Nguyễn Đình Thi quê ở Hà Nội nhưng sinh ở Luang Prabang (Lào). Đến năm tuổi, Nguyễn Đình Thi theo bố mẹ trở về nước và đi học ở Hà Nội rồi Hải Phòng. Từ nhỏ, Nguyễn Đình Thi đã nổi tiếng thông minh, học rất giỏi tất cả các môn, đặc biệt là môn Triết. Đang đi học mà ông đã viết sách triết học như “Triết học nhập môn” (1942), “Triết học Căng” (1942), “Triết học Nitsơ” (1942), “Triết học Anhxtanh” (1942), “Siêu hình học” (1942) và cùng một số người bạn học bí mật nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông học Luật ở Đại học Đông Dương và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Hội Văn hoá Cứu quốc. Là trí thức yêu nước, Nguyễn Đình Thi đã sớm trở thành người chiến sĩ cách mạng trung kiên. Ông đã từng là đại diện của Việt Minh trong Đảng Dân chủ. Hai lần bị kẻ thù bắt bớ, tra tấn, mua chuộc nhưng ông vẫn một lòng thuỷ chung với cách mạng. Tháng 7.1945, Nguyễn Đình Thi được đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và được cử vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Từ đó cho đến cuối đời, Nguyễn Đình Thi liên tục đảm nhận những cương vị quan trọng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật: Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam.
Nguyễn Đình Thi là người hoạt động chính trị, đã từng là sĩ quan quân đội, nhưng nhắc đến ông là mọi người nghĩ đến một nghệ sĩ đa tài. Ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng.
Trước hết về thơ, đây là lĩnh vực ông dành nhiều tâm huyết nhất, ông luôn trăn trở tìm tòi hướng sáng tạo nhằm đổi mới diện mạo thơ ca. Nhờ tài năng và bản lĩnh sáng tạo, Nguyễn Đình Thi có một phong cách thơ riêng, độc đáo và hiện đại. Thơ ông dạt dào cảm hứng yêu thương sâu lắng về đất nước “vất vả, gian nan, tươi thắm vô ngần”. Đất nước đau thương và quật khởi, con người vất vả và anh hùng là chủ đề quán xuyến trong thơ Nguyễn Đình Thi. Với tình cảm gắn bó tha thiết với đất Việt yêu thương, với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, Nguyễn Đình Thi đã cho ra đời những bài thơ bất hủ như “Đất nước”, “Nhớ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Lá đỏ”. Những câu thơ tha thiết lắng đọng giàu chất triết lý chiêm nghiệm về sự kỳ diệu của sự sống, của tình yêu, của sức mạnh tiềm ẩn trong con người Việt Nam hiền lành đôn hậu. Thơ Nguyễn Đình Thi hàm súc và giản dị, đằng sau từng lời thơ đều như có dư ba, đều có khả năng gợi không khí, gợi hình ảnh và tâm trạng. Câu thơ của ông phóng khoáng tự do, không câu nệ vần, thậm chí không vần nhưng vẫn giàu nhạc điệu. Mỗi bài thơ đều có chất nhạc riêng không lẫn được. Chính những nỗ lực đổi mới thơ ca, chính những tìm tòi thể nghiệm táo bạo của Nguyễn Đình Thi đã khiến thơ ông trở thành đề tài gây tranh luận ngay từ năm 1949. Trong suốt một thời gian dài sau đó, ông vẫn cô đơn, âm thầm một mình bước lặng lẽ trên con đường thơ mà ông đã lựa chọn. Không ít những lời gièm pha, không ít những lời kỳ thị của đồng nghiệp nhưng ông vẫn tin tưởng, vẫn kiên trì một lối đi riêng bởi đó là “niềm tha thiết nhất” của ông. Và thời gian chính là sự khẳng định rõ ràng nhất cho chân lý của cuộc sống. Thực tế phát triển của thơ ca tiếng Việt đã chứng minh những cách tân của ông về nghệ thuật thơ ca là hoàn toàn đúng đắn và hợp quy luật. Cho đến bây giờ thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam đã, đang kế thừa và phát huy những thành tựu và những hướng tìm tòi của Nguyễn Đình Thi.
Trong địa hạt văn xuôi, Nguyễn Đình Thi cũng có những đóng góp rất đáng trân trọng. Có thể khẳng định rằng cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi gắn bó chặt chẽ với cuộc đời hoạt động cách mạng bền bỉ của ông. Nguyễn Đình Thi là nhà văn nhạy cảm và luôn có mặt trên dòng thời cuộc của dân tộc. Những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi là sự phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến. “Xung kích” – tiểu thuyết đầu tay của ông đã tái hiện sinh động cuộc chiến đấu của một đại đội xung kích trong chiến thắng trung du (1951). Tác phẩm này đã đạt giải thưởng văn nghệ 1951 – 1952. “Thu đông năm nay” (1954), “Bên bờ sông Lô” (1957), “Vào lửa” (1966), “Mặt trận trên cao” (1967), đều là những tác phẩm mang tính thời sự nóng hổi về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Những tác phẩm ấy đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Nhưng không phải vì thế mà nó mất đi giá trị văn chương đặc sắc, lâu dài.
Thành công lớn nhất ở thể loại văn xuôi phải kể đến hai tập của tiểu thuyết “Vỡ bờ”. Bộ tiểu thuyết này đã tái hiện bức tranh nhiều chiều của xã hội Việt Nam thời kỳ 1939 – 1945. Nó thể hiện khát vọng của nhà văn muốn vươn tới khái quát một phạm vi rộng lớn từ đô thị cho tới nông thôn, để có thể đạt tới tính chất tổng hợp quá trình vận động của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thông qua sự thăng trầm của những số phận đại diện cho một số tầng lớp xã hội trước biến cố lớn lao của lịch sử dân tộc. Tuy còn một số hạn chế không thể tránh khỏi nhưng bộ tiểu thuyết “Vỡ bờ” vẫn là thành công của Nguyễn Đình Thi trong thể loại tiểu thuyết có tính chất sử thi.
Không những làm thơ, viết truyện mà Nguyễn Đình Thi còn là một cây bút viết lý luận, phê bình văn học khá sắc sảo và có phong cách riêng. Ông viết nhiều tiểu luận tiến bộ dưới ảnh hưởng của quan điểm văn nghệ mác xít. Tiểu luận “Nhận đường” của ông đã giúp thế hệ văn nghệ sĩ lúc bấy giờ tìm ra con đường đi đúng đắn: “Văn nghệ phụng sự chiến đấu nhưng chính chiến đấu đem đến cho văn nghệ một sức sống mới, sắt lửa mặt trận đang đúc lên văn nghệ mới của chúng ta” (“Nhận đường”). Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Nguyễn Đình Thi cùng với một thế hệ các nhà văn cách mạng như Tô Hoài, Nam Cao, Trần Đăng đã hăng hái tham gia kháng chiến, hoà vào dòng chảy của lịch sử dân tộc, vừa cầm bút vừa cầm súng đi chiến đấu chống quân thù.
Tuy không phải là một người chuyên viết kịch bản nhưng cho đến nay hàng chục vở kịch của Nguyễn Đình Thi đã để lại dấu ấn sâu sắc trên sân khấu kịch Việt Nam. Ông mang đến cho kịch tiếng nói mới mẻ. Từ vở “Con nai đen“ (1961) đến “Hoa và Ngần” (1975), “Giấc mơ” (1983), “Rừng trúc” (1978), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Người đàn bà hóa đá” (1980), “Tiếng sóng” (1980), “Cái bóng trên tường“ (1982), “Trương Chi” (1983), và “Hòn Cuội” (1983 – 1986). Kịch bản nào cũng là những nỗ lực cách tân không mệt mỏi của Nguyễn Đình Thi, nhằm mở rộng dung lượng sức chứa cũng như làm giàu thêm tính văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lý của kịch. Nhiều nhà phê bình đã nhận xét về kịch của Nguyễn Đình Thi: đa dạng, giàu chất thơ, nhạc giàu tính triết lý, tưởng tượng, đan xen hài hòa giữa cái thực và cái ảo khiến cho những tác phẩm của ông mang một dấu ấn riêng biệt, độc đáo. Cũng giống như thơ, số phận những tác phẩm kịch của Nguyễn Đình Thi không hề suôn sẻ. Vở “Con nai đen“ có kịch bản từ năm 1961 nhưng đến năm 1990 mới được dàn dựng lần đầu, “Hoa và Ngần“ (1974) dựng xong nhưng không được công diễn. Vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” đầy tâm huyết trăn trở về cuộc đời, đã từng gây ra một hiện tượng trong đời sống sân khấu nói riêng và văn nghệ nói chung những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, nhưng chỉ được diễn một vài lần rồi bị cấm. Vở “Rừng trúc” được viết từ năm 1979 nhưng phải chờ đợi 20 năm mới được lên sân khấu. Với những nỗ lực của các đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành, vở kịch đã có mặt trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và đã được tặng Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1999. Đây là vở kịch thành công của Nguyễn Đình Thi, gây được tiếng vang lớn không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Phải chăng Nguyễn Đình Thi quá tiên phong nên trở thành xa lạ hay đó là cái giá phải trả của tìm tòi thể nghiệm đầy tài năng? Là một nghệ sĩ đích thực, niềm khát vọng lớn của Nguyễn Đình Thi là góp tiếng nói chân thật, tâm huyết cho đời, góp phần làm cho đời sống xã hội trở nên nhân đạo hơn. Nhưng chỉ riêng điều được nói lên sự thật đã khó biết bao! Vì vậy, ông phải mượn đề tài lịch sử, những chuyện ông Trần Thủ Độ đời Trần, chuyện ông Nguyễn Trãi thời quân Minh sang đô hộ để nói lên những vấn đề hiện tại. Kịch của Nguyễn Đình Thi giàu chất triết lý, hình tượng nghệ thuật đa nghĩa, nhiều ẩn dụ, không dễ hiểu với khán giả bình dân. Thế giới nghệ thuật kịch của Nguyễn Đình Thi là một thế giới văn hoá đa dạng nhiều màu sắc, nơi mà dấu vết văn hoá cổ kim, đông tây, dân gian, bác học được hội tụ và toả sáng. Dù đa dạng về sắc thái tính chất nhưng tất cả đều thể hiện tình yêu tha thiết của một nghệ sĩ tài năng tâm huyết với đất nước, với dân tộc, với nhân, thể hiện những trăn trở xót xa về số phận con người và những khát vọng sáng tạo nghệ thuật.
Trong rất nhiều danh hiệu của Nguyễn Đình Thi như nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, nhà văn hoá… thì người ta còn phải nhắc đến một danh hiệu cao quý khác, đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, dẫu ở địa hạt âm nhạc Nguyễn Đình Thi chỉ như một chàng lãng tử ghé qua đôi chút. Nhưng chỉ với đôi chút ấy thôi cũng đủ làm nên những kiệt tác bất hủ. Trong một đêm đầu năm 1947, lúc bắt đầu những ngày khói lửa ở Hà Nội, ông đã cho ra đời “Người Hà Nội” – kiệt tác âm nhạc vào hàng hay nhất và lớn nhất của âm nhạc Việt Nam thế kỷ qua. Điều kỳ lạ là kiệt tác ấy lại ra đời trong một điều kiện hết sức đặc biệt. Đó là một đêm ở ngoại thành, bên chiếc đàn piano cũ kỹ trong nhà dân, Nguyễn Đình Thi đã làm rung lên những giai điệu bất diệt. Và “Người Hà Nội” đã ra đời. Không một ai yêu âm nhạc, yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nghe bản nhạc ấy mà không thấy rạo rực trong lòng những cảm giác mãnh liệt kỳ lạ. Trong những ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945 sục sôi, Nguyễn Đình Thi cũng cho ra đời “Diệt phát xít” – ca khúc đi vào bất tử trong lòng mỗi người dân đất Việt. Tuy sáng tác không nhiều nhưng ở lĩnh vực âm nhạc, Nguyễn Đình Thi là nhạc sĩ tài hoa và đầy tâm huyết. Chỉ với 2 ca khúc nhưng ông hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu nhạc sĩ, danh hiệu cao quý mà những người yêu âm nhạc tôn vinh ông.
Nguyễn Đình Thi đã qua đời ngày 18.4.2003 nhưng sự nghiệp của ông, trí tuệ và tài năng của ông đã trở thành bất tử. Do những công lao và cống hiến xuất sắc trên nhiều mặt, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật.
Trong điếu văn lễ tang Nguyễn Đình Thi do đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban lễ tang đọc, đã nêu bật những công lao và đóng góp của Nguyễn Đình Thi:
“Với tài năng tổ chức lãnh đạo văn nghệ xuất sắc, một tài năng đặc biệt toả sáng vào lúc cách mạng chuyển sang giai đoạn rất cần sự nhận đường sáng suốt, và với uy tín cá nhân cao, sức tập trung rộng rãi và tính kiên định cách mạng, nhà văn Nguyễn Đình Thi có công lao to lớn xây dựng phát triển nền văn học – nghệ thuật của đất nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua(…). Với tài năng sáng tạo đa dạng, nhà nghiên cứu triết học, nhà thơ, nhà văn, kịch tác gia, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Đình Thi để lại cho chúng ta một di sản văn hoá đồ sộ. Ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ông đã để lại những tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu bền, có ảnh hưởng sâu rộng, trở thành niềm tự hào của giới văn học – nghệ thuật nước nhà, được nhân dân giữ gìn, trân trọng“(1).
Là một nghệ sĩ rất mực tài hoa, nhà lãnh đạo văn nghệ xuất sắc nhưng Nguyễn Đình Thi sống thật chân thành, giản dị, khiêm nhường. Cho đến cuối đời ông vẫn tự nhận là:
“Tôi không nói được mình đã trải đời
Không nói được mình đã hiểu người
Không dám nói mình đã biết yêu
Không dám nói mình đã biết sống…”
Sự khiêm tốn đến mức chân thật ấy khiến chúng ta càng kính trọng ông hơn. Nguyễn Đình Thi thật xứng đáng là một nhân cách có bản lĩnh văn hoá, một đại diện tiêu biểu của nền văn hoá Việt Nam hiện đại./.
Theo nguồn: http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7907/