Nhà văn Kiều Vượng với những ký ức đau đáu phận người

“Lớp đàn anh văn chương có nhiều tấm gương trong chiến đấu, trong lao động để ta học họ mà bước đi không ngại ngần gian khổ. Ngoài đỉnh cao thơ mới Trần Mai Ninh với Nhớ máu và Hữu Loan với Đèo cả và Màu tím hoa sim thì nhà thơ Minh Hiệu là một trong những người như vậy” – nhà văn Kiều Vượng từng tâm sự.

Nhà văn Kiều Vượng đã có những tác phẩm: Về một vùng quê (truyện dài, 1982); Lời hẹn (ký sự, 1984); Người cuối cùng ở lại (tiểu thuyết, 1987); Sóng gió (tiểu thuyết, 1988); Vùng trời thủng (tiểu thuyết, 1990); Đoạn cuối cuộc đời (tập truyện ngắn, 1992); Nói với mình (thơ, 1993); Một đoạn đời (truyện ký, 1995); Những cuộc đời thầm lặng (ký, 1996); Nơi mẹ đẻ ra tôi (tập truyện ngắn, 1996); Truyện ký Kiều Vượng (1998); Vùng đất từng nổi tiếng (2000); Chuyện núi Rồng (2001); Những cuộc đời những con đường (2004)… Và các giải thưởng: Giải ba về đề tài giao thông của Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 1988 (tiểu thuyết Sóng gió); Giải thưởng văn học 5 năm 1990-1995 của Thanh Hóa; Giải nhất kịch bản phim tài liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kịch bản Chở đá lên núi (2000); Giải thưởng văn học sông Mê Kông; Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 4 năm 2017. Sau này, ông gộp các tác phẩm thành tuyển tập Một đời văn.

                                              Nhà văn Kiều Vượng

Một buổi chiều đầu đông 2018, tôi và vài người bạn yêu văn chương tới gặp nhà văn Kiều Vượng khi ông đang ngồi trên chiếc xe lăn trong ngôi vườn nhỏ ở Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ khu vực Bắc miền Trung, số 53 đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa. Đây là địa chỉ mà ông đã vất vả trong thời gian dài để xin các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa vị trí, xin Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn nghệ các thủ tục hành chính và sau đó là được sự hỗ trợ về tài vật của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để xây dựng nên…

Ông ngồi im như chìm vào cõi lặng dưới bóng cây bưởi đang được chùm nắng yếu ớt cuối ngày hắt ánh sáng bàng bạc lên vòm cây xanh biếc như muốn thâu vào tâm khảm bầu trời, cảnh vật thân quen trước quỹ thời gian chẳng còn nhiều nữa, bởi những cơn đau bạo bệnh cuối đời và trong những tháng ngày ít ỏi đó, ông vẫn đau đáu nhớ về đồng đội thuyền nan năm xưa, nhớ về những mái tóc dài của các nữ chiến sĩ thuyền nan bị bom đạn quân xâm lược vùi xuống dòng kênh than lẫn trong bùn nước dật dờ dưới ánh lửa của bom và pháo sáng, đó là những ám ảnh về cái chết của những cô gái trong chiến tranh.

Hôm đó, nhà văn Kiều Vượng tặng chúng tôi món quà quý tuyển tập dầy dặn Một đời văn rồi chậm chạp nhâm nhi chén trà nóng. Trong không gian yên tĩnh, những mẹ gà túc con đi tìm mồi lướt qua chỗ chúng tôi ngồi cũng chẳng khiến ông quan tâm mà ông đang nhìn ra khoảng không rất xa tựa trong ký ức mù sương giăng qua đời ông của một thời trai trẻ. Chúng tôi ngồi im lặng uống trà và tôn trọng khoảnh khắc này của ông như đang đối thoại với nội tâm, hoặc trò chuyện cùng ký ức chứ không phải với những người xung quanh. Người chiến sĩ chèo thuyền của Công ty Thuyền nan năm xưa gồm 2.000 con thuyền chở lương thực trên dòng kênh Than, phục vụ chiến trường Hàm Rồng – Phà Ghép hơn 50 năm trước đó, giờ ngồi trên chiếc xe lăn nhìn vào khoảng không tĩnh lặng.

Bất chợt ông nhờ tôi đọc lại trích đoạn trong bút ký Bến phà Ghép. Mọi người xung quanh hướng về tôi như khích lệ và tôi đọc: “… Khi tôi bê được cái đầu có mái tóc dài của Thao xuống đất thì xác cô đã được đội cứu thương đưa lên cồn Lốc cách chỗ bị nạn chừng 600m. Tôi bê cái đầu của em chạy thục mạng về phía cồn Lốc mà trăm điều, ngàn nỗi giày vò… Tôi đặt cái đầu đã tím bầm của Thao để lắp vào thân cô trong tiếng la hét đau đớn, man dại của đồng đội và anh em. Thịnh thấy tôi vừa lắp đầu Thao vào thân, nó liền rút chiếc khăn sọc dài trên cổ nó để quấn nối đoạn đầu với thân của Thao… Cái ngày khủng khiếp ấy, ngoài Thao hy sinh, còn có 20 chiến sĩ vận tải thuyền nan đã hy sinh tại bờ đê sông Yên trên đất làng Ngọc Trà cạnh bến phà Ghép, trong số những người xấu số đó, Công ty Thuyền nan của chúng tôi có 12 người, còn lại là các đơn vị Sông biển, KT66 và Đoàn Vận tải Tổng cục Hậu cần…”.

Những tưởng lòng ông đã an yên sau quảng đời “bão gió” và hài lòng với bộ Tuyển tập Một đời văn, với nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng văn học Lê Thánh Tông của tỉnh Thanh Hóa, giải thưởng văn học sông Mê Kông và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017. Nhưng trên mỗi chặng đường đạn bom, khói lửa ấy, nhà văn Kiều Vượng đều ghi lại trong trí nhớ những thời khắc cam go, khốc liệt đau thương và những di chứng chiến tranh khắc dấu vào cuộc đời của bao số phận khổ đau. Giờ đây, đất nước trong cuộc sống hòa bình và dựng xây, người chiến sĩ thuyền nan năm xưa ấy vẫn mang nỗi đau phận người trong trái tim mình, trên mắt ông vẫn còn rơi những giọt xót thương. Ký ức chiến tranh, ký ức bạn bè như những thước phim quay chậm để bằng cảm xúc thăng hoa, nhà văn đã ghi lại bằng tất cả niềm xót thương, yêu dấu, lẫn nỗi lòng day dứt không nguôi về phận người trong các tác phẩm văn học của mình.

Sau quãng thời gian chìm đắm theo những trang văn ông viết mà chúng tôi vừa đọc cho ông nghe, ông giật mình quay lại phía chúng tôi. Giữa ông và chúng tôi có cuộc trao đổi quanh những vấn đề bất chợt chạy qua sóng não của ông. Ông nói:

Thời gian đi qua đời người quá nhanh. Cuộc sống ngày một thay đổi, nhưng vẫn chưa hết những chuyện buồn. Quanh chúng ta còn nhiều cán bộ làm việc tối ngày, đầy công, chưa hết lòng và chưa hết trách nhiệm với công việc đã gây ra không biết bao nhiêu phiền toái cho người dân. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn xa. Ở đâu kinh tế thiếu thốn, sự học sẽ hạn chế, ở đó sẽ xuất hiện đói kém, thất học, và các thế hệ trong các gia đình đó khó lòng vươn lên… Ham làm kinh tế mà thất học cũng là điều cần bàn. Phải có học, có văn hóa mới giữ được kinh tế vững bền… Các cháu vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều nơi phải đi bộ đi học hàng chục km bất luận thời tiết. Bữa ăn chẳng có gì ngoài cơm với vài lát gừng trộn muối. Mùa đông giá rét, chân không dép, không tất. Các bé gái phải nghỉ học sớm, lấy chồng sớm, rồi cái vòng luẩn quẩn cứ nối nhau…

Các anh chị em văn chương đến thăm nhà văn Kiều Vượng

Ông ngừng lại trong suy tư rồi bất chợt hỏi tôi:

Các nhà văn trẻ đã tới Mường Lát được mấy lần rồi? Thanh xuân của tôi đã có thời gian gửi trên những cánh rừng mở đường sang Lào đấy.

Nghe ông nói, tôi vui chuyện kể lại một lần đi Mường Lát cho ông nghe: Trong dịp tháng 9 năm 2017, khi tôi cùng đoàn Câu lạc bộ nữ Văn nghệ sĩ xứ Thanh đã lên bản Cò Cài để tổ chức Rằm Trung thu cho các cháu trường tiểu học Mường Lý. Chúng tôi được chứng kiến niềm vui của các em nhỏ khi lần đầu được đón cỗ Rằm Trung thu, nhưng cũng vô cùng xót thương những bé gái mười bốn, mười lăm không thể đi học lên cấp hai, vì cụm trường ở xa, đứng phía ngoài nhìn vào nơi đang tổ chức RằmTrung thu với những ánh mắt khao khát. Nhưng khi mời các em vào dự, các em bẽn lẽn từ chối vì nói: Chúng em ở nhà đã có người đến dạm hỏi, chờ cưới. Chúng tôi hiểu, như vậy là các em đã thành “người lớn” nên không thể vào dự cuộc vui được nữa… Hôm đó tôi đã đọc cho ông và mọi người cùng nghe bài thơ tôi viết:

Măng trên rừng trổ đọt/ Em – cô gái bản Cò Cài mười/ bốn tuổi/ Mẹ cha đã bắt mối… Chồng./ Đêm sang đông/ Cánh đồng xơ xác lũ/ Gió thổi nơi lồng ngực mẹ héo/ khô như lá mần tang rũ/ Vài đứa em mũi dãi thụt thò./ Ánh lửa bếp chẳng thể làm/ ấm lòng người cha/ Khi hốc mắt chứa đầy đêm lũ/ Cánh rừng triền miên mất ngủ/ Và người cha sợ đám người/ sang dạm cưới cho con…

Vẫn bằng giọng nói chậm, đều đều như đang trút bầu tâm sự, ông lại cười buồn: Chuyện việc trả lại danh hiệu Anh hùng cho liệt sỹ Vũ Hữu Bảy ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia mà các cơ quan chức năng bỏ quên bao nhiêu năm cũng nói lên tắc trách của người làm cán bộ ở huyện Tĩnh Gia ngày ấy… Vũ Hữu Bảy quê xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa nhập ngũ năm 1965 và được chọn vào lực lượng đặc công nước tại Thủy Nguyên – Hải Phòng. Đây là khóa đào tạo đặc công nước đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó anh được giao nhiệm vụ vào miền Nam chiến đấu. Tại chiến trường Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định do nhiệm vụ đặc biệt anh mang bí danh Vũ Tiến Trung.

Năm 1966, trong trận đầu ra quân, anh cùng đồng đội đánh đoàn tàu 7 chiếc trên sông Nhà Bè. Kết quả là 5 chiếc tàu bị đánh chìm, 2 chiếc khác bị hư hỏng nặng, tiêu diệt nhiều tên và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của quân địch. Trong trận chống càn tại xã Long Đước – huyện Nhà Bè, địch đổ bộ hơn 1.000 tên có máy bay, pháo binh, xe lội nước yểm trợ. Đơn vị anh đã hợp đồng cùng đơn vị bạn chống càn suốt ngày, diệt hơn 500 tên. Anh đã dũng cảm, linh hoạt tiết kiệm từng viên đạn, bắn chính xác diệt 17 tên địch.

Trong những trận càn quét ngay sát nách Đô thành Sài Gòn với lực lượng địch hơn ta gấp bội lại có xe bọc thép M113 yểm trợ bởi lính Mỹ, lính chư hầu, quân ta quần nhau với địch suốt ngày từ sáng tới tối, lực lượng tổn thất nhiều, lương thực, vũ khí đạn dược đã cạn. Khi được lệnh rút lui, người chiến sĩ quả cảm Vũ Hữu Bảy vẫn bình tĩnh quan sát thấy đối phương sơ hở đã luồn vào sào huyệt của địch lấy về 02 khẩu súng máy, 01 máy thông tin; anh đã đánh sập cầu Bến Lức, đánh chìm 1 tàu và diệt 17 tên địch. Trong trận đánh cầu Bến Lức tháng 06 năm 1968 lần đầu khối thuốc nổ 1.000kg đã gắn kíp hẹn giờ do nước xoáy làm đứt dây tời chìm xuống đáy sông và khối thuốc có nguy cơ nổ tung trong 45 phút. Anh Bảy đã dũng cảm một mình nhiều lần lặn xuống tháo hết kíp nổ, cột chặt khối thuốc vào thành cầu. Hôm sau khối thuốc nổ được đưa về căn cứ an toàn, chỉ 4kg thuốc nổ bị ảnh hưởng do ngấm nước… Ngày 10.2.1970 anh đã được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Công lao của anh hùng liệt sĩ Vũ Hữu Bảy lớn như thế mà sau bao nhiêu năm người ta để quên danh hiệu Anh hùng trong tủ, đến khi tôi viết bài trên báo Văn nghệ rồi các cơ quan chức năng huyện Tĩnh Gia mới lấy ra, tổ chức trao danh hiệu Anh hùng liệt sỹ cho gia đình anh… Ý tôi nói về việc cán bộ còn có những người làm chưa hết trách nhiệm là vì vậy.

Anh có trí nhớ như thần. Ngoài những câu chuyện buồn đó, anh còn nhớ nhiều chuyện vui chứ?

Có chứ. Là những chuyện buồn nhưng vui vì mình làm được những việc tốt cho anh em văn chương. Anh Nguyễn Ngọc Liễn mất trên khu tập thể Phan Chu Trinh. Khu tập thể chật chội khó mà đưa quan tài từ trong nhà qua hành lang xuống đường được, nên tôi bàn với các con anh đưa về văn phòng báo Văn nghệ số 53 đại lộ Lê Lợi để làm tang lễ trang trọng cho anh. Bạn bè gần xa đến viếng cũng thuận lợi. Các con anh rất ủng hộ và bạn bè ai cũng xúc động…

Tôi cùng anh Hữu Thỉnh ngày ấy quyết tâm chạy lo một vài chế độ cho bác Hữu Loan và khi bác mất, anh Thỉnh về cùng văn phòng xuống đưa tiễn nhà thơ ở núi Vân Hoàn về trời chu toàn. Gần đây, nhà văn Hà Cẩm Anh, Nguyễn Văn Đệ gặp khó khăn khi khu tập thể phải di dời đi nơi khác. Tôi đã gặp các anh lãnh đạo các cấp, ngành trao đổi và có công văn để nhờ họ tạo điều giúp đỡ anh, chị em có cơ hội về thời gian, vật chất  để về nơi ở mới, con gái nhà văn Hà Cẩm Anh và con gái nhà văn Nguyễn Văn Đệ cũng đã được vào công tác tại ngành công an… Tuyển tập Một đời văn của tôi coi như gói ghém cả đời tôi trong đó tặng lại bạn bè… Tôi ốm, không còn đi đâu thăm bạn bè được nữa. Các bạn đến thăm tôi là món quà tôi quý lắm.

– Anh có nhớ bài thơ nào anh yêu thích không?

– Lớp đàn anh văn chương có nhiều tấm gương trong chiến đấu, trong lao động để ta học họ mà bước đi không ngại ngần gian khổ. Ngoài đỉnh cao thơ mới Trần Mai Ninh với Nhớ máu và Hữu Loan với Đèo cả và Màu tím hoa sim thì nhà thơ Minh Hiệu là một trong những người như vậy. Trong bài Mưa núi anh viết trên chặng đường hành quân:

Mịt mù núi chặn đường mây/ Gió dồn lạnh tới, mưa vây/ giữa rừng/ Nẻo đi lớp lớp trập trùng/ Dốc cao mưa dựng cho rừng/ thêm nghiêng…

Tôi thích nhất bài thơ Nhớ của nhà thơ Hồng Nguyên:

Nghỉ lại lưng đèo/ Nằm trên dốc nắng/ Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ/ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm trong mưa/ Đằng nớ vợ chưa?/ Đằng nớ?/ Tớ còn chờ độc lập./ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu…

Có vẻ nhà văn Kiều Vượng đang còn vui chuyện nữa, nhưng chị Tú con dâu nhà văn tới nhắc đến giờ nhà văn uống thuốc rồi. Trên tay tôi những trang ghi chép về buổi gặp gỡ cũng đã tràn mấy trang. Chúng tôi lại hẹn ông hôm sau trở lại để nghe ông hàn huyên chuyện đời, chuyện văn.

Chừng hơn một tuần sau, nghe tin ông đã trở nặng phải đưa về nhà, tôi vội đến thăm ông. Ông vẫn minh mẫn lạ thường sau những cơn đau. Chị Tâm vợ ông trao đổi với tôi rằng ban ngày ông ấy rất tỉnh, nhưng ban đêm hay mê sảng.

Và rồi một ngày tháng Mười dương lịch năm 2018, nhà văn Kiều Vượng ra đi tại nhà riêng ở phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Nhà văn Khuất Quang Thụy và anh chị em ở Tòa soạn báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã kịp về tham gia tang lễ nhà văn Kiều Vượng chu toàn và tiễn đưa nhà văn về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Phúc Lạc Viên thành phố Thanh Hóa.

Nhà văn Kiều Vượng đã đi xa, nhưng tấm lòng của ông đối với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, bạn văn trong tỉnh Thanh Hóa và anh chị em văn chương, bạn yêu văn chương khu vực Bắc miền Trung vẫn như còn nồng ấm vì mỗi khi có dịp các anh, chị em và các nhà văn ghé lại thăm văn phòng báo văn nghệ, ai cũng kể nhiều những kỷ niệm về ông. Họ nói ông là Hào kiệt xứ Thanh. Riêng tôi thì luôn khẳng định, nhà văn Kiều Vượng đến cuối đời vẫn còn đau đáu xót thương đến những phận đời không may mắn!

VIÊN LAN ANH

Văn Nghệ số 40/2023