Trước đây, nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long đã đến bảo tàng nhiều lần nhưng lần này ông mới có thời gian đi cùng cán bộ Bảo tàng tới từng gian trưng bày để quan sát, tìm hiểu và trò chuyện về các nhà văn được trưng bày tại đây. Ông đặc biệt quan tâm tới không gian trưng bày tầng 3 của Bảo tàng, nơi trưng bày về những nhà văn đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt cùng thế hệ của ông. Đó là nhà văn có những tác phẩm đặc sắc về chiến tranh như: nhà văn Chu Cẩm Phong, Nhà báo Dương Thị Xuân Quý, Nhà văn Trần Đình Vân…Tại đây ông cũng kể cho cán bộ bảo tàng về sự ra đời của cuốn tiểu thuyết “Bê trọc”.
“Tiểu thuyết Bê trọc chính là những trải nghiệm của những năm 1968-1975 khi tôi làm phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã, trực tiếp sống và làm việc tại chiến trường khu V, quãng thời gian cuộc chiến trang chống Mỹ của nhân dân ta diễn ra vô cùng khốc liệt. Tôi đã ghi chép theo sự quan sát xung quanh từ tháng 4/1968 đến giải phóng miền Nam 30/4/1975. Sau này, tôi sắp xếp lại và bổ sung thêm tư liệu như thư từ hậu phương, gia đình, bài báo viết trong chiến trường để cùng một thời gian, những không gian khác nhau được đồng hiện. Tiểu thuyết như một số phận của một con người gắn với một tác phẩm và hình thành trong cuộc sống. Trước khi xuất bản tôi chỉ gọi là chuyện đời thường trong chiến tranh.”. Ông chia sẻ: cảm giác sau này đọc lại tiểu thuyết “Bê trọc” ông mới nhận thức được rõ hơn “Đó là sự tuyệt vời tư tưởng của lãnh đạo, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân và sự sắc bén của những người cầm bút. Hội tụ những điều đó nhất định đất nước sẽ thắng lợi và những điều này đều được thể hiện trong tác phẩm “Bê trọc”.
Ngoài đề tài chiến tranh, ông còn sáng tác rất nhiều mảng khác nhau trong đó có truyện thiếu nhi xuất phát từ tình yêu với cháu ngoại. Mỗi tối trước khi đi ngủ, cháu ngoại muốn nghe chính ông kể truyện của ông nên ông phải sáng tác rất nhiều câu chuyện. Rồi ông thấy nếu kể cho cháu nghe thì mai sẽ quên nên ông đã ghi âm lại những lần kể chuyện đó để sau này tổng hợp lại thành bộ truyện thiếu nhi “Bi Bi và Mặt đen”. Theo ông, có những câu chuyện có nội dung tầng lớp, đóng mở nhiều lúc đầu chỉ để đáp ứng những mong muốn của cháu và sau thì chính nó khiến ông phải sáng tạo ra những câu chuyện như vậy. Đây cũng là điều đặc biệt của nhiều câu chuyện trong bộ truyện.
Nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long sinh năm 1946 tại Hà Nội. Khi học xong lớp 10 ông gia nhập vào đội ngũ làm báo ở Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1968 ông xung phong đi B làm phóng viên chiến trường đến khi giải phóng miền Nam năm 1975. Năm 1977-1981 ông học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó về làm việc ở Bộ Văn hóa – Thông tin. Ông từng là Chánh văn phòng Bộ; Phó tổng Biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam. Ông bảo vệ luận văn Tiến sĩ năm 2002 và là hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 2006. Hiện nay ông là Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa phát triển.
Ông đã xuất bản những tác phẩm: Bê trọc; Âm bản; Ngờ vực, Giã từ; Bi Bi và Mặt đen…Ông cũng đoạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sáng tác như: Giải B Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2000; Giải khuyến khích Báo Văn nghệ cuộc thi Bút ký phóng sự Việt Nam Tổ quốc tôi (2007-2008).
Đến với bảo tàng lần này, ông đặc biệt gửi tặng bảo tàng những tác phẩm đã xuất bản: Bê trọc (tập 1,2,3); Âm bản; Bi bi và Mặt đen (4 tập); Ngờ vực; Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11/9; Truyện ngắn chọn lọc.
Nhật Lê