Giờ đây, những khán giả từng mến mộ nhà viết kịch Lộng Chương (trong ảnh) sẽ chỉ còn được thưởng thức các sản phẩm tinh thần của ông thông qua những hàng chữ mực đen khô cũ kỹ.
Ðúng là, đời người tuy ngắn ngủi, nhưng những điều ông đã làm được cho nền nghệ thuật nước nhà sẽ còn mãi; cả nhân cách, đạo đức và cả nếp ứng xử, cả thái độ đối với lịch sử và xã hội của ông, cũng sẽ còn mãi!
Nhà viết kịch Lộng Chương từng làm công chức thời Pháp thuộc. Nhưng trong nhà ông chất đầy sách viết về sân khấu của các tác giả nổi tiếng thế giới. Chính nhờ các sách đó, ông đã vượt qua mọi trở ngại và miệt mài tự học nghề một cách thầm lặng, không trường, không lớp. Trường học mà ông chăm chỉ dấn thân vào là trường đời và các đoàn nghệ thuật sân khấu.
Ngày Hà Nội mới giải phóng năm 1954, đoàn nghệ thuật sân khấu rất ít. Muốn có đơn vị biểu diễn để làm nghề, ông đã cùng các bạn: Ngọc Ðĩnh, Nguyễn Văn Niêm, Việt Hồ và tôi lập nên Ðoàn kịch nói Mùa Thu. Rồi lại cùng tôi và các bạn Trần Huyền Trân, Nguyễn Ðình Hàm, Lưu Quang Thuận lập nên Ðoàn chèo Cổ Phong.
Ông còn có công xây dựng Ðoàn kịch Công Nhân và Ðoàn kịch Thanh Niên Hà Nội, mà cơ quan và đoàn thể chủ quản không mất công sức và tiền của để đầu tư, nhưng vẫn có tiếng nói của mình.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó, ông là người đứng ra thành lập Ðoàn Văn công Ðiện Biên – Liên khu III, được đồng chí Lê Thanh Nghị (Phó Thủ tướng của Chính phủ kháng chiến) đánh giá như một cống hiến tinh thần lớn.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ông tham gia viết và dựng vở cho Ðài Tiếng nói Việt Nam, một tuần một vở ba mươi phút với chỉ hai nhân vật, mà ông gọi là “Kịch tương thanh”, theo yêu cầu của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Việc này được làm liên tục suốt mười năm không nghỉ.
Người làm nghề cần có tổ chức nghề nghiệp. Thế là ông cùng tôi và các bạn nghề: Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Ðoàn Ðức Nhã… đứng ra vận động thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đến cuối tháng 7-1957, Hội đã ra đời. Có Hội lại phải lo trụ sở. Ông vận động mua được căn nhà 84 Nguyễn Du, nhưng rồi lại phải nhường cho cơ quan khác để về 51 Trần Hưng Ðạo như bây giờ.
Ông từng dốc nhiều sức lực vào việc học nghề một mình, nhưng lại không làm nghề một mình. Ông dành rất nhiều thì giờ, công sức, tận tâm chỉ bảo, sửa chữa vở giúp các lớp đàn em, bạn bè, những người mới chập chững vào nghề.
Do sự chí tình ấy, tình cảm gắn bó giữa các học trò với ông ngày càng khăng khít. Dần dần, cái nhà 47 phố Hàm Long của ông chẳng khác gì một “Ty Văn hóa”. Anh chị em từ bốn phương về Hà Nội, đến nhà ông, ném ba-lô vào góc giường, báo với “nội tướng” của ông xin ăn cơm chiều, cơm tối là xong. Vậy mà ông nhất định không nhận tiền, không nhận tem phiếu của bất cứ ai. Thật cứ như người anh cả đối với các em ruột thịt trong nhà vậy.
Trong số học trò sân khấu của ông, ngày nay điểm mặt lại không ít kỹ sư, bác sĩ, các nhà khoa học, các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, đang giữ các cương vị then chốt của ngành mình, hằng năm vẫn thường lui tới nhà ông vào ngày Tết và ngày sinh nhật ông 5-2 dương lịch. Tất cả họ đến nhà ông để chung vui và cùng nhau ôn lại những ngày làm việc với ông trong một mái ấm.
Ông yêu đàn em, yêu học trò như vậy nhưng lại rất nghiêm. Ông không chấp nhận những ai đó đến với nghệ thuật chỉ để có mặt, báo công; mà phải nghe, phải hỏi, phải phát biểu, tranh luận cho ra mọi nhẽ để làm nghề ngày một tốt hơn, nhiều hơn.
Ông đã nêu gương sáng cho chúng tôi về sự lao động sáng tạo. Chỉ riêng kịch mục cho sân khấu của ông, tôi đếm được 140 vở. Và còn số lượng “tiết mục” khác cũng thật khổng lồ.
Thật là một hiện tượng ít gặp!
Trong tập Kịch bản Việt Nam được Liên Xô (trước đây) dịch, hài kịch Quẫn của ông được bạn đánh giá rất cao. Ðời người tuy ngắn nhưng nghệ thuật thì thật dài. Nhà nước đã tặng ông Huân chương Ðộc lập hạng ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý.
Vài lời ngắn ngủi vậy để tưởng nhớ tới một người thầy, người anh lớn của nền sân khấu Cách mạng Việt Nam – Nhà viết kịch Lộng Chương, nhân kỷ niệm 10 năm ông “đi xa”!
GS HÀ VĂN CẦU NHÀ NGHIÊN CỨU CHÈO
Theo nguồn: https://nhandan.vn/thay-long-chuong-mot-nhan-cach-dang-kinh-post178873.html