nhau. Nàng vào Đà Nẵng thăm người nhà. Tàu về đến ga Vinh thì chúng tôi chia tay vì nàng phải về quê Diễn Châu. Tôi ngẩn ngơ ôm hôn chia tay nàng dưới sân ga, tưởng như thế là chấm dứt. Huân chả biết gì. Huân mải mê nghe chuyện bà mẹ ngồi bên.
Hồi ấy tôi nghĩ, Huân đúng là nhà văn thứ thiệt, đi đâu, làm gì cũng phải chăm chú tìm hiểu tài liệu để viết. Huân bảo tôi, bà mẹ này có một số phận kỳ lạ. Bà đi thăm ông chồng quê trong miền Nam ra. Hai ông bà lấy nhau khi ông tập kết ra Bắc, tưởng ông là trai tân, hoá ra ông đã có vợ con ở trong ấy rồi. Bà vợ trong ấy, lúc ông đi “R” thì đã lấy một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hoà, có một người con gái nữa.
Rồi chả hiểu sao hai người ấy lại bỏ nhau. Sau giải phóng, ông về, ông và bà vợ cũ tái hợp hôn. Hai người con của bà một với ông, một với người sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hoà cách nhau cả chục tuổi. Ông nhận tuốt. Bà mẹ ngồi kể cho Huân nghe cái sự rắc rối nếu mà không rộng lượng, ắt thành to chuyện. Nhưng bà cắn môi chịu thiệt. Bà lặn lội từ ngoài Bắc vào giúp ông “giải quyết vấn đề” trong ấm ngoài êm, mà cụ thể là tạo cho ông yên phận với quê cha đất tổ, với vợ cũ con cũ… Rắc rối lắm. Nhưng cũng đã êm xuôi cả rồi.
Một chuyến tàu Huân thu lượm được bao nhiêu là chuyện. Còn tôi… may sau đó chừng một tuần, nàng của tôi vẫn giữ địa chỉ số 4 Lý Nam Đế mà tôi khai lậu, phi xích lô đến tìm…
Hồi ấy cánh lính chúng tôi dù sao tiêu chuẩn cũng rôm rả hơn cánh dân sự. Mỗi tháng ngoài tiêu chuẩn, chúng tôi được ăn theo VNQĐ do anh Doãn Trung trưởng ban trị sự tài quan hệ, xin được thịt, cá, chia thêm.
“Cánh rừng phía tây” chúng tôi rủ Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Hoàng Thu, Cao Duy Thảo về tụ tập đánh chén. Huân không bia rượu, không la cà đàn đúm, nhưng lại chiều bạn, ăn gì, làm gì cũng nhận phần thiệt, phần kém về mình. Chúng tôi khi ấy không bao giờ lại nghĩ sau này Huân sẽ làm đến chức Tổng biên tập cả tạp chí VNQĐ lẫn báo Văn nghệ.
Huân làm cán bộ hồi đầu thực chất chỉ vì tính nết nhu thuận, hiền hoà, hơi tí đã đỏ mặt, được cả cơ quan yêu quý. Ở VNQĐ trước đó có một tấm gương nổi tiếng hiền lành tốt bụng là Phó tổng biên tập Từ Bích Hoàng. Ông Hoàng được anh em gọi là ông Từ vì tốt bụng, tận tâm chu đáo với mọi người. Ông Hoàng cực kỳ yêu mến Huân, coi Huân như con cháu trong nhà. Huân cũng được anh em cơ quan tín nhiệm bầu vào cấp, rồi trưởng ban, rồi Phó Tổng biên tập, Tổng biên tập.
Câu chuyện làm “quan” văn nghệ của Huân không trầm trầy trầm trật, không phải phấn đấu ganh đua. Huân lên, anh em cùng trang lứa ủng hộ tuyệt đối. Các anh lớp trước cũng tin cẩn vui vẻ. Huân thực sự là “hạt giống đỏ” không phải của riêng VNQĐ mà là của cả Hội Nhà văn. Cấp trên có các vị to, rất to ủng hộ. Cấp dưới, từ cô lao công đến chú gác cổng đều một Huân hai Huân. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà, chưa bao giờ tôi thấy Huân phải chạy lên chạy xuống.
Mà Huân cũng không phải dạng được lên tí thì vênh vang, khi làm to thì trở nên khó chịu như vài người. Huân vẫn thế. Vẫn bình dị, hiền hoà, vẫn không thấy mình làm “to”, vẫn sẵn lòng giúp ai cần giúp, từ việc nhỏ tí ti đến việc hệ trọng. Huân thực sự là mẫu cán bộ lý tưởng một thời. Cái thời làm cán bộ mà không phải lo bươn chải kiếm ăn cho anh em như bây giờ, ta hay quen gọi là thời bao cấp. Huân không tham lam, tính nết khẽ khàng, tốt từ trong ý nghĩ tốt ra, ai mà nói xấu Huân lập tức biến thành kẻ xấu trước mắt cánh tôi liền.
Thực ra cũng có đôi lần tôi tức Huân, vì tôi thấy Huân tốt với cả kẻ xấu. Tốt với kẻ xấu ấy cũng là xấu vậy. Kẻ xấu lợi dụng lòng tốt của Huân, Huân cứ bơ đi như không biết gì. Của đáng tội, có khi tôi lại nghĩ, chuyện ấy mình thấy thế thì mình cáu, mua dây buộc mình, chứ còn y, y tỉnh như không, có khi y là tay cao thủ!
***
Huân có một cô vợ là giáo viên vừa xinh xắn, tốt bụng và hiền hoà, có một bà mẹ tuyệt vời. Bà cũng rất thương quý tôi. Bà, mỗi lần nói chuyện gì là có một câu thành ngữ. Thời sau giải phóng miền Nam, Huân đi xa, mẹ Huân ở với cô em gái trong một căn nhà tạm sát chợ Nhổn. Sáng sáng bà nấu một ấm nước chè xanh rõ to, để giữa chợ, ai uống thì tự rót, tự uống, tự bỏ mấy xu vào trong cái vỏ lon. Còn cô em gái thì làm ở xí nghiệp tơ tằm. Thỉnh thoảng cô được xí nghiệp phân phối bán cho cả ký nhộng, Huân chia cho tôi và Phạm Hoa đem về đãi vợ con, ngon tuyệt vời.
Ngày chiến tranh, đi bộ đội, Huân vào khu V, trực tiếp tham gia chiến đấu cùng Sư đoàn Ba, một sư đoàn anh hùng, nổi tiếng của Quân Khu V. Hoài Châu là địa bàn thân thuộc của Sư đoàn và cũng là địa bàn thân thuộc của nhà văn Nguyễn Trí Huân. “Mặt Cát”; “Năm 1975, họ đã sống như thế”; “Chim én bay” của Huân đều viết về vùng đất này. Có thể nói, Hoài Châu đã làm nên tên tuổi nhà văn Nguyễn Trí Huân. Bà con Hoài Châu cho đến bây giờ nhiều người còn nhớ đến “chú Huân”. Huân về Hoài Châu như đứa con xa nhà lâu ngày về lại. Tôi có lần về Hoài Châu cùng Huân để bốc mộ ông anh, được bà con coi sóc nhiệt tình, ấm áp và sâu nặng, không thể kể hết ra được.
Tôi lấy vợ, có con. Tôi, Huân và Phạm Hoa cùng ở dãy nhà cấp bốn xập xệ. Đêm đêm, tôi, Huân và Hoa thường quần đùi bộ đội, mình trần ra vòi nước công cộng cả khu chung hứng nước xách về cho cả nhà dung.
Chò chõ ngồi chờ nước chảy, ba thằng rít thuốc lào xoe xóe! Chuyện quanh đi quẩn lại về mấy em hồi ở chiến trường. Nhưng nước vẫn chưa khổ bằng việc cả khu nhà chung nhau có mỗi cái nhà vệ sinh…
Cuộc sống của cánh tôi có phần hoang dã, nhưng đầy ắp tình người. Thế mà rồi lũ nhóc của chúng tôi cũng lớn lên, cuộc sống biến thiên, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Vợ chồng Huân, Hoa yên ấm. Vợ chồng tôi loạc choạc chia tay. Tôi chiều chiều đi đón con ở nhà trẻ về, tạt vào nhà Huân ăn cơm.
Có khi chả báo trước, cứ gặp bữa là chén, thậm chí cả tháng trời, chiều chiều đón con từ nhà trẻ về, rồi sang nhà “bố” Huân đánh vài ván cờ, cờ xong là chén. Sao hồi ấy tôi chén cơm nhà Huân nhiều thế mà chả thấy áy náy gì nhỉ? Bà mẹ Huân trông thấy tôi thì bảo “bố” Đỉnh về ăn cơm. Bọn con nhà Huân cũng một “bố” Đỉnh, hai “bố” Đỉnh. Nẹt thành quen.
***
Cuộc đời làm biên tập viên của tôi nếu tính ra cũng trên dưới hai mươi năm. Huân làm lãnh đạo cũng trên dưới ngần ấy thời gian. Hồi Huân làm Tổng Biên tập có một vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Đó là chúng tôi đã in cái truyện ngắn “Chuyện không có trong sự thật”. Thực ra truyện do tôi đem về. Nhóm bạn chơi của tôi hồi ấy có Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Thành Phong. Cánh tôi rất háo hức khi tranh luận với nhau về những chi tiết xung quanh chuyện con chó và bà chủ. Tôi thì thấy hay, quả thật là nó hay, tuy có hơi gợn, nhưng truyện của Lập kín kẽ mà vẫn khốc liệt. Nào ngờ, khi truyện in ra đúng dịp 27/7, ngay lập tức có sự phản ứng quyết liệt của vài người. Lập tức sau những người phản ứng là có người nghĩ ngay được rằng đây là một truyện rất xấu, ám chỉ lãnh tụ, cái tên Ki Kop không phải ngẫu nhiên, mà đây là ý đồ xấu… Thế là trong Ban biên tập đảo điên, tưởng đâu Huân mất chức đến nơi.
Bây giờ, giở lại cuốn sổ tay ghi chép, tôi nhớ lại từng gương mặt các anh trong cuộc họp kiểm điểm nhau, có một vị tướng của TCCT dự. Vị tướng này có dáng vẻ rất hiền, rất trí thức nhưng rất rắn. Thế là lập tức những phát biểu gay gắt và đầy “lập trường” được những người bạn đồng nghiệp phân tích cả buổi, nào đồng chí Huân thế này, thế kia, nào đồng chí Đỉnh đã đem lửa về đốt cơ quan. Vị tướng nọ kết luận, vì đồng chí Đỉnh không thuộc diện chúng tôi quản lý, chỉ là biên tập viên nên cũng chả còn chỗ nào mà kỷ luật. Đồng chí Huân phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Huân ta nhất nhất đây là “sự kém cỏi của tôi”. “Bao nhiêu sai sót đều do tôi, xin các đồng chí kỷ luật mình tôi là đủ rồi”. Về phía tôi, thấy thế cũng chướng, đề nghị cấp trên nếu kỷ luật đồng chí Huân thì cũng nên xét cho tôi ké với. Nhưng vị tướng nọ được sự hưởng ứng cao độ của các nhà văn, nhà thơ đã kết luận rất nhẹ nhàng rằng, nguyên tắc là nguyên tắc, các đồng chí ạ.
Ở đời có những chuyện nhớ đời là như thế, đến bây giờ vẫn nhớ, nhớ và thấy chuyện thật khôi hài, thật vớ vẩn, sao mà hồi ấy mặt mũi các nhà văn nhà thơ mà cũng nghiêm trọng đến như thế? Tôi đã chứng kiến nhiều lần Huân cứu được anh em bạn bè thoát những rắc rối từ chuyện luyến ái cá nhân đến việc động trời mất sao, mất gạch, mất chức… được Huân thật thà ra tay bảo lãnh. Mà Huân bảo lãnh ổn.
Nhưng dù sao chuyện của tôi và Huân kể thế tạm còn nghe được. Kể thêm nữa khéo không lại vạch áo cho người xem lưng, lưng thì đã còng, chí thì đã kiệt, như tôi, đến rượu bây giờ cũng đã oải rồi, hỏi còn thiết tha cơm cháo gì nữa. Ke ke.
“Tao cấm mày ăn cơm!”
Mãi tới khi Huân lên Tổng Biên tập VNQĐ, tôi vẫn lẹt đẹt làm lính. Khi Huân vừa lên được mấy ngày, tôi đã khấp khởi, tinh tướng bảo Huân: “Bố Huân phải bố trí phòng khác cho tôi. Tôi ở cái phòng chín mét vuông này quá lâu rồi”. Huân bảo tôi: “Thì mày cũng phải từ từ”. Tôi nổi khùng: “Không từ từ gì nữa! Ông phải đổi phòng cho tôi. Cơ quan còn thừa phòng mà để cán bộ ở thế này à?”. Huân đỏ nhừ mặt, đứng lên nói: “Thì mày cũng phải để cho tao từ từ đã chứ”. Tôi không vừa: “Không từ từ. Làm cán bộ phải lo cho anh em. Thấy vô lý phải sửa ngay chứ! Ông có lo cho tôi không thì bảo”. Huân điên lên: “Không! Mày cứ thế thì không bao giờ”. Tôi nổi đóa: “Thế thì ra khỏi phòng này ngay! Ra!”. Huân chỉ vào mặt tôi, run run: “Từ nay tao cấm mày đến nhà tao ăn cơm!”.
Chiều hôm ấy tôi nghĩ lại, thấy mình sai bét nhè, nhưng không nói gì, cứ lặng lẽ đến nhà Huân ăn cơm. Vẫn như thường lệ, không ai mời trước, bà thì vẫn bình thản, vợ Huân và trẻ con cũng bình thản, chỉ có tôi và Huân chả thằng nào nói với nhau lời nào. Ăn xong tôi chuồn, Huân ra mở cửa, mặt vẫn tím bầm, nhưng tôi biết, y không còn giận tôi nữa.
TRUNG TRUNG ĐỈNH