Nhà văn Xuân Thiều: Người lặng lẽ đổi mới

Nhà văn Xuân Thiều là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của Xuân Thiều trải rộng trên hai đề tài chính: Chiến tranh cách mạng và hậu chiến. Mảng đề tài nào Xuân Thiều cũng có những tác phẩm được viết bởi nhiều trăn trở tìm tòi về tư tưởng chủ đề cũng như một bút pháp đậm chất nhân văn trên một nền tảng tinh thần không thay đổi của một nhà văn mặc áo lính: Tôn trọng sự thật và niềm tin yêu cuộc sống.

1.Là người lính trực tiếp đi qua cả hai cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại của dân tộc, vì thế phần lớn tác phẩm của Xuân Thiều tập trung vào chủ đề chiến tranh Cách mạng. Xuân Thiều viết nhiều thể loại: Ký sự, tùy bút, thơ, tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn… Nhưng ấn tượng hơn cả là truyện ngắn và tiểu thuyết.

Truyện ngắn của Xuân Thiều thường đi rất sâu vào tâm trạng của cá nhân, của nhân vật trong những tình huống hết sức cụ thể, mang tính điển hình cao. Ông đặc biệt nhạy cảm với những sự éo le, trắc trở của cuộc sống và từ đó ông luôn tìm ra cách để an ủi bênh vực những cuộc đời bất hạnh.

Ngòi bút của ông mang đậm tính nhân văn qua rất nhiều những tình huống hết sức thương cảm của đời người được tập trung miêu tả trong nhiều truyện ngắn viết sau chiến tranh. Mặt mạnh của của Xuân Thiều là khả năng nắm bắt tâm lý của con người khi bị rơi vào những hoàn cảnh không bình thường, những hoàn cảnh éo le, thương tâm… không kể hết trong chiến tranh.

 

                                   Nhà thơ Xuân Thiều

Truyện ngắn “Truyền thuyết Quán Tiên” dựng lại bức tranh sinh động của những tháng ngày gian nan khổ cực của những cô gái trên một trọng điểm Trường Sơn. Khổ cực, chết chóc với họ không có gì đáng sợ. Nhưng thiếu thốn tình cảm đã hủy hoại tâm hồn họ, những cô gái tuổi mới lớn đầy khát khao trần thế. Xuân Thiều sử dụng bút pháp kết hợp hiện thực và huyền ảo đầy tinh tế để đi sâu vào nội tâm phức tạp của nhân vật.

Và như một phản ứng thường trực, ngòi bút Xuân Thiều lại lên tiếng bênh vực những con người bất hạnh. Một truyện khác: “Xin đừng gõ cửa” kể lại trường hợp của ông Phan Nhân Hảo, Trung tá về hưu, mắc bệnh tâm thần. Trong chiến tranh, không thiếu những trường hợp bị người đời hiểu nhầm. Thế cài răng lược, hoạt động trong lòng địch, có người lúc ngã xuống, hoặc sau khi chiến tranh kết thúc bị mắc bệnh tâm thần, không có cách gì giải thích những hoạt động của mình trong thời chiến. Xuân Thiều kêu gọi hãy thận trọng trước sinh mạng chính trị và danh dự của người khác…

2 Không chỉ ở truyện ngắn, đề tài chiến tranh còn được Xuân Thiều phản ảnh đặc sắc trong thể loại tiểu thuyết như: “Thôn ven đường” và đặc biệt là “Huế mùa mai đỏ”.

Nếu như “Thôn ven đường” để lại gương mặt một tập thể những con người hết sức bình dị mà rất đỗi cao cả như phẩm chất vốn vậy của những công dân Việt Nam khi bị quân thù dồn vào thế cùng cực, thì “Huế mùa mai đỏ” mô tả cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 tại thành phố Huế, là tác phẩm mà Xuân Thiều có ý định bày tỏ những quan điểm của mình về cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn này.

Với “Huế mùa mai đỏ”, sự khốc liệt của chiến tranh được Xuân Thiều khắc họa qua số phận của Trung đoàn trưởng Tư Thiên, một người con của Huế, đi tập kết để lại vợ và con nhỏ, nay về giải phóng quê hương. Nhưng anh rơi vào hoàn cảnh éo le: Người vợ đã bị kẻ thù cưỡng bức li dị anh để ở với người khác.

Tuy vậy, Tư Thiên đã dẹp sang một bên hoàn cảnh của mình, cùng với những chiến sỹ chiến đấu bằng cả mối thù chung và riêng sâu nặng của mình. Tập 2 bộ tiểu thuyết lấy tên một nhân vật “Tư Thiên” để đặt cho tên cuốn tiểu thuyết. Xuân Thiều muốn chứng minh Tổng tiến công Mậu Thân là một vấn đề nóng bỏng của chiến tranh Việt Nam.

Cuốn tiểu thuyết đi sâu vào những trạng thái tâm lý khác nhau của nhân vật. Chẳng hạn, Tư Thiên – người anh hùng đã làm khiếp đảm kẻ địch, nhưng lại rơi vào hoàn cảnh cá nhân bi đát: Cùng lúc nhận tin vợ và con trai chết. Ông là người anh hùng trong chiến trận nhưng không phải là người chiến thắng trong hạnh phúc gia đình. Cách xây dựng nhân vật vừa sử thi vừa đời thường như vậy đã làm cuốn tiểu thuyết trở nên rất chân thực về chiến tranh, và đó chính là sự đổi mới từ khá sớm của Xuân Thiều.

Viết tiểu thuyết về chiến tranh, đặc biệt lại là những sự kiện lịch sử là điều không dễ dàng. Càng có độ lùi về thời gian để đánh giá lại các sự kiện càng cần nhà văn phải có sự nhìn nhận khách quan và đặc biệt là tài năng văn chương. Để có được “Huế mùa mai đỏ”, Xuân Thiều đã mất tới hơn 10 năm nghiền ngẫm.

Sau này, Xuân Thiều kể rằng, trong chiến dịch Mậu Thân Huế, ông vừa mới ở đường mòn Hồ Chí Minh về Hà Nội. Cuối năm 1968, ông mới vào chiến trường Trị Thiên. Là một nhà văn quân đội nên sự kiện 25 ngày đêm ở Huế là một sự kiện vô cùng hấp dẫn, cần phải tìm hiểu. Nhưng thời kỳ sau chiến dịch Mậu Thân là quãng thời gian đầy khó khăn bởi địch phản kích quyết liệt, đói và sốt rét ác tính.

“Huế mùa mai đỏ”, cuốn tiểu thuyết đưa nhà văn Xuân Thiều đến Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Thời kỳ mà bộ đội ta vẫn nói đùa “Thừa Thiên thiếu đất thừa trời”, bộ đội bám về giáp ranh đã khó, nói gì trở về đồng bằng, trở về Huế. Để lấy tư liệu, Xuân Thiều đã tìm gặp cán bộ chiến sĩ tham gia Mậu Thân Huế ở trung đoàn Phú Xuân, thành đội Huế và một số đơn vị khác hỏi chuyện. Suốt một năm đi khắp các đơn vị, những cuốn sổ tay đầy những trang ghi chép.

Nhưng tư liệu ấy cứ nằm yên mà không thành được tác phẩm. Điều khiến ông trăn trở là viết về Huế Mậu Thân tức là viết về vấn đề gì của con người? Không lẽ lại đi minh họa một chiến dịch như một thứ truyện tư liệu? Mà ngay cả viết truyện tư liệu cũng chẳng dễ dàng gì. Bởi vì điều trước tiên là việc đánh giá chiến dịch Mậu Thân nói chung và Mậu Thân Huế nói riêng dường như cũng còn khá nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Sau ngày đất nước thống nhất, Xuân Thiều được dự một cuộc hội thảo do Ban lịch sử Đảng của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên tổ chức. Tại đó, ông đã được nghe nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá về Mậu Thân Huế. Chính những ý kiến khác nhau ấy thôi thúc ông viết. Cuối năm 1978, ông bắt tay vào viết “Huế mùa mai đỏ”. Nhưng mới viết được vài chương, ông đành bỏ dở vì lý do công việc, và một lý do nữa là ông “cũng muốn nấn ná thêm, chờ sự thật lịch sử có một độ lùi thích hợp thì may ra cuốn sách mới được dễ dàng chấp nhận của người đọc”. Cuối năm 1984, ông mới viết tiếp.

Chính sự cẩn trọng ấy mà “Huế mùa mai đỏ” đã được bạn đọc đón nhận. Cuốn sách đã được trao giải thưởng Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 và đây cũng là tác phẩm đưa ông đến Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này.

Xuân Thiều là người đổi mới văn chương vào loại sớm. Những tiểu thuyết, truyện ngắn cho thấy ông đã rất ý thức được những gì văn học về  chiến tranh của ta đang cần phải thay đổi. Tuy vậy, không như một vài đồng nghiệp khác, Xuân Thiều không lớn tiếng tuyên ngôn.

Ông lặng lẽ sáng tạo, lặng lẽ thay đổi và có những bước đi rất đáng ghi nhận. Điều làm nên phẩm chất nhân văn quý giá của Xuân Thiều không có gì khác ngoài trái tim yêu thương con người của ông, một phẩm chất mà mỗi người cầm bút đều có, nhưng chỉ những ai biết sống và viết trung thực, mới có thể làm nên những giá trị của tác phẩm văn chương. Xuân Thiều là nhà văn làm được điều đó.

Lê Thành Nghị