Mỗi mùa xuân về, rừng Tứ, Ngũ Tây mai nở rực vàng. Cụ vào rừng chặt mai bán từ khi dân Huế thích chơi mai ngày Tết. Ngôi nhà tranh, lợp lá mây của cha con Mai bây giờ là lều tranh xưa của cụ cố tổ sống giữa rừng…
Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù. Vườn mai có từ bao giờ không nhớ. Góc cây sù sì, nổi u, nổi cục, rêu xanh bám từng đám, loang lổ, cổ kính. Khi nghe gió đông về, ông già mù rờ rờ từng cành cây bứt hết lá: “cho cây tụ nhựa”. Những ngày giá lạnh nhất, mặc chiếc áo dạ sờn, mái tóc bạc ghé tai vào gốc mai, ông nghe rõ cả dòng nhựa đang chảy âm thầm trong gốc mai cổ. Đôi bàn tay nhăn nheo, khô khẳng lần sờ từng mắt mầm, xem mầm đã nứt nanh đến đâu.
Những chùm nụ xanh lớn dần nôn nao hay chính lòng ông nôn nao. Tay ông mân mê, vuốt ve từng núm nụ không biết chán, cái láng lẩy của da nụ làm những ngón tay mê mẩn. Như không biết gió lạnh, suốt ngày ông quanh quẩn với từng gốc mai. Núm nụ đầu tiên, mới nhú màu cánh vàng hé nở, ông biết liền. Ngón tay ông đặt đúng vào cái nụ ấy. Ông nhận ra bằng hương thơm của hoa mai dẫn đường hay bằng linh cảm ông cũng không biết, chỉ biết rằng, ông đã đến đúng nụ hoa cần đến. Rồi mừng rỡ gọi con:
– Ra mà xem, Mai ơi, hoa sắp nở rồi! Người con trai dù đang ăn, đang uống cũng bỏ, chạy nhào ra với cha. Lập tức anh cũng bị cái màu vàng óng ả vừa nứt hé ra kia hút hồn. Cả hai cha con không biết ai mê mải hơn ai. Cái tên Mai ông đặt cho con bắt đầu từ nỗi si mê ấy.
Tương truyền rằng cụ cố tổ của Mai xưa là tiều phu của rừng mai Tứ Tây, Ngũ Tây này. Mỗi mùa xuân về, rừng Tứ, Ngũ Tây mai nở rực vàng. Cụ vào rừng chặt mai bán từ khi dân Huế thích chơi mai ngày Tết. Ngôi nhà tranh, lợp lá mây của cha con Mai bây giờ là lều tranh xưa của cụ cố tổ sống giữa rừng. Vườn mai hiện đương còn đây là hậu duệ cuối cùng của rừng mai thuở trước. Có thể gọi đó là mảnh rừng duy nhất còn lại của Tứ, Ngũ Tây sau hai cuộc chiến tranh.
Phải chăng vì thế, hai cha con già Mai không dứt được mảnh đất khô cằn này để ra đi. Đã có lúc quẫn bách, tính ngược, tính xuôi, ông bảo con:
– Người Huế còn yêu hoa mai, thì cha con ta còn sống được con ạ.
Ngay cả khi bị mù, gần với sự cùng đường, ông cũng không chịu bỏ vườn mai. Mai nhìn đôi mắt chỉ còn một vạch đỏ bởi những tia máu chi chít của cha chớp chớp ngân ngấn nước mắt, thương cha quá, nên anh chẳng bao giờ dám trái lời.
Không bao giờ anh quên mùa xuân năm ấy khi Tết đã qua, Xuân sắp tàn, chậu hoa uốn thế, vật gia bảo của cha con anh, hoa vẫn nở rực rỡ. Cuộc hành quân của sư đoàn Một lính ngụy tràn qua. Gặp chậu hoa đẹp, tên thiếu tướng ngụy ngẩn người. Chưa bao giờ hắn gặp một dáng cây kỳ quái cổ kính đến vậy. Hắn cứ đi vòng quanh chậu hoa, không dứt nổi chân tách ra cái quỹ đạo ấy.
– Ai là chủ nhân của chậu hoa này? Hắn hỏi.
Cha Mai trả lời:
– Chủ của chậu hoa ấy là cụ tổ ba đời của tôi.
– Ta muốn ông bán cho ta chậu hoa này với bất kỳ giá nào – Hắn gõ gõ chiếc ba toong bịt bạc lên miệng chậu hoa.
– Dạ không, tôi không thể bán.
– Không bán cũng được. Ta đổi cho ông ngôi nhà lầu ba tầng ở đường Tuệ Tĩnh được chứ?
Cha Mai lắc đầu:
– Dạ thưa tôi sống heo hút quen rồi.
Kẻ quyền hành thường thế, không vừa lòng, không đạt được ý thích thì dùng quyền hành để đạp đổ, chà đạp. Theo lệnh của cây ba toong, mấy can xăng được đưa tới đổ vào chậu mai. Chính bàn tay mũm mỉm của viên thiếu tướng quăng cây diêm cháy xòe lửa vào. Chậu mai thành chậu lửa. Không nhìn thấy cây mai đâu, chỉ thấy lửa. Cha Mai lao người vào cứu chậu mai, ông bị xịt hơi cay thẳng vào mặt. Ông ngã bật ngửa ra phía sau.
Bọn lính đi rồi. Cha Mai mù từ đó. Không biết hơi cay quá mạnh, hay do vật gì va chạm vào đầu, đụng vào thần kinh thị giác. Lời nguyền của kẻ có quyền thật kinh hồn: “Vậy, ta sẽ để cho các người không bao giờ còn nhìn thấy được cây mai nữa”. Mai mang nỗi hận đời từ đấy. Nếu không có người cha mù, không biết anh đã trôi dạt phương nào.
Mai không quên nét mặt đờ đẫn của cha, khi tỉnh dậy, câu đầu tiên ông hỏi:
– Chậu mai? Chậu mai?
Ông lập cập bò dậy, lồm cồm lết hai đầu gối, tới rờ rẫm từng mảnh chậu tan tành. Hai cha con ôm lấy nhau khóc. Ông khóc thành tiếng như cố nuốt vào trong: “hực! hực! hực!”. Đây là lần đầu Mai thấy nước mắt cha. Lúc mẹ chết Mai còn nhỏ quá, không biết gì. Mẹ chết vì hậu sản. Cha ở vậy, cun cút gà trống nuôi con. Cứ nghĩ thế Mai không bao giờ xa cha được. Lớn ngần này rồi, đêm ngủ Mai vẫn thèm được vòng tay cha ôm ấp. Trên chiếc giường ọp ẹp, thấy con cựa mình trằn trọc, ông chỉ cần vòng tay ôm bụng con, chỉ lát sau Mai đã ngủ yên. “Mai ơi, đừng bao giờ để cha phải buồn vì mi”. Mai tự nhủ thế. Anh biết mình cần làm gì. Hái sim, bẻ chổi, bứt lá nón rồi chặt củi, đào măng.
Mai không từ nan việc gì. Ông già Mai càng thương con. Một đêm cả hai cha con trằn trọc, Mai nhắc cha:
– Ba gắng ngủ một chút, ba.
Ông thở dài thườn thượt:
– Cha nghèo thì con khổ. Đã đến lúc con cần có một gia đình, khốn nỗi ba nghèo quá, không có tiền để cưới vợ cho con.
Ông nói xong nằm lặng đi.
Mùa xuân năm ấy hai cha con chặt mai đem bán bên vỉa hè trước cổng Thương Bạc. Hai cha con ngủ lại giữ mai. Đêm hai mươi tám tết cuối năm đó, Mai gặp cô bé dắt mẹ đi ăn xin, bà mẹ bị cảm lạnh chết. Cô khóc đứt hơi. Ôm xác mẹ lăn lộn dưới mái ni-lông che bên cột đèn vườn hoa. Tiếng cô khóc kéo Mai lại. Nhóm từ thiện đường phố chôn cất cho bà mẹ. Cảm cảnh, Mai nói với cô bé:
– Lan ơi – tên cô bé – đời ăn mày khổ lắm. Anh biết. Nhà anh rất nghèo, em có muốn về nhà ở với cha con anh không?
Trong lúc khốn cùng, có một bàn tay dắt, còn gì hơn. Lan đứng bán mai cùng cha con Mai, đến gần giao thừa mới về nhà. Tết ấy, nhà Mai vui hơn. Mai gắng sức nuôi thêm một người. Chỉ một năm sau, Lan đã có thể góp sức cùng anh nuôi nổi mình. Ba năm sau Lan trở thành một thiếu nữ xinh tươi. Hoàn toàn khác cô gái Mai nhặt được ở Thương Bạc. Hai người yêu nhau từ lúc nào. Già Mai bằng lòng cho hai người thành vợ thành chồng. Vườn mai vàng bên núi Ngũ Tây chứng giám cho đám cưới của họ. Ông già Mai thắp bó hương, quay khắp bốn phương trời đất:
– Xin trời đất hãy thương lấy chúng con.
Tình thương yêu trong gia đình vượt lên được cái nghèo. Già Mai chiêm nghiệm cả tối, nói được một câu với con dâu: “Đời không gì bằng chữ Tâm, Lan ạ. Con nhớ điều ấy cho ba”. Lan sinh con trai. Ông nội lấy chữ Tâm đặt tên cho cháu. Cu Tâm ra đời vào những năm gian lao. Năm đầu trời đại hạn. Nước mặn trên sông Hương tràn lên tận bến Tuần. Lúa cháy. Từ thành phố xuôi về Thuận An, toàn thấy xe đi bán nước ngọt. Con suối chảy quanh năm trước vườn mai cạn khô. Xuôi xa một cây số dòng suối mới bắt đầu có nước lại. Mai và Lan cùi cụi suốt ngày gánh nước tưới mới cứu được vườn mai. Tết ấy mai mất mùa. Năm sau trời lạnh buốt. Ba cha con già Mai cắt cỏ ủ gốc, qua Tết mai mới chúm nụ. Lại thêm một năm trời giật mất miếng cơm. Mai thương cha, thương vợ. Trong nỗi quẫn trí, anh bật nảy một điều trong óc: “Những người trồng hoa ở Huế, họ sống bằng cách nào?”
Ý nghĩ ấy kéo anh đi. Già Mai ở nhà trông cháu. Lan vào rừng kiếm củi, hái lá nón. Mai lần mò đến các gia đình trồng hoa. Lâu nay anh sống cam chịu, sống bó mình. Tự ti cũng có, buông thả cũng có. Anh bằng lòng sống đạm bạc ở một gia đình con con. Nhiều lúc không hơn người đi ở ẩn. Những vườn hoa của đồng nghiệp làm anh bừng tỉnh. Song tỏ tường rồi thì anh buồn.
Anh mang theo nỗi niềm ấy về nhà. Lan lựa lời, lúc có cha chồng, Lan mới dám hỏi:
– Răng anh buồn rứa?
Hết bữa cơm chiều, Mai mới nói được với cha và vợ:
– Mai vàng quý. Song chẳng ai sống được bằng vườn mai. Họ trồng cúc, trồng hồng, trồng tùng, trồng bách và cả trồng mai trong chậu nữa mới sống nổi bằng nghề hoa. Những người có vườn rộng họ trồng huệ, trồng lay ơn. Nghĩa là họ phải trồng tất cả những gì trồng được. Cách trồng, chúng ta đi học. Nhưng cái chúng ta thiếu là không có vốn. Không có vốn thì không thể nói mạnh được điều gì.
Không khí gia đình chùng hẳn xuống. Nỗi bất lực đè nặng lên họ. Bực dọc như con chó nhìn thấy miếng thịt nhưng treo cao quá không thể nào nhảy tới được. Ông già Mai lặng thinh. Vừa cõng cháu trên lưng, vừa lang thang trong vườn mai. Ông đếm từng cây mai một. Bàn tay xương xẩu rờ rẫm, vuốt ve chúng, như bàn tay già rờ rẫm đứa con xa lâu ngày gặp lại. Gió lạnh và mưa bay. Ông già đã nhận ra mùi hoa mai nở. Ông ngồi tựa cột ngửa mặt lên nhìn trời hít ngửi mùi hoa ngây ngất. Ông như nghe rõ từng tiếng lách tách của mỗi cánh hoa xòe nở. Ông tự nói với mình: “Đời mình sắp qua rồi. Đã đến đời con cháu. Vườn mai này sẽ là của chúng”. Nghĩ thế, ông nói với vợ chồng Mai:
– Nếu có vốn, các con định làm gì.
Mai không hy vọng. Nhưng anh nói với cha như nói về một mơ ước:
– Con sẽ mua xi măng làm chậu. Cúc, hồng, tiểu quỳnh bán vào dịp tết là chính, để thêm phần sống qua ngày. Sau đó con sẽ trồng mai uốn thế, phải có thời gian dăm bảy năm đợi chờ. Mai uốn thế mỗi ngày một có giá ba ạ. Dăm mười năm nữa chúng ta có thể nên người được. Con muốn cháu Tâm không phải sống lay lắt như cha con mình.
Ông nói:
– Cha bằng lòng cho con cưa nửa vườn mai, cưa cả cây, những cơ quan giàu có họ chẳng thích mua kiểu mai cây của mình đó sao. Ba bằng lòng cho các con, để các con có vốn ban đầu.
– Thật chứ ba – Mai reo lên.
– Miễn sao vợ chồng con có hạnh phúc. Ngần ấy cũng đủ làm niềm vui tuổi già của ba rồi.
Đúng ngày cưa mai, ông già Mai dắt cháu lang thang khắp đồi núi Ngũ Tây. Ông kể cho cháu nghe, xưa kia, không phải đồi trọc như bây giờ, mà là những cánh rừng, mùa xuân về nở đầy hoa mai. Thằng bé nghe chẳng hiểu gì. Nó dắt ông hết mỏm đồi này sang mỏm đồi khác, còn ông già cứ kể. Đi thật xa và kể để ông khỏi nghe tiếng cưa đang cắt những cây mai có từng mảnh đời ông hóa thân trong đó. Sau đó là những đêm không ngủ. Ông lần ra vườn mai. Đặt bàn tay mình nơi nhát cây bị cắt. Nghe nhựa mai dính dính nơi bàn tay. Ông chết lặng đi và âm thầm khóc một mình. Ông những tưởng mình sẽ gục ngã cùng những cây mai bị cắt kia, song sức ông đã hồi sinh nhờ sự năng nổ của vợ chồng Mai, bắt được cái nhịp của cuộc sống mới bằng chính những cánh mai vàng.
Thắt lưng buộc bụng, đúng năm năm sau vườn mai uốn thế của Mai bắt đầu nổi tiếng. Người ta nói đến thị trường và chơi hoa như một cái mốt. Người chơi hoa từ Hà Nội, từ Sài Gòn cũng tìm tới Huế. Mai được coi như một chuyên gia sành mai uốn thế. Các chậu hoa của anh được lên máy bay, bay về phương Nam.
– Anh cần mở rộng thị trường – Khách nói – Chúng tôi sẽ giúp anh có đại lý mai uốn thế ở Sài Gòn. Đã đến lúc đời anh phải sang trang rồi, anh Mai ạ. Những người tài năng như anh không phải lép vế nữa.
Đêm vợ chồng Mai nằm với nhau, họ nghĩ tới chân trời xa hơn, nghĩ tới ngôi nhà cao tầng, nghĩ tới bé Tâm cắp sách đến trường. Nhìn hàng ngàn chậu mai của mình, Mai thấy lòng lâng lâng. “Cái thời vận đã đến với mình rồi chăng?”. Khát vọng thúc ép. Anh bằng lòng cho vợ đi Sài Gòn. Lần thứ nhất Lan về, trao tay anh cả túi tiền. Lần thứ hai Lan về, cô là một người hoàn toàn khác. Giống như một bà hoàng. Áo quần, son phấn, rực rỡ hẳn lên, không thua một hoa hậu nào. Nhìn chồng ngỡ ngàng, cô nói nhỏ: “Đã đến lúc vợ chồng mình chen vai sát cánh cùng thiên hạ được rồi anh ạ”. Ở ngôi nhà khang trang, ngăn nắp một tuần, Lan lại đi. Nhưng lần này cô đi, không quay lại nữa. Chỉ có một lá thư thay mặt cô trở về:
“Anh
Khi nhận được thư này, em không còn ở đất Việt nữa. Em đã cùng một bạn Việt Kiều đi Mỹ. Đừng trách em, nghe anh. Em đã cùng khổ rồi. Em không muốn mình khổ nữa. Em muốn đến một chân trời mới. Hãy tha thứ cho em”.
Đọc thư xong, Mai kêu “hộc” lên một tiếng.
Suốt những ngày dài cha con, ông cháu không nói với nhau một lời. Người cất tiếng đầu tiên là cu Tâm. Nó hỏi Mai:
– Răng mẹ con đi lâu rứa. Bao giờ mẹ về, ba?
Mai không trả lời con. Ông già Mai ôm cháu vào lòng, nói với con trai:
– Ba nghĩ kỹ rồi. Thời thế nó thế. Nhưng còn da, lông mọc, còn chồi, xanh cây con ạ. Con có buồn hơn nữa cũng không ích gì.
Ông nói tiếp:
– Ba nghĩ, với bọn giàu có ấy, vợ con có là cái gì với chúng đâu. Chúng cần vợ con là cần cái nghề trồng hoa của chúng mình. Chúng chỉ muốn dùng bàn tay của vợ con để làm giàu cho chúng thôi con ạ. Không sớm thì chầy vợ con sẽ hiểu ra điều ấy. Hết dại nó sẽ khôn ra. Nó không dứt nổi thằng Tâm, dứt nổi con đâu. Hãy tin ba, thế nào cũng có ngày Lan sẽ trở về.
Đôi mắt ông chớp chớp. Những giọt nước mắt tròn xoe lăn ra từ cái vạch đỏ nằm ngang mắt ông.
Đúng ngày lập xuân giữa tháng chạp, Mai nằm liệt giường. Anh đau về nỗi sự đời. Chỉ ông già Mai hiểu được. Nhưng ông cũng hiểu mọi sự rồi sẽ qua đi. Mùa mai tết năm ấy, ông thuê người tới cắt những cành mai ở giữa vườn mai còn lại, chở tới vỉa hè dọc đường Trần Hưng Đạo, đúng chỗ trước cổng Thương Bạc ngày xưa, hai ông cháu ông già đứng bán mai.
Mai tràn về Huế như rừng. Người đi muôn hồng nghìn tía. Mùa xuân đã lại về trên từng cánh hoa.
– Ông ơi có người mua hoa – Tâm bảo.
Tiếng một cô gái dịu dàng:
– Cành này bao nhiêu tiền hả ông?
Vừa hỏi xong, trông thấy ông già mù đứng bên đứa cháu nhỏ, lòng cô gái mua hoa se lại.
– Mời cô mua hoa giúp tôi nào.
Giọng ông bình thản, bình thản đến lạnh lùng. Vừa nói, hai mắt ông vừa chớp chớp, hai giọt nước mắt từ lằn mắt vạch ngang đỏ dọc lăn ra, vậy mà miệng ông vẫn mỉm cười…
Nguyễn Quang Hà
Tạp chí Sông Hương số tháng 2 năm 1995