CHƯƠNG 6
Tôi không muốn thuật lại đây cái đêm đầu tiên của cuộc phối hợp. Của cuộc đời công cộng. Cái đêm đã cho người ta những cảm giác vừa lả lơi, vừa nghiêm trang, vừa rộn ràng, vừa bi thiết. Một thế giới cảm giác mở ra trước tâm hồn ta. Đến nay tôi tưởng chừng như những cảm giác mãnh liệt ấy, còn reo ở trong da thịt tôi, và cho tôi một cái dư vị xót xa, thèm tiếc: thèm tiếc một cõi thiên đường đã vỡ rồi:
Còn đâu những giờ nhung lụa
Tinh ấp trong chăn
Mộng trùm trên gối
Rượu tân hôn không uống cũng say nồng!
Cái thú không phải là đã có một cảnh thiên đường mà là được mất một cõi thiên đường, đã có một thiên đường ở trong dĩ vãng, ở trong duyên kiếp. Không còn gì làm cho ta thèm muốn hơn là khi theo làn khói thuốc xanh, hay là trong hộp café cuối cùng, ta đã tìm lại được cái dư vị của một cõi thiên đường, của những ngày hoan lạc mà ta đã được qua trong một kiếp này hay từ trong một kiếp trước. Vì rằng sự đau đớn đi qua bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu mạnh. Còn như sự sung sướng ở trong ký ức của ta, bao giờ cũng hiện ra như một cái bóng xa mờ. Cho nên, những ngày giờ nhung lụa đầu tiên của tình ái có lẽ vừa qua trong đời ta, mà tưởng chừng như đã lâu lắm, làm cho ta dễ có cái cảm giác sảng khoái rằng: ta đã có một tiền kiếp xa xôi. Mà cái hôm động phòng chẳng hạn, là một cái đêm của ta ở kiếp nào giữa cái ánh sáng xanh dịu của tiên nga. Ôi! Những làn gối trắng tinh, không có một dấu vết, những nệm bông như muốn lún, lún thêm mãi dưới làn da thịt, một cái không khí thanh tân. Những cảm giác say sưa, thú vị, một cảnh thiên đường. Đó không phải là những cái mà ta có thể tìm thấy hai lần. Cảnh thiên đường ấy, mỗi ngày, rơi một mảnh cho đến lúc vỡ tan tành. Tôi không dám nói xấu cuộc đời, nhưng tôi không thể giấu được sự thực. Sự thực là với cái đêm đầu tiên của các cuộc đời công cộng của hai tâm hồn, người ta đã đi đến chỗ tuyệt đích của hạnh phúc. Hôm qua còn là sự tiến tới, sự lên cao, nhưng hôm nay là sự thụt lùi, sự xuống thấp. Hôm qua, người ta mở mắt ra trước những cảnh tượng mỗi phút mỗi thay đổi, người ta đi tới những miền xa lạ, nơi đợi chờ muôn cảm giác bất ngờ, hôm nay người ta đi xuống một cái dốc, và soát lại những cảnh đã cũ, đã quen mắt. Cái dốc ấy đưa người ta từ một “đỉnh mộng” đến cái “hố đời”, ở Âu tây, người ta có một quan niệm rất thiết thực và rất đầy đủ về hạnh phúc. Người ta ước ao được luôn luôn sống một cuộc đời sôi nổi, đầy nguy hiểm, và trong một lúc, có thể sống được 10 cuộc đời. Người ta muốn “nhân” cái bản lãnh lên mãi. Người ta muốn có muôn cánh tay để ôm ghì lấy cuộc nhân sinh, người ta muốn có muôn mắt để toát ra muôn luồng điện. Người ta ước ao một sự phong phú đến cực điểm. Người ta muốn giàu về tiền của, giàu về cảm giác, giàu về sự vui và giàu về sự buồn. Người ta muốn sự đau đớn ngang với sự thích khoái. Nói tóm lại, người ta uống cho đến hớp rượu cuối cùng, dầu hớp rượu ấy đã đưa lại cho người ta một mùi vị chua chát. Hay đắng cay. Người ta cần sự vui, nhưng người ta cũng không sợ sự đau khổ. Người ta là hạng người thiết thực: người ta không mơ ước một cảnh thiên đường xa xôi và huyền diệu ở ngay trong cõi đời của mình, ở trong cái cõi này mà người ta có những sự đau khổ để làm được thêm những sự sung sướng của người ta. Không gì buồn chán bằng một thế giới chỉ có những ngày nào cũng giống ngày nào, quanh năm hay trọn kiếp ta sống trong những sự đàn địch múa hát, sống trong sự huy hoàng, kiêu sa, và không hề biết có sự thiếu thốn, sự lo âu sự đau buồn. Đó chỉ là cảnh thiên đường của những người tàn tật đã mất hết những quan năng để hưởng thụ. Đó là một cuộc đời thiếu hụt, một cuộc đời bị giam cầm, một cuộc đời bị cắt xén. Nhưng những người đầy sức khỏe ở tận phương Tây kia, những người muốn đập mạnh, muốn vươn xa, những người đầy khí lực, đầy ham muốn, chỉ ao ước một cõi rất giàu thịnh, một quả đất rộn ràng vang động muôn nghìn tiếng rạn nở, một quả đất âm thầm mà chan chứa những ham say, những điên cuồng. Họ là “người”, cái giống người hoàn toàn đầy đủ. Cho nên hạnh phúc của họ là sự liên tiếp vô hồn của những ham muốn, những đê mê.
Mục đích của sự sống, với họ là sự sống mà thôi. Và sống tức là hưởng thụ, hưởng thụ cho cạn, cho hết, cảm giác là “thực” mà thôi! Nhưng họ không phải là tất cả cái giống người đã rải rác khắp quả địa cầu. Hơn một nửa, than ôi! Chỉ là hạng người đi ở đây mà mơ tưởng ở kia, chân ở quả địa cầu mà hồn gửi ở cung trăng. Hơn một nửa giống người sống giữa sự thực, đi bên cạnh cuộc đời mà như bơi trong một giấc mộng. Hơn một nửa giống người đã đau ốm, đã tàn tật, không còn biết biết hưởng thụ, không biết thâu nhận những cảm giác, một giống người sợ sống, và thích lịm hồn trong mộng ảo hão huyền.
Người ta đã tưởng tượng ra một cảnh thiên đường xa xôi, bất thành, để mơ ước. Người ta muốn thu hẹp cả cái sự thực sâu xa, mênh mông vào trong một giấc mơ xinh đẹp. Giữa hưởng thụ và mơ ước, người ta đã chọn mơ ước. Với hạng này, hạnh phúc chỉ ở ngoài cuộc đời, càng lún sâu vào cuộc đời người ta tưởng chừng như bị che lấp, bị giam cầm bởi cuộc đời vì người ta quên rằng ở trong lòng cuộc đời, cũng đã có đủ những vật liệu để xây dựng một cảnh thiên đường. Cái quan niệm sai lầm ấy than ôi! Đã làm thiệt mất gần một nửa cuộc đời của kẻ thư sinh này…
Xưa kia, tôi chỉ biết có một sự mơ ước. Và tôi tin rằng: cũng chỉ có thể có một cõi thiên đường là cái đêm đầu tiên của Tình của mộng. Cõi thiên đường ấy, với tôi, không còn gì nữa, và từ ngày ấy, cuộc đời tôi đã xuống một dốc ác hại. Nhưng thực ra, tôi có mất nhiều như tôi tưởng thế không. Trước mắt tôi, tôi còn có trọn cả một cuộc đời, cả một cánh rừng hoang mênh mông cho tôi khai khẩn. Vâng, tôi sẽ khai khẩn cái cuộc đời của tôi. Bao giờ, với tôi cũng chỉ là một sự bắt đầu. Cả một thế giới đóng lại. Nhưng một thế giới mới đã mở ra. Một cảnh thiên đường khác cũng đã lại hiện nữa.
Xưa kia là thiên đường của tuổi mơ mộng. Bây giờ đã là thiên đường của cuộc đời. Không, mỗi tuổi có một thú. Mỗi tuổi có một thiên đường. Péguy một nhà văn cận đại ở Pháp dã nói: “Tôi đã lập ra một đảng những người bốn mươi tuổi?”
Ừ nhỉ? Tại sao không? Ta lại không lập ra một đảng 30 tuổi. Bốn mươi tuổi mà người ta còn tưởng như ở giữa cái tuổi hoa niên. Thì sao ta đã muốn già rũ giữa cái ba mươi? Riêng tôi nghiệm thấy rằng: không một cái gì đã chết hẳn đi, mà không nẩy nở một cái gì khác. Tôi đã mất đi một “Chiếc cáng xanh”, một bà mẹ, một đứa bé đầy mộng ảo là tôi. Cái hình ảnh của tôi ngày xưa, tôi đã mất hết. Hôm nay dừng lại trong một cái quán, để ngoảnh lại xem con đường mình vừa đi. Tôi thấy rằng: những việc đã xảy ra tôi đã quên đi hầu hết, mà ác hại! Tôi chỉ còn thấy cái dấu vết ghê lạnh của những cảm giác đi qua trong tâm hồn tôi, trong đời tôi.
Nếu tôi không nhớ lầm, thì tôi đã đi cáng nhiều hơn đi đò. Mỗi cái đều có một lẽ sở dĩ. Chúng tôi đi cáng là những lúc chúng tôi muốn vào làng ngoại, để dự những ngày kỵ, ngày chạp. Còn khi chúng tôi đi đò, lại có một mục đích khác. Nguyên lúc mẹ tôi về với thầy tôi, ông ngoại tôi có cho mẹ tôi một cái khế là 10 mẫu ruộng. Mười mẫu ruộng ấy là về hàng ruộng tốt, nên hoa lợi hàng năm cũng khá. Đấy là thầy mẹ tôi không tiện làm lấy, cho nên phải cho người “làm rẽ” và mình chỉ được thu một phân nửa mà thôi. Nhưng cái “phân nửa” ấy cả nhà tôi không dùng hết phải đưa ra bán. Thầy tôi không có tiền hưu trí. Phải mong lấy ở tiền bán thóc mà tiêu dùng hàng ngày.
Tôi nghĩ lại, sự tiêu dùng cần kiệm của nhà tôi thuở bấy giờ mà không khỏi bồi hồi cảm động. Nếu sự phung phí có cái vẻ to tát, rộng rãi của nó, thì sự cần kiệm cũng có một vẻ dịu dàng khả ái. Nhưng hình như tôi đã muốn nói ra ngoài câu chuyện.
Cái hoa lợi hàng năm ấy, nếu là năm được mùa thì chúng tôi vào chở một lần. Nếu là năm hung hạp, thì chúng tôi phải để hai năm mới vào chở. Thường thường thì ruộng ấy làm được hai mùa: tháng năm và tháng mười. Mà cũng có năm chỉ làm được một mùa thôi. Vì lẽ ấy, có khi 3, 4 mùa chúng tôi mới vào chở một lần cũng có, điều này thì họa hoằn. Mà chở thì bao giờ cũng chở bằng đò. Cứ đầu tháng tư, cả nhà tôi đã sửa soạn đò nốc, trai bạn để chở lúa. Thật là những dịp rất hay đến để làm náo động cái cảnh gia đình hiu quạnh.
Lúc đi, mẹ tôi sắm đồ ăn trước mấy ngày. Mẹ tôi kho thịt khéo lắm và có một thức ăn làm cho khắp vùng tôi ai ai cũng khen ngợi: ấy là món cá tràu (cá quả) kho rim. Mẹ tôi khi kho khéo quá có thể cất để hàng tháng được, và càng để lâu càng ngon một cách lạ. Không những cá tràu mà cả những thứ cá khác mẹ tôi kho cũng có tiếng. Tôi nhớ rằng cứ vào độ tháng 10, tháng 11 là lúc biển hay mù, có cá ngon. Mà trong những thứ cá biển ở vùng tôi, người ta cho cá ngứa, và cá nhợ là quý hơn hết. Mỗi khi những người “làng rào” có con “ngứa” hay con “nhợ” thì thế nào họ cũng mang vào cho mẹ tôi, thường thường thì để đổi lấy thóc, nhưng cũng có khi lấy tiền, những đồng tiền kêu lẻng kẻng một cách vui vẻ biết bao! Chúng ta ngày nay ở vào một cái thời mà những bạc chỉ bằng giấy, ta nhớ lại tiếng kêu của đồng tiền, đồng hào, hay đồng bạc bà đầm, thì không thể không bồi hồi…
Những “con ngứa” hay những “con nhợ” ấy, mẹ tôi mua từ tháng 10 mà để dành đến tết mới đưa ra ăn, có khi, ra tết rồi mà còn cá kho để ăn với bánh chưng.
Mỗi lần đi như thế. Cũng thuê đến ba chiếc ghe lớn, và tất cả gia nhân, trai bạn, người chèo kẻ chống cũng đến vài chục người. Tất cả nhà tôi không sót một người nào là không đi. Nhà cửa thì giao cho một người tớ già săn sóc. Ngày nhổ sào đi, tôi đứng trên mui thuyền trông cái cảnh tấp nập xung quanh, tôi tưởng tất cả chúng tôi là những thủy thủ bạo dạn sắp theo một cuộc chinh phục xa xôi và dữ dội. ba chiếc đò, cùng đợi gió nồm là cùng giương buồm lên, băng ra giữa với sông, lướt theo nhịp hò khoan của người giữ lái.
Tôi không nhớ lần ấy là lần thứ mấy tôi theo thầy mẹ về quê ngoại. Nhưng tôi quên làm sao được những giờ êm dịu tôi nằm ở khoang đò không có mui và tôi lặng ngắm vòm trời sao, khi tiếng hò của các trai bạn vừa ngắt. Dầu là một đứa trẻ, mà tâm hồn tôi lúc bấy giờ như thoát ly khỏi cái xu xác nặng nề, và như đưa đẩy bởi cái điệu nhịp êm đềm của các vì sao. Rồi trầm ngâm hàng giờ cho đến khi thiêm thiếp đi mà không biết. Khi tỉnh dậy thì gà đã bắt đầu gáy sáng, và đò chúng tôi đã ghé vào một cái bến.
Sông Ngân Hà bấy giờ đã bâc phếch. Tôi nghe có tiếng đọc rì rầm, tiếng nghe có khi tha thiết, có khi buồn nhọc. Ấy là lần đầu tiên nghe những người Thiên Chúa đọc bài kinh sáng của họ. Và cái bến chúng tôi vừa ghé vào chính là bến thanh Lăng.
Bến Thanh Lăng! Cái tên khêu gợi như tên một xứ huyền diệu của nước Tàu cổ.
Tôi nhớ năm nào thuyền chúng tôi cũng ghé lại cái bến ấy để cho thầy tôi lên bờ thăm một người bạn cũ của thầy tôi, một nguời bạn đồng liêu, làm đến Chưởng Ấn rồi về hưu. Quan Chưởng lúc bấy giờ đã mù cả hai mắt, ngài không đọc sách được, mà vườn tược đối với ngài cũng mất đi một phần thú vị lớn. Nhưng cũng nhờ thế, cái cảnh nhàn ngài dành cả cho văn thơ. Ngài là một tay thơ nôm có tiếng thuở bấy giờ ở vùng tôi. Thời thường, thầy tôi đọc thơ ngài cho nhiều người nghe. Có điều trước mặt con cái trong nhà, thì thầy tôi chẳng bao giờ đọc đến những câu thơ rất suồng sã của nhà thi sĩ ở bến Thanh Lăng. Một hôm, tôi cũng nghe trộm được trọn một bài hình như là một bài “nhà trò” mà thầy tôi ngâm lại cho một người bạn già cùng nghe. Tiếc rằng bài hát nhà trò ấy, đến nay, tôi chỉ nhớ có một câu:
Mặc son phấn bên mình, cọ kẽ…
– Ừ mà cái câu thơ trai lơ thật! Bởi thế nên thầy tôi không muốn những câu thơ như thế lọt tai chúng tôi. Như chương trên đã nói, thầy tôi là một ông nhà nho chính tông, dạy con theo một giáo dục cực kỳ nghiêm khắc. Thú thật, bây giờ những câu thơ như thế, tuy không hiểu trọn nghĩa, tôi cũng lấy làm thích thú vô cùng. Nhớ được một câu, ngâm to lên trong lúc vắng người, tôi tưởng có cái thú được nếm một mùi vị khác thường, cái mùi vị của quả cấm. Nhiều khi hiếu kỳ, tôi muốn biết mặt đến cả cái con người đã đẻ ra những câu thơ lẳng lơ, tôi xin phép được bưng điếu theo thầy tôi, vào cái “nhà lẫm” bí mật kia, sau những rặng tre lồ ô. Nhưng chả bao giờ tôi được cái may mắn vào thăm nhà thi nhân ẩn dật. Thầy tôi kiếm đủ lệ để bác sự yêu cầu của tôi.
– Con đi mần răng được. Từ bến vô nhà còn ngái lắm. Mà đường thì quanh co, gai nành lắm, không có guô(c có giày thì răng được…
Thuở bấy giờ, thực ra, những ngày hội tụ lễ lớn, thì tôi mới được đánh cái áo địa xanh, đeo cái khánh bạc, và xỏ đôi giày kinh, một thứ giày dừa mũi cong. Nhưng ngày thường, thì tôi chỉ đi chân không mà thôi. Làm gì có cái đôi guốc gỗ mà kéo. Vì thế thầy tôi không cho tôi lên bến. Đến nay, cách đây đã gần 20 năm rồi, tôi cũng chưa có dịp nào bước chân lên bến Thang Lăng để thăm nơi ở của nhà thi sĩ thân yêu. Ngày xưa có tên tiểu đồng trở vào núi mà nói với khách:
– Nhà thầy ta ở sau cái mù mịt ấy của ngăn núi.
Tôi cũng chỉ dặn mình: “Trong cái bến Thanh lăng bí mật ấy, một nhà thi sĩ đã sống và đã chết rồi “.
Vì nhà thi sĩ ấy chết trước thầy tôi một năm. Thầy tôi có làm hai câu đối nôm để viếng ông bạn của cả một đời mình, bấy giờ thầy tôi cũng già yếu lắm rồi, không còn biết thương tiếc gì nữa. Chỉ có tôi, đương học ở kinh, tình cờ nghe tin cụ Chưởng chết, tôi lấy làm thương tiếc vô cùng. Tôi tưởng như cả một quảng đời. Cả bến thanh Lăng đã chết ở trong lòng tôi vậy.
Lưu Trọng Lư