Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ngày 7/9/1920 tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng tuổi thơ ông sống ở quê ngoại, gắn liền với con sông Tô Lịch ở làng Nghĩa Đô, thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), nên ông lấy bút danh là Tô Hoài. Ngoài ra ông còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa. Ông bước lên văn đàn Việt Nam từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, tính đến nay đã hơn 80 năm cầm bút. Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996, cho cụm tác phẩm: Dế Mèn phiêu lưu ký, truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.
Nhà văn đã từng tâm sự: “Tôi vào nghề viết văn có trong ngoài ba năm trước cách mạng tháng Tám 1945, mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi thì mấy chục truyện, cái in, cái chưa in, vương vãi lung tung tôi không nhớ hết. Cũng chẳng có gì lạ, viết để kiếm sống lúc ấy tất phải cuốc khỏe vậy đấy”. Có lẽ vì phải “cày cuốc khỏe” như vậy nên nhà văn Tô Hoài đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ với sức lao động nghệ thuật, mà nếu tính trong các nhà văn Việt Nam hiện đại thì khó có ai vượt qua ông, và Tô Hoài đã viết đến tận khi phải giã biệt bạn đọc yêu mến ông .
Đam mê với chữ nghĩa đã dẫn tôi đến với các nhà văn qua trang sách. Nhưng tôi tin rằng tất cả những người biết đọc sách đều mong có một ngày được gặp mặt thần tượng của mình. Tôi không phải là ngoại lệ, khi tôi đã quen thuộc với “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” từ khi bắt đầu biết chữ, và nhen nhóm ước mong một lần được gặp nhà văn của tuổi thơ. Nhưng điều may mắn ấy không đến với tôi, khi tôi chỉ được chiêm ngưỡng nhà văn của trẻ thơ từ xa.
Còn nhớ hồi đó đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, vẫn còn chế độ bao cấp, tôi được cơ quan ưu tiên cho phiếu nghỉ dưỡng 10 ngày ở khu suối nước khoáng nóng Kim Bôi (Hòa Bình). Tôi đi nghỉ cùng con trai 5 tuổi, theo tiêu chuẩn ghi trong phiếu nghỉ, tôi sẽ được ở khu nhà hai tầng được coi là “sang trọng” nhất khu nghỉ dưỡng hồi bấy giờ. Nhưng khi lên nhận phòng, thì tôi có thắc mắc về nội thất phòng ở quá sơ sài, khi mà chỉ có một cái chiếu trải xuống giường, và không nhìn thấy chăn màn. Tuy nhiên lại có phòng tắm riêng có hoa sen, có bồn tắm lớn tráng men trắng. Tôi nhận được câu trả lời của chị nhân viên rằng, phòng ở như thế này là đẹp lắm rồi đấy, cô giáo xuống mà xem phòng ở của nhà văn Tô Hoài, chả được như thế này đâu, mà ông ở đây đã 10 ngày rồi đấy, hình như là còn định ở thêm hay sao ấy?
Tôi ngạc nhiên quá đỗi, và ngay lập tức xuống xem dẫy nhà mà nhà văn Tô Hoài đang ở. Đó là dãy nhà cấp 4, nằm sát cạnh đường đi, có nhiều căn phòng nhỏ, mỗi phòng 4 giường gỗ ở bốn góc nhà. Giường ngủ trải chiếu như giường bệnh viện, và không có phòng tắm riêng. Dẫy nhà đó thường cho thuê nghỉ tạm qua buổi trưa. Nhưng cũng có trường hợp cho thuê ở dài ngày, nếu mà người thuê có ít tiền mà lại muốn ở nhiều ngày. Ở dãy nhà đó có cái tiện là rất gần bể bơi, có thể xuống bể bơi bất kỳ lúc nào, mỗi ngày tắm tới 10 lần cũng được, và không phải trả tiền. Tôi tò mò quá đi mất vì tại sao một nhà văn lớn sao lại ở một căn phòng thiếu tiện nghi như vậy? Nhưng tôi lại nghĩ nhà văn thường làm điều họ thích.
Trong những ngày ở suối nước nóng, mỗi ngày tôi dẫn con trai đi qua khu nhà đó mấy lượt, chỉ hy vọng nhìn thấy nhà văn lụi cụi ngồi viết trong phòng chẳng hạn, thì có khi tôi cũng đánh liều vào làm quen. Nhưng chả nhìn thấy nhà văn Tô Hoài ở trong phòng lần nào.
Sau này, mỗi khi đến suối nước nóng Kim Bôi, tôi vẫn có thói quen nhìn vào căn phòng mà nhà văn Tô Hoài từng ở. Sau này, tôi có đọc một tản văn của Tôi Hoài kể chuyện về con chim khiếu mua ở Hòa Bình, lúc ở trên miền núi thì nó hót rất hay, khi về Hà Nội, khiếu chỉ kêu 2 tiếng “quẹc, quẹc” rồi im thít. Tôi đoán chắc là nhà văn mua con khiếu ở cái chợ nhỏ gần khu nghỉ dưỡng. Bà con người Mường trong mấy bản gần đó thường mang đến bán những nông sản trồng trong vườn, hái lượm ở rừng, các con thú như sóc, cầy hương. Nhiều nhất là các loại chim như chào mào, chèo bẻo, sáo…v.v.
Trong cuộc đời mình, tôi coi đây là một kỷ niệm đáng ghi nhớ về nhà văn Tô Hoài, coi như tôi cũng đã được gặp ông, và tôi đã nhận được từ ông một bài học về phẩm chất cần phải có của người viết văn. Tôi hiểu nhà văn Tô Hoài đến khu nghỉ dưỡng nhưng không phải để nghỉ ngơi. Đã là nhà văn thì phải đi thực tế và trải nghiệm, phải tìm hiểu mọi mặt đời sống thì mới có cái để viết.
Thế hệ chúng tôi có tuổi thơ đi theo những chuyến phiêu lưu của Dế Mèn, cho nên tên tuổi nhà văn Tô Hoài đã in dấu vào trí óc không thể phai mờ. Thực sự nhà văn Tô Hoài đã đồng hành cùng với tuổi thơ. Vì thế trong trí óc của tôi, nhà văn Tô Hoài mãi mãi là cụ Dế Mèn ưa phiêu lưu, ham học hỏi, có năng lực quan sát tinh tường, để mang đến cho người đọc những trang văn đậm hơi thở cuộc sống đời thường.
Nhà văn đã đi xa, nhưng những trang văn thì vẫn hừng hực như sức sống của chú Dế Mèn có đôi càng dài, cánh bóng mẫm phủ kín đuôi. Tôi yêu văn Tô Hoài từ hồi nhỏ, và nói thật là tôi cũng đã từng ngỡ văn Tô Hoài là chỉ dành cho trẻ con. Nhưng khi trưởng thành, tôi mới hiểu ra rằng ngay cả “Dế Mèn phiêu lưu ký” cũng là văn dành cho người lớn. Trong văn của Tô Hoài rất nhiều những câu văn như thế này: “Đời xám như cái mào gà”; “ông trăng đêm ấy đỏ như miệng con mèo gào rồi lặng ngắt”; “cuộc sống trong ao mà những con Chẫu Chàng thỉnh thoảng ngoi lên mặt nước, đờ đẫn nhìn theo mấy cái bọt mình vừa thở”; Đọc lên ta có thế thấy đó là những bài học về thiên nhiên vô cùng sinh động dành cho trẻ em với thật nhiều yêu thương. Nhưng những câu văn này còn làm người đọc hiểu thêm về cuộc sống làng quê Việt Nam trước năm 1945 trong không khí trì trệ, tăm tối, quẩn quanh. Có lẽ vì thế mà chú Dế Mèn của Tô Hoài đã hăm hở khám phá và lên đường, như một đại diện cho một cuộc đi tìm lý tưởng. Bài học này cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị khi con người biết tìm cho cuộc đời mình một lẽ sống đúng đắn.
Vì yêu thích, tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của Tô Hoài. Cảm nhận của tôi là văn của ông rất trung thực trong cách miêu tả, tinh tế trong quan sát và cảm nhận. Mọi điều nhà văn nói đều hướng tới cuộc sống đích thực của con người, vì thế văn của Tô Hoài thẫm đẫm tính nhân văn. Qua trang văn, điều mà nhà văn gửi gắm đến chúng ta là bất cứ trong hoàn cảnh nào, điều cần nhất là con người phải được sống thật với đúng bản chất người nhất.
Có chút hiểu biết về văn chương, tôi nhận thấy Tô Hoài luôn xứng đáng là bậc thầy trong lối quan sát tỉ mỉ và tinh tế, kỹ càng và chính xác đến từng chi tiết. Bởi vì, tự bản thân chi tiết sẽ nói lên rất nhiều điều từ cuộc sống, tùy theo cách cảm nhận riêng của mỗi người. Chỉ riêng thế thôi cũng thấy những trang văn Tô Hoài thẫm đẫm một tinh thần dân chủ. Với Tô Hoài, chi tiết chính xác đã thể hiện được hồn cốt của tác phẩm. Nếu ai đã đọc truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” sẽ thầy miền Tây Bắc hiện diện trong những chi tiết đậm bản sắc vùng miền, ví dụ: “Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét dữ dội” “đám trẻ con đợi Tết chơi quay cười ầm trước sân nhà”; trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đem phơi trên các mỏm đá xòe ra như con bướm sặc sỡ” . Người đọc còn nhận ra cuộc sống con người miền Tây Bắc bị trói buộc trong hình ảnh của “cửa sổ bé bằng bàn tay, nhìn ra chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Để có được những dòng văn miêu tả cuộc sống và con người miền Tây Bắc mang đậm chất chất hội họa như thế này phải là kết quả của sự quan sát vừa kỹ lưỡng và tỉ mỉ, vừa tinh tế khi phát hiện trên nhiều góc nhìn.
Với Tô Hoài, dường như ông không cho phép mình được nhầm lẫn chi tiết. Có lần Tô Hoài đã kể chuyện vui, mà có thật rằng khi nhà văn sang Liên Xô, khi cuốn “Dế Mèn phiêu lưu ký” được dịch sang tiếng Nga. Trẻ em Nga đã đọc tác phẩm một cách say mê và háo hức, nhưng các độc giả nhí đã đặt ra cho nhà văn một câu hỏi khá là bất ngờ: dế của nước Nga thì có răng màu nâu, còn dế của Việt Nam thì có răng màu trắng, phải không ạ?
Nhà văn đã về nhà quan sát lại, và nhận ra mình đã miêu tả không chính xác, răng của dế đúng là màu nâu. Câu chuyện này được nhà văn đã kể lại một cách rất thoải mái ở trên báo chí. Chỉ riêng cách ứng xử này ta cũng có thể thấy sự đam mê với nghề viết, tinh thần lao động nghệ thuật cực kỳ nghiêm túc và sự học hỏi không biết mệt của nhà văn Tô Hoài. Có thể thấy, Tô Hoài viết văn bằng đầu óc tỉnh táo, chỉ tin vào nhận thức từ thực tế của mình, nhà văn viết như bầy ra những trải nghiệm trên trang văn để người đọc tự nhận thức lại. Tôi nghĩ, đây cũng là bài học cho người viết văn, hãy viết về cái mình đã biết, đã sống với nó, viết bằng thực tế và cảm xúc của chính mình.
Tôi hay đọc những bài viết về nhà văn Tô Hoài, và nếu tính ra số lượng thì có đến hàng trăm tác giả và bài báo viết về Tô Hoài. Nhưng có lẽ nghiên cứu hệ thống nhất phải là các bài viết của Giáo Sư Nguyễn Đăng Mạnh. Tôi thích những bài viết của thầy Mạnh về Tô Hoài, bởi những phát hiện vô cùng sâu sắc về phong cách nhà văn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét nhà văn Tô Hoài thích quan sát tỉ mỉ những thứ tầm thường ở xung quanh, để khi vào trang văn lại trở thành mảng đời sống vô cùng sinh động. Đó là trong lối văn phong tục, thì Tô Hoài là bậc thầy, khi ông khai thác những chuyền đời thường trong cuộc sống hàng ngày của con người trên các vùng miền, theo cách riêng của mình.
Khi đọc văn của một tác giả, chúng ta sẽ phát hiện ra quan niệm về con người của nhà văn đó. Với văn chương của Tô Hoài, ta sẽ thấy ngay nhà văn quan niệm về con người rất giản dị, con người chính là con người. Nghĩa là con người như đời thường vốn có, chả có gì mà phải thần thánh hóa hết. Có lẽ vì thế mà Tô Hoài có cảm hứng đặc biệt với chuyện đời thường, viết bằng giọng thường, và kể về người thường. Nhà văn Tô Hoài chủ trương viết truyện chẳng cần có chuyện, thâm chí truyện càng nhạt càng hay. Nhưng chỉ riêng Tô Hoài mới có thể viết những chuyện “nhạt” bằng giọng “sành sỏi, lọc lõi, cố che giấu một nụ cười khinh bạc” (Nguyễn Đăng Mạnh).
Cho nên ta hiểu vì sao, khi tuổi đã cao rồi, nhà văn Tô Hoài vẫn mang đến cho văn học Việt Nam hiện đại một dấu son bằng tác phẩm “Ba Người Khác”.
Với nội dung kề về sự kiện có tính khốc liệt trong lịch sử là thời kỳ cải cách ruộng đất, nhưng giọng điệu mà nhà văn sử dụng trong “Ba Người Khác” là giọng nhẹ nhàng, có chút gì dửng dưng. Ví dụ nhà văn tả cảnh nghèo đến nỗi không nuôi nổi con, phải mang đi chợ để bán: “lác đác người mang trẻ con đi bán như trảy quả mít, một bên đứa trẻ ngồi nhấp nhổm víu quang gánh, một bên để tảng đất cho cân”; “ở ngoài chợ tỉnh, cũng bày bán trẻ con nhan nhản như bán chó”. Đấy là cảnh đói khát cùng cực đã xô đẩy con người đến chỗ mất cả nhân tính rồi. Nhưng Tô Hoài vẫn nói lên được cái hồn nhiên, tạo cảm giác như cái chợ của vùng Bưởi quê ông trong những tản văn về quà vặt.
Cái tài của nhà văn là đã tạo ra được một thái độ từ chỗ không tỏ thái độ nào hết. Khi xã hội đầy những loạn lạc thì việc người ta bán trẻ con chỉ là một thứ trong nhiều những sự khốc liệt thôi, có gì mà phải tỏ thái độ? Có thể hiểu, “Ba Người khác” được viết bằng thái độ dửng dưng, nhẹ nhàng như thế là bởi trước mỗi vấn đề của cuộc sống, hình như người ta thường cố cường điệu và tạo cho nhau sự xúc động. Có thể sự vật hiện tượng cũng đáng để xúc động. Nhưng rút cục lại chả làm gì để thay đổi, và chưa chắc đã có thật tâm để thay đổi. Vậy sự dửng dưng của nhà văn trong “Ba Người Khác” cũng là cái “nhiệt kế” để đo độ thay đổi, xem người ta có thật tâm xúc động hay không? Đó là một thái độ rất đang học tập cho ngày hôm nay, khi mà xã hội có nhiều vấn đề đau lòng. Có khi ta cũng phát chán lên vì nhiều chuyện được mô tả bằng thái độ nghiêm trọng, nhưng ta cũng không giải quyết được, vì ta là một phần của xã hội ấy, hoạt động cùng quy luật với nó. Khi mà chưa làm gì được, thì sao lại không nhìn hiện thực ấy bằng con mắt nhẹ nhàng thôi?
Phải chăng đấy mới là con người thật của Tô Hoài, cứ hiện lên lừng lững trong văn chương hiện đại? Phải chăng vì thế mà văn chương của Tô Hoài như thách thức người cầm bút thế hệ sau hãy làm sao đi qua được cái bóng xum xuê của một cây đại thụ.
So với tuổi trời của nhà văn Tô Hoài, tôi thuộc thế hệ đi sau rất nhiều. Tôi chưa từng được gặp nhà văn Tô Hoài ngoài đời. Tôi chỉ đọc văn của ông thôi, và từng khao khát nếu như có một lần may mắn được ngắm tận mắt đôi mắt “tinh quái, hóm hỉnh, có đuôi” – theo cách nói của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh- của cụ Dế Mèn, đôi mắt như thâu tóm được toàn bộ linh hồn của mọi sự vật sự việc, gói ghém gọn nghẽ vào trong chữ nghĩa.
Khi nói về Tô Hoài, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh không giấu được cảm xúc nhiệt thành: “Ông là một pho từ điển sống về nhà văn, về đời sống muôn mặt, về kinh nghiệm viết văn. Ông là một kho chữ nghĩa, người như thế bây giờ là hiếm lắm đấy. Tôi là người đã may mắn đã tra cứu được vào cuốn từ điển Tô Hoài. Mà ông thì tuổi đã cao. Mà tôi tuổi cũng đã cao”.
Đến hôm nay thì “pho từ điển sống” Tô Hoài, sau khi đã sống và làm việc với chữ nghĩa tận tình tận tâm, đã hết tuổi trời. Tôi cứ hình dung nhà văn Tô Hoài như một cụ Dế Mèn, lại đang bắt đầu một cuộc rong chơi phiêu bồng sang cõi khác. Còn trong cõi NGƯỜI thì cụ Dế Mèn trong văn chương vẫn đang tiếp tục cuộc phiêu lưu bất tận qua các thế hệ người đọc, mà tôi tin chắc là không có điểm dừng.
Cho nên, trong nuối tiếc không thể nói bằng lời về một cây đại thụ của văn chương, về một NGƯỜI HIẾM trong cõi người. Tôi có cảm nhận nhà văn Tô Hoài đã sống rất đầy đủ với cõi người, và đặc biệt là đã cho thế hệ đi sau quá nhiều bài học quý giá. Hôm nay, tôi viết những dòng này như một nén tâm nhang, thành kính tiễn biệt cụ Dế Mèn của văn chương, người đã đi trọn vẹn với ngót một thế kỷ cầm bút trong hành trình lao động nghệ thuật đầy gian nan. Tôi nghĩ nhà văn Tô Hoài đang nheo cặp mắt cười hóm hỉnh, từ cõi mây trắng an nhiên nhìn về thảm cỏ xanh mượt có chú Dế Mèn khoác bộ cánh nâu bóng loáng.
9/7/2014. PMH.