Mai Ngữ với những trang viết về một người anh hùng

Nhà văn Mai Ngữ tuổi Mậu Thìn (1928), vậy mà sinh thời, khi ông còn sống, anh em viết văn trẻ ở ”phố Nhà binh” vẫn cứ coi ông như anh cả, thậm chí có lúc… như bạn, thật đúng là ”gần chùa gọi bụt bằng anh”!

Sống gần ông, chưa bao giờ thấy ông nói to, nói dài. Cũng chưa bao giờ thấy ông vội vàng, tất bật. Trên đại hội, ở một diễn đàn lớn hoặc ở chỗ anh em trà dư tửu hậu có dăm ba người, ông vẫn đều đều một giọng ấy, khề khà, nhát gừng, nhiều khi chẳng có lý do gì để run giọng vẫn cứ run run. Chừng mực, vừa phải, buồn buồn, quanh năm lúc nào cũng là như cả nghĩ.

Ông là nhà văn Mai Ngữ nhưng bạn bè quen thân gọi đùa ông là Mai Đủng Đỉnh. Những đồng chí quản lý, những người bạn viết có trách nhiệm đôi lần nhắc nhở ông đến họp, đến làm việc muộn, ông chỉ cười xí xóa. Triết lý quen thuộc của ông là: ”Vội vàng, nhanh nhảu cũng chẳng ngồi vào được chỗ của ai, chậm chạp, muộn mằn cũng chẳng ai nỡ ngồi vào chỗ của mình. Cái ”chỗ” trong cuộc đời, trong văn đàn của ông, ông xác định thật khiêm nhường, thật bình thường, khiêm nhường và bình thường nhưng là kiêu hãnh, là chẳng phải tầm thường!Ông tên thật là Mai Trung Rạng (nên năm 1999 nhà văn  Xuân Thiều có câu đối tặng ông và nhà văn Hải Hồ – tên thật là Lê Ngọc Lưu – nhân mừng hai ông 70 tuổi: Mai một gì đâu, lòng Trung thực xem ra vẫn Rạng/ Lê la được mấy, củ Ngọc ngà nay hẳn còn Lưu), sinh trưởng trong một gia đình, một dòng họ đời nối đời hiển đạt. Cụ nội, ông nội, cụ ngoại, ông ngoại của ông đều đỗ đạt, đều làm tới chức Tổng đốc (Tổng đốc các tỉnh lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương…), đều được vua ban hàm Thái tử thiếu bảo Đông các đại học sĩ, đều được quê hương thôn Ro Nha, Tân Tiến, An Dương và cả đất Hải Phòng đưa vào sách danh nhân. Vì thế, từ tấm bé ông đã được các cụ nuôi ăn học tử tế ở Hà Nội như một cậu ấm…

Ông là niềm hy vọng, trông đợi của gia tộc. Vậy mà khi vừa học sang năm thứ 4 bậc thành chung thì ông bỏ học về quê tham gia tổ chức thanh thiếu niên cách mạng. Năm 1947, Ông tòng quân vào Trung đoàn 42, Đại đoàn 320 làm công tác tuyên huấn, làm đại đội trưởng Văn công, làm phóng viên báo Vệ quốc quân, báo Chiến sĩ Liên khu 3. Len lỏi, ngụp lặn khắp vùng đồng bằng Bắc bộ gian khổ và ác liệt, được kết nạp Đảng (1950), được đề bạt là cán bộ đại đội.

Hòa bình lập lại (1954), ông về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân rồi được tăng cường sang Bộ Văn hóa, sau cùng trở thành cán bộ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những tác phẩm có giá trị của Mai Ngữ nhắc tới phải kể đến: Dòng sông phía trước (1972), Bầu trời và dòng sông (1966), Người lính mặc thường phục (1986), Gió nóng (1984), Thời gian (1992), Người đàn bà trên hạm tàu (1996), Trong tay bọn Angca (1980), Cành đào tàn trên xe rác (1997)… và đặc biệt là Chuyện như đùa (1988) và Lại chuyện như đùa (1990).

Chuyện như đùa là một tập truyện ngắn đặc sắc, trong đó hay nhất là truyện ngắn có tên Chuyện như đùa. Ấy là tập sách viết về đời sống đất nước ta những năm 90 của thế kỷ trước – những năm đầu của công cuộc canh tân do Đảng ta khởi xướng với rất nhiều những khó khăn như cha ông ta vẫn bảo ”vạn sự khởi đầu nan”. Bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm, Mai Ngữ đã viết nên những trang văn trang khiến người đọc cười trong nước mắt trước thực trạng xã hội đang diễn ra.

Ấy là những trang viết mang sức mạnh cảnh báo, dự báo với nhiều hiện thực xót xa, nhưng được viết với một thái độ chân thật, thẳng thắn và xây dựng. Đọc lại những trang văn ấy trong những tháng ngày mà công cuộc đổi mới đang đạt được thành tựu bước đầu rất đáng phấn khởi, tin tưởng chúng ta càng thêm yêu anh và trân trọng những sáng tạo giàu chất dự báo, cảnh báo mà anh đã mang đến. Và cái tên truyện ngắn anh viết năm nào – ”chuyện như đùa” hôm nay trở thành một trong những câu cửa miệng của nhân dân mỗi khi nói về một cái gì đó viển vông, xa sự thật, không sát với thực tế cuộc sống.

Vẽ chân dung nhà văn Mai Ngữ, nhà văn Đỗ Chu kể, lần đầu anh đến ”phố nhà binh” thấy một người nhỏ thó ăn mặc xuyềnh xoàng mới hỏi nhà văn Nguyễn Minh Châu rằng là ai với vẻ xem thường. Anh Châu vừa ho sặc sụa vừa bảo là Mai Ngữ đấy, ”một cậu ấm” thứ thiệt. Trông bộ dạng còm ròm thế mà gớm, ăn mặc thì xuyềnh xoàng như thằng ăn mày, lúc nào cũng bước thấp bước cao như đứa không nhà không cửa, nhưng hỏi ra rõ là toà ngang dãy dọc xưa ở phố Tràng Thi, phố Nguyễn Thái Học đều có cả. Lão ấy thuở bé đi học có xe nhà đưa đón, tao với mày gặp ngoài đường chớ có gọi, vô phúc thằng xe nhà nó cho mấy cái đá đít là hết đời viết văn…!”.

Đời nhà văn Mai Ngữ là vậy, như chỉ quẩn quanh nơi đồng bằng khu ba và 36 phố phường Hà Nội, (duy chỉ có một lần xuất ngoại sang Liên xô cũ và một chuyến ghé Biển Hồ – Cămpuchia cùng bộ đội), nhưng đó là một cuộc đời đầy gian nan và giông gió. Một cuộc đời, chưa đầy hai mươi tuổi đã dám làm một cuộc ra đi, dám chối bỏ cuộc sống nhung lụa để tìm đến một cuộc lên đường hùng vĩ của dân tộc – một cuộc lên đường không mấy chóng vánh, dễ dàng với một tương lai chừng rất mong manh. Một cuộc đời, buồn vui lẫn lộn, không bàn hơn thiệt được thua… Là gian nan mà cũng là kiêu hãnh!

Nói tới Nhà văn Mai Ngữ, bạn đọc không chỉ nhớ tới những tác phẩm như Dòng sông phía trước (tiểu thuyết, 1972), Truyện ngắn Mai Ngữ (1994) trong đó có truyện ngắn nổi tiếng Chuyện như đùa vừa được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012, mà người ta còn nhắc tới  những cuốn sách viết về những người anh hùng. Những cuốn sách trong tủ sách truyền thống, sách viết về những người anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu, sách người tốt việc tốt một thời được cổ vũ tôn vinh, được bạn đọc yêu mến giờ tìm lại thật khó.

Sinh thời, nhà văn Mai Ngữ có nhờ tôi sưu tầm cho hai cuốn sách viết về Anh hùng Ngô Mây và Anh hùng Phùng Quang Thanh do ông viết. Là người thích sưu tầm những quyển sách cũ và hiếm nhưng tôi vẫn phải bó tay. Tôi vẫn đang còn áy náy vì lẽ trước khi nhắm mắt xuôi tay ông vẫn chưa tìm lại được những đứa con tinh thần bị thất lạc của mình thì mùa xuân vừa rồi nhân việc tìm lại những sáng tác của nhà văn để lại đưa trình xét Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật, hoạ sĩ Trần Liên Hằng – vợ nhà văn có tìm ra một trong những cuốn sách bị thất lạc vừa nói đến. Ấy là cuốn Xốc tới viết về Anh hùng LLVTND hùng Quang Thanh.

Theo sách Chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương và Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương do NXB Lao Động và NXB Quân đội Nhân dân xuất bản năm 2000 thì: ”Anh hùng Phùng Quang Thanh sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên , thượng sĩ trung đội trưởng đại đội 9, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64, sư đoàn 320. Năm 1968, Phùng Quanh Thanh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, làm nhiệm vụ trinh sát, nhiều lần cùng tổ vào căn cứ địch điều tra tình hình, giúp cấp trên chỉ huy chiến dấu thắng lợi. Tháng 2 và tháng 3 năm 1971, Phùng Quanh Thanh tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, chỉ huy trung đội đánh hai trận đều đạt hiệu quả cao, góp phần cùng tiểu đoàn diệt gọn 1 tiểu đoàn và 1 đại đội địch, riêng đồng chí diệt 12 tên, bắt 01 tên, thu 01 súng. Ngày 10 tháng 2 năm 1971, Phùng Quang Thanh trực tiếp chỉ huy 01 tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng một đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tiến công chốt. Đồng chí bình tĩnh chỉ huy tổ chờ địch vào gàn mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Phùng Quanh Thanh diệt 08 tên. Hai ngày sau địch tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh  bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng đồng chí xin ở lại chiến đấu. Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội tháo lắp 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người, nhờ y tá băng treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu đơn vị xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp với đơn vị bạn diệt gọn 01 đại đội địch. Riêng trung đội do anh chỉ huy diệt 37 tên, bắt 01 tên, thu 02 súng. Phùng Quang Thanh sống khiêm tốn, giản dị luôn nhận phàn khó về mình, nhường thận lợi cho bạn, được cấp trên tin tưởng đồng đội mến phục”.

Đồng chí được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng, ( 01 hạng nhất, 01 hạng nhì, 01hạng 3) 5 Huy hiệu Dũng sỹ các loại. Ngày 20 tháng 9 năm 1971 Phùng Quang Thanh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ( Sách đã dẫn, tập II, tr. 972 ). Hiện nay đồng chí Phùng Quang Thanh là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cuốn sách viết về Anh hùng Phùng Quang Thanh có tên là Xốc tới chỉ gồm 78 trang, in khổ nhỏ (5x8cm) – khổ bộ đội ta có thể bỏ túi cóc của chiếc ba lô chiến trận. Bìa cuốn sách trình bày trang nhã ghi rõ tên tác giả là nhà văn Mai Ngữ, nội dung Truyện viết về Anh hùng Lực lượng Vũ trang Giải phóng Phùng Quang Thanh. Sách do Nhà xuất bản Giải phóng xuất bản và in tại Nhà in Giải phóng năm 1971.

Nhà văn Mai Ngữ đã dành toàn bộ số trang trong Xốc tới để miêu tả những trận chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, đặc biệt là trận đánh trên đồi Không Tên đã đi vào quân sử, đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào mùa xuân năm 1971.Đọc Xốc tới cùng với việc như được sống lại một thời khói lửa trận mạc người đọc còn được đọc những dòng cảm động viết về tâm tư tình cảm của người anh hùng trước giơ xung trận: ”Trở lại Đường 9 lần này, ngoài cảm giác hồi hộp, náo nức lập chiến công, trong lòng Thanh còn lắng sâu nhiều ý nghĩ về quê hương. Khi vượt qua những con sông trên đất Quảng Trị, tự dưng Thanh liên tưởng tới dòng sông ở quê hương anh. Đó là một con sông lớn quanh năm đầy ắp nước, chảy qua những mảnh đất phì nhiêu, những ngọn đồi mang trên mình nó những trái quả thơm ngon. Quê hương anh ở xa nhưng khi cùng đồng đội đi chiến đấu ở chiến trường anh hay nghĩ đến nó; và đặc biệt trước những giờ xuất trận anh lại nghĩ về bố anh, người bố đã hy sinh khi anh vừa ba tuổi. Hồi chín năm chống Pháp, làng anh lọt giữa vùng tạm chiếm, bố anh lúc ấy làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã lãnh đạo phong trào kháng chiến ở địa phương. Năm 1951, địch tập trung càn quét làng anh, xăm trúng hầm bí mật. Chúng nó gọi hàng, bố anh đã nhảy lên trả lời chúng bằng một trái lựu đạn và ông đã hy sinh ngay trước của hầm. Nhân dân quê hương Thạch Đà không quên công lao của người liệt sĩ. Chính quyền Cách mạng và đồng bào đã nuôi sống Thanh, tạo mọi điều kiện để anh ăn học từ nhỏ tới khi nhập ngũ. Vì vậy, vào bộ đội, Thanh mang trong lòng mối thù của người cha đã hy sinh và lòng biết ơn sâu sắc đối với Cách mạng, đối với nhân dân. Thanh nhập ngũ tháng 7 năm 1967, năm ấy anh vừa tròn 18 tuổi” (Xốc tới – sách đã dẫn, tr.9).

Sau khi xuất bản cuốn Xốc tới, nhà văn Mai Ngữ còn viết một truyện phim về trận đánh ở đồi Không tên của các chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trên mặt trận Đường 9, Quảng Trị – tháng Giêng năm 1971. Kịch bản có nhan đề Trận đánh trên đồi Không Tên với nhân vật chính là Đại đội trưởng Quang in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 8 năm 1971 với tiêu đề Trận đánh trên đồi Không tên và lời đề tặng: Tặng Đại đội trưởng Phùng Quang Thanh – dũng sĩ đường Chín. Tôi cũng không biết là cái kịch bản kia hồi ấy có được dựng thành phim không, nhưng đọc lại người đọc thấy như đang được sống lại một thời bom đạn ngút trời mà ở đó sáng lên hình ảnh người chiến sĩ quân giải phóng với chiếc mũ tai bèo, đôi dép lốp… đã đi vào lịch sử chiến tranh yêu nước Việt Nam, và hiểu rằng vì sao chúng ta có đại thắng 30 táng 4 năm 1975!

Thập Tam trại, tháng 7/ 2012

NGÔ VĨNH BÌNH
(Nguồn Sự kiện và Nhân chứng số 244 – 8/2012)
Theo nguồn:https://tonvinhvanhoadoc.net/mai-ngu-voi-nhung-trang-viet-ve-mot-nguoi-anh-hung/