Nhà văn Ngô Tất Tố (1894 – 1954) được biết nhiều qua một số tác phẩm như tiểu thuyết Lều chõng, tập phóng sự Việc làng, đặc biệt truyện Tắt đèn được giảng dạy trong trường phổ thông. Một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông là những bài viết cho các báo đương thời, tạm gọi là tiểu phẩm báo chí.
Là người làm báo năng nổ, bút lực dồi dào, Ngô Tất Tố viết đều đặn cho báo chí hàng ngày, số lượng lên đến 1.500 bài trong khoảng thời gian từ 1930 – 1945. Ông giữ chuyên mục cho những tờ nhật báo như Phổ Thông, Đông Phương, Tương Lai, Thời Vụ, Đông Pháp, rồi An Nam tạp chí, Con Ong, Trung Bắc Chủ nhật… và ký rất nhiều bút danh, có khi chỉ ký một chữ T. Sinh thời của nhà văn, tình hình thời cuộc nhiều biến động, các bài báo của ông không được tập hợp thành sách, nhưng vẫn còn đó trong những chồng báo lưu trữ. Mấy chục năm qua, những cái gọi là “bài báo mới tìm thấy” thực ra là nhờ nỗ lực sưu tầm, rồi được in thành sách.
Tiểu phẩm báo chí Ngô Tất Tố là một trong những tập sách như vậy, người tuyển chọn tập trung vào những bài báo viết về… chính nghề báo. Ngô Tất Tố là người có nguyên tắc và có chủ kiến về nghề, nghiêm khắc và cân bằng lý tình. Chẳng hạn ông tự nhắc mình nhưng cũng là nhắc chung đồng nghiệp trong phương pháp tư duy: “Phàm muốn bàn luận về sự gì có dan díu đến hai phương diện, thì trước khi hạ bút, ta phải cân nhắc xem rằng, nâng phương diện này có lụy gì đến phương diện kia không? Bênh phương diện kia có hại gì cho phương diện này không? Hễ có suy xét như thế thì khi phát luận mới được trung chính vô tư” (trang 21). Ngô Tất Tố điểm trúng vào tâm lý mất thăng bằng mà xưa nay đều có: khi ta đề cập một vấn đề gì thì chỉ có cái đó là quan trọng, là nhất, là nâng cái đó lên mà hạ thấp những cái khác.
Ngô Tất Tố cũng cho rằng báo chí phải trung thành với tôn chỉ của mình. Như vậy, tất nhiên ông phê phán những tờ báo có tôn chỉ nhưng lại đăng bài trái ngược: “Đành rằng vì cái tình thế đặc biệt, báo ở nước mình cũng khó theo trọn tôn chỉ thật đấy, song, không phải là không thể giữ được. Bởi vì mình vẫn có quyền “không nói” kia mà. Cái gì nói ra mà tình thế đặc biệt buộc phải trái với tôn chỉ của mình, thì mình không thèm động đến nó nữa” (trang 194).
Đọc Ngô Tất Tố, người viết bài này nhớ lại bản thân cũng từng nêu quan điểm tương tự trong bài tiểu luận Phớt lờ cũng là một cách: quan chức nọ, khi đương chức thì tha hóa tham tàn, tội lỗi chồng chất, “nếu chưa xử lý được thì cũng tạm thời để mặc, không thèm nói, không thèm nhắc, sống mà cũng như không”. Trái lại nhiều tờ báo thời nay vẫn xử sự theo kiểu chộp giật “tin hiếm”. “Mà hiếm hoi gì đâu, cựu quan chức tham tàn kia xuất hiện trong một đám cưới nghệ sĩ nào đó, chỉ vậy thôi. Công chúng thấy thế chỉ muốn nhắc nhở: hãy phớt lờ hắn đi, hãy khinh hắn “mười lăm phút”, và hơn cả mười lăm phút”. Qua bài tiểu luận này, người viết hôm nay đồng cảm và đồng tình với nguyên tắc làm báo của cụ Ngô Tất Tố từ thập niên 1930.
Giữ nguyên tắc và phẩm giá cho nghề báo, Ngô Tất Tố giễu cợt thói hư danh, lập danh qua đường làm báo, có người thiếu kiến thức nhưng cứ mở ra tờ báo lấy cái danh chủ nhiệm báo, in danh thiếp, để có hư vinh: “Cái chức chủ báo, lúc này hãy còn là mốt thời trang, cho nên ở nước mình ngày nay… cũng có nhiều ngài chỉ xin phép mở báo để kiếm hai chữ chủ nhiệm mà đi dự tiệc… đó là cái lối công danh rất dễ đi” (trang 125). Ông thẳng thắn phê phán vào mục đích riêng, như hai ông Kèo và Cột dùng báo của hai ông ấy để tụng ca nhau quá lời, có đi có lại: “Anh làm quảng cáo cho tôi ở trong ấy, tôi làm quảng cáo cho anh ở ngoài này” (trang 159). Và giễu cợt mỉa mai nạn làm hàng giả mà ngày nay ta gọi là thói đạo văn, luộc lại tin tức của báo khác: “Họ mạ khéo lắm, không phải dùng vàng dùng điện như các thợ mạ, chỉ ngoáy cái ngòi bút là xong… Than ôi, thì buổi điêu ngoa các bà các cô sắm đồ, phân biệt đồ thật đồ mạ đã khó thay, mà đến độc giả đọc báo, phân biệt được tin “mạ” lại càng khó nữa” (trang 52).
Viết báo, Ngô Tất Tố luôn giữ được giọng nghiêm cẩn của nhà nho, khi châm biếm giễu cợt cũng kiểu thâm nho đặc trưng. Nhân hai nhà báo ở bên Tàu viết bài công kích Tưởng Giới Thạch nên bị bắt và bị bắn chết, Ngô Tất Tố viết: “Cho hay với đất Á châu, thật nguy hiểm cho nghề ngôn luận… Vậy thì trời sinh cho người Á châu cả một cái miệng có lẽ là thừa, một nửa miệng chớ cũng đủ. Vì còn nửa miệng nữa, vẫn không mấy khi dùng đến” (trang 182).
Ông cũng không tha cái sự khoác lác của đồng nghiệp, một tấc đến trời, mà tiếng lóng thời nay gọi là “nổ tung trời”, là “chém gió”: “Trời đất ơi, một tờ báo quốc văn mà dám nói giải quyết được những vấn đề khẩn cấp của nhà nước bây giờ, một anh học thức vo tròn đựng không đầy đồng hến mà dám nói dìu dắt giống nòi vượt hết các trở lực”. Đến đây thì nhà nho cũng phải nổ bùng phẫn nộ: “Bây giờ nên đặt ngay một hạng thuế gọi là “thuế nói phét”, hễ những kẻ nào nói phét thì kê vào sổ về sau bắt lĩnh môn bài. Người nào không có môn bài mà cũng nói phét tức là nói phét lậu, sẽ theo luật chứa đĩ lậu mà phạt tiền, hay là theo luật thuốc phiện mà bỏ tù. Có vậy họa may người đọc mới đỡ hại lỗ tai” (trang 56 – 57).
Ta đã nhắc đến phẩm chất nhà nho của Ngô Tất Tố, thì cũng cần nhìn thấy khía cạnh nghiêm cẩn, tỉ mỉ, chính xác trong ngôn ngữ. Ông đã viết gần hai mươi bài trên báo Đông Phương phê bình lối văn của ông Hoàng Tích Chu. Vạch rõ cái sai trong cách dùng chữ, thiếu chính xác, lủng củng, tối nghĩa, văn dở tây dở ta… Chưa đến mức là bút chiến nhưng là một cuộc luận chiến không khoan nhượng, bảo vệ tiếng Việt. Ngô Tất Tố cũng từng trao đổi với một nhà nho uyên thâm như cụ Huỳnh Thúc Kháng về chữ nghĩa, chẳng hạn chữ “cử tri”: nghĩa gốc của nó là “cất nhắc cái người mình biết”. Ở tiếng Pháp thì électeur phải dịch ra tiếng ta là “người dự bầu” (ngày nay ta có thể hiểu là người đi bầu, người bầu cử)…
Các bài báo của Ngô Tất Tố thường có khoảng trên dưới 1.000 âm tiết (ta quen gọi là “từ”), một độ dài vừa phải cho người đọc. Ông duy trì giọng văn nghiêm nghị, khi cần chế giễu thì theo kiểu cười mỉm cười ruồi, ít khi cao giọng đanh thép. Một kiểu thâm nho ngấm dần, cũng có khi làm cho đối tượng phải lịm tim, nhìn chung có tác dụng thức tỉnh. Ngô Tất Tố cũng coi trọng chữ nghĩa, trau chuốt câu văn, cho nên các bài báo của ông khi được sưu tầm và tập hợp thành tập thì hấp dẫn và dễ đọc, có khi khiến người đọc bật cười, có khi gây trầm tư nghĩ ngợi.
Hồ Anh Thái