Nhớ Trần Hữu Thung

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ TRẦN HỮU THUNG

Nhà thơ Trần Hữu Thung (1923-1999) quê tại làng Trung Phường, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An là một nhà thơ đồng thời cũng là một nhà tuyên truyền, cán sự văn hóa trong kháng chiến chống Pháp.

 Tham gia Việt Minh từ 1944. Trong kháng chiến chống Pháp là cán sự văn hoá, cán bộ tuyên truyền thuộc Liên khu IV rồi phụ trách Chi hội văn nghệ liên khu. Làm thơ, viết ca dao nhiều từ dạo đó.

Trần Hữu Thung có phong cách một nhà thơ dân gian. Đối với ông thơ vừa là nơi thăng hoa cảm xúc vừa là phương tiện công tác của ông để ông tuyên truyền các chủ trương chính sách của nhà nước và phản ánh đời sống của nhân dân. Những tác phẩm thơ chính: Cò trắng phát thanh (1948), Hai Tộ hò khoan (1957), Đông tháng Tám (1955), Dặn con (1955), Ngày thu ấy (1957), Chị Minh Khai (1961), Gió Nam (1962), Đất quê mình (1971), Tiếng chim đồng (1975), Anh vẫn hành quân (1983), Sen quê Bác (1987)… Sau này ông có các tác phẩm về văn hoá dân gian: Vè Nghệ Tĩnh (1964); Ca dao về Bác Hồ (sưu tầm, 1970); Hát ru (1987); Chuyện trạng xứ Nghệ (1987); Kho tàng truyện cổ dân gian xứ Nghệ (soạn chung, 1993)… Trong đó Bài thơ Thăm lúa sáng tác năm 1950 là một bài thơ tiêu biểu của ông về nội dung phản ánh đời sống của nhân dân. Xuyên suốt cả bài thơ đó là vẻ đẹp của người phụ nữ với những nét tính cách yêu chồng, yêu quê hương đất nước và có một tâm hồn đằm thắm. Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và hội trưởng hội Văn nghệ Nghệ – Tĩnh.

Tác giả bài viết, Nhà văn Trình Quang Phú (trái) và nhà thơ Trần Hữu Thung

Những năm 1960-1961, Ba tôi khi đó đang làm Bí thư Đảng ủy Quốc doanh đánh cá Cửa Hội nên tôi thường kết hợp công việc để về Nghệ An. Mỗi khi về Nghệ An, tôi hay ghé Hội Văn nghệ. Ở Hội văn nghệ Nghệ An có 2 tác giả có 2 bài thơ tôi thuộc lòng từ tuổi thanh niên, đó là Thăm lúa của Trần Hữu Thung và Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ. Vì vậy tôi cố tình tìm và quen với 2 tên tuổi này. Ngày đó, Minh Huệ là Trưởng ty Văn hóa – Thông tin, còn Trần Hữu Thung đang công tác ở Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam (sau này anh về làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Nghệ Tĩnh). Chúng tôi gặp nhau trong những cuộc gặp gỡ giao lưu nhóm viết trẻ cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Nghệ An. Chúng tôi có một nhóm khá đông đúc: Quang Huy, Hồng Nhu, Cảnh Nguyên, Xuân Tiếu… và một số cây viết gạo cội như Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao, Trung Phong,…

Trần Hữu Thung với thân hình lực lưỡng, có lối sống chân chất, giản dị rất dễ gần. Anh thích xông pha, đi đây đi đó. Lần đó anh từ Hà Nội xuống ga tàu lửa, đạp xe đến thẳng Hội văn nghệ. Gặp lại tôi anh rất vui. Họp xong, tôi rủ anh về Cửa Hội, anh đồng ý. Hai con “ngựa sắt” dong dũi đưa tôi với anh vượt mười cây số về Cửa Hội. Tôi đói bụng nên rủ anh vào quán, anh nói: “Thôi mi, ta làm tạm cái chi rồi về Cửa Hội ăn, vừa ngon lại vừa tiết kiệm”. Trần Hữu Thung khi nói chuyện với tôi anh hay xưng là “tau” (tao) và gọi bạn dưới tuổi như tôi là “mi” hay “mày” – đó là cách xưng hô thân mật của người xứ Nghệ.

Hai anh em tôi ghé vào quán cóc bên đường ở chợ Cọi, ăn mỗi người một miếng kẹo cu đơ, uống một “đọi nác” trà xanh (xứ Nghệ gọi bát nước là “đọi nác”, anh Thung vẫn quen gọi như thế). Vừa uống nước, anh Thung vừa hỏi tôi:

– Mi có biết sự tích kẹo cu-đơ ni không?

Thấy tôi lắc đầu, anh giải thích:

– Thứ kẹo lạc (đậu phộng) ni ở xứ Nghệ nơi mô cũng có. Cứ rang lạc lên, nấu tới đường ngào trộn với nhau rồi đổ lên một cái bánh đa, để nguội lại là xong, cắt ra 8 miếng. Ăn cứ giòn rụm. Ăn nó với “đọi nác” chè xanh đặc sánh ni là số một.

Rồi anh kể: Ngày xưa có một đồn lính khố đỏ của mấy thằng Tây. Chúng nó cũng mê thứ kẹo lạc ni. Gần đó có một anh hàng nước chè như bà cụ đây. Mấy thằng Tây ghiền kẹo ngày nào cũng ra ăn, chúng hỏi anh hàng nước:

– Tên chi?

– Tôi tên Cu Hai.

Ở xứ Nghệ tau, con trai ở nhà vẫn gọi là anh Cu. Bọn Tây gọi là Cu đơ (Đơ: deux tiếng Pháp có nghĩa là hai) và đặt luôn tên kẹo là kẹo Cu đơ (kẹo anh Hai). Từ kẹo Cu đơ bắt nguồn từ đấy.

Chúng tôi về Cửa Hội. Sau bữa cơm cá tươi, uống rượu gạo thỏa thuê ở nhà ba má tôi, anh rủ tôi vác chiếu ra bờ biển chơi. Tôi cứ tưởng chỉ ngồi chơi cho mát, nhưng anh nhất định ngủ luôn. Anh nói: “Ngủ thế ni mới đã”, và anh ngáy ngon lành, không cần mền, khuya lạnh lấy một nửa chiếu cuốn lại như kiểu dân chài miền biển. Anh nói: “Quê tau ở Diễn Minh, trên xứ núi. Tau vẫn đạp xe xuống Diễn Hải (vùng biển của Diễn Châu) để tắm và ngủ lại kiểu ni, nó đã lắm”.

Lần đó, nằm trên bờ biển Cửa Hội, tôi hỏi anh về gốc gác bài thơ Thăm lúa. Anh nói: “Hồi đó là những năm tòng quân, con trai lên đường ra trận – những năm 1953 là cả nước ra quân để căng địch mỏng ra cho một Điện Biên hoàn hảo. Tau nung nấu cái tứ tòng quân này cho một bài thơ. Rồi hôm đó, đạp xe đi Thanh Chương ăn đám cưới một đứa bạn, ngồi nhìn cô dâu chú rể đẹp đôi thế nhưng một tuần sau nữa chú rể lên đường đi bộ đội, tau thấy tình yêu lớp trẻ nó đẹp làm sao ấy… Vậy là tau viết, cái không gian là ruộng đồng quê tau…”. Anh ngẫu hứng đọc một đoạn:

“Mặt trời càng lên tỏ

Bông lúa chín thêm vàng

Sương treo đầu ngọn cỏ

Sương lại càng long lanh

Bay vút tận trời xanh

Chiện chiện cao tiếng hót

Tiếng chim nghe thánh thót

Văng vẳng khắp cánh đồng”                              

Tôi nói với anh:

– Đồng quê nào cũng trong xanh và tinh khiết anh nhỉ?

– Đúng, tau mê đồng quê lắm.

Anh Thung đọc tiếp bài Thăm lúa và dừng lại từng đoạn diễn giải thêm.

Tác phẩm Thăm lúa đã đưa anh lên một vị trí mới, nó vào sách giáo khoa, được dịch ra và dự thi tại Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 3 ở Bucaret (Rumani) năm 1954, Trần Hữu Thung được cử làm đại biểu Thanh niên Việt Nam đi dự và nhận giải thưởng tại Đại hội quốc tế này.

*

Mấy năm sau, anh rủ tôi đi nghỉ. Anh nói: “Căng thẳng làm tau đau đầu quá, mi có chỗ mô ta đi nghỉ mấy ngày”. Thực ra anh bị căng thẳng vì chuyện gia đình, sự xích mích dẫn đến sắp gãy đổ của vợ chồng anh. Chúng tôi bàn qua tính lại, cuối cùng rủ nhau đi Hải Phòng để ra Cát Bà nơi anh có bạn quen làm ở Huyện Ủy.

Hai anh em tôi ngồi tàu hỏa xuống Hải Phòng rồi ra đảo Cát Bà bằng ca nô tàu đò. Chiều đó, sau khi thăm các anh ở Huyện ủy, chúng tôi đi rảo trên vịnh Lan Hạ ở trung tâm huyện lỵ (ngày đó Cát Bà là một huyện riêng). Cát Bà là đảo lớn nhất trong gần 2.000 hòn đảo của vịnh Hạ Long và là đảo đá vôi với rừng nguyên sinh lớn nhất châu Á. Cát Bà còn nguyên những khu rừng già là sinh quyển của nhân loại với nhiều loại thú quý và hiếm. Anh Thung rất thích thú với phong cảnh và khí hậu ở đây. Ba ngày ở lại đảo, tắm biển, xuống thuyền thăm ngư dân rồi lặn lội đi thăm đảo. Một buổi chiều anh tự tay đi mua một con cá song hoa đỏ (cá mú bông đỏ), nặng đến 1,5 ký và tự tay làm cá. Anh nhờ chị nhà bếp luộc chín, gắp phần đầu ra, còn phần đuôi nấu cháo với nước luộc. Một con cá mú to tướng chỉ hai anh em tôi nhậu. Khi có rượu vào, anh Thung thích thú đọc những bài thơ tâm huyết của anh. Anh kể lúc trẻ anh thích môn vật và anh vật giỏi nhất làng. Ngày cuối cùng, anh gợi ý với tôi đi xuyên đảo lên xã Hiền Hào ở phía bắc đảo. Nghe nói khi triều xuống, nước chỉ còn độ một mét, người dân thường lội để qua Cát Hải. Đi như vậy được xuyên giữa rừng Cát Bà, được lội vượt biển, được biết Cát Hải. Anh Thung thích cái kiểu dân dã đó.

Chúng tôi đã theo lối mòn, vượt rừng già, có đoạn phải bám dây leo vượt qua từng mỏm đá. Rừng đá vôi âm u, đúng là rừng á nhiệt đới đủ 5 tầng. Tiếng chim kêu, vượn hú nghe âm vang cả một vùng thanh tịch. Chúng tôi mang theo cơm nắm do chị bếp ở Huyện ủy chuẩn bị cho và một ống bương nước anh Thung đeo trên vai như người dân tộc. Sau một buổi leo đèo lội suối, anh Thung bảo dừng bên một dòng suối nhỏ rửa tay, xong giở mo cau cơm ra làm bữa trưa. Anh Thung tiếc: “Ta không xách theo xị đế hà”. Cơm nắm muối vừng, cá khô mặn, rất thi vị. Anh Thung ăn xong bảo tôi: “Ngon quá, tau phải kê miệng xuống suối tu một hơi mới đã”. Nói xong anh làm thiệt, không cần uống nước chín mang theo.

Xế bóng, chúng tôi đến Hiền Hào, nhưng không lội qua được. Ông lái đò bảo: “Phải đầu tháng mới có nước rặt”. Vậy là cái mộng cởi quần giơ lên đầu, lội qua biển của anh Thung không thành. Chúng tôi lấy một chuyến đò ngang qua Cát Hải rồi bắt tàu khách về Hải Phòng.

*

Tôi với anh Thung còn có những chuyến đi cũng chỉ có 2 người, đi Trà Cổ, Móng Cái, rồi đi dọc biên giới Việt – Trung về Đông Khê, Thất Khê ăn vịt quay của người Hoa. Xuống Cao Bằng, đêm chúng tôi ra chợ xem những đôi nam nữ đứng dưới gốc cây hát đối đáp trao duyên. Anh Thung tỏ ra rất thú vị… Anh đã cùng tôi lên tháp chuông nhà thờ Tràng Vĩ để nhìn ra mỏm Sa Vĩ cực Bắc của tổ quốc, cùng nhau qua cầu Bắc Luân thăm Đông Hưng Trung Quốc. Lần đó, tôi nhớ khi đến thăm lò gốm, chúng tôi được anh giám đốc ưu ái cho viết lên bộ trà thô chưa phủ men. Anh Thung viết nắn nót một bài thơ chữ Hán, tạm dịch nghĩa:

Trăng soi tận đáy lòng trà

Làm cho ta nhớ bạn hiền ở xa

Trà ngon gợi cảm lắm thay

Trà càng thêm đậm thêm đầy

tứ thơ”.

Anh và tôi cùng ký để đưa vào lò nung làm kỷ niệm. Rất tiếc, chiến tranh đã làm lạc mất chiếc ấm trà đầy kỷ niệm đó.

Nhiều kỷ niệm đời thường cho những chuyến đi lý thú như vậy.

Trong đêm ngủ lại Cao Bằng, anh chép tặng tôi bốn câu thơ chữ Hán với tiêu đề Quyết Tâm như một lời căn dặn của người anh. Tạm dịch nghĩa như sau:

“Quyết tâm lại quyết tâm

Thời gian quí hơn vàng

Phải kiên gan luyện trí

Tình nặng, ân càng sâu”.

Và anh có một bài thơ mới làm hồi đầu năm, bài thơ Đường Đảng anh chép tặng tôi. Nghe hai chữ “Đường Đảng” tôi tưởng là thơ chính trị khô khan, nhưng không, bài thơ rất tình. Bài thơ có đoạn:

Hỡi Đảng tôi ơi

Mênh mông trời bể

Là lòng của mẹ

Là nghĩa em thương.

Hoặc:

Đường hôm nay vui

Xuân tràn nắng ấm

Lời ca văng vẳng

Long lanh mái đồi”

Và:

Dưới ánh mặt trời

Tôi thành tia sáng!

Anh bảo tôi: “Tau với mi chỉ có một con đường, đó là sống, chiến đấu theo con đường của Đảng. Tau chép tặng mi là vì lẽ đó”.

Năm 1973 tôi đi chiến trường. Trên đường ra trận, nghe các cánh quân ta hát “Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng”, tôi thấy lòng hừng hừng nhiệt huyết. Hỏi ra mới biết bản nhạc đó của Huy Du phổ thơ “Anh vẫn hành quân” của Trần Hữu Thung. Hôm đó tôi có viết cho anh một lá thư gởi các bạn ra Bắc, trong đó có ý: “Anh Thung vẫn cùng hành quân với chúng tôi ra trận”. Khi gặp lại nhau, anh Thung nhắc lại ý tôi và nói: “Tau có được ra trận đâu, xin mãi chả được, thôi thì có bài thơ theo chúng mày cũng là an ủi”.

*

Miền Nam được giải phóng, tôi chào anh để vào Nam. Anh hẹn gặp ở miền Nam. Nhưng rồi như cút bắt, nghe anh đến Bình Thuận, tôi ra, anh lại đi mũi La Gàn. Tôi đến chùa Hang, anh vừa rời đó đi Đà Lạt. Anh vào Sài Gòn tìm tôi để đi Cà Mau thì tôi đi miền Bắc… Vậy đó, không gặp nhau, lúc đó chưa có điện thoại di động để liên lạc với nhau.

Một lần tôi nhận được thư anh, biết anh đã nghỉ hưu và về sống ở quê nhà. Anh gởi tôi bài thơ “Lại nói về quê tôi” trong đó có đoạn:

Như đỉnh núi trăng soi

Tôi nói về quê tôi

Bởi tôi biết quê hương là muôn thuở

Mà tôi gắn bó trọn đời”

Tôi biết anh rất yêu quê hương, yêu da diết và sâu sắc. Anh đã viết nhiều về mảnh đất sinh ra anh. Tôi nhớ trong bút ký Đại ngàn viết về quê hương, anh đã viết khá kỹ về lèn Hai Vai và lèn Hổ Lĩnh ở Diễn Châu quê anh (lèn theo tiếng Nghệ An có nghĩa là núi).

Nghe tin anh bệnh nặng, tôi chưa ra thăm được, tôi gửi thư và quà nhờ nghệ sĩ Trà Giang đi công tác Nghệ An chuyển dùm, nhưng lòng vẫn áy náy. Mấy năm sau, từ miền Nam ra tôi quyết ghé thăm anh. Hết sức ngạc nhiên, căn nhà nhỏ của anh nằm trong xóm vắng trước mặt là đồng ruộng, sau lưng là lèn Hai Vai. Anh ở trong căn nhà cấp 4 do Hội Văn nghệ đóng góp xây cho, rất đơn sơ tuềnh toàng. Một chiếc giường tre và chiếc chiếu quê, bàn phủ tấm ny lon dày kẻ sọc, một bộ trà cũng không đáng giá. Anh sống nghèo quá! Việc Trần Hữu Thung nghèo mà thanh liêm là nổi tiếng. Có câu chuyện truyền miệng kể về chuyện nghèo của anh như thế này: Một lần từ Đô Lương về Diễn Châu bằng xe đạp, qua dốc Truông Kè phải dắt, đang hổn hển dắt xe thì có hai thằng cướp rất trẻ tuổi xông ra. Thấy vậy Trần Hững Thung vứt xe đạp và cái xắc cốt cho nó:

– Tụi mi xem lấy được cái chi thì lấy, giấy tờ để lại cho tau, cho tau cái xe cà tàng để cái thân già này đi về nhà.

Hai tên cướp vừa lục lọi, vừa lấy làm lạ vì sự bình thản của anh. Chúng bật đèn pin lên để lục xắc cốt, xem cả chứng minh thư của anh. Thằng đang xem bảo với thằng kia:

– Bỏ mẹ, nhà thơ Trần Hữu Thung mày ạ.

Một thằng quay sang ông:

– Ông là tác giả bài thơ Thăm lúa à?

– Ừa – anh Thung tỉnh bơ đáp cụt ngủn.

Hai tên dựng xe dậy và bảo anh Thung:

– Biết rồi, nhà thơ, ông đi đi.

Chúng dắt xe cho anh lên dốc. Anh hỏi:

– Bọn mi mần răng biết bài Thăm lúa của tau?

– Tại cháu học ở trường.

Lên khỏi dốc, chúng giao xe và xắc cốt cho anh, còn xin lỗi anh. Anh vừa đạp xe đi, nghe chúng ném theo: “Nhà thơ nổi tiếng gì mà nghèo thế!”.

Tôi cũng quên chưa hỏi anh thực hư của câu chuyện này, nhưng quả thật anh quá nghèo, dường như ngoài đồng lương và nhuận bút bé nhỏ ra anh không có khoản thu nhập nào và cũng không có tài sản gì ngoài sách và bản thảo.

Về quê, anh sống như một lão nông, mò cua, bắt cá, đặt trúm bắt lươn, soi đèn bắt ếch…

Gặp nhau, anh em ôm nhau nghẹn ngào không nói nên lời. Nhìn anh tôi bồi hồi xúc động và xúc động hơn trước cái nghèo đến tàn tạ của anh. Phút giây trôi qua, tôi bật lên giận dữ:

– Anh quả là ông đồ gàn xứ Nghệ. Sao lại chịu khổ thế này?

Anh nhìn tôi chăm chăm và nói: “Mày nói đúng, tau gàn, cái chất ông đồ Nghệ không bỏ được”. Rồi anh chỉ hai chữ Nộ Chế bằng chữ Hán, do anh viết to treo lên vách.

Biết là về đây khổ, nhưng mà vui vì có bà con chòm xóm, có đồng quê, bà xã tau làm ở bệnh viện huyện cũng tiện. Ở thành phố tau không chịu nổi, nhất là những chuyện chướng tai gai mắt, bất công. Tau đau nhất là nội bộ cứ đánh nhau, đồng chí chi rứa mày? Tau phải kiềm chế, mày biết tính tau rồi, ở đó tau nổ liền. Về đây chuyện đau lòng vẫn còn bay theo nên tau phải khuyên mình tự kiềm chế là vậy (Nghĩa của 2 từ “Nộ chế” là tự kiềm chế). Rồi anh nói: Cả đời làm con tằm nhả tơ, giờ già về với quê thế là phải đạo. Tau thỏa nguyện”. Tôi sực nhớ đến hai câu thơ anh đã viết:

Là tằm, tằm biết nhả tơ

Là anh, anh biết làm thơ cho đời

Trần Hữu Thung đã làm con tằm hơn nửa thế kỷ nhã cho đời nhiều ca dao, hò vè và những tác phẩm thơ đi vào lòng người.

Năm 1954, một trong những năm đầu đời vào nghề thơ của Trần Hữu Thung và sau khi anh viết bài Thăm Lúa, nhà thơ Xuân Diệu có thư gởi Trần Hữu Thung, trong thư có đoạn: “Mình thấy Thung có đủ bản lĩnh để làm một thi sĩ. Chắc chắn về lập trường, tư tưởng, về sự chịu khó hy sinh, về các sáng tác của mình vì nhiệm vụ, về tinh thần trách nhiệm của Thung, về khả năng hiểu biết của Thung về thơ, đào sâu trong ca dao, trong thơ cổ điển…”… “Theo mình, trong lớp thi sĩ mới từ sau Cách mạng Tháng Tám, Thung đã có chỗ hẳn hoi, duy nhất. Nên luôn cố gắng, chân tâm làm thi sĩ, Thung sẽ cống hiến được một cái gì đó cho thơ Việt Nam…”.

Trần Hữu Thung đã sống, đi và viết. Về quê anh vẫn viết, viết ký, tiểu luận và làm thơ. Anh đã đi trọn cuộc đời với bản chất của một nhà thơ chân chính, nhà thơ của ruộng đồng, của xứ Nghệ với gió Nam ào ạt. Dù anh đã đi xa, tôi vẫn luôn nhớ Anh với những kỷ niệm giản dị nhất, chân chất nhất, nói cách khác là đời thường mộc mạc dễ thương nhất.

 

Thăm lúa

Mặt trời càng lên tỏ

Bông lúa chín thêm vàng

Sương treo đầu ngọn gió

Sương lại càng long lanh.

 

Bay vút tận trời xanh

Chiền chiện cao cùng hót

Tiếng chim nghe thánh thót

Văng vẳng khắp cánh đồng

 

Đứng chống cuộc em trông

Em thấy lòng khấp khởi

Bởi vì em nhớ lại

Một buổi sớm mai ri

 

Anh tình nguyện ra đi

Chiền chiện cao cùng hót

Lúa cũng vừa sẫm hột

Em tiễn anh lên đường

Chiếc xắc mây anh mang

 

Em nách mo cơm nếp

Lúa níu anh trật dép

Anh cúi sửa vội vàng

Vượt cánh đồng tắt ngang

 

Đến bờ ni anh bảo

“Ruộng mình quên cày xáo

Nên lúa chín không đều

Nhớ lấy để mùa sau

Nhà cố làm cho tốt”

 

Xa xa nghe tiếng hát

Anh thấy rộn trong lòng

Sắp đến chỗ người dông

Anh bảo em ngoái lại

 

Cam ba lần ra trái

Bưởi ba lần ra hoa

Anh bước chân đi ra

Từ ngày đầu phòng ngự

 

Bước qua kì cầm cự

Anh có gửi lời về

Cầm thư anh mân mê

Bụng em giừ phấp phới

 

Anh đang mùa thắng lợi

Lúa em cũng chín rồi

Lúa tốt lắm anh ơi

Giải thi đua em giật

 

Xoè bàn tay bấm đốt

Tính cũng bốn năm ròng

Ai cũng bảo đừng mong

Riêng em thì vẫn nhớ

 

Chuối đầu vườn đã lổ

Cam đầu ngõ đã vàng

Em nhớ ruộng nhớ vườn

Không nhớ anh răng được

 

Mùa sau kề mùa trước

Em vác cuốc thăm đồng

Lúa sây hạt nặng bông

Thấy vui vẻ trong lòng

Em mong ngày chiến thắng.

1-1-1950

Trình Quang Phú

Nguồn Văn nghệ số 31/2023