Suối lượn ngọt ngào trong tiểu thuyết Vi Hồng

Vi Hồng đã viết bằng cả tấm lòng yêu thương, trân trọng đồng bào mình, bằng cả sự trải nghiệm cay đắng từ cuộc đời của mình để rồi kết tinh thành những trang văn mang tính hiện thực, tính nhân đạo sâu sắc.

Chân dung nhà văn Vi Hồng

Nhà văn Vi Hồng – người làm sống dậy hồn cốt văn hóa dân gian trong tiểu thuyết

Nhà văn Vi Hồng tên đầy đủ là Vi Văn Hồng, người dân tộc Tày. Ông sinh ngày 13 tháng 7 năm 1936 (có tài liệu ghi 1934) tại bản Phai Thin xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông mất ngày 31 tháng 3 năm 1997 tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Ông bắt đầu tập viết thơ từ năm 13 tuổi mặc dù không có bài thơ nào được in trên tạp chí nhưng ông vẫn dồn hết tâm huyết vào từng lời, từng vần thơ. Đầu thế kỷ XX ông lại bắt tay vào viết kịch và cho ra đời hai vở kịch đó là: Mặt trời đâm cửa sổ và Con gái đầu bạc, ở thể loại kịch ông cũng không thành công. Chỉ đến khi ông chuyển sang viết thể loại truyện ngắn thì bước đầu ông mới có những thành công nhất định. Truyện ngắn Ngôi sao đỏ trên đỉnh Phja Hoàng sáng tác năm 1959 đạt giải nhì của Tổng hội Sinh viên Việt Nam. Bước đầu người đọc biết đến tên tuổi ông với thể loại truyện ngắn. Sau đó Vi Hồng còn viết nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc. Nhưng có lẽ chỉ đến thể loại tiểu thuyết Vi Hồng mới bộc lộ được hết khả năng sáng tạo, niềm đam mê văn chương của tác giả.

Từ năm 1980 đến năm 1997 ông đã cho ra đời 15 cuốn tiểu thuyết đó là: Đất bằng (1980), Núi cỏ yêu thương (1984), Thung lũng đá rơi (1985), Vào hang (1990), Người trong ống (1990), Gã ngược đời (1990), Lòng dạ đàn bà (1992), Dòng sông nước mắt (1993), Ái tình và kẻ hành khất (1993), Tháng năm biết nói (1993), Chồng thật vợ giả (1994), Phụ tình (1994), Đi tìm giàu sang (1995), Đọa đầy (1997), Mùa hoa bióoc lỏong (2006). Có thể thấy 15 tiểu thuyết của Vi Hồng đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Vậy tại sao chỉ đến thể loại tiểu thuyết ông mới đạt được những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của mình? Chính ông đã từng tâm sự “Cái buồn có sức mạnh cảm thông với văn chương hơn thì phải? Xúc cảm văn chương cũng từ đâu đó dồn về theo mọi ngả buồn… với riêng tôi gần hai chục tiểu thuyết của tôi đều bắt nguồn từ một nỗi buồn nào đó, một nỗi đau khổ nào đó. Nỗi buồn là ngọn nguồn tạo nên những tiểu thuyết của tôi”, có lẽ đúng như lời tâm sự của ông những nỗi buồn, nỗi bất hạnh của cuộc đời riêng đều được gửi gắm qua từng trang tiểu thuyết. Chính điều này đã tạo ra phong cách sáng tác riêng của Vi Hồng, đưa ông lên vị trí xứng đáng trong nền văn xuôi văn học thiểu số Việt Nam hiện đại.

Để làm vơi bớt đi những nỗi buồn đau của cuộc đời Vi Hồng đã cất lên những câu Lượn ngọt ngào trong những cuốn tiểu thuyết của mình. Những khúc hát lượn của đồng bào Tày đã được Vi Hồng tái hiện một cách khéo léo trong từng tác phẩm góp phần lưu giữ truyền thống văn hóa của tộc người Tày. Tuy nhiên, do đặc trưng thể loại tiểu thuyết nên Vi Hồng chỉ có thể đưa vào tác phẩm một số khúc lượn được đặt trong khung cảnh và môi trường diễn xướng quen thuộc như: Chợ phiên, lễ tết, hát trên nương rẫy… Chỉ với một vài yếu tố đó Vi Hồng đã làm sống dậy cái hồn cốt văn hóa dân gian và vơi bớt đi nỗi đau chất chứa trong lòng qua các tác phẩm của mình.

Vẻ đẹp tính cách, tâm hồn của người Tày qua những câu lượn

Ở các bản làng nơi quê hương ông không mấy khi vắng tiếng lượn, có lẽ là chỉ trừ khi ăn và khi ngủ là họ không hát lượn. Lượn vang lên từ nhà, ngoài nương rẫy cho đến khắp các bản mường. Không chỉ thanh niên mà cả người già và trẻ nhỏ cũng hát lượn, họ hát lượn để xua đi cái mệt nhọc, để phô diễn tâm tư, tình cảm. Chính vì thế mà hát lượn trở thành một sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Tày. Các điệu lượn xuất hiện ở mỗi nơi lại có một cách hát và chức năng khác nhau.

Trong những phiên chợ phiên trai gái người Tày gặp nhau để hát lượn, ở đó họ có thể lượn theo từng đôi hay theo từng tốp, có thể lượn với những người quen biết cũng có thể lượn với những người khách lạ. Từ những khúc hát lượn ấy mà bao đôi trai gái quen biết nhau, yêu thương nhau rồi nên vợ nên chồng. Va Đáo và Thế Ru trong tiểu thuyết Phụ tình cũng yêu nhau qua những câu lượn trong phiên chợ Nặm Cáp, họ là hai cây lượn làm “nghìn người say mê”… “từ ông già đến đứa trẻ, từ kẻ ăn cướp, ăn trộm đến những đứa con bị bố mẹ, họ hàng từ bỏ đều say mê tiếng lượn của chàng và nàng”. Họ không chỉ lượn khi vui mà họ lượn cả lúc buồn, khi gặp những điều bất công. Va Đáo bị viên tri châu bắt về hát then lúc này tiếng hát của nàng không còn khao khát yêu thương như khi lượn với Thế Ru mà thay vào đó là nỗi chua chát khóc than cho số phận của mình: “Hoa tiên nở lưng trời/ Cây tiên trồng giữa đám mây năm sắc/ Đóa hoa bằng chiếc ô rực rỡ và ngọt ngào/ Mong ong thiêng bướm quí đến đậu/ Ngờ đâu lại bị lũ bọ hung đến vờn”. Mỗi câu lượn Va Đáo cất lên như trăm nghìn mũi kim găm vào tim, nàng xót xa khi bị “lũ bọ hung” làm cho vấy bẩn đóa “hoa tiên”. Lượn không chỉ cất lên khi vui, lúc buồn mà người ta còn lượn cả khi tỏ tình với nhau. Xinh Xông trong tiểu thuyết Mùa hoa bióoc lỏong đã hát những câu lượn ngọt ngào để tỏ tình với nàng Thu Lạ xinh đẹp: “Trăm hoa đua nở mùa xuân/ Rồm nao nhan sắc muộn màng vào thu/ Cháu thu mang võng đào đến đón/ Đem đàn sáo đến rước”. Rồi lượn cũng có khi được hát để thay cho lời chào: “Nghiêng nón tôi xin chào gốc bản, gốc rừng/ Cất đầu, tôi chào người quen,người lạ/ Tôi chào người già người trẻ/ Người người đẹp đẽ hơn hoa/ Tôi chào cánh nương cho ta nhiều lúa/ Tôi chào đồng rộng cho chủ nhiều thóc/ Chào nước trong như ngọc chảy xuôi/ Chào đàn vịt bơi trên nước/ Chào đàn gà mổ thóc ngoài sân/ Chào lợn trắng, lợn đen dưới sàn/ Chào đàn trâu sừng ngang, sừng vểnh…/ Gặp gì tôi chào đấy người hãy đừng chê”. Đó là những câu lượn Đàng lần đầu tiên hát chào mọi người khiến “Người người nghe Đàng lượn hát mà ngẩn ngơ”.

Có thể thấy trong các tiểu thuyết của Vi Hồng đều xuất hiện những con người miền núi mộc mạc, chất phác nhưng ẩn sâu trong họ là những tâm hồn trong sáng luôn khao khát hạnh phúc và sống hết lòng vì những người mình yêu thương. Bên cạnh đó, nhà văn còn để cho các nhân vật đắm mình trong các làn điệu dân ca để bộc lộ những vui, buồn, yêu, ghét trong cuộc sống. Vi Hồng đã viết bằng cả tấm lòng yêu thương, trân trọng đồng bào mình, bằng cả sự trải nghiệm cay đắng từ cuộc đời của mình để rồi kết tinh thành những trang văn mang tính hiện thực, tính nhân đạo sâu sắc. Có thể nói sự trân trọng ca ngợi những vẻ đẹp tính cách, tâm hồn của đồng bào dân tộc Tày qua những câu hát lượn đã khiến cho các tiểu thuyết của ông mang đậm bản sắc dân tộc. Điều đó cũng chứng tỏ tình yêu quê hương, sự lao động miệt mài để khám phá chiều sâu tâm hồn Tày và khát khao mang linh hồn Tày đến gần với người đọc trong suốt cuộc đời sáng tác của ông. Hai yếu tố văn hóa và văn học được Vi Hồng kết hợp một cách khéo léo tạo nên những nét đẹp về văn hóa trong các tiểu thuyết của ông.

Bàn Thị Quỳnh Giao

Theo nguồn:https://toquoc.vn/suoi-luon-ngot-ngao-trong-tieu-thuyet-vi-hong-99130018.htm