Nhà thơ Chim Trắng làm thơ ‘nhân có chim sẻ về’

Nhà thơ Chim Trắng (1938-2011) tên thật là Hồ Văn Ba (theo họ mẹ), quê ở H.Châu Thành, Bến Tre, tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Bảo vệ hòa bình của luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, giam giữ, sau đó trốn khỏi nhà tù vào chiến khu làm công tác thanh niên, viết báo, làm thơ.

Bút danh Chim Trắng của ông mang ý nghĩa mong ước hòa bình cho đất nước, ra đời trong giai đoạn này. Nhiều bài thơ nổi tiếng, giàu tính chiến đấu của nhà thơ Chim Trắng từng được đông đảo cán bộ, chiến sĩ thời kháng chiến chống Mỹ đón nhận, trang trọng chép vào sổ tay trao tặng, khích lệ, động viên nhau ra tiền tuyến. Sau năm 1975, ông từng là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ TP.HCM trong 10 năm, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khóa 2, 5… Nhà thơ Chim Trắng được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn VN cho tập thơ Những ngả đường năm 1981; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.

Trong một bài thơ Chim Trắng viết rằng “nhân có chim sẻ về” anh mới biết mình chỉ là hạt gạo, một hạt gạo trắng trong bình thường – chứ không phải một hạt sương long lanh – nhưng hạt gạo thường kia có thể giúp con chim sẻ bé xíu đỡ đói một lúc.

Nhà thơ Chim Trắng (1938-2011). Ảnh T.L

Tôi lại nghĩ vẩn vơ hơn một chút: hình như “nhân có chim sẻ về” Chim Trắng mới làm thơ, còn tôi, cũng “nhân có chim sẻ về” mới viết được đôi dòng về anh – người bạn vong niên mà tôi quý trọng từ những ngày còn ở chiến khu miền Đông Nam bộ.

Thì đúng vậy, bởi chúng tôi không bao giờ biết nhân danh ai, không bao giờ quen với chuyện nhân có lễ này hội nọ để làm một điều gì đó. Còn gì vu vơ hơn mà đẹp hơn là cái cớ “nhân có chim sẻ về” để nhớ về nhau, nghĩ về nhau, và nếu có thể thì để uống với nhau vài ly rượu.

Ngày ấy, tôi không có may mắn ở cùng cơ quan văn nghệ với Chim Trắng, chúng tôi lại ở cách nhau khá xa (khoảng một ngày đường đi bộ). Nhưng khi biết tôi đang cô đơn và có thể rất buồn, thậm chí bấn loạn sau một “tai nạn… thơ”, Chim Trắng khi đó đã lội bộ cả ngày trời từ “cứ” của anh tới “cứ” của tôi. Không phải để an ủi, động viên, mà đơn giản, chỉ để mắc võng bên võng tôi, hai anh em nằm chuyện trò tâm sự suốt một đêm dưới tán rừng già. Rồi sáng hôm sau, Chim Trắng lại lặng lẽ đi bộ một ngày đường trở về cơ quan mình. Trong khi một số ít bạn bè cũ ngại gặp tôi vào lúc ấy thì Chim Trắng dù mới quen tôi sơ sơ chủ yếu qua thơ, đã trải lòng như vậy. Tôi như được “phục sinh” nhờ những người bạn chân tình. Và tôi cũng bắt đầu yêu thơ Chim Trắng từ đó.

Có những nhà thơ cho ta một cảm nhận rất khác giữa con người họ và thơ họ. Chim Trắng không như thế. Gặp anh, chơi với anh thế nào, thì khi đọc thơ anh, lại thấy hiện lên con người bên trong của anh như thế. Không khác biệt. Nếu con người anh không tô vẽ thì thơ anh cũng chân chất, không tô vẽ. Nếu bình sinh Chim Trắng là người rất hiền nhưng đôi khi lại rất cộc tính và hay có những “bùng nổ” bất ngờ, thì trong thơ anh cũng vậy. Thơ Chim Trắng đằm, nhiều lúc như tự nói với mình, nhiều lúc như khước từ đối thoại, nhưng lại hàm chứa một “nguy cơ” bùng nổ bên trong: “Nếu biết nước mắt kia không là nước mắt/Thì phải đau chi cho tới bây giờ?/Thôi trót lỡ làm người yêu nước mắt/Lỡ một lần yêu nước – mắt – không – trong!”.

Và anh tự nói với mình: “Tôi không thể nào đau lại nỗi đau xưa!”, một câu thơ đơn giản nhưng nếu không đi qua gần hết đời mình, sẽ không dễ thốt lên câu thơ ấy. Bẵng đi nhiều năm, giờ được đọc tập thơ Nhân có chim sẻ về của Chim Trắng, tôi chợt xao xuyến. Đó là một cảm giác của riêng tôi khi tiếp xúc với những tác phẩm mà tác giả muốn ký thác. Nhiều năm trước, tôi cũng đã được đọc tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác. Một tập truyện nhiều ký thác. Hóa ra, Trang Thế Hy và Chim Trắng là đồng hương, quê Bến Tre, và rất thân nhau. Họ cũng đã đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ rất sớm, và cũng đã “nợ nước mắt” không ít. Nhưng mỗi người, dù thơ hay văn xuôi, lại có cách “xử lý” với nước mắt không giống nhau. Một người thì luôn tự nhắc mình đừng quên nước mắt của người khác, một người thì cố quên nước mắt của chính mình nhưng không quên nổi: “Đôi khi muốn vứt bỏ tất cả/Dẫu đó là niềm vui hay nỗi buồn/Hạnh phúc hay bất hạnh”.

Trong chuyện này thì hình như ông nhà thơ vốn hay mủi lòng lại quyết liệt hơn ông văn xuôi: “Dẫu mãi đứng nhìn một miền trắng xóa/Không thể quên điều gì”.

Đúng là khó thật, nhất là với những người đã đánh cược cả đời mình cho một niềm tin, một hy vọng. “Đừng hòng mong tôi đốt cháy những cánh rừng/Tôi đã từng qua!”.

Dĩ nhiên, người “đốt cháy”, người “xóa quá khứ” không bao giờ là Chim Trắng, là Trang Thế Hy, hay là tôi. Những người đã đi qua chiến tranh như Chim Trắng, như chúng tôi, bình tĩnh hơn nhiều, không cần lớn lối, không cần lập ngôn, nhưng không bao giờ lìa xa xác tín, không bao giờ phản bội chính mình.

Và tôi đọc thơ Chim Trắng như đang đọc thơ của chính mình, những được mất của anh cũng là những được mất của tôi, niềm hy vọng của anh cũng là niềm hy vọng của tôi, và cả sự thất vọng của anh cũng là sự thất vọng của tôi.

“Bây giờ tôi mới khóc/khóc được rồi”. Nhưng khóc được cũng là giải tỏa được phần nào.

“Không có dòng sông nào là một lưỡi dao”. Tôi nghĩ câu thơ này Chim Trắng không chỉ dành cho con sông Jin Ji nơi vĩ tuyến 38 chia cắt đất nước Triều Tiên, mà dành cho tất cả những dòng sông trên thế giới này. Những dòng sông có thể bị lợi dụng, bị nhân danh trong một thời gian nào đó, nhưng nước sông chảy là vĩnh cửu. Nước ấy là cứu rỗi, cứu chuộc. Nước ấy là thơ. Tôi đang đọc những bài thơ Chim Trắng như đọc một con nước trên dòng sông. Tôi chưa biết thơ ấy của Chim Trắng sẽ về đâu.

Nhưng nước thì tôi biết.

THANH THẢO

Báo Thanh Niên