1. TIỂU SỬ
Giáo sư Phương Lựu tên thật là Bùi Văn Ba. Sinh ngày 27-6-1936 tại xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện thường trú tại số 2, ngõ 26 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Giáo sư Phương Lựu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có hai anh em, cha mất sớm khi ông mới 2 tuổi. Mẹ ông một mình nuôi ông và người anh của ông. Thuở nhỏ, ông theo học ở trường tiểu học Vạn An. Từ năm 1947 đến năm 1953, ông học tại trường trung học Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1954, lúc vừa tròn 18 tuổi, Phương Lựu đã được Đảng bộ Liên khu V chọn lựa là một trong những học sinh được gửi ra Việt Bắc và tiếp tục được đưa đi du học. Ông du học Đại học Trung văn ở Khu học xá Trung ương, Đại học Văn khoa ở Bắc Kinh, (Trung Quốc).
Năm 1960, Phương Lựu tốt nghiệp Đại học Sư phạm Bắc Kinh và trở về giảng dạy ở Bộ môn Văn học Trung Quốc tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Từ năm 1960 ông bắt đầu viết phê bình, trước là về văn học Trung Quốc, tiếp theo là văn học Việt Nam. Từ đầu những năm 70 trở đi chủ yếu viết những công trình lý luận kết hợp với việc phê bình về lý thuyết. Năm 1964, ông chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy về lý luận văn học cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2006.
Năm 1965, nghe tin mẹ hy sinh, ông đã xung phong vào miền Nam chiến đấu nhưng không được chấp thuận vì gia đình đã có anh trai là liệt sĩ. Khi quân Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Phương Lựu là một trong những chiến sĩ tự vệ đã góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Năm 1987, ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ và năm 1994 tiếp tục bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ở trong nước chỉ bằng việc tự học, ông là người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam bảo vệ thành công Luận văn tiến sĩ khoa học về Lý luận văn học.
Gần 50 năm giảng dạy, ông đã góp phần đào tạo hàng nghìn cử nhân, hướng dẫn luận án cho 50 Thạc sĩ và 15 Tiến sĩ. Trong đó, có những người sau này đã trở thành những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật và Nguyễn Khoa Điềm. Năm 2002, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Giáo sư Phương Lựu từng đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam. Là Tiến sĩ khoa học, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân. Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Nho học quốc tế.
3. Tác phẩm:
Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học (1977)
Học tập tư tưởng Văn nghệ V. I. Lênin (1979)
Tìm hiểu một nguyên lý văn chương (1983)
Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc (1989)
Trên đà đổi mới văn hóa văn nghệ (1994)
Văn hóa văn học Trung Quốc cùng một số liên hệ ở Việt Nam (1996)
Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam (1997)
Khơi dòng lý thuyết (1997)
Tiếp nhận văn học (1997)
Nhìn lại nửa thế kỷ lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (1999)
Từ văn học so sánh đến Thi học so sánh (2002)
Lý luận phê bình văn học (2004)
Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX (2001)
Phương Lựu- Tuyển tập (3 tập, 2005, 2006)
Phương pháp luận nghiên cứu văn học (2005)
Tư tưởng văn hoá văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây (2007)
Vì một nền lý luận văn học dân tộc hiện đại (2009)…
4. GIẢI THƯỞNG
Giải thưởng của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1975, 1989.
Giải thưởng của báo Văn nghệ (1997, 2002).
Giải thưởng của Nhà xuất bản Giáo dục năm 1985.
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995.
Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.
Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2009.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 4 năm 2012.
Giáo sư Phương Lựu là một trong những trường hợp hiếm hoi ở Việt Nam vừa đồng thời được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.