Nói đến Nhà văn Ngô Tất Tố, không thể không nghĩ đến làng quê nghèo Việt Nam thời Pháp thuộc mà tiếng thúc dồn sưu hàng năm đe dọa người nông dân như một tai họa khủng khiếp. Là một nhà văn hàng đầu trong trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam trước năm 1945, sở trường về sáng tác đề tài nông thôn, tác phẩm của ông đã bóc trần bộ mặt xấu xa, tàn ác của địa chủ cường hào phong kiến, đồng tình vô hạn đối với nông dân nghèo khổ, khai thác và khám phá vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn của họ. “Tắt đèn” chính là tiểu thuyết giúp cho tên tuổi của ông vụt sáng với “Ngòi bút rắn chắc của nhà văn Ngô Tất Tố đã không e dè đưa lên những sự thật. Người nông dân giãy lên trên những dòng chữ của nhà văn Ngô Tất Tố. Cái mạnh, cái sắc của nhà văn Ngô Tất Tố ở chỗ dám nhìn thẳng vào sự thực, căm giận, chửi rủa và phá bỏ. Cái mạnh, cái sắc của nhà văn Ngô Tất Tố còn ở chỗ đi sâu vào những khía cạnh đen tối, sai trái của kẻ thù.” (Nguyên Hồng)
Câu chuyện nhà văn
Nhà văn Ngô Tất Tố
Trước khi được biết đến là một nhà văn xuất sắc, ông là một nhà báo sắc sảo. Thuộc thế hệ nhà Nho cuối cùng của thế kỷ XX, cũng giống như bao nho sĩ ông cũng từng dùi mài kinh sử, cũng lều chõng đi thi nhưng lại được khai mở bởi văn minh phương Tây. Thay vì lui về ở ẩn rồi dạy học tại các làng quê ông lựa chọn đến với nghiệp báo, dịch sách như ông từng trả lời phỏng vấn của tờ báo Con Ong “Thi chữ Nho bãi rồi, tôi mới tính đến nước đi ngồi dạy học. Ngồi dạy học ông tính thì còn có gì. Bởi nhàn rỗi quá, không có việc gì mà làm, tôi mới nảy ra ý tưởng viết văn. Tôi dịch cuốn Cẩm hương đình. Năm ấy tôi đã 22 tuổi.” Các tác phẩm của ông được đăng trên nhiểu tờ báo khác nhau có tính cập nhật rất phong phú, cập nhật trong chính trị, kinh tế và trọng đạo lý với cách quan sát sắc sảo, tầm nhìn rộng xa của “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. (Vũ Trọng Phụng)
Ba mươi năm cầm bút dành trọn cuộc đời cho văn chương và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhà văn Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ lớp đầu của nền văn hóa Quốc ngữ với sự nghiệp đa dạng, phong phú và xuất sắc trên năm lĩnh vực lớn văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật, địa lý. Nhà văn Ngô Tất Tố được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa nghệ thuật đợt một năm 1996.
Quỳnh Phương
Tài liệu tham khảo
2. Minh Minh, Ngô Tất Tố: Cây bút một lòng tận chung với đất nước nhân dân https://revelogue.com/tac-gia-ngo-tat-to/