Có một nhà văn Nam Bộ nổi tiếng, ông mất đã lâu, nhưng mỗi khi nhớ ông, tôi lại nhớ tới một người trung thực và đôn hậu, cả khi ông “giữ kỷ luật Đảng như giữ con ngươi của mắt mình”. Đó là nhà văn Đoàn Giỏi.
Bây giờ tôi mới biết, Đoàn Giỏi là một trong 25 “Nhà văn sáng lập” Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, có lẽ vì ông là mấy nhà văn đại diện cho các nhà văn Nam Bộ.
Ngày xưa ấy, tôi đọc “Đất rừng phương nam” của Đoàn Giỏi sau khi đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Đó là hai cuốn sách viết cho thiếu nhi mà tôi thích nhất, tôi cho là hay nhất. Về sau này cũng còn một số quyển sách khác viết cho thiếu nhi rất hay nữa, như của Nguyễn Quang Sáng, của Dương Thu Hương… Nhưng tôi vẫn thích nhất hai quyển sách của Tô Hoài và Đoàn Giỏi.
Cơ may cho tôi, mùa hạ năm 1983, Hội Nhà văn Việt Nam bấy giờ anh Nguyên Ngọc chủ trì, tổ chức một đợt đi thực tế cho các nhà văn, ưu tiên các nhà văn cao tuổi. Hồi đó tôi còn khá trẻ (mới 37 tuổi), nhưng được mời tham dự, cùng đi thực tế Quảng Nam – Đà Nẵng với các nhà văn cao tuổi. Tập trung ở Đà Nẵng, ở nhà khách ủy ban tỉnh, nhưng sau đó các nhà văn được chia thành nhiều tổ đi thực tế các vùng khác nhau. Tôi cùng tổ với Từ Sơn, Thái Bá Lợi và Trung Trung Đỉnh là “ba nhà văn trẻ”, và trong tổ có hai bậc “cây đa cây đề” là nữ thi sĩ Anh Thơ và nhà văn Đoàn Giỏi. Tôi không biết tuổi của hai “cây đa” này, nhưng chắc chắn họ đã cao tuổi, trên 70 xuân cả rồi. Hai người đi thực tế cùng đám trẻ chúng tôi, và không hề thua kém lớp đàn em về khoản… đi bộ.
Nhiều vùng như Bình Dương cát trắng hay Đại Lộc trung du, chúng tôi phải đi bộ từ điểm này sang điểm khác dưới nắng hè. Hai bác Anh Thơ và Đoàn Giỏi đi bộ rất khỏe, còn vừa đi vừa nói chuyện rất vui. Nhớ cái đận đi qua trảng cát Bình Dương, một vùng nổi tiếng là căn cứ du kích trong chiến tranh, chúng tôi đã “tới từng nhà, thăm các cụ già…” và thăm cả những người du kích khi ấy vừa ở tuổi trung niên, nghe họ kể bao nhiêu là chuyện chiến đấu ở vùng cát khắc nghiệt này.
Một buổi trưa, đang đi bộ như thế ở Bình Dương, đang vui chuyện như thế, thì đột nhiên hai “cây đa”… cãi nhau. Đầu đuôi là do bác Đoàn Giỏi nói đùa gì đó, người Nam Bộ rất hay hài hước, cốt cho… vui thôi, nhưng bác Anh Thơ vốn người Bắc kỹ tính nên… không chịu. Bác Anh Thơ cự lại hơi nặng lời, khiến bác Đoàn Giỏi… nổi cáu, đòi đưa chuyện này ra… chi bộ. Tôi nghe vừa buồn cười vừa ngớ cả người: đi thực tế thế này mà cũng có… chi bộ sao? Có đấy, chỉ vì tôi ở ngoài Đảng nên không biết thôi. Chúng tôi, mấy thằng đàn em, can vội hai bác, nhưng tôi cũng không biết sau đó bác Đoàn Giỏi có đưa “vụ” này ra cuộc họp chi bộ của đoàn nhà văn đi thực tế? Cũng là chuyện vui thôi mà, nhỏ như con thỏ thôi mà, xin các bác chín bỏ làm mười cho đời nó tươi.
Cuối năm 1983 ấy, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3, sau 21 năm không có đại hội do chiến tranh. Tôi cũng được đi dự, dù ở đại hội lần 2 năm 1962 tôi chỉ là đứa trẻ con. Thế cũng là quá tiến bộ rồi. Đại hội ấy nổi tiếng là đại hội… mất dân chủ, nhưng vì tôi lần đầu được dự nên tuyệt không có ý kiến gì. Trong đại hội, tới mục giới thiệu ứng cử viên ban chấp hành, chẳng biết bạn bè nào giới thiệu tôi, mà tôi cũng không có ý kiến xin rút, nên được giữ nguyên để bầu. Tôi được 44 phiếu, trong khi muốn trúng cử ban chấp hành phải có 76 phiếu. Trượt như thế cũng dễ coi, nên tôi phấn khởi lắm.
Sau khi chủ tịch đoàn công bố kết quả bầu cử, đại hội giải lao. Tôi vừa ra ngoài hành lang thì gặp bác Đoàn Giỏi. Bác kéo tôi tới một góc vắng người, nói nhỏ vừa đủ nghe: “Mình nói với Thanh Thảo chuyện này. Trước đây mình có đọc Thanh Thảo, rồi nghe người ta nói Thảo thế này thế kia, mình không hiểu. Nhưng mùa hè vừa rồi đi thực tế Quảng Nam – Đà Nẵng với Thanh Thảo, mình đã hiểu Thảo nhiều hơn. Nói thật, mình rất quí Thanh Thảo từ ngày đó. Trong đại hội này, thấy Thanh Thảo trong danh sách đề cử ban chấp hành, mình rất muốn bỏ phiếu cho Thảo. Nhưng mình là đảng viên, phải tuân thủ kỷ luật Đảng. Thanh Thảo thông cảm cho mình nghe. Mình vẫn rất quí Thảo”. Tôi nghe bác nói mà cảm động muốn chảy nước mắt. Bác Đoàn Giỏi là như vậy. Một nhà văn phải trung thực cỡ đó thì mới có tác phẩm để đời như “Đất rừng phương nam” được.
Tôi tự hào vì tình cảm bác Đoàn Giỏi dành cho tôi-một fan mê tác phẩm của bác từ hồi còn là trẻ con. Cho tới bây giờ, vẫn mê. Khi “Đất rừng phương nam” được dựng thành phim nhiều tập, tôi đã xem không sót tập nào. Và, thật tuyệt vời, khi bài hát trong phim cũng mang tên “Đất phương nam” do nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sáng tác, lời thơ của nhà thơ Lê Giang, trở thành một trong những ca khúc hay nhất viết về vùng đất Nam Bộ, thì đó cũng là bài hát cho tới bây giờ tôi vẫn thích nghe nhất.
Với tiểu thuyết “Đất rừng phương nam” và ca khúc “Bài ca đất phương nam”, vùng đất Nam Bộ mà tôi mến thương, mà tôi đã có 5 năm “lang thang qua chiến tranh” ở đó, tôi nghĩ vùng đất ấy đã được tôn vinh xứng đáng. Một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa có thể làm đẹp cho cả một vùng đất. Bây giờ, thỉnh thoảng đi xe trên Quốc lộ 4 đoạn qua Tiền Giang, tôi lại để ý thấy một ngôi trường PTTH ở vùng Trung Lương – Mỹ Tho mang tên Đoàn Giỏi. Nhà văn mất đã lâu, nhưng ngôi trường trung học mang tên ông thì vẫn hiện diện ngay trên quê hương ông. Nhớ Đoàn Giỏi, tôi lại nhớ những lời ông nói với tôi ở Đại hội Nhà văn lần thứ 3, những lời rất thật thà rất tình cảm của một nhà văn quá trung hậu. Trung hậu như vùng đất quê hương ông mà tôi từng sống trong chiến tranh.
Một nhà văn có thể chỉ để đời với một tác phẩm, nhưng đó là tác phẩm mà nhà văn đã viết nó bằng tất cả tâm huyết của mình. Đoàn Giỏi là một nhà văn như vậy.
THANH THẢO
Theo nguồn: https://vanvn.vn/ky-niem-nho-voi-nha-van-doan-gioi/