Thâm Tâm – Tầm vóc và sự dâng hiến còn mãi

“Tôi lớn lên mà không biết mặt cha. Trong những ngày sưu tầm và đọc các tác phẩm của cha mình, tôi vẫn tưởng tượng thấy ông đang ngồi bên ngọn đèn vàng viết trong đêm. Thật tình cờ, khi lật giở đến tờ Tiểu thuyết thứ bảy số 488, ngày 20.11.1943, tôi đã gặp hình minh họa đúng như cha tôi trong tưởng tượng, bên một bài thơ có tên Viết đêm với hai câu thơ cuối: “Hoa đèn không hiểu lòng trang giấy/ Soi mãi trên bàn cái vắng teo”…

Như đã đưa tin, buổi ra mắt các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm mới sưu tầm đã cho thấy trọn vẹn hơn sự nghiệp sáng tác của tác giả Tống biệt hành. Tại buổi ra mắt, các nhà văn, nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định những giá trị đặc sắc trong văn xuôi Thâm Tâm, cũng như những đóng góp của ông đối với văn học Việt Nam hiện đại.

Nhà phê bình, PGS-TS Văn Giá, người đầu tiên tìm kiếm các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm từ hơn 20 năm trước, nhận định: “Về Thâm Tâm, có thể nói

Nhà thơ Thâm Tâm (1917–1950)

rằng ông đã là một nhân vật của văn học sử – trước và sau năm 1945. Điều này không chỉ được khẳng định bằng vị trí vững chãi của ông trong nền thơ hiện đại Việt Nam, mà còn bằng nhiều lẽ khác”. Một trong những “lẽ khác” ấy chắc chắn phải kể đến những đặc sắc văn xuôi Thâm Tâm trong những tác phẩm mới được sưu tầm và công bố gần đây.

Thấy dấu vết thơ trong văn xuôi

Chia sẻ với phóng viên, nhà phê bình Văn Giá nói đến 4 đặc sắc cơ bản của văn xuôi Thâm Tâm: “Trước tiên, văn xuôi Thâm Tâm hướng sự quan tâm vào đời thường với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Thứ hai, ông bao giờ cũng phát hiện và triển khai một tình huống truyện gần như một tứ thơ. Thứ ba, do mẫn cảm của một nhà thơ, ông miêu tả những cảm giác và những chi tiết về đời sống rất tinh tế và đặc sắc. Và cuối cùng, ông chủ trương truyện hoặc tiểu thuyết gọn, ngắn và ít nhân vật, thông suốt từ đầu đến cuối”.

Ông nhấn mạnh, truyện của Thâm Tâm chính là những bài thơ văn xuôi thế sự. Điều này cũng có ý nghĩa chia phối đến tất cả các yếu tố thuộc kết cấu, cách thức trần thuật, ngôn ngữ, giọng điệu… trong tác phẩm.

“Trước hết nhìn vào nhan đề các truyện, chúng đều mang dáng dấp của những câu thơ. Rất ít nhan đề là những từ ngữ định danh hoặc khái niệm, mà hầu hết là những cụm từ mang hình ảnh cụ thể giàu giá trị biểu cảm. Như Cung đàn ly hương, Loài chim mùa vải chín, Giăng soi vườn cải hoa vàng, Bến trúc trăng vàng nhớ cố nhân,… Tên truyện thực sự là những câu thơ đầy hình ảnh và nhạc điệu, tạo nên sự chú ý của người đọc ngay từ phút đầu – ông Giá dẫn giải – “Thêm nữa, vì là tuân thủ cảm xúc thơ, nên ngôn ngữ truyện của Thâm Tâm đôi chỗ mang chút hơi văn biền ngẫu, đăng đối nhịp nhàng, hoặc những lớp từ ngữ Hán Việt xuất hiện với mật độ dày”.

Đồng quan điểm, nhà phê bình Vũ Quần Phương cho rằng, truyện ngắn Thâm Tâm như thơ, nhất là những truyện được viết ở giai đoạn đầu. Đọc Thâm Tâm tìm thấy những dấu vết của thơ trong những truyện ngắn không có truyện. Thậm chí có những câu thơ thoát thai từ truyện ngắn.

Ông dẫn chứng: “Có truyện ông tả màu mắt không phải mắt đen hạt nhãn hay mắt xanh như Người thứ 41 như chúng ta biết, mà là mắt màu vàng. Cái mắt của màu ráng chiều. Cái mắt đợi chờ mỏi mệt. Nó khiến tôi nhớ đến câu thơ “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”. Tôi hiểu thêm câu thơ này từ một đoạn văn xuôi nói về sự chờ đợi mệt mỏi, không còn hy vọng. Mắt không còn đen, không còn xanh mà vàng màu của hoàng hôn, thành câu hỏi trong bài thơ nổi tiếng Tống biệt hành“.

Mỗi truyện ngắn đều có tính tư tưởng

Theo nhà phê bình Vũ Quần Phương, Thâm Tâm có sự phát triển trong truyện ngắn theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu sáng tác, ông có lý tưởng rất

Minh họa và bài thơ “Viết đêm” của Thâm Tâm trên Tiểu thuyết thứ bảy số 488, ngày 20.11.1943

mạnh, lý tưởng không thể đứng tại chỗ mà phải vươn tới. Nhưng để vươn tới, nhà thơ Tống biệt hành dùng bút pháp đầy huyễn dụ, lãng mạn.

Ông nói: “Thâm Tâm thuộc lứa nhà văn phải dấn thân. Dấn thân tức là rất hiện thực. Từ hiện thực, ông nhìn thấy câu hỏi của cuộc đời, cái đòi hỏi của hiện thực. Nhưng để giải quyết cái đòi hỏi đó, ông chưa có phương pháp cụ thể. Thay vào đó ông chỉ dùng lãng mạn, lãng mạn một cách “chinh phu”. Ở đâycó điểm gặp gỡ với văn chương Tự lực văn đoàn với cái lãng mạn chưa thấy rõ đích. Chỉ biết lên đường đã, còn lên đường như thế nào thì chưa biết. Ông đã giải quyết bằng một cơn say lãng mạn của sự lên đường”.

Tuy nhiên cũng theo nhà phê bình Vũ Quần Phương, càng đọc Thâm Tâm, càng thấy ông “tiến lên” trong truyện ngắn. “Ở giai đoạn sáng tác sau này, truyện Thâm Tâm có nhân vật rõ ràng hơn, cuộc đời dâu bể hơn và dung lượng xã hội chứa được cũng nhiều hơn. Rất nhiều truyện ngắn (nhất là truyện vừa) Thâm Tâm đã có dung lượng của một tiểu thuyết. Nhưng ông không để nhân vật tự hoạt động, tự kể, mà ông thu gọn lại cho một người kể, tức là một cách tự sự gián tiếp thông qua người tóm tắt kể. Nửa sau của truyện ngắn Thâm Tâm phát triển lên chỗ đó. Hay như, ông viết tiểu thuyết, ở dạng tiểu thuyết mini bằng cách mở rộng dung lượng và bỏ tự sự gián tiếp thay bằng tự sự trực tiếp”.

Ở khía cạnh này, tiểu thuyết Thuốc mê của Thâm Tâm là một dẫn chứng tiêu biểu. Với tiểu thuyết này, Tâm Tâm đã “dọn đường” cho bút pháp hiện đại của tiểu thuyết, có dạng tiểu thuyết mini. Đây là một tiểu thuyết mỏng, ngắn nhưng tác giả đã lựa chọn được một tình huống truyện xuất sắc để kể về một hủ tục kỳ dị qua cách triển khai ít nhân vật nhưng duy trì được độ căng, độ hấp dẫn từ đầu đến cuối. Chưa kể, Thuốc mê còn có một kết thúc đầy nhân văn thông qua cái chết của nhân vật chính. Nó làm cho lòng yêu thương con người được lan tỏa bằng những cái chết không ai mong muốn. Từ cái chết có tính bi kịch, tác giả đã làm thức tỉnh con người để xóa đi những hủ tục nặng nề mà con người tự sinh ra và tự nhốt chặt mình vào.

Bộ 3 tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm: “Gió thu hoa cúc gẩy rồi”, “Thuốc mê”, “Nỗi ân hận dài” (NXB Lao động, Linh Lan Books)

Nhà phê bình Vũ Quần Phương còn đặc biệt nhấn mạnh: “Truyện của ông, có thể “vụng dại” trong bút pháp nhưng lý tưởng luôn luôn chói lên. Mỗi truyện ngắn của Thâm Tâm là truyện khảo sát về tâm lý”. Thực tế, có những truyện không có truyện nhưng Thâm Tâm viết chứa đựng được cả những tâm lý, lý tưởng của sự “lên đường”.

Ví như truyện ngắn Ánh thuốc lé trong bóng tối, tác giả chỉ kể về một ông già ngồi ngắm đời trên sân gác. Một hôm ông phát hiện ra ánh thuốc lá có đốm sáng lóe ở vườn sau, ông đoán chắc là thằng con trai ông. Ông theo dõi đốm sáng đó trong mối liên hệ với một đốm sáng thuốc lá khác mà ông cũng chợt thấy ngoài hè phố. Để rồi, ông có niềm vui mơ hồ rằng thằng con trai ông đã biết nghĩ.

Ở đây, chỉ bằng việc kể lại diễn biến tâm lý của ông già theo dõi 2 đốm thuốc lá, tác giả đã cho thấy sự ngẫm ngợi của thanh niên và sự lên đường như cách hoạt động bí mật. Rõ ràng, nếu không đọc kỹ sẽ có cảm giác truyện rất nhạt vì không có nhân vật. Nhưng Thâm Tâm tinh tế ở chỗ, ngay từ những truyện không có truyện đã mang đầy lý tưởng, để khuyến khích, cổ động ta lên đường, vì không lên đường thì cuộc đời sẽ tàn lụi.

Dấn thân trọn vẹn cho văn chương

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: Dù ở độ tuổi rất trẻ, trong những năm tháng đói rét, chiến tranh nhưng Thâm Tâm,

Một số tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm xuất bản trên các ấn phẩm cũ

cùng các nhà văn thế hệ ông và sau đó, đã làm lên trang sử của văn chương Việt Nam thật lộng lẫy và kỳ vĩ.

Từ đây, ông Thiều đặt vấn đề: Trong thời đại quá nhiều điều kiện sống, quá nhiều điều kiện để công bố tác phẩm cùng nhiều điều kiện khác nữa, tại sao văn học Việt Nam cảm giác vẫn đang bước đi những bước đi đầy lúng túng, khó khăn như hiện nay? Liệu điều kiện sống, điều kiện về kiến thức, thông tin có đủ làm nên một nhà văn lớn hay chưa?

“Chưa đủ! Tôi nghĩ thời đại của Thâm Tâm và những nhà văn trước đó, tư thế và tâm thế của họ hoàn toàn khác. Họ bước vào và dấn thân trọn vẹn cho văn chương. Họ yêu con người đến tận cùng. Họ đau đớn đến tận cùng. Và họ đặt sứ mệnh của họ đến tận cùng. Cộng tất cả những điều đó họ làm ra tác phẩm của mình” – nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh – “Hiện nay nhiều người đang sống khác đi: Ích kỷ hơn, tham lam hơn, ngạo mạn hơn. Chính vì thế, nó đang giết chết văn chương của chúng ta. Mỗi nhà văn phải nhận thức được điều đó”.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, những nỗ lực hết mình để có thể kiếm tìm, làm nên những bộ sách của Thâm Tâm đã giúp chúng ta nhìn thấy Thâm Tâm trong một vị trí khác, ở tầm cao hơn đối với văn chương Việt Nam.

Qua đó, đánh giá, xác lập lại một lần nữa giá trị Thâm Tâm để tôn vinh ông, truyền bá tinh thần và tư tưởng của ông, đặc biệt là truyền bá khát vọng sống, khát vọng sáng tạo, sự dâng hiến cho văn chương và cho con người của Thâm Tâm. Để rồi, mỗi nhà văn trong thời đại mới hiện nay, đặc biệt là các nhà văn thế hệ trẻ cần phải nhìn lại, cần phải xem xét nếu muốn bước tới, nếu muốn 50 năm sau, 100 năm sau những thế hệ sau nói về họ.

“Hoa đèn không hiểu lòng trang giấy”

Tại buổi ra mắt, ông Nguyễn Tuấn Khoa – con trai cố nhà thơ Thâm Tâm – đã không giấu nổi xúc động: “Tôi lớn lên mà không biết mặt cha. Trong những ngày sưu tầm và đọc các tác phẩm của cha mình, tôi vẫn tưởng tượng thấy ông đang ngồi bên ngọn đèn vàng viết trong đêm. Thật tình cờ, khi lật giở đến tờ Tiểu thuyết thứ bảy số 488, ngày 20.11.1943, tôi đã gặp hình minh họa đúng như cha tôi trong tưởng tượng, bên một bài thơ có tên Viết đêm với hai câu thơ cuối: “Hoa đèn không hiểu lòng trang giấy/ Soi mãi trên bàn cái vắng teo”.

Nhưng giờ đây, “lòng trang giấy” của Thâm Tâm đã được hiểu với sự trở lại của những tác phẩm đã từng được đăng trên những ấn phẩm cũ từ hơn 80 năm trước. Để rồi, hồn thơ Tống biệt hành vẫn đang tiếp tục “soi mãi” những vẻ đẹp lộng lẫy, huy hoàng trong văn chương, và trùm phủ lên đời sống với bao giá trị vẫn còn nguyên vẹn.

CÔNG BẮC/TTVH

Theo nguồn: https://vanvn.vn/tham-tam-tam-voc-va-su-dang-hien-con-mai/