Một nỗi buồn ngọt dịu như lần nào đó đi giữa đồng bưng đưa hạt lúa còn ngậm sữa lên cắn chắt cho cái hương vị làm đòng của nó cứ đọng lại mãi trong miệng. Nhưng chị nhớ. Nhớ như câu chuyện lạ lùng không thể hiểu được ấy mới chỉ xảy ra ngày hôm qua, hôm nay…
Đó là một buổi tối chị phải tiếp một đoàn khách ở ngoài Bộ vừa mới vào. Ôi dào! Cái sự tiếp khách này có cái gì là mới đâu, năm nào chả tiếp, tháng nào chả tiếp, tiếp đến mòn chân, đến mệt mỏi, đến thành chiếu lệ, cố cười, cố nói cho qua đi để rồi lại trở về công việc quá sức bận rộn của mình. Khách không đến thì buồn, thì như cái anh bị bỏ rơi chả ai thèm ngó ngàng tới; khách đến nhiều quá đôi khi lại thành ra cái tội, cái nợ nhưng không thể không tiếp.
Và đối với chị, khách nào cũng giống khách nào, hỏi han một chập, ghi ghi chép chép một chập, ăn ăn uống uống một chập nữa rồi chia tay, chả để tâm để ý làm gì. Nhưng đoàn này thì không.
Vì có người ấy.
Thoạt gặp, chị cũng chả có ấn tượng gì đặc biệt: cao lớn, ăn vận đúng mốt, trẻ trung, có lẽ phải trẻ hơn chị đến dăm tuổi, mặt mày sáng láng… thì cũng giống như mọi vị khách thuộc các cơ quan cấp trên khác, mặt mày ai chả sáng láng, có gì lạ đâu. Cái khiến chị thoáng có chút để ý là đôi mắt của anh ta. Đàn ông đàn ang gì mà mắt cứ ướt như mắt đàn bà, to, sâu chăm chắm, nhìn đó mà cũng như không nhìn gì cả. Một đôi mắt lãnh cảm và cả đa cảm. Lúc giá băng lúc lại như có lửa cháy nồng nàn. Nếu chỉ là nồng nàn hay nồng nhiệt không thôi thì chị cũng chưa lấy đó làm điều, vì bao năm qua cái sự nồng nàn của kẻ khác giới này chị đã phải hứng chịu quá dư thừa rồi. Chị biết hình như mình đẹp. Nói đúng ra chính những cái nhìn ngây ngây của đủ các loại khách thập phương tứ xứ kia đã giúp cho chị chợt nhận ra điều đó. Thậm chí có cả những câu tán dương nghe lần đầu thấy chếnh choáng nhưng nghe nhiều lại thành ra nhàm, đại để: “Nhân danh một kẻ đã đi khắp Bắc – Trung – Nam, xin mạo muội đưa ra một nhận xét: có lẽ chị là một nữ giám đốc thuộc loại đẹp và quyến rũ vào hàng bậc nhất quốc gia”. Hay: “Thưa bà, cánh chim đầu đàn về xuất nhập khẩu vùng sông nước, giữa nhan sắc và tài năng kinh doanh là một cặp đối lập, cái này sẽ tiêu huỷ cái kia, vậy mà ở bà lại có thể dung hoà được, không tiêu huỷ mà lại còn tôn nhau lên, xin bái phục!”. Bữa tiệc tối nay cũng vậy, cũng những câu nói, những lời chúc đầy vẻ ga lăng đến quá quắt như thế, và nữ chủ nhân cũng chỉ mỉm cười. Một nét cười mỉm mang đầy chất thường trực vừa độ.
Nhưng riêng người ấy lại chẳng nói câu nào. Uống rất nhiều mà lại không nói, vậy thì cái men rượu kia nó lặn đi đâu? Không nói nhưng đôi mắt ấy đã nói nhiều hơn tất cả. Một chút khao khát, một chút buồn thương, một chút tiếc nuối, một chút giận hờn và cả một chút kiêu bạc. Cái cung cách là lạ trong cả một đám thực khách xô bồ, ăn to nói to ấy đã gợi lên trong chị một chút tò mò, cả một chút áy náy e rằng hay là mình đã có cái gì sơ suất trong chuyện tiếp khách chăng. Với tất cả vẻ ân cần, mềm mại của chủ nhà, chị đem một li rượu đến gần anh, nói khẽ:
– Chúc sức khỏe tiến sĩ. Hy vọng sau chuyến đi này, tiến sĩ sẽ giúp cho tổng công ty tôi được nhiều ý kiến quý giá.
Không đáp lời, anh ta chỉ nâng chiếc ly lên, chạm nhẹ rồi uống cạn. Khi đáy ly không còn một giọt thì cũng là lúc đôi mắt của anh ta hiện ra, chờm ngợp, thăm thẳm, sát gần… Thoáng rùng mình trước cái nhìn xuyên thấu ấy, chị bỏ đi về chỗ. Đôi mắt anh ta nhìn theo, nhìn theo cho đến khi chị ngồi xuống với một chút chếnh choáng không tránh khỏi do ly rượu thứ mấy rồi không biết nữa buộc phải uống theo phép tắc ngoại giao đem lại. Chính cái chếnh choáng đó đã khiến chút kiêu kỳ của người đàn bà trong chị sống dậy. Nhìn à? Thích nhìn lắm à? Vậy thì nhìn đi, anh bạn trẻ! Lần đầu tiên chị chiếu thẳng cái nhìn vào anh, rất thẳng thắn và chắc mẩm rằng, cùng lắm chỉ vài giây là đôi mắt khó chịu kia sẽ phải cụp xuống hoặc nhìn lảng đi như không ít kẻ đã từng phải lảng đi.
Nhưng không, chị nhầm, người đàn bà từng trải và đáo để trong chị đã nhầm. Đôi mắt kia vẫn rọi tới, chai lì, trấn áp, xô đẩy và lạ hơn nữa là trong đám sương mù rối tinh đó có cả một chút thương cảm, ái ngại lấp loá. Và rồi chính chị lại không chịu nổi phải nhìn lảng đi. Sao thế nhỉ? Sao hắn ta lại tự cho phép mình có thể có cái kiểu nhìn hỗn hào ấy nhỉ? Thương cảm và ái ngại à? Hay là đâu đó đã rò rỉ cái gia cảnh chẳng mấy hay ho của mình? Cái gia cảnh có một anh chồng vô tích sự suốt ngày dựa vào tiền bạc, uy thế của vợ để tự dìm đời mình trong các bàn nhậu.
Suy nghĩ ấy khiến đầu óc chị oải ra, trống trải và thấy cái buổi tối nay sao quá dài, nặng nề, vô duyên và tẻ nhạt đến nỗi nếu như không phải là chủ nhà thì chị đã dứt khoát tìm cớ bỏ đi từ lâu rồi.
Cau mày, chị nhìn quật trở lại đôi mắt kia với một cái nhìn thô mạnh như một câu mắng. Thừa. Đôi mắt ấy vẫn không thay đổi góc độ, thậm chí còn hun hút hơn, chỉ khác lần này cái ánh mắt ái ngại, thương cảm mà chị tưởng tượng ra kia không còn nữa, thay vào đó là một đốm lửa cháy lom đom đang toả ra hơi ấm dìu dịu. Đến đây thì thực sự không chịu nổi cái đốm sáng ma trơi quái ác ấy, chị quyết định gạt bỏ anh ta qua một bên và quay sang trao đổi với vị trưởng đoàn có cái đầu hói bốc đến tận ót.
Câu chuyện chỉ dừng ở đó thôi thì chưa có điều gì xảy ra nếu như sau đó, theo lệ thường, đoàn khách được mời đến một điểm cách xa nội thành để thưởng thức một chương trình đờn ca tài tử. Lại rượu, lại ánh đèn mờ ảo, chỉ thêm những làn điệu mê hồn của một dòng dân ca đậm chất folklore có khả năng làm đắm chìm cảm xúc khách vãng lai.
Và điều bất ngờ ấy đã xảy ra. Xảy ra khi đoàn khách nhất định cứ nồng nhiệt đòi chị với tư cách là chủ nhân phải đứng lên hát tặng họ một bài vọng cổ sáu câu hay bảy câu gì đó. Tất nhiên là chị khéo léo chối từ với lí do mấy bữa nay trời chuyển lạnh, bị khô cổ nhưng thực chất là chị sợ, sợ phải hát phải hò trước cái nhìn không chịu nổi của đôi mắt kia. Nhưng họ đâu có nghe, bảo khan cổ cũng được, khan hát kiểu khan, miễn là một lần được nghe chính bà tổng giám đốc nổi tiếng hát. Thật sự bối rối chưa biết tính sao thì người ấy đã đứng dậy, lặng lẽ cầm micrô, mỉm cười: “Nếu quý vị cho phép thì tôi xin được hát thay”.
Nhiều tiếng hoan hô nổi lên, song họ đề nghị anh phải ca tài tử chứ không được hát tân nhạc, tân nhạc nghe đã chán ngấy rồi, đến đây thì phải ca theo điệu ở đây, nếu không ca được thì phải trả lại micrô cho người ta. Một thoáng lo ngại hiện lên trong mắt chị. Kiểu này chắc không thể từ chối được nữa rồi. Con người trông hiện đại nghe nói toàn đi Tây học thế kia, lại là dân Bắc chính hiệu thì làm sao có thể ca, biết gì mà ca. Chính lúc đó thì anh cất lời. Tất cả bỗng ngớ ra. Mọi tiếng lao xao nói cười biến mất. Anh ta hát thật, hay ai hát thế nhỉ? Đúng là sáu câu, đúng là một làn điệu vọng cổ ngọt lịm không sai đến một cái luyến láy nhỏ nhất. Anh ta đang ca bản “Văn Thiên Tường” quen thuộc mà người dẫu xa lạ với bản nhạc này thế nào chăng nữa cũng không thể không có chút động lòng xao xuyến trước cái âm ba thăm thẳm buồn thương của nó.
Trong đó có chị. Chị đâu có lạ gì bản nhạc này, thậm chí chả mấy để tâm đến nó, nhưng không hiểu sao đêm nay nghe người ấy ca chị lại bị chấn động đến thế? Do giọng ca trầm ấm hay lại do chính đôi mắt kia, đôi mắt vẫn hướng về chị chăm chắm, tha thiết và day dứt như một lời tâm sự, như chỉ để cho một mình chị nghe, chỉ một mình chị thôi. Đôi mắt và lời ca đã ngào vào nhau làm một, cùng lúc tạo thành những con sóng nhỏ vỗ khe khẽ vào lòng chị. Cạnh chị, vị trưởng đoàn không giấu được vẻ tự hào, quay sang nói vừa như khoe vừa như lý giải trường hợp hy hữu này: “Tay ấy hồi đi bảo vệ ở Đức đã có dịp sống chung với một tốp nghiên cứu sinh toàn người Nam đó”.
Nhưng chị không nghe thấy gì hết. Đôi mắt và giọng ca vẫn bủa vây, phong toả chặt lấy đầu óc chị. Phong toả mạnh đến nỗi, khi anh dứt giọng, giữa những tràng vỗ tay rầm rĩ, chị bất giác đứng dậy tìm cớ thoái thác rằng có chút vìệc ở văn phòng cần trao đổi qua điện thoại một chút, xin tất cả cứ tự nhiên. Vài tiếng lao xao, than phiền kể cả ngăn cản nổi lên nhưng rồi cuối cùng chị vẫn đi ra được khỏi phòng với nụ cười nhã nhặn, bối rối của người có lỗi.
Đêm đờn ca mới được nửa chừng, trăng thanh gió mát, giọng ca liêu trai của cô gái miền Tây tiếp theo kia lại dìu dặt cất lên như giọng hát ma mị của nàng mĩ nhân ngư đang quyến rũ những chàng thuỷ thủ nhào người xuống biển, nên cái sự thiếu vắng chủ nhân kia chỉ hơi hẫng một chút chứ không hề làm giảm đi nét hào hứng trong bàn tiệc. Hào hứng đến nỗi sự thiếu vắng ngay sau đó của anh cũng chẳng khiến cho ai để ý. Vui mà. Vui quá mà. Bay hai ngàn cây số vào đây được hưởng một cảnh sắc đồng quê yên ả thế này, được nếm đủ các thứ vật ngon của lạ thế này, cứ vui thả sức đi, cần chi đến chuyện ai còn ai khuyết. Cứ thoải mái!
Anh không đi về phía chị vừa ra mà bước ngược lên một cửa ngách dẫn ra cái hành lang chạy vồng quanh căn nhà lợp lá. Hành lang hun hút gió. Hơi lạnh. Ngoài kia là dòng sông đang mơn man vỗ sóng. Anh bỗng đi chậm lại. Chị đang đứng đó, tựa nhẹ vào lan can, lặng lẽ, mờ nhoà, mỏng manh dưới một cái tán cây vú sữa toả rợp. Gió thổi mái tóc dài thiếu phụ bay khe khẽ về sau. Dừng lại một chút rồi anh nhẹ chân đi đến. Rất nhẹ. Nhận biết được điều đó hay đang mơ hồ chờ đợi điều đó không rõ nữa, chị khẽ rùng mình. Nhưng vẫn đứng im. Anh đã ở ngay bên cạnh, cao lớn, phải cao hơn chị một cái đầu, vẫn không nói không rằng. Từ thân thể trẻ trung, tráng kiện của anh, chị cảm thấy rõ một luồng hơi ấm nồng nàn ngai ngái rất lạ toả ra. Gió vẫn không ngừng thổi. Có con dế nào kêu thật ảo não dưới kia. Tiếng chị cố làm ra bình thản, thậm chí còn hơi lạnh lùng, bề trên nhưng vẫn không tránh được một độ rung nhè nhẹ:
– Anh… anh không ngồi dự với mọi người nữa à?
Một câu hỏi chả đâu vào đâu nhưng nếu anh trả lời ào ào trôi chảy, sáo mòn như hầu hết những người đàn ông khác thì chắc câu tiếp theo của chị sẽ là một sự lạnh lùng thật kiểu như anh vào đi, tôi đang bận, tôi hơi nhức đầu, tôi muốn ở một mình… nhưng không, chàng tiến sĩ vẫn chỉ im lặng, dõi cái nhìn ra xa phía mặt sông, làm như không hề có chị bên cạnh, không hề có chuyện anh ta cố tình theo chị ra đây. Quái quỷ, chị ngước mắt nhìn lên. Bất ngờ chạm phải đôi mắt anh đang nhìn xuống. Vẫn cái nhìn chờm ngợp, nồng nàn, thu hút. Như bị điện giật, dù cố cưỡng nhưng chị vẫn không tài nào đánh mắt thoát khỏi được cái nhìn đầy vẻ bao vây, phong toả và chân thành đến ai oán ấy. Trăng lu hơn, gió vẫn vỗ về, trời đêm vẫn se lạnh, tán vú sữa trên đầu sao dường như cũng đang sà xuống thấp thế, như đồng loã, như chở che, khẽ gọi… Bị chói, đôi mắt chị bất giác nhắm hờ lại, khuôn cằm hơi ngểnh lên. Và chỉ cần thế thôi, khuôn mặt rất đàn ông của chàng trai đã từ từ cúi xuống, cúi xuống gần hơn nữa và, đôi môi khô ráp của anh đã áp nhẹ lên bờ môi đang hé mở của chị từ lúc nào.
Choáng người, chị vội đẩy anh ra, đẩy rất mạnh nhưng không kịp nữa rồi. Hai cánh tay đàn ông đã như hai gọng thép siết cứng chị lại. Ngạt thở, chị gần như lả đi… Đã lâu lắm rồi, phải kể từ cái ngày còn chưa lấy chồng, chị mới có được một nụ hôn say cuồng, đam mê, nóng rãy như thiêu đốt, như rút ruột rút gan như thế này. Đúng vào cái lúc toàn thân như tan chảy, như mụ mị không còn biết gì nữa, như sẵn sàng thả trôi cả hai mươi năm không tai tiếng, hai mươi năm nhịn miệng giữ gìn, hai mươi năm không có một ngày hạnh phúc cho nó muốn đi đâu thì đi thi một chút lí trí mỏng manh còn sót lại ở đâu đó khuất nẻo lắm trong tâm hồn đã khiến chị chợt tỉnh. Quằn mình ra khỏi vòng tay và đôi môi khô khát của anh, chị nói như nghẹn:
– Trời!… Sao lại thế này?… Sao có thể thế này được?…
Thay vì trả lời, tấm thân gần như trinh trắng của chị lại bị siết chặt trở lại và hơi thở nóng ran của chị lại bị một hơi thở khác nóng hơn phủ chụp lên. Chị lại quằn người ra, lần này thì nói như van như khóc:
– Đừng… đừng? Tôi xin anh… Thôi, vào đi anh… Vào đi!
Nhưng cánh tay của anh vẫn không nới rộng vòng ôm. Không nới rộng nhưng không siết ghì vào lòng nữa và bây giờ mới nói, một tiếng nói như vỡ ra tử một lồng ngực rớm máu:
– Xin lỗi… ở chị có một cái gì đó khiến tôi không thể nào cưỡng lại được. Có thể tôi là một thằng rất tồi tệ, một thằng chả ra sao nhưng giây phút này tôi biết là tôi đang sống thực với lòng mình, rất thực, thực như cái điều tôi sắp nói ra đây: Tôi đã đi khắp mọi nơi trên Trái Đất này nhưng chỉ đến đây, trước chị, trước tất cả những gì có ở chị, tôi mới hiểu ra rằng, người đàn bà, cái mảnh thứ hai của cuộc đời tôi có lẽ giờ mới tìm được.
Câu nói ấy một lần nữa lại khiến toàn thân chị muốn tan ra. Một câu nói không mới, hình như đã từng hơn một lần chị đã được nghe những từ đại loại như vậy rồi nhưng lần này nghe từ chính miệng anh sao lại khiến chị rung động mạnh đến thế. Như đưa như ru, như đưa lên rồi lại chìm xuống, chết lặng. Giây phút bồng bềnh, giằng xé và khổ đau ấy, chị biết người ấy đang nói thật. Nói sau khi đã được chị, có chị, dù chỉ là một nụ hôn khoảnh khắc và bất trắc thì không thể là một lời giả dối nhằm tìm đường tíếp cận khi chưa có gì. Và cả đôi mắt như đang cháy sáng lên kia nữa, tuyệt nhiên không thể là một đôi mắt giả nhân. Nước mắt chị bỗng chảy ra. Cả tuổi thiếu nữ lặn lội trong rừng chiến tranh, hoà bình đi học, học xong lấy chồng, rồi từ đó chỉ còn biết vùi đầu vào công vìệc và công vìệc, đã có khi nào tĩnh lặng được một chút để suy nghĩ mọi khía cạnh sâu xa về hạnh phúc, về thân phận, về cái lẽ cuối cùng của đời một người đàn bà đâu. Để rồi cùng với khối lượng công vìệc bộn bề, với triền miên thăng trầm lỗ lãi, với vinh quang và lòng tôn vinh đã được định vị mỗi lúc một chắc chắn trên thương trường, giữa lòng xã hội, cái phần mềm trái tim đàn bà trong chị cũng dần dà vô cảm, lạnh cứng theo cho đến tới nay, lúc này…
– Tôi… tôi phải vào đây. Anh… anh cũng vào đi, kẻo người ta…
Cũng đã lâu lắm rồi từ cái miệng chỉ quen với những âm vực quản lí, điều hành khô khan, chính xác của chị mới bật thốt ra những âm tiết đầy nữ tính e ấp như thế và rời nhanh ra khỏi anh, bước đi như chạy trốn. Anh vẫn đứng lại. Một mình châm thuốc hút, không ra vui cũng không ra buồn, lặng lẽ thay chị làm chiếc bóng tựa vào lan can.
Sáng hôm sau, đoàn khách được mời đi thăm khu thuỷ sản nổi tiếng cả nước của chị trước khi có buổi làm vìệc chính thức để ngày sau đó đoàn còn phải lên xe chuyển đến một địa bàn khác theo kế hoạch. Chiếc canô màu trắng bay như đệm từ trường trên những con sóng xanh biếc. Nắng miền Tây mới chói chang làm sao. Nắng soi tỏ vào mọi ngóc ngách cảnh vật đêm hôm qua còn bí ẩn, mờ nhoà. Nắng rọi vào tận đáy mắt phủ phê sau một giấc ngủ đẫy của những vị khách sang trọng đến từ phố phường bụi bặm.
Và nghiệt ngã thay, cái nắng quái ác ấy cũng làm hiện rõ trên khuôn mặt chị những nếp nhăn nho nhỏ, những dấu vết tàn phai, thoáng có chiều mệt mỏi không tránh khỏi của cái tuổi gần năm mươi. Những dấu vết mà tối qua dưới ánh đèn lung linh, trong cái lênh loang của men rượu không ai có thể nhận ra được, kể cả anh. Để giờ đây anh đang ngồi trước chị, chỉ cách nhau một cái đầu gối, đôi mắt vẫn mở to, hun hút, chỉ khác là đôi mắt ấy không đắm nhìn vào chị như tối qua nữa mà nó bối rối lảng đi phía khác, phía mặt sông rồi dừng hẳn ở đó như tối qua giữa hai người chưa hề có một chuyện gì xảy ra cả. Còn cái nhìn của chị, một cái nhìn ẩn sau đôi mắt trũng sâu cũng ngược hoàn toàn lại với với tối hôm qua, chốc chốc lại kín đáo săn tìm ánh mắt anh. Nhưng không một lần nào tìm được. Đủ cảm nhận ra điều ấy, đôi mắt chị hơi tối lại, trên đôi môi không thoa son thoáng một nét cười cay cay và nhẫn chịu.
Nhưng chị vẫn không thể không nhìn vào khuôn mặt anh. Dưới ánh sáng trời, khuôn mặt ấy càng tôn rõ vẻ trẻ trung, sắc nét và đẹp đẽ hơn cả khi đêm. Một khuôn mặt giờ đây sao thật vô cảm, hững hờ. Chao ôi! Chị khẽ cúi xuống nhìn vào bàn tay có những ngón đã bắt đầu có chiều khô héo của mình. Bóng đêm giữ gìn tất cả nhưng bóng đêm cũng đã xé rách tất cả.
Đôi mắt kia vẫn buông thả đi đâu. Biết là không thể săn tìm được nữa. Càng biết là cái nồng nàn, thiêu đốt trong đôi mắt kia đã hoàn toàn nguội lạnh, vẻ như không chịu đựng nổi cái ngột ngạt ấy, chị đứng dậy, bước ra đầu boong làm như cuộc hành trình sắp đến đích. Nhưng phía trước dòng sông vẫn trải dài xa ngái và theo lịch trình đã được thông báo, ít nhất cũng phải nửa tiếng nữa canô mới cập bến. Đến lúc ấy anh mới đuổi cái nhìn theo chị. Người đàn bà vẫn đứng đó, mỏng manh, dong dỏng, mái tóc dài vẫn bay về sau, vẫn lặng thầm mà sao vẻ quyến rũ ma mị đêm qua đã biến đi đâu tất cả! Một chút ân hận và xa xót nhen lên, anh cũng lặng lẽ đứng dậy đi đến cạnh chị trước những con mắt vô tâm không hề đoán nhận ra điều gì của các chuyên viên kinh tế cấp cao còn đang mải phóng cái nhìn háo hức ra hai bên bờ sông ràn rạt gió nắng.
Giống như tối qua, cũng đã nhận ra anh, cũng đã biết cái thân hình trẻ trung tráng kiện kia đang ở ngay sát ngay cạnh mình nhưng ở chị không còn một cái rùng mình nào xuất hiện nữa. Và rồi chính anh lại là người buộc phải lên tiếng trước:
– Xin… xin lỗi chị về chuyện hôm qua. Tôi… tôi chỉ…
Không biết có nghe được những âm tiết khổ sở trái ngược hẳn với cách nói tự tin vốn có của anh hay không mà chị vẫn không hề quay lại, chỉ đưa tay chỉ về phía trước, nói to một câu như để cho tất cả mọi người cùng nghe:
– Vâng, thành phố đã có dự án đến năm 2005 sẽ cải tạo toàn bộ khu vực hai bên sông này thành một khu tổng hợp du lịch và kinh tế, vốn sẽ vay ngắn hạn của ODA…
Anh khẽ lặng người đi, chưng hửng và dù muốn cũng không thể nói thêm được điều gì nữa, đành trở lại vẻ im lặng nhọc nhằn. Chính lúc đó, tiếng chị lại vang lên bên tai anh, vừa đủ độ cho một người nghe:
– Không sao đâu… Chỉ có điều hôm qua tôi đã… đã mất ngủ suốt đêm.
Nói rồi, chị quay người bước trở lại khoang, vẫn cái cười lịch lãm với người này kẻ khác như câu nói vừa rồi chỉ là lời của gió vọng về chứ không phải là của chị. Chỉ còn người đàn ông cao lớn là đứng lại trên boong, bất giác thả cái nhìn xuống nước. Dưới đó, muôn ngàn hoa nắng vẫn không thôi nhảy nhót trên những lưng sóng nhấp nhô, miệt mài.
Chu Lai
Truyện ngắn Chu Lai