Nhà văn Nguyễn Thi ngã xuống ở nơi không xa chỗ con gái anh, cháu Trang Thu (con gái anh với vợ đầu – nhạc sĩ Bình Trang) đang mong mỏi từng ngày được thấy mặt cha! Anh để lại tên đường Nguyễn Thi ở quận 5, TP Hồ Chí Minh, còn hài cốt toạ lạc nơi nào. Mẹ Thành Thị Du từ Nam Định vượt 2.000 cây số vào TP Hồ Chí Minh viếng mồ con, chỉ biết ôm bó hoa huệ đỏ đi bộ dài theo đường Minh Phụng!…
Kỷ niệm về nhà văn chiến sĩ Nguyễn Thi với anh em làm văn, làm báo vẫn còn rất nhiều, có kỷ niệm riêng, có kỷ niệm chung, có kỷ niệm vui, buồn. Và bên cạnh những dòng đoạn về văn nghiệp của nhà văn lại có những “chuyện nhỏ” về đời thường của anh – một “đời thường” tưởng như êm đềm mà biết bao nhiêu là bão gió, biết bao là nỗi đắng cay!
Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng ta về Cách mạng miền Nam, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đã được Tổng cục Chính trị giao một nhiệm vụ quan trọng là lựa chọn, bồi dưỡng những cây bút có khả năng và điều kiện đi chiến trường – “đi B”. Sau chuyến đi của nhà văn Thanh Giang, nhà thơ Thu Bồn là chuyến đi của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Nguyên Ngọc… Đây là những nhà văn đi B đầu tiên. Tiếp đó, lần lượt là những chuyến đi “B dài” của Văn Phác (Thiếu tướng Trần Văn Phác), Nam Hà (Trúc Hà), Nguyễn Trọng Oánh (Nguyễn Thành Vân), Lưu Trùng Dương…
Trong một hồi ức có tên “Thời cầm súng, cầm bút”, nhà văn Thanh Giang nhớ lại: “Bất ngờ Tổng cục Chính trị Quân đội gọi tôi từ sư đoàn 330 về cho học lớp bổ túc cán bộ tuyên huấn. Từ chế độ ăn, đến chương trình học, chúng tôi nhận ra lãnh đạo trang bị cho mình khá bài bản, để rồi sẽ giao nhiệm vụ đặc biệt gì. Sau khi mãn lớp tuyên huấn, số anh em bạn viết chúng tôi (trong đó có Thu Bồn) được đưa về ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, để “bồi dưỡng” kinh nghiệm viết văn, làm báo với các anh nhà văn quân đội. Xong phần nghiệp vụ, Chủ nhiệm Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội Văn Phác “làm công tác tư tưởng” cho chúng tôi về ý chí và vai trò, trách nhiệm đối với chiến trường miền Nam đang yêu cầu… Khuya ngày 22.12.1961, đoàn chúng tôi lên xe, phủ vải bạt bịt bùng, rời Thủ đô Hà Nội thân yêu!”…
Nguyễn Ngọc Tấn “ở” với tờ Văn Nghệ Quân Đội không lâu, vẻn vẹn có 5 năm. Năm 1957, tháng Giêng, khi tờ tạp chí này chính thức công khai, anh đã có mặt và trở thành một trong những nhà văn khai sinh ra tờ báo và đến năm 1962, anh cùng Nguyên Ngọc đi chiến trường B để rồi không bao giờ trở lại ngôi nhà thân yêu của các nhà văn quân đội nữa. Dẫu vậy, nhưng những kỷ niệm về anh trong anh em đồng nghiệp lại rất đậm sâu, không thể nguôi ngoai. Kể từ ngày nhà văn ra đi, thời gian đã hơn nửa thế kỷ, nhưng mỗi khi nhắc tới Văn Nghệ Quân Đội, mỗi khi nghĩ tới dòng địa chỉ: Nhà số 4, phố Lý Nam Đế, Hà Nội, bạn bè cầm bút và đông hơn là bạn đọc gần xa không thể không nhắc đến anh Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi.
Kỷ niệm về Nguyễn Thi, bạn bè đồng nghiệp, đồng đội của anh đã kể thật nhiều. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Nguyên Ngọc cùng các nhà văn Võ Trần Nhã, Thanh Giang đã có những dòng hồi ức cảm động, khi thì nói về anh những ngày trong căn cứ, trên R; khi thì viết về những giờ phút cuối cùng của anh trên đường Minh Phụng mùa xuân năm 1968. Nhà phê bình văn học Nhị Ca, nhà phê bình văn học Ngô Thảo đã có hẳn những công trình nghiên cứu, sưu tầm về Nguyễn Thi (các cuốn: Gương mặt còn lại – Nguyễn Thi, Năm tháng chưa xa, đặc biệt là cuốn Bốn nhà văn nhà số 4, Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới in năm 2020).
Nhưng kỷ niệm về nhà văn chiến sĩ ấy với anh em làm văn, làm báo vẫn còn rất nhiều, có kỷ niệm riêng, có kỷ niệm chung, có kỷ niệm vui, buồn. Và bên cạnh những dòng đoạn về văn nghiệp của nhà văn lại có những “chuyện nhỏ” về đời thường của anh – một “đời thường” tưởng như êm đềm mà biết bao nhiêu là bão gió, biết bao là nỗi đắng cay! Sinh thời, nhà thơ lão thành Thanh Tịnh mỗi lần đi qua căn phòng Nguyễn Thi ở trên lầu, phía trái của ngôi nhà số 4 lại dừng lại một phút và gỡ kính ra lau. Ông kể với tôi: “Nguyễn Ngọc Tấn ở chung với Nguyễn Khải tại căn buồng này. Anh Khải sau có gia đình, chỉ còn lại anh Tấn. Anh Tấn ít nói và lúc nào cũng mang trên gương mặt một nét buồn. Cùng cảnh “ngày Bắc đêm Nam” với nhau nên Thanh Tịnh thường ghé thăm Nguyễn Ngọc Tấn. Ông kể: “Tấn hay thức khuya, thức để viết, thức để nhớ quê – nơi ấy trong vùng Mỹ ngụy, vợ và con gái anh không biết giờ ra sao?”.
Hôm Nguyễn Ngọc Tấn lên đường đi chiến đấu, Thanh Tịnh tặng nhà văn một chiếc bật lửa và một con dao. Ông nói với người bạn văn, ông như lão bộc thời các vua Hùng không có ngọc ngà châu báu, chỉ có lửa. Nhưng ở ngoài hoang đảo, với An Tiêm nó còn quý hơn hết thảy mọi thứ vua ban. Và không hiểu Nguyễn Ngọc Tấn đã dùng cái bật lửa, con dao nhỏ của nhà thơ đàn anh tặng khi vượt Trường Sơn vào mãi miền Đông, miền Tây Nam Bộ và vô Sài Gòn ra sao, chỉ được biết rằng cuối mùa xuân năm 1968, khi được tin Nguyễn Ngọc Tấn hy sinh, nhà thơ già đã thầm rơi nước mắt khi lặng lẽ bước vào căn phòng cũ của người bạn văn trẻ… Ở đó, mọi thứ không còn như xưa nữa nhưng dòng chữ Pháp: “Adieu Hanoi” viết trên chiếc cửa sổ thì vẫn còn. Dòng chữ ấy là của một viên sĩ quan Pháp nào đó viết khi phải cuốn gói khỏi Hà Nội năm 1954 mà khi mới đến tiếp quản Thanh Tịnh đã cùng Nguyễn Ngọc Tấn đọc. Dưới dòng chữ kia là chữ Nguyễn Ngọc Tấn, chắc và đậm: “Xin vĩnh biệt Hà Nội”. Có lẽ dòng chữ này được Nguyễn Ngọc Tấn viết trước lúc đi xa. Và như là định mệnh, sau lần ấy Nguyễn Ngọc Tấn không “về”!
Nguyễn Ngọc Tấn không về lại Hà Nội, không về lại ngôi nhà số 4 thân yêu, không về với căn phòng nhỏ trong khu tập thể các sĩ quan ở số 3 Ông Ích Khiêm, Hà Nội, nơi có chị Xuân – người vợ trẻ (vợ sau) và cháu Nguyễn Thi – con trai nhà văn đang ở nữa. Nhưng những trang viết “từ miền Nam” gửi ra của anh vẫn được đăng tải đều trên tờ Văn Nghệ Quân Đội. Kỷ vật duy nhất anh để lại là chiếc ba lô đựng toàn bản thảo đã được các anh trong Văn Nghệ Giải Phóng gửi ra Hà Nội. Mà hành trình của những cuốn sổ ghi chép di bút của Nguyễn Thi từ chiến trường ra Hà Nội mới vòng vo, vất vả làm sao. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã nâng niu, giữ gìn nó như một báu vật suốt bao ngày nơi chiến khu. Và để cho “an toàn”, anh đã “gửi bảo đảm” di vật ấy ra Thủ đô. Nhưng nghe nói những trang viết ấy đã phải đi bằng đường vòng, sang Thủ đô một nước bạn rồi mới đến được địa chỉ số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội!
Nhớ về Nguyễn Thi trong những ngày ở chiến trường B, ở căn cứ R, nhà văn Thanh Giang từng kể: Tháng 8.1962, tại khu rừng Bời Lời, Tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng số đầu tiên chào đời, rập khuôn gần y chang Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ngoài miền Bắc. Với số lượng 2.000 cuốn, phát hành đến bộ đội toàn miền, các quân khu, các cơ quan quanh Bộ tư lệnh; gửi ra “báo cáo” và tặng bạn bè Hà Nội… Đang chuẩn bị ra số 2, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn từ Văn Nghệ Quân Đội về tới “!”, Tấn như “cây cột cái”, gom “bộ tam” cùng Võ Trần Nhã và Thanh Giang, hình thành “tòa soạn” Tạp chí Văn Nghệ, mang phiên hiệu A.6, cất mái nhà ra riêng. Bài viết trong Văn Nghệ Giải Phóng số 2, Nguyễn Ngọc Tấn lần đầu ký bút danh Nguyễn Thi, tức tên con trai của anh, Tấn trực tiếp vẽ bìa, viết tùy bút… Đầu năm 1964, Tấn dẫn đầu đoàn gồm: Huỳnh Công Thu, Thanh Giang và Trần Nam Hương về chiến trường Bến Tre. Họa sĩ Thu vừa dứt sốt rét Trường Sơn, người ốm nhom, mang cái ba lô “xưởng họa” nặng trịch, còn vác thêm cuộn giấy to. Đêm đi, ngày ém; vượt “Đồng chó ngáp” chân sưng vù trong dép râu. Đến Kiến Tường – Đồng Tháp, đụng địch càn, Thanh Giang bị thương nằm lại. Đoàn đi đến kinh Nguyễn Văn Tiếp, bị trực thăng Mỹ bắn, họa sĩ Huỳnh Công Thu hy sinh! Tấn khóc ròng trong đêm mưa cùng trạm giao liên đi mai táng Thu ở nghĩa trang Láng Biển – Cai Lậy.
Một tháng sau, Tấn viết ba chương đầu tiểu thuyết “Ở xã Trung Nghĩa”… Đang viết dở dang thì phải xếp lại, viết truyện Anh hùng ở Đại hội toàn miền lần thứ nhất. Tấn viết về chị Út Tịch: “Người mẹ cầm súng”; Khoa viết về Huỳnh Đảnh: “Mỗi viên đạn một quân thù”; Võ Trần Nhã viết về Nguyễn Minh Tua: “Lá cờ Hê-ron”; Thanh Giang viết về Hồ Văn Bé: “Đánh trong lòng địch”; Anh Đức viết về Pinăng Tắc: “Con chim đầu đàn”; Lê Anh Xuân viết về Nguyễn Văn Tư: “Giữ đất”; Như Băng viết về Tạ Thị Kiều: “Người con gái Bến Tre”; Đinh Phong viết về anh hùng Hồ Vai: “Rừng núi diệt thù”…
Nhà văn Thanh Giang cũng trong thiên hồi ký trên cho biết: Khoảng năm 1966, đồng chí Văn Phác (nguyên Chủ nhiệm Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá về phụ trách Cục phó Cục Chính trị Miền), đã chỉ đạo A.6 phát động cuộc thi viết lấy tên: “Viết về cuộc sống và chiến đấu của chúng ta”. Đến năm Mậu Thân 1968 đổi đề tài là: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tham gia viết cho tạp chí, ngoài thủ trưởng Văn Phác với bút danh Trần Hương Nam, còn có Chính ủy Trần Độ với bút danh Cửu Long. Cuộc thi viết thành phong trào, hiệu quả hoạt động, xuất hiện dần một “đội ngũ” cầm bút trẻ từ các đơn vị. Hồi đó, Nguyễn Ngọc Tấn đang viết dở “Ước mơ của đất”, viết về Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, xung phong theo Đoàn 10 dự chiến dịch Mậu Thân 1968 đánh vô Sài Gòn, chiến đấu trên đường Minh Phụng suốt 5 ngày đêm. Khi lùi ra đến ngã ba Tham Lương, địch truy kích, Nguyễn Ngọc Tấn hy sinh!
Trong cuộc Hội thảo ngày 18.8.2010 về nhà văn Nguyễn Thi để lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho ông do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức, nhà văn, nhà báo Đinh Phong – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh kể lại giây phút cuối cùng của Nguyễn Thi: “Tháng 6.1968, anh Lê Minh Xuân – Tiểu đoàn Trưởng, Tiểu đoàn 6 Bình Tân (đơn vị được phong Anh hùng đầu năm 2010) – khi gặp tôi đã thông báo về trường hợp Nguyễn Thi đã hy sinh khi cùng tiểu đoàn đánh vào Sài Gòn. Anh Xuân kể: Nguyễn Thi luôn đi bên cạnh Ban Chỉ huy Tiểu đoàn, có lúc căng thẳng quá phải cầm súng chiến đấu. Những lúc im tiếng súng, anh ngồi ghi chép tỉ mỉ. Hôm đó, đơn vị đóng ở gần Tân Tạo thì máy bay kéo đến đánh rất dữ. Anh Nguyễn Thi cũng vọt ra hầm nhưng đến cửa thì một trái bom napan chụp xuống…”. Năm 2009, trong đề nghị phong Anh hùng cho Tiểu đoàn 6 Bình Tân có viết: “Đây là tiểu đoàn có thành tích của các anh hùng: Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân, Bành Văn Trân, Đồng Đen, Nguyễn Văn Nhỏ, còn có cả sự đóng góp xương máu của nhà văn Nguyễn Thi”!…
Nhà văn ngã xuống ở nơi không xa chỗ con gái anh, cháu Trang Thu (con gái anh với vợ đầu – nhạc sĩ Bình Trang) đang mong mỏi từng ngày được thấy mặt cha! Anh để lại tên đường Nguyễn Thi ở quận 5, TP Hồ Chí Minh, còn hài cốt toạ lạc nơi nào. Mẹ Thành Thị Du từ Nam Định vượt 2.000 cây số vào TP Hồ Chí Minh viếng mồ con, chỉ biết ôm bó hoa huệ đỏ đi bộ dài theo đường Minh Phụng!…
Vào những dịp lễ trọng đại của đất nước, quân đội hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội anh em chúng tôi vẫn thường hay đến nhà anh ở số 3 Ông Ích Khiêm, Hà Nội hay Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Anh – một tài năng, một liệt sĩ, một người Anh (anh) hùng!
NGÔ VĨNH BÌNH
Theo nguồn:https://vanvn.vn/ky-uc-ve-nguyen-thi-nha-van-liet-si-anh-hung/