Nhiều người nói to mà không ai nghe vì các nhà văn, người liên quan đến văn chương ở ta rất hay nói chuyện riêng, huống hồ hội thảo. Thế mà nhà văn họ Hoàng lại bé nhỏ, ngồi thom thỏm cạnh mấy ông to béo như bị lút hẳn đi. Tôi quan sát, chỉ thấy ông im lặng. Mãi hai ba lần giọng mời của người điều khiển Hội thảo và khi Hội thảo sắp kết thúc ông mới phát biểu.
Mặc dù đã sắp hết giờ, ông lại nói nhỏ nhưng rất thu hút sự chú ý của mọi người. Vậy ông nói cái gì? Thực ra nhà văn nhỏ bé này đòi hỏi – đòi hỏi được cung cấp các nguồn tư liệu. Bởi, theo ông, công tác tư liệu ở ta quá kém cỏi, kém đến mức mù tịt thì bằng bịt mắt người viết, đặc biệt là người viết về lịch sử. Vấn đề càng mở ra. Rồi ai cũng gật gù ừ nhỉ, viết văn mà đi đâu hỏi tư liệu người ta cũng chỉ trỏ quanh co, bí thì chơi trò “đang cấm”, “tài liệu mật”…
Người khác và cấp trên thì hô phải viết hay, hoành tráng, chân thật về chiến tranh, về một thời, một ngành nào đó. Cứ thế dẫn đến hội thảo, hội nghị, dẫn đến phát động và vận động, dẫn đến in ấn và tung hô tác phẩm một cách cánh hẩu, và dẫn đến sự thờ ơ, không coi trọng các sáng tác ở độc giả. Ông nhà văn nhỏ bé đột nhiên làm bao nhiêu người giật mình thon thót khi nói: “Ở ta không có tự do (ngừng một tẹo) là tôi nói không có tự do về tư liệu”.
Rồi ông dẫn ra khi viết Chiến tranh và Hoà bình tác giả của nó, Bá tước L.Tolstoi có đặc quyền gõ cửa tất cả các trung tâm tư liệu của châu Âu như thế nào, ai cung cấp, độ chân thực… Rồi ông bảo ông đã dành ra mấy chục năm đi hỏi một cứ liệu lịch sử mà ai cũng biết là phi lý nhưng không nói lại vì sự đã rồi, vì ngại. Đến như tư liệu về các cuộc chiến tranh gần đây thì sao? Ai cung cấp?
Cung cấp đầy đủ mới mong nhen nhóm và kích thích tác phẩm hay ra đời chứ. Nhà văn lại bảo người viết phải có cái nhìn, thông qua nguồn tư liệu để dẫn đến cái nhìn có tầm khái quát của một vị Tổng tư lệnh, thậm chí Tổng Bí thư mới hy vọng có tác phẩm hay về chiến tranh (lại nhiều người giật mình về một điều chính đáng).
Tất nhiên ý kiến trên của ông cũng kết thúc. Tiếng vỗ tay rất lâu. Rất nhiều người đến bắt tay và không ít vị xầm xì. Rồi như thường lệ, chủ tọa nói: “Sẽ xem xét ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải”.
Có thể hiểu nhà văn họ Hoàng là người lạ tính cũng chẳng sai ngoa gì, tỉ như bao nhiêu hội nghị, hội thảo mời mọc ông chẳng đi cho, bỗng đâu nằng nặc đề nghị đóng tiền ăn ở sinh hoạt để được tham dự một hội thảo về lịch sử triều Trần mảng Phật pháp, đương nhiên gây khó xử với Ban tổ chức vì rằng chẳng ai dám lấy tiền nong đóng góp của ông làm gì bởi lẽ bao nhiêu người xít xoa bài tham luận của ông sao mà khu biệt và vững chãi làm vậy trong nhiều tên tuổi.
Rồi lại chuyện ông được mời đi thỉnh giảng ở những chỗ thôn cùng xóm vắng heo hút mấy ngày trời, đã trang trọng ứa nước mắt giơ hai tay kính cẩn đón bộ ấm chén Bát Tràng thô mộc thuộc công lênh mấy bữa “hầu chuyện”, mà trưa ấy cũng phong cách ấy ông lại tặng lại các cụ bô lão địa phương để dùng trà, còn bản thân túc tắc xe ôm lẫn hút vào sương nắng.
Hay ông đã đắc đạo Phật bởi rằng chuyện Phật pháp ông giảng giải với lớp trẻ đã tế vi ảo diệu lắm, cứ như có một vị chân tu ẩn sẵn trong mình mách nước. Tôi ngờ con người này duyên căn Phật pháp từ bao kiếp rồi, như việc ông tự tu tâm cũng đã đắc đạo người từ lâu lắm.
Việc về đạo đã vậy, còn như việc đời thì nhà văn nhỏ bé này “rất ham chơi”. Ông đi vắng hẳn nhiên nhiều hơn ở nhà. Ai bảo đi đâu là đi ngay, chả ý kiến ý cò gì. Nghĩ đi công tác như ông quả là trần đời tôi chưa thấy ai. Có bận đi một lèo hơn một năm giời vào các tỉnh phía Nam, cơ quan phải gửi lương từ Bắc vào Nam. Ấy là dạo ông la cà tìm hiểu phong tục người Chàm để viết cuốn tiểu thuyết Huyền Trân công chúa.
Sở trường của ông là làm cho trái tim của bao nhiêu nhân vật lịch sử đập trở lại, đập trung thực, đập dạt dào miên viễn và xôn xao cùng trái tim của những con người đang sống hôm nay.
Tôi hết sức kinh ngạc từ hơn 2.000 trang sách tái tạo toàn bộ lịch sử triều Trần, triều mà vượng khí của non sông đất nước đã sinh ra biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt. Qua ngòi bút và trái tim ông, những Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khát Chân, Trần Quốc Toản… và cả các vị vua ở ngôi cao kia, sao mà gần gũi thiết thân quá đỗi.–PageBreak–
Trái tim Hoàng Quốc Hải đã run lên, thắt lại, sôi bùng hay chín nhịn thảy đều dẫn đến việc tạo một bức tượng Thánh Trần đằm đẵm chất người. Hẳn ở nơi cực lạc, Quốc công đã mỉm cười thư thái khi có một nho sinh cách ngài trên 700 năm đã thấu rõ ý ngài như tri kỷ.
Chi tiết ván cờ thế mà Quốc công Trần Quốc Tuấn bày mời Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải khi tiếng vó ngựa giặc Mông Thát đã ầm ầm sát cửa biên thuỳ đến nay có lẽ là duy nhất “nảy ra” ở một nhà văn.
Ván cờ ấy đã khai triển bất phân thắng bại trọn vẹn một ngày tưởng như thuần hoá giải nghi ngờ của quân xiểm nịnh âm ỉ về ngôi trưởng – thứ, mấy ai hay ẩn ý thâm viễn của Quốc công còn nhằm khẳng định một phương lược bang giao kình chống với đại địch suốt nghìn năm.
Và Thượng tướng quân Trần Quang Khải – một đại thần quang minh lỗi lạc từ việc ứa nước mắt với người anh thúc bá trong veo tấm lòng nghiêm cẩn lại làm rung động bao nhiêu người bỗng khi Thượng tướng xách hũ rượu la cà mời Vua mời lính rồi thì ngẫu khúc mà nảy áng thơ văn trác việt: “Tụng giáo hoàn kinh sư”: “Đoạt sáo Chương Dương độ / Cầm Hồ Hàm Tử quan / Thái bình tu trí lực / Vạn cổ thử giang san” đủ thấy trái tim nhà văn đã nhuần nhụy lặng lẽ thăng hoa đến mức nào.
Rồi thì trái tim họ Hoàng bỗng đâu thăm thẳm cùng công chúa Huyền Trân giờ li biệt Thượng hoàng cùng non sông sang làm dâu đất khách. Một trái tim hai nền văn hoá Việt – Chàm cùng thổn thức ngân lên mà có bao giờ sự trân trọng văn hiến không sinh sôi những lễ, hội, tết, nhạc, những đất đai mùa vụ như một giống lúa Chiêm cũng là dụng ý của nhà văn.
Tôi đặc biệt thích cuốn “Thăng Long nổi giận” trong bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ này. Cuốn sách vừa đạt độ chân xác về lịch sử vừa văn chương lắm lắm. Tôi đọc cuốn sách lần đầu khi còn là một anh lính binh nhì côi cút gác kho ở vùng thâm sơn cùng cốc.
Cuốn sách chảy thẳng vào huyết quản tôi đã lưu thông mãi tận bây giờ. Từ những trang sách đầy hào khí dân tộc ấy, đã giúp tôi tự giữ nghiêm mình trước bao nhiêu khốn khó, đặt việc học đạo làm người lên trên hết thảy, rồi quyết chí bồi đắp tri thức qua tự học, tự đọc cũng là mạnh dạn cầm bút đến với văn chương.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã lên bục giảng của Trường viết văn Nguyễn Du giảng bài cho chúng tôi nghe. Cua giảng ấy ngắn thôi, diễn ra có mấy buổi trong vài tuần mà tôi còn vinh dự được làm xe ôm đưa đón người thầy do các bạn tín nhiệm.
Hẳn các anh chị và các bạn khoá 6 còn nhớ cua giảng của thầy Hải về tiểu thuyết lịch sử, ai nấy ngạc nhiên về tri thức và sự hồn nhiên lãng mạn của con người có lẽ làm nhà giáo cũng rất hợp này. Cũng trong cua học ấy một hôm cả lớp đã lặng đi khi ông đặt câu hỏi làm thế nào để hiền tài xuất hiện? Lại làm thế nào để sử dụng, trọng dụng đúng chỗ, đúng việc cho người hiền tài thì chẳng ai bảo ai đều ngồi ngay ngắn hẳn lên.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải khá thanh nhàn trong công cuộc gia đình. Vợ ông là nhà thơ Nguyễn Thị Hồng nấu ăn cực ngon. Gia đình ông là gia đình văn chương thuần khiết. Hai con một trai một gái vừa làm đâu đấy thi thoảng có tham gia dịch một vài cuốn tiểu thuyết.
Một hôm thế nào đó, cô bé Hoàng Hà tếu táo xin bố cho vào Hội Nhà văn Hà Nội. Vẫn nhỏ nhẹ như thường, nhà văn họ Hoàng hỏi động cơ của cô con gái rượu, rồi đùa lại, đẩy cô bé vào thế khó xử. Chao ôi, nghiêm theo kiểu này tôi chưa thấy ở đâu.
Ông viết nhanh và đọc nhanh kỳ lạ. Không thuốc, kiệm rượu là để tiết kiệm thời gian chăng, mà sao có lúc vẫn lầm lụi bia bọt cả ngày, hé ra có bạn ngồi là ngồi liên miên thế được? Ông vừa in cuốn Văn hoá phong tục ngót 600 trang, gieo thêm vào tôi sự sững sờ từ cách đi thực tế và tiếp cận tài liệu thần tốc.
Ông cứ nhẩn nha mà cấp kỳ biết mấy, trí nhớ ông nhà văn nào chả gớm, và chuyện ông Hải nhớ lịch sử thì e rằng phải kể ra ở một bài viết khác, bởi trong đó có những chuyện cười ra nước mắt xuất xứ từ cái trí nhớ siêu phàm của ông. Mà lại còn tìm hiểu cái gì cũng chân tơ kẽ tóc, cứ như người ta có khuyết điểm khi không chịu cung cấp tư liệu gốc cho mình không bằng.
Rồi đối chiếu suy ngẫm cứ như lịch sử sai sẩm ở đâu đó dẫu mấy trăm năm còn như cháy nhà chết người đến nơi. Một hôm thế nào tôi lại thấy ông có vẻ cáu giận lắm. Hoá ra có một chi tiết về lịch sử một “ngài” cỡ bự nào đó viết sai, mà không chịu sửa lại còn to miệng chống chế làm ông buồn bực.
Hoặc như Sử thần Ngô Sĩ Liên lừng lẫy còn bị ông cáo giác trong bài Trắng án Nguyễn Thị Lộ được tặng thưởng của Báo Văn nghệ mà ông bảo khoái là khoái ở chỗ mấy ông bạn già bia bọt vào tấn phong ông Hải cứ như án oan được xử lại đến nơi, thậm chí có ông còn dương dương trên mặt báo đòi thành lập phiên toà ngay lập tức.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đang vừa đi chơi bạn hữu đa tuổi tác ngành nghề, vừa gấp rút hoàn tất bộ tiểu thuyết lịch sử triều Lý, chắc sẽ là một thành tựu mới trong đời văn của ông. Trái tim ông, còn đập về cơ học hẳn nhiên là dành cho các nhân vật lịch sử.