Chiếc Cáng Xanh

CHƯƠNG 1

     Năm ấy tôi mới lên tám. Thuở bấy giờ một đứa bé vào tuổi ấy chẳng khôn lớn gì hơn một đứa bé bấy giờ lên năm. Nhưng, vì có lẽ thiên bẩm dồi dào hơn một chút, cho nên đối với những đứa bé cùng tuổi, tôi đã ra dáng biết nhiều, hiểu nhiều hơn chúng. Thật ra, sự hiểu biết ấy cũng chỉ chu tuần ở trong vòng tình cảm mà thôi. Nói một cách khác là tôi đã sớm biết rung động rất nhiều trước một cảnh vật khả ái, hay trước cái tình lưu luyến mênh mông của một bà mẹ.

    Cảnh vật thứ nhất đã đắm mê tôi là cái cảnh rừng núi trên con đường từ làng nội tôi đến làng ngoại tôi, tôi có thể nói là bắt đầu từ con đường ấy và người đàn bà ấy. Những cảm giác đầu tiên của tôi, là do người đàn bà và cái cảnh đường ấy in vào trong tâm hồn tôi. Và nay tôi là người thế nào, là do những cảm giác đầu tiên đó đã đúc nên vậy.

    Cuốn truyện của đời tôi, không biết đến bao giờ mới chép đến trang cuối, nhưng mỗi khi giở lại mấy trang đầu, bao giờ tôi cũng thấy sa xuống trên màu giấy trắng toát, sa xuống cái bóng âm u của người đàn bà ấy mà tôi được gặp đầu tiên trong cõi đời trần thế của tôi. Vì bao giờ tôi cũng tỉ dụ rằng: trái với sự quả quyết của khoa học, một kiếp sau sẽ có, hoặc ở trong, hoặc ở ngoài cõi đất. Trong cái kiếp sau ấy, tôi sẽ còn gặp lại mẹ tôi và cũng ở trên con đường ấy, từ làng nội đến làng ngoại tôi. Một người đàn bà hiền hòa khả ái như mẹ tôi, không phải là Thượng đế chỉ cho ta gặp một lần rồi để không bao giờ gặp lại nữa. Tôi ước nguyện rằng lòng tin sẽ tạo ra sự thực. Và nhờ thế, mẹ tôi chưa chết hẳn. Không, một người như mẹ tôi không thể nào chết hẳn được. Mẹ tôi không hẳn chỉ là một người mẹ, chỉ thế, trong linh hồn ấy cũng đã ẩn chứa một sứ mệnh thiêng liêng, một nguyên lý bất diệt.

    Tôi không nhớ rõ lần ấy là lần thứ mấy tôi theo thầy mẹ tôi từ làng nội về làng ngoại. Nhưng làm sao tôi quên được cái buổi chiều mát lạnh ấy, mà gió lên vội vàng, hấp tấp, đêm xuống nhanh như để giành cướp lấy cái buồn vắng của một chiều thu tàn. Thoảng bên tai, tôi còn nghe mẹ tôi vừa nhổ bãi trầu cái toẹt, vừa giục người nhà:

    – Các chú sửa soạn mau lên một tý. Mặt trời chỉ còn một lẻ sào nữa thôi. Liệu đấy!

    Một lát sau tôi trông ra phía núi, thì mặt trời đã đỏ gay, to bằng cái nia, chỉ đợi tôi ngoảng mặt đi là trụt dần xuống núi.

    Môi tôi vẫn hối những người đầy tớ:

    – Đi sớm được tí mô hay tí nấy. Các chú khần khừ thế này, thì đêm đến canh hai cũng chưa đi được.

Một người tớ già, ngồi xếp những thức ăn vào một cái quay, ung dung nói:

– Thưa bà, chả có việc chi mà phải gấp cả. Mười chín nín trâu. Hôm nay mười chín, thì dễ thường cũng phải đợi đến đầu canh hai mới có trăng.

Mẹ tôi cười:

– Tôi cũng không tính việc hôm nay có trăng.

Một lát mẹ tôi nói tiếp:

– Mà trăng hay không trăng cũng thế thôi, phải không các chú? Rừng năm nay nhờ Bụt, cũng hiền. Nói tỉ dụ mà nghe, dù trời có tối mò mò cũng chả việc chi.

    Nhưng đêm nay, mỗi khi tôi sực nhớ lại những câu chuyện loạn rừng, và sống lại trong tâm hồn những giờ kinh khủng ở giữa xóm quê khi trời chưa tối mà rèm đã sập lại, thì tôi luôn tự hỏi: tại sao thầy tôi lại lấy mẹ tôi? Lấy một người vợ cách rừng như thế để cho trong sự đi lại giữa hai gia đình thêm khó khăn và phiền phức. Đến nay tôi cũng chưa tìm được một câu trả lời. Có lẽ mẹ tôi là một người có nhan sắc chăng? Hay là chỉ tại mẹ tôi là một người có tiền?

    Dầu sao, đối với tôi, sự phối hợp cách biệt của thầy mẹ tôi, là một điều hay: nó đã cho tôi hằng năm một cuộc du lịch thú vị, mà thành kính như cuộc đi viếng đất thánh của những tín đồ ở xa.

    Mỗi năm, tôi nhớ chừng thường thường vào tháng chín mà vào một ngày giữa tháng, cái tháng mà những cơn gió bão từ đâu về và khi đi khỏi rồi, để lại những ngày trong gương, phản chiếu cái màu trắng phau của những đàn cò ở trên một thảm lúa xảnh rì.

    Nhưng chiều hôm nay sao gió lên mau quá, hình như ở một rừng Lào dồn về, lần thứ nhất trong lòng trẻ dại của tôi thấy có một nỗi mênh mông như một nỗi buồn trong một chiều ly biệt. Hình như là tôi sắp phải từ giã đây, từ giã những cái khờ dại, cái vô tội cái hồn nhiên của cây cỏ để bước vào một thế giới tình cảm của giống người. Có lẽ hôm đó là lần thứ nhất trong trí tôi ngừng lại một ý nghĩa để ghi lại những rung động tha thiết đầu tiên của tâm hồn.

    Tôi thấy cả một buồi chiều lạnh ôm trùm lên những ngọn tre phất động. Và buổi chiều đã đượm thắm và trong tâm hồn tôi.

    Nhưng quả thật có thế! Đêm, ngày hôm ấy, đến một cách gấp vội, hình như để bôi đen cả tâm hồn tôi và xóa hẳn những cảm giác đầu tiên vừa mới nở.

    Mẹ tôi đến sau lưng tôi:

    – Con không sửa soạn về thăm ông bà ngoại à? Ông ngoại con đương ốm nặng, con có biết không?

    Tôi ngẩng mặt nhìn mẹ tôi ngơ ngác. Mẹ tôi muốn giấu sự cảm động, gọi chị tôi bảo:

    – Chị Nguyệt đâu! Không thay áo cho em.

    Trăng vừa chồi ở trên nóc nhà ngang thì chúng tôi bắt đầu đi. Mẹ tôi với tôi và cả em gái tôi nữa cùng nằm một cáng, một thứ cáng có trần, và phủ diềm xanh. Chính cái cáng chúng tôi đi xưa kia, ngày thầy tôi còn làm quan đã dùng để đi hành hạt. Cáng ấy, trông đòn chạm trổ kỹ càng, tỉ mỉ với lại tấm diềm tha thướt còn giữ được cái vẻ đài các, quan dạng ngày xưa. Mỗi năm, cáng gác cất trên rầm nhà, chỉ đến vào độ này mới lấy xuống để phủi sạch và sửa sang lại.

    Thầy tôi thường nói với giọng sung sướng: Ngày xưa, có một bận, một vị quan thủ hiến, vì phải nhường cái võng điều lại cho ông sứ, đã phải nằm ở cái cáng xanh này để đi thăm một con đường núi.

    Đến nay, sau hơn 20 năm rồi, tôi còn nhớ rõ như hôm qua, cái hình ảnh diễm dáng, đài các của chiếc cáng xanh, mà tôi coi như là cái hình ảnh đầy đủ và khả ái của một thời dĩ vãng bình lặng. Nhất là những khi cái cáng ấy, chống lên trên hai cái nạng cắm ở trước sân của một nhà trạm hiền lành, thì ta tưởng như thời giờ không đi nữa, mà mọi sự chuyển đi ở trên thế giới cũng không có nữa. Một màu điều, hay một màu xanh của diềm cáng, lấp lánh dưới ánh nắng như buổi trưa, hay phất động trong một cơn gió chiều, thì ta cũng cảm thấy một nỗi buồn bằng phẳng và không lưu động, cái nỗi buồn của cuộc đời trước khi âu hóa.

    Khi bắt đầu lên cáng thì hình như tôi cũng bắt đầu ngủ. Trong lúc ấy, thì cáng có lẽ lên dốc và xuống dốc, đã nhiều lần lắm rồi, vì tôi biết đường phải đi qua những động núi. Nhưng có một lúc nào đó tôi nhớ có thức giấc dậy.

    Tôi nhìn ra ngoài, thấy ánh trăng tuôn chảy ra như chì trên đường sỏi, trên các túm lá, trên các lối đi. Tôi thấy hơi hơi ghê lạnh từ trong tâm hồn. Tôi co mình vào trong lòng mẹ tôi, và hỏi:

    – Thầy con và anh con ở đâu mẹ?

    Mẹ tôi đáp bằng một giọng rất tỉnh táo:

     –  Thầy con và anh con đi ngựa. Có lẽ đã đi trước rồi.

     Rồi đổi giọng, mẹ tôi hỏi những người phu cáng:

    – Quan huyện ngài đi trước rồi phải không các chú?

    – Dạ bẩm, quan con đi trước…

    – Các chú bẩm ngài đi từ từ một tý.

    – Dạ, thưa bà, thế tất quan con cũng phải đợi, vì chúng ta cũng sắp đến truông.

– Truông ngoài hay truông trong chú?

    – Dạ, mới truông ngoài…

    “Truông”, tiếng ấy dội vào trong tâm hồn tôi như một điều ghê lạnh. Cái óc trẻ con, tôi tưởng tượng cảnh truông như một đoạn đường cây cối rậm rạp ghê sợ nhất, quanh năm không có bóng mặt trời, không có bóng người, chỉ có những thú dữ.

     Tôi hỏi mẹ tôi:

    – Con nghe nói ở truông có nhiều khái…

     Mẹ tôi vội giơ tay bưng miệng tôi lại. Thật bấy giờ tôi không hiểu sao như vậy, mà tôi cũng không hỏi vì cớ gì mẹ tôi lại không cho tôi nói hết. Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu rồi: tiếng khái là tên húy của chúa sơn lâm, không nên nói đến, nhất là trong khi đi đường rừng lại càng không nên nói đến.

    Mẹ tôi im lặng một lúc lâu, hình như để giấu sự sợ hãi. Một hồi lâu mẹ tôi nói với những người phu cáng:

    – Các chú xem quan có đứng lại chờ không?

    – Bẩm bà quan đã đứng lại ở gốc đa.

    Mẹ tôi cất giọng bảo thầy tôi:

    – Thầy nó đi đâu mà vội thế? Vào truông nên cho ngựa đi chầm chậm và kèm một bên cáng.

    Trong lúc ấy, một thứ chim gì lạ khắc khoải đánh ở trong một bụi gần. Mãi sau tôi mới biết đó là con chim kiểng kiểng, mỗi khi có chúa rừng ra suối uống nước, thì nó lại “đánh” hồi gấp rút.

    Tôi nghe thấy mẹ tôi nín thở lại. Và cả bao nhiêu người đều im lặng, một sự sợ hãi đè nặng trên tâm hồn con người…

    Một hồi lâu lắm người phu cáng thở một cái thật dài và nói trước:

   – Kể kiểng kiểng nó đáng có nhiều khi thiêng mà nhiều khi….

   Mẹ tôi ngồi nhổm dậy, ngắt lời:

    – Nhưng mà bây giờ thật đi qua truông rồi đấy chứ?

    Người phu cáng cười:

    – Dạ, có qua truông rồi con mới dám nói.

     Thầy tôi xen vào:

     – Có gì đâu mà ngại! Nói dại mà nghe, ví dụ có ngài ra khe thì ngựa tôi có dám đi nữa đâu. Nó phải rúc đầu vào cái bụi cây và nó hí lên một cách ghê rợn lắm.

     Mẹ tôi hỏi lại:

     – Làm sao ngựa lại rúc đầu vào bụi như thế, thầy nó hỉ?

     – Ấy ngựa nó cũng tinh khôn lắm. Nó “bắt” thấy mùi ngài một cách tài tình lắm, không bao giờ lầm cả. Mà một khi ngài đã ra, thì dẫu có phi đường trời, ngài cũng đuổi kịp. Cho nên ngựa chỉ có một cách để tự vệ, là che hết nửa thân hình đi, và chỉ giơ hai chân sau mà thôi? Ngựa nó cũng chỉ có hai chân sau là “chặt” được, và “chặt” mạnh lắm.

     – Nhưng nói đổ sông đổ biển, ví dụ lúc bấy giờ mình còn ở trên lưng ngựa, thì biết làm thế nào được?

     Một người phu cáng xen vào:

     – Con nghe những người đi củi thường nói rằng: hễ, mỗi khi gặp ngài thì nên quỳ xuống, mà van lạy ngài đi, và nhìn tròng trọc vào mắt ngài, thì thế nào ngài cũng tha cho.

     Một người phu cáng khác:

     – Bẩm quan bà, chú Thởn chú nói cái ấy có thực đấy. Con cũng có nghe Cố Điệt thường nói: hễ thấy ngài rồi, thì chẳng bao giờ ngài làm tội cả, ngài chỉ chộp khi bất thình lình mà thôi!

    Chú Thởn:

     – Chú Thạc nà! Mà Ngài chộp, cũng chỉ chộp người đi đầu hay đi cuối thôi, chứ chẳng bao giờ chộp người đi giữa cả.

     – Cái ấy thì đã hẳn.

     Rồi câu chuyện giữa hai người phu cáng dần dần rơi vào trong cái ướt lạnh của đêm sương. Tôi cũng lại ngủ đi lúc nào, không hay, mãi đến lúc, hình như gần đồng ruộng, tôi mới lại trở dậy.

     Tôi nghe tiếng chân đi san sát và đều đặn của những người phu cáng. Dưới chân ngựa một vài tiếng sỏi đánh nhau rơi loảng choảng và tôi thấy giữa khoảng trời sương lấp lánh muôn nghìn mặt trăng: tâm hồn trẻ dại của tôi đã thấy như một cốc thủy tinh rung động theo điệu gió.

     Tôi nghe rõ tiếng một người phu cáng nói với người bạn, tiếng nghe lạnh quá:

     – Chú Thởn nà! Ta xin phép quan bà nghỉ chân một tí nhá!

     – Thì hãy cứ đổi vai một lần nữa đã nào?

     – Không phải mỏi vai – nhưng mà không còn gối nữa.

     Thầy tôi hình như không nghe chúng nói vì ngựa vẫn rộn ràng đạp trên đường sỏi.

     Chúng vẫn đi, vẫn im lặng đi.

     Bỗng xa xa, thưa thưa, đôi tiếng gà.

     Đời tôi làm sao quên được những tiếng gà đầu tiên ở giữa rừng sâu ấy: tiếng gà làm cho ta có cảm tưởng ấm áp là sắp gần một thôn mạc nào… Nhưng đây chỉ là những con gà ri, gáy trắng…

     Mẹ tôi trở mình hỏi to:

     – Đã đến đồng Kẻ Tra chưa các chú?

     – Thưa bà, chưa đến, nhưng kể cũng không ngái mấy nữa.

     – Các chú gắng đến đồng, lại nghỉ một lát cũng được.

     Và khi chúng tôi đến đồng Kẻ Tra, thì mặt trời đã tung ánh sáng trắng vàng trên những đồng ruộng mạ xanh rì, như người thuyền chài tung cái lưới của mình vậy.

     Sau đồng ruộng ấy là làng ngoại tôi. Ông tôi ở một xóm gọi là xóm Cồn, nghĩa là ở trên một đồi núi. Chúng tôi, bước khỏi cổng xóm là bắt đầu lên dốc, đi trên con đường đỏ ối. Tôi thấy một cái mùi đất ấm lạ, và cây cối ở trên xóm Cồn xum xuê một cách khác thường khiến cho tôi có cảm giác rằng: cuộc đời ở đây tựa hồ như một cái gì rất dễ dàng, rất đáng yêu: những cây cau vươn khỏi những mái tranh, và trên những vách đất đỏ gạch, leo lên với một cái khí lực manh danh, những cây trầu là xanh tươi và cong vạm vỡ.

     Cáng tôi từ khi khỏi cổng xóm, đi vòng quang, và cứ trèo, trèo mãi. Những người đàn ông hay đàn bà thấy mẹ tôi thì cúi chào.

     Họ đáp lại những câu hỏi của mẹ tôi một cách niềm nở, lễ phép:

     – Này thím Thìn, có nghe Bọ (chỉ ông tôi) ra sao không?

     – Bẩm bà, đã có mời ông Đước tới cúng rồi.

      Một lát sau:

      – Này A Dụng, Bó có khá không?

     – Bẩm bà, Bọ hai hôm nay không cháo cơm chi hết.

     Một lát nữa:

     – Thế nào chú Huỳnh, Bọ…

     – Bẩm bà, Bọ khó lòng mà ở rốn được…

     Giọng mẹ tôi càng run run, chưa kịp nói, thì một bà cụ già vừa chống gậy vừa xuống dốc, bà nói với đôi mắt rưng rưng:

     – Bà Huyện ơi! Có lẽ Bọ về mất.

     Lúc bấy giờ hình như là lần thứ nhất tôi mới được nghe người ta nói đến tiếng “Bọ”. Nhưng tôi cũng hiểu “Bọ” là một “tiếng” trịnh trọng để tặng những người già cả đáng kính.

      Dần dần khôn lớn, tôi càng hiểu thêm: tất cả những dân trong xóm đều coi ông tôi gần như một vị “giáo chủ”, dầu người ở trong xóm không theo đạo Phật hay đạo Thiên chúa. Họ chỉ tin ở sự cúng quảy, chay đàn. Mà trong những đám tế hay đám chay nào thì ông tôi cũng được mời ngồi làm “thầy cả.”

     Sự yêu vì có tính chất tôn giáo ấy của dân xóm đối với ông tôi còn có những lẽ khác nữa: ông tôi là một ông lang của dân xóm, và là một ông chánh tổng bổ thọ độc nhất ở trong làng ngoại tôi. Nhưng cái danh dự to lớn hết của ông tôi là được một người rể có tên trong khoa giáp và sĩ hoạn.

      Khi đến gần ngõ nhà ông tôi thì tôi thấy những người đàn ông và đàn bà trong ngõ bước ra. Họ chạy lại gần cáng tôi và nói với mẹ tôi bằng một giọng ngập cảm động:

      – Bọ về rồi! Bọ về rồi? Thưa bà!

    Tôi ngẩng trông mẹ tôi: trên khuôn mặt mẹ tôi không còn một chút máu.

     Và khi chúng tôi bước lên: “Bọ ơi là Bọ ơi”.

    Những dì tôi, nước mắt ràn rụa, chạy nói với mẹ tôi:

    – Bọ chờ bà từ hôm qua đến hôm ni nhưng coi không thể chờ được nên phải đi.

     Mẹ tôi chạy vào cầm lấy tay ông tôi, và khóc rú lên. Tôi cũng khóc to như mẹ tôi. Anh chị tôi còn khóc to hơn nữa.

     Tôi ngẩng trông lên mặt ông tôi tuy da đã xanh nhợt nhưng cái chòm râu vẫn lấp lánh bạc, cái chòm râu vẫn đáng kính yêu biết bao! Tôi sực nhớ lại những lúc tôi ngồi ở trên gối ông tôi, và nhìn vườn cây qua cái chòm râu to dài ấy, thì tôi lại cảm động và khóc rú lên nữa. Thực ra tôi không hiểu rõ cái chết là một cái gì, nhưng mang máng cũng biết rằng: cái chết là một cái gì buồn não như một sự biệt ly mới là buồn não mà thôi. Tôi nhớ lại cái lần thứ nhất: mẹ tôi và tôi tiễn đưa anh tôi lên tỉnh học. Cuộc tiễn đưa ở trên bến sông. Con đò mang anh tôi, như chần chừ nấn ná không muốn lướt đi, còn anh tôi cứ đứng mãi ở mui thuyền trông với. Mẹ tôi cũng đứng trông ra. Lẽ ra chúng tôi có nhiều điều nói với nhau lắm nhưng mà trong lúc con thuyền một lúc một trôi xa, chúng tôi muốn nói gì phải nói thật to. Nhưng cảnh vật trong lúc bấy giờ bắt chúng tôi không thể động mạnh hay nói to. Phải âm thầm và ly biệt. Mà cái giờ phút trên bến sao kéo dài đến thế. Mà con đò thì hình như không đi và chỉ có dòng sông lượn, uốn khúc, và để rồi con đò đi trong một cái khúc quanh. Tôi đương thẫn thờ nghĩ lại cái cuộc biệt ly lần thứ nhất trong lòng đứa trẻ dại thì anh tôi đã lại bên tôi, bấm vào tay tôi và nói:

     – Doãn, em không khóc đi?

      Như tỉnh khỏi một giấc mộng, tôi vội vàng khóc lên, khóc cho kịp những người khác.

      Mấy hôm nhà có việc như thế thì tôi thường được lệnh của mẹ tôi:

     – Con đi ra lòi chơi.

     Thấy tôi ngần ngại, thì mẹ tôi quay về phía Mượn:

     – Mượn dẫn em đi lòi chơi đi.

     Thực ra, Mượn về hình xác cũng không cao lớn gì hơn tôi. Mượn cũng chỉ suýt soát tuổi tôi, có lẽ còn kém tôi mấy tháng nữa. Nhưng theo một định luật bí mật từ ngàn đời xưa để lại, vì mẹ tôi là em mẹ Mượn, cho nên tôi phải gọi Mượn bằng anh và vì điều này mới kỳ, tôi cũng thấy tự nhiên bé nhỏ bên cạnh Mượn.

     Vẫn giọng âu yếm và cầu xin của mẹ tôi nói với Mượn:

     – Mượn coi, chớ để em chơi bẩn nha?

     – Dạ.

     Vẻ sung sướng và tự đắc hiện rõ ở trên mặt Mượn, Mượn đưa tay choàng ngang lưng tôi và nói với tôi, hình như cũng với cái giọng âu yếm, niềm nở của một người anh thực.

     – Doãn đi ra lòi, anh hái đào cho ăn.

     Tôi cũng không hề phải đổi cái giọng đàn anh ấy vì rằng: từ nhỏ tôi cũng đã biết ru lòng trong những ân tình đằm thắm của sự che chở, sự đùm bọc. Tôi nũng nịu:

     – Anh Mượn, anh hái cho em nhiều khế ngọt nữa nhá!

      – Được, em có thích ăn hồng không?

     – Ừ, hồng nữa, anh hái cho em nữa!

     Từ đó, trong lúc chơi đùa hay trong lúc nghiêm trang, Mượn nhiều khi đã lợi dụng cái quyền đàn anh mà “bức” tôi. Nhưng có điều là tôi cứ để cho nó dẫn dắt, sai bảo, âu yếm tưởng là một sự đương nhiên vậy, mới hay cái sự được che chở, cái sự được nằm trong lòng yêu thương của một người khác, cái tính nô lệ cũng có những cái say sưa của nó.

      Thực ra, cái quyền sai bảo của Mượn đối với tôi hình như đi quá giới hạn, và cũng có nhiều điều khó chịu và buồn cười. Tôi nhớ có một bận, tôi đương đứng tĩnh túc trước linh cữu ông tôi, hình như là trong ngày “thành phục” thì phải, mọi người đương im lặng, bỗng có người thông xướng “xướng” hai chữ gì mà tôi không nghe ra. Nhưng Mượn ra dáng biết nhiều đưa tay bấm tay tôi, ý chừng muốn ra hiệu cho tôi một điều gì. Thấy vẻ ngơ ngác của tôi, Mượn ghé lại bên tai tôi và nói nhỏ và có ý tứ “người ta xướng cử ai đấy! Khóc đi!”

     Khi người ta đã biết đến hai chữ “Cử ai” thì cũng phải ví dụ rằng: người ta biết nhiều lắm, ít ra cũng biết hơn mình. Nhưng tôi cũng phải đợi cho Mượn khóc trước, rồi tôi mới khóc theo, cả hai chúng tôi đua nhau khóc nghe thảm thiết lắm, mê say lắm, đến nỗi không kịp để ý đến những người xung quanh có khóc không.

      Một lúc lâu, có người lấy quạt đánh khẽ vào đầu tôi, tôi mới chịu nín đi. Tôi còn nhớ cặp mắt ngơ ngác có vẻ hờn giận của Mượn lúc bấy giờ nhìn tôi, và không hiểu vì sao người ta xướng “cử ai” mà lại không khóc được. Mượn nhìn tôi, có vẻ ngượng lắm, và từ đấy đối với tôi cũng mất đi một ít uy lực. Văng vẳng tôi nghe xung quanh người ta nói: Im đi mà nghe văn!”

        Tôi ngẩng trông lên trước bàn thờ đã có người lễ sinh quỳ xuống, tay bưng một cái bảng gỗ nhỏ, và bên cạnh một thầy thông xướng rọi một cây nến, dầu bấy giờ còn là ở giữa ban ngày.

      Mượn nháy mắt tôi:

     – Im! Người ta đọc văn.

     Thực ra tôi đã đứng im phăng phắc, bình lặng, tĩnh túc, tò mò đợi xem người ta làm gì. Bỗng giữa sự im lặng nghiêm trang một tiếng ngân nga lên xuống, tôi không hiểu là gì cả những cái tiếng ấy, đến bây giờ vẫn còn văng vẳng dội lại trong lòng tôi những điệu vừa não nùng vừa huyền diệu, từng giọt sầu thảm rơi trong một ngày mưa rả rich ở trên mái ngói.

     Nhất là khi tôi nghe người ta đọc to đến tên tôi, thì tôi thấy có thứ cảm giác vừa vui vui, vừa buồn buồn. Nhân đó, mình lại càng cho mình một sự quan trọng mà lẽ ra mình không có.

    – Cử ai…

     Tiếng thầy thông vừa xướng dứt, thì mọi người, thầy mẹ tôi, cậu mợ tôi, dì dượng tôi đều khóc rống lên. Tôi muốn khóc theo nhưng mà tôi chỉ có kêu lên mà nước mắt không thể chảy ra được. Và khóc không phải bao giờ cũng là để tỏ sự buồn vậy. Nhưng từ đấy có một điều làm cho tôi hơi ngờ ngợ cái chết của người ta chỉ là một sự rộn ràng ở trong nhà, không phải là một cảnh ly biệt âm thầm trong cõi lòng. Nhất là khi tôi nhìn vào cậu tôi trong cái bộ trang phục, có đủ mũ gậy như một ông võ tướng, thì tôi lại càng thấy cái chết không phải là một điều gì buồn nữa, mà chỉ đáng buồn cười thôi. Thằng Mượn cũng hình như có cảm tưởng thế. Chẳng thế sao một hôm trước lễ “thành phục”, nó khoe với tôi bằng một giọng tự đắc sung sướng:

– Ngày mai, anh Mượn sẽ được bịt khăn trắng.

    Làm như được bịt khăn trắng là một điều tôi vinh dự và làm như tôi không được bịt khăn trắng. Nhưng ngày thành phục, tôi mới biết rằng: tôi cũng được bịt khăn trắng. Mà rồi than ôi! Đời tôi còn phải bịt tới mấy lần nữa.

    Cất tang ông ngoại tôi xong, mẹ tôi vì có lẽ khóc nhiều quá bị bệnh đau mắt. Thầy tôi trở về làng trước, còn mẹ tôi ở lại làng ngoại. Vì thế, Mượn và tôi còn được gần nhau. Ngày nào, chúng tôi cũng dẫn nhau ra lòi chơi. Mượn hái đủ thứ quả ở trong lòi cho tôi ăn. Và chính trong cái thời kỳ ấy, tôi đã học được nhiều tên cây, và bắt đầu yêu cây. Mượn đối với những loài vật, và nhất là đối với những con gà pha con thì Mượn âu yếm lắm. Mượn thường vào nhà lấy trộm những nắm bắp đỏ chói, rắc cho gà ăn. Đến nỗi, mỗi khi Mượn ra lòi là những con gà chạy lại và đứng chực sẵn: thường thường thì Mượn có một cái cử chỉ rất đáng yêu để đánh lừa bầy gà con là Mượn, mỗi khi đi ra, thu thu đút đút hai tay dưới vạt áo. Tuy trong bầy gà ấy, có một con gà cồ mà Mượn ghét lắm, con gà ấy là một thứ gà chọi, ông ngoại tôi nuôi nó đã 6, 7 năm. Nó to, cao và dữ lắm. Da cổ nó rất dày và đỏ gay như mặt trời. Đêm nó không vào chuồng, ngủ ngay ở trên cổng lòi, thì thị uy với cả loài chồn cáo ở trong lòi.

     Bình sinh ông ngoại tôi nâng niu nó lắm, mà từ khi ông ngoại mất đi, hình như nó đâm ra dữ và hỗn. Tôi thấy có một bận, nó chạy đuổi theo cướp mổ những hạt ngô trên tay Mượn. Đối với loài gà, hay loài vật gì tôi cũng không bao giờ còn có một kỷ niệm khả ái đáng ghi chép lại. Nhưng đối với loài cây, thì tôi có cảm tình lạ. Nhất là đối với những cành đào khẳng khiu, mang những trái đào “hừng hừng” tròn trĩnh, thì tôi thương lạ, và ngạc nhiên vô cùng. Tôi không hiểu vì sao những cành đào ấy lại mang một cách tự nhiên, những trái đào hình như đã lạc loài đến ở đấy. Tôi thích nhất là người ta kể cho tôi nghe cái đời của loài cây. Và một hôm thấy tôi ngắm cây cam sành ở cạnh giếng, mẹ tôi nói với tôi:

    – Con có biết cây ấy xưa kia ông con nâng niu biết bao không?

    Rồi mẹ kể như kể một câu chuyện thuộc lòng:

     – Cây cam sành, đến nay đã 27 năm rồi, ông con “bứng” ở nhà ông chánh Đước về. Chính năm mẹ lấy chồng, là năm nó ra trái đầu tiên. Mẹ còn nhớ, về nhà chồng được một tháng, mẹ lại trở vô đây để thăm ông mệ con, rồi đến khi mẹ đi, mệ ngoại con cất vào trong thúng may của mẹ năm trái cam sành ấy và dặn: “Con về gọt cho bà gia con ăn”. Bà nội con thích ăn lắm. Đến nỗi từ đấy, hễ mẹ về quê ngoại, là bà cũng dặn mẹ xin một ít cam cho bà. Có lẽ cũng nhờ thế, cái đời làm dâu cũng bớt chua cay.

     Bỗng mẹ tôi ngừng nói. Mấy giọt nước mắt long lanh trên mí mắt mẹ tôi. Mẹ tôi nói thêm những tiếng nức nở:

     – Con xem, từ khi ông con mất đi, thì cây nó bắt đầu héo mòn.

      Mà rồi năm nay, sợ cam không có trái nữa.

     Tôi cũng cảm động theo mẹ tôi. Trái với lời đoán trước của mẹ tôi cây cam sành ở cạnh giếng vẫn có trái mà trái cũng vừa ngọt vừa thanh lắm. Nhưng có điều này, tôi đã nhiều lần kinh nghiệm: là người chủ yêu giấu mất đi thì cây cối mà bình sinh người ấy thường coi ngó nâng niu cũng héo mòn dần. Cây cam của ông tôi, sau một năm đã khô đét lại, và chết cả màu tươi xanh. Và sau này, cây trầu… cây trầu của mẹ tôi… nhưng thực lòng tôi chưa muốn nói tới, không muốn nói tới. Có một điều này mà đến nay tôi cũng nhận thấy là cây cối hình như cũng gây ra, và cũng chịu lấy một phần lớn những đau khổ của đời tôi… Cũng như cái loài gà khả ái cũng chẳng làm cho Mượn sung sướng gì hơn.

     Có một sự tình cờ làm cho tôi cảm động vô cùng: trước mấy hôm, khi chúng tôi từ biệt để Mượn về làng nội của Mượn mà tôi cũng theo mẹ về làng nội của tôi thì có người thợ ảnh đi qua xóm Cồn. Thực ra, bấy giờ vào kỳ thi tuyển sinh, quan đốc học ở tỉnh có phái một người thợ ảnh đi các trường làng và trường tổng để lấy ảnh các học trò thi. Luôn thể, người thợ ảnh ấy cũng chụp cả cho những ai trong làng muốn lưu lại một kỷ niệm của mình lúc thiếu thời, nếu kẻ đó là một người còn trẻ, và là một chút ấy là lần thứ nhất, người ta bắt các “cậu khóa” trong bản tỉnh phải dán ảnh mình vào đơn thi. Cũng như thế, xóm Cồn lần thứ nhất, được trông thấy người nhiếp ảnh, mà họ coi như một kẻ có phép tiên, có thuật lạ. Trừ những người nghèo khổ quá, những nhà khá giả ở trong cùng xóm Cồn, đều cố rước cái ông thợ nhiếp ảnh về nhà để chụp cho cả gia đình một cái. Thật là một quang cảnh đến cảm động và buồn cười, người ta thấy những người đàn bà nhà quê, quanh năm bò lội ở dưới bùn lầy, bao giờ cũng chít cái khăn nhiễu tam giang, mặc cái áo cổ y, và điều này mới cảm động hơn, cũng cố xỏ hai chân thô, to vào đôi guốc quai da nhỏ nhắn. Lại những ông cụ già đầu râu đã bạc tuyết, lộng lẫy trong bộ áo quần đỏ hoe, cũng cố chễm chệ ngồi lên trên một cái ghế mây, hai tay đặt lên trên đôi gối, và giữ chặt lấy sự cân đối, những ông cụ già ấy cũng để cho người ta thu hình như một đứa trẻ con.

     Có cụ nóng lòng, muốn thấy hình của mình nên hỏi người thợ ảnh:

     – Thế được rồi chứ ngài, ngài cho lão xem một tý nào?

     Người thợ ảnh vẫn một cái cười không mỏi mệt:

    – Thưa cố, phải để cho cháu sang ra giấy đã chớ.

     – À ra thế! Phải bao lâu mới được?

    – Thưa cố, phải đến ba hôm,

     Cụ già như thất vọng:

    – Phải đợi đến ba hôm ư? Lâu quá nhỉ?

     Thật là một ngọn gió hiền hòa trẻ trung đã thổi qua xóm Cồn: mọi người từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo, suốt mấy hôm chỉ bàn tán về việc nhiếp ảnh. Họ bình phẩm một cách vui vẻ về anh thợ ảnh thì ít, mà về dáng điệu ngượng ngùng, kỳ lạ của những người bị chụp hình thì nhiều. Duy có một sự căm hờn và buồn tủi đã đến ở trong gia đình ông tôi. Mẹ tôi, dì tôi, tất cả đều cho rằng: ông tôi chết một lúc chẳng may. Giá mà ông tôi nấn ná lại độ hai, ba tuần nữa, thì thế nào cũng đã có thể lưu lại cho con cháu cái tấm ảnh phương phi của mình: vì ông tôi là một ông già đẹp – ai cũng phải nhận thế. Rồi cho đó là một điều đau tủi, ngày hai bữa cúng cơm, dì tôi và mẹ tôi lại khóc, vừa khóc vừa kể lể. Cái vui của gia đình cũng dường như bị cấm tiệt: lúc đầu không một người nào dám nghĩ đến sự chụp lấy một tấm ảnh chung cho tất cả gia đình: vì thật ra sự tụ họp đông đủ như thế, thật là một dịp hiếm. Hình như cũng nghĩ đến sự chia cách rất gần của đôi bạn trẻ mà mẹ tôi, như quên hết cái đau tủi về phần ông tôi, dám bác hết sự phản đối cứ bằng lòng để cho hai chúng tôi chụp chung một tấm hình. Cái tấm hình đến nay đã rách nát đâu cả nhưng tôi quên làm sao được cái vẻ già dặn và chững chạc của hai chúng tôi ngồi trên hai chiếc ghế đẩu đặt ở dưới sân. Chúng tôi có cái nhìn thẳng thắn làm sao! Mà hai môi như mím chặt lấy lại để giữ lấy nụ cười. Còn hai tay thì giữ chặt lấy hai bên vạt áo như sợ nó rúm lại, và lộ những đường răn không đẹp.

    – Này các cậu nhìn vào đây.

    Nhưng thực ra chúng tôi đã nghiêm trang, cung kính nhìn vào cái bàn ảnh từ lâu. Và đến khi người ta chụp xong rồi, mà chúng tôi vẫn tưởng chưa, cứ ngồi lỳ ra, với cái nhìn ngay thẳng và không chớp.

    Chúng tôi đứng dậy, thở ra một cách sung sướng tưởng như mình vừa thoát khỏi một hình phạt thú vị nhất đời.

     Cái tấm hình đã ghép lại gần đôi đầu xanh ấy, đã nghiêng đôi tấm lòng với nhau. Bấy giờ Mượn mới mười tuổi. Tôi cũng ngần ấy tuổi. Nhưng lòng yêu có bao giờ chừa tuổi trẻ. Nó đã đến ở trên tấm hình. Nó đã đến trong một buổi chiều. Nó đã đến trong một sự ly biệt. Phải, nếu không có cái hôm ly biệt ấy thì tôi chẳng bao giờ tin có nó, biết có nó. Những lúc đắm say trong những trò chơi vô tội gần gụi nhau trong những giây phút hiền hòa, chúng tôi có ngờ đâu rằng chúng tôi đã yêu nhau trong một sự khác lạ, trong một mối tình gần tội lỗi. Nhất là khi tôi trèo lên cáng, tôi thấy Mượn khóc rung rức, thì chúng tôi đã không còn là hai đứa trẻ nữa và chúng tôi đã yêu nhau gần như một cặp trai gái rồi. Ngoảnh lại tôi vẫn thấy Mượn, vò cái chéo áo của dì tôi, và đương nhìn tôi trong một cái nhìn tội nghiệp làm sao!

     Mẹ tôi còn nói với dì tôi:

    – Chị hỉ? Thế nào qua tháng tám, cũng mời chị ra chơi và đem Mượn theo cho nó gặp lại Doãn…

     Tôi tưởng như mẹ tôi nói hộ tôi câu nói cuối cùng ấy.

     Dì tôi thì hình như không để ý đến vẻ buồn tẻ trong câu nói của mẹ tôi, dặn mẹ tôi một lần chót:

     – Thế nào có ai vô, dì cũng nhớ gửi cho tôi một ít “hùi” nhá! Cứ gửi sống, để mặc tôi muối lấy.

    Mẹ tôi chỉ gật đầu mà không nói gì thêm nữa.

     Thế rồi trớ trêu chưa! Tháng tám, tôi cũng không thấy dì tôi ra chơi mà ngay trong năm ấy dì tôi cũng không ra nữa. Qua năm sau, dì tôi có ra thì Mượn đã lên học trường Phủ. Năm sau nữa Mượn ra, thì lại không có tôi: tôi vừa đỗ tuyển sinh và lên học trường Huyện đã mấy tháng rồi. Bây giờ, tôi còn nhớ là tôi ở trọ nhà một thầy Đề lại. Nhà trọ có một người con gái tuy không đẹp nhưng mà trông cũng ngộ như một cô gái núi, có tính tình tuy thô lậu mà thật thà… Nguyên nhà thầy Đề đối với nhà tôi cũng là chỗ cố giao: hình như khi thầy tôi làm tri huyện Hoa Vang thì thầy cũng làm “thông nhất” hay là “thông nhì” gì đó. Vì thế, thầy Đề mỗi khi nói với thầy tôi cũng hay nhắc đến mấy chữ “thầy trò cũ” mà thầy tôi thường gạt đi một cách cung kính, và lấy chỗ tuổi tác mà đãi nhau ngang hàng vậy. Tôi không hiểu trong trí người nào đã nẩy ra lần thứ nhất sự ghép gá tôi với người con thầy Đề, nhưng có một sự tình cờ này làm cho người ta càng dễ có cái ý ấy. Cô Nguyệt cũng như tôi là con rối… Mà điều lạ hơn là hai vợ chồng thầy Lại quý tôi lắm: không có miếng ngon vật lạ nào là hai ông bà không dành cho tôi. Mà mỗi khi tôi về quê thì chính tay bà Lại sắp dọn quần áo đồ đạc cho tôi, và làm như mẹ mình không bằng. Tôi cảm động và quý mến bà hơn, nhưng chẳng bao giờ vì thế tôi có ý gì với cô Nguyệt cả.

     Một hôm mẹ tôi lên chơi, có hỏi chơi bà Lại:

    – Cô em năm nay bao nhiêu tuổi…

    – Thưa bà, cháu năm nay mới mười ba tuổi, cháu tuổi tý.

    – Thằng Doãn nhà tôi cũng tuổi tý.

    Rồi hai bà nhìn nhau cùng cười, cười vui sướng, cười hả hê, cười đắc ý. Có lẽ sự giao ước giữa hai nhà bắt đầu từ đó.

     Nhưng có một điều tôi nhận thấy là trong mấy ngày ở lại với tôi, mẹ tôi thường hay kiếm dịp để xuống bếp: vì theo ý bà muốn xem xét một người con gái phải xem ở chỗ bếp nước vậy. Mà rồi từ đấy, trong nhà thầy Lại có sự khác lạ: cô Nguyệt ít khi lên nhà và hễ có dịp là bà cho ra một tràng những nữ tắc, nữ huấn đến bực mình, làm như tôi để ý đến việc của bà lắm. Bây giờ tôi nghĩ lại không khỏi buồn cười: làm sao có người coi việc đời kính cẩn, nghiêm trang thế! Trong thời kỳ ấy tôi chỉ học và chỉ nghĩ đến Mượn. Những ngày nghỉ, tôi thường lấy tấm hình của hai chúng tôi ra mà tập “họa” truyền thần lại, và tập làm thơ để vịnh người trong ảnh. Có điều này hơi lạ, là tấm ảnh ở trong có hình Mượn, đối với tôi như là một bức tranh tiên của thầy Tú Uyên ngày xưa. Tôi chỉ thiếu một đường là đem đóng tranh lên ngay ở vách, cạnh án thư, và mỗi bữa cơm, để ra đấy một bát cơm và một đôi đũa… Có một điều mà tôi cho là hiện tượng lạ lùng về tâm lý là, mỗi khi nhìn vào ảnh tôi lại thấy người trong ảnh gợi thêm cho tôi nhiều tình cảm đẹp. Những mỹ cảm ấy gần tựa như lòng thương tiếc nhớ nhung. Rồi có một việc xảy đến làm xáo trộn cả trí não và tình cảm của tôi: một hôm trong khi mọi người đã ngủ cả, tôi lấy ảnh ra, và đặt lên hình Mượn một cái hôn… Vâng cái hôn đầu tiên của lòng tôi, của đời tôi.

     Suốt hôm ấy, da thịt tôi rạo rực, và sáng hôm sau, tôi dậy thật trưa và nhìn người nào cũng tưởng như nhìn vào gương và thấy mình thẹn thùng, bẽn lẽn.

     Lại một hôm nữa, thoạt đầu tôi không nhớ rõ, chúng tôi từ đâu lại… nhưng bấy giờ chúng tôi đã ở một quãng rừng, hình như là giữa con đường từ làng ngoại tôi về làng nội… Tôi vừa xuống cáng thì thấy Mượn chờ sẵn ở một quán nước, ở ngang sườn… Chúng tôi, thầy mẹ tôi, anh tôi, Mượn cùng đi cả vào quán.

      Quán sạch sẽ mát mẻ lạ: gió chiều lên từ phía sau nhà… và mây trắng vần bay ở ngoài cửa sổ… chúng tôi hỏi chủ quán đâu?

      Một ông cụ già rất đẹp, chạy ra chào hỏi chúng tôi một cách niềm nở vì chủ nhân lại là người chúng tôi quen lắm, và coi đó như một trạm độc nhất của mình… Trong nhà quán, có những câu đối khắc trên tre lồ ô, chữ rất tất, mà theo thầy tôi, ý tứ lại rất thâm thúy, huyền diệu. Có câu của một ông tiến sĩ ở làng Lý, có câu của ông đồ Ninh, một tay hay chữ ở trong vùng này ai cũng biết. Những câu đối ấy hay, điều ấy không đáng ngạc nhiên, nhưng đáng lạ là làm sao ông quán cũng ngồi một phản… Những cuộc nói chuyện văn thơ giữa hai người kéo dài hàng giờ. Trong lúc ấy chúng tôi chỉ nghĩ đến những cái ghế đẩu của ông quán, những cái ghế đều làm với những rổ tre. Nhìn cái thế ngộ nghĩnh chúng tôi tưởng như lão quán là một ông tiên, ở trong sách xưa thường hiện ra các quán ở dọc đường để được nói chuyện văn thơ với những tay văn hào thi bá.

      – Đi, Doãn, đi ra ngoài chơi đi em?

     – Ừ thì đi!

     Chúng tôi đi ra rừng… đoạn đường này không có một bụi rậm, thỉnh thoảng lại có một cây cao, chúng tôi chạy nhảy ca hát như một con sáo sổ lồng.

     Nắng hanh rồi mát dần… Buổi chiều, vàng cả một cánh rừng mênh mông… Gió ở dưới chân đồi, dần dần lên mạnh… Chúng tôi đi cạnh nhau, rừng tự nhiên vắng hẳn đi vì chúng tôi mỗi người đi sâu vào một ý nghĩ của mình…

     Nhưng bỗng tôi ngoảnh lại thì không thấy Mượn đâu nữa. Tôi gọi, không có tiếng đáp. Mãi một lúc sau, Mượn ở đâu chạy ra cầm cho tôi một nhánh muồng. Tôi nhìn trên tay Mượn thấy những ngón tay xinh nõn của Mượn bị ố tím thì tôi thấy thương lạ. Tôi toan giữ tay Mượn lại trong tay tôi nhưng Mượn đã giục tôi:

    – Kìa Doãn, ăn đi, muồng đấy…

     Tôi đưa những trái muồng vào miệng, những quả muồng có một vị vừa ngọt vừa bùi. Tôi ngẩng lên để cảm ơn Mượn thì Mượn đã không còn nữa…

     Giấc chiêm bao của tôi chỉ có thế, nhưng khi tỉnh rồi, tôi thấy bâng khuâng, nhớ tiếc, nhớ tiếc một cái gì rất êm ái, rất dịu dàng. Thực ra chuyện tôi vừa kể lại đây không hẳn hoàn toàn là một giấc chiêm bao tôi ngờ nó chỉ là sự diễn lại một sự thực…

     Vâng, đây không phải là một giấc mộng thờ ơ… mà ở trong ấy, nó đã chứa chan cái vị đằm thắm, và nồng thiết của sự thật…

     Sáng hôm sau, tôi viết thư cho Mượn như để gỡ cho mình một mối bâng khuâng.

     Hình như đến năm tôi mười lăm tuổi tôi mới lại gặp Mượn. Chỉ có ba năm không gặp nhau mà tưởng chừng đã lâu lắm rồi.

     Mượn thay đổi hẳn. Mượn không còn cái vẻ đẹp của người con gái nữa. Tây chân phốp pháp, và ngực nở ra trong như một lực sĩ. Trên khuôn mặt Mượn cũng có vẻ khác: trán nở rộng ra và đôi lông mày đen và rậm thêm. Giọng nói của Mượn “ồ ồ”, giọng nói của một người “dậy thì”. Dáng điệu khoan thai như một người lớn. Thấy tôi nhìn Mượn chòng chọc thì Mượn hỏi:

     – Tôi có thay đổi lắm không?

     Tôi mỉm cười:

    – Chả thay đổi gì hết.

     Mượn vỗ vai tôi:

    – Nhưng ít nhất cũng khác cái vật nhỏ ở trong tấm ảnh chứ?

    Nghĩ đến tấm ảnh, chúng tôi cùng bật ra cười… Nhưng bỗng hai chúng tôi cùng sầm nét mặt lại. Mượn hỏi tôi bằng một giọng hơi buồn buồn:

    – Tại sao đã lâu Doãn không gửi thư cho Mượn?

    Tôi ngập ngừng. Vì thật ra, tôi cũng không biết đáp thế nào. Tôi cũng không nhớ rõ cái nguyên nhân đích xác làm cho tôi không nghĩ tới sự viết thư cho Mượn nữa. Anh tôi mà hình như mẹ tôi nữa cũng hiểu rằng chính vì người con gái ông Đề lại mà tôi nhãng cả sự học hành và nhãng cả bao nhiêu việc khác nữa. Mỗi năm, cứ ngày kỵ ông tôi thế nào tôi cũng xin phép ông đốc trường nghỉ mấy hôm để về nhà. Điều ấy làm cho thầy tôi bất bình lắm, đã có lần biên thư trách mắng tôi, trái lại, mẹ tôi thì cứ mỉm cười một cách đắc ý, hình như tôi đã trúng phải một kế sách của bà. Một hôm, mẹ tôi vào thăm tôi, xoa đầu tôi và nói với tôi như để thử ý tôi:

    – Năm nay mẹ muốn bàn với thầy con để cho con lên học ở tỉnh. Ý con có bằng lòng thế không?

     Tôi lắc đầu, và nũng nịu nói với mẹ tôi:

    – Thưa mẹ, con chưa muốn lên tỉnh vội.

     Mẹ tôi kéo tôi vào lòng và nói:

    – Ừ hỉ, con không muốn rời huyện vì cớ gì mẹ biết cả rồi.

     Mẹ tôi lại cười một cách hóm hỉnh, tôi hiểu ngay ý mẹ tôi. Tôi hết sức biện hộ:

    – Con chưa muốn lên tỉnh vội là vì ở tỉnh người ta cũng dạy như ở huyện thế thôi! Lên tỉnh tốn hơn, mà ở tỉnh con còn lạ cả.

     Mặc cho tôi biện hộ thế nào, mẹ tôi vẫn không nghe, vẫn cười một cách dí dỏm, và cuối cùng nói với tôi:

    – Con không muốn lên tỉnh là vì con không muốn rời cô Nguyệt chứ gì?

     Rồi mẹ tôi đứng dậy ngay, lời nói ấy, có ngờ đâu là lời tuyên án cuối cùng. Trước mặt mọi người, từ tôi là người rể gần như chính thức của ông Đề lại. Như lời tôi nói ở trang trên, cái ông Đề lại này với thầy tôi là tình thầy trò cũ, đối với việc này, hẳn ông sẽ coi như là một điều gì rất tốt đẹp và rất may cho nhà ông. Tôi sợ rằng lòng tin của người ta sẽ tạo nên sự thực. Và sự đời lắt léo sẽ muốn tôi trở nên cái người chồng của cô Nguyệt, dầu tôi không muốn thế. Hôm mẹ tôi ở huyện về làng, cũng mang theo cái lòng tin nguy hiểm ấy, cố nhiên là chỉ nguy hiểm cho tôi mà thôi. Nhưng chuyện từ trước đến đây không dính líu gì đến cái tấm hình của hai chúng tôi, cái tấm hình đã làm cho tôi mỗi khi nghĩ tới phải buồn rầu vô hạn. Ấy cũng chỉ tại có thế này

     Nguyên những thư từ của Mượn từ trước, tôi để lẫn với tấm hình và tất cả tôi để ở trong một cái hộp giấy. Cái hộp giấy ấy ngay cả những người bạn thân của tôi cũng không có quyền mở nếu không được tôi cho phép. Vì thế sự kín nhiệm ấy làm cho người ta kính cẩn và thêm tọc mạch.

     Một hôm anh tôi ở Kinh về làng, ghé lại huyện thăm tôi. Tôi không nhớ rõ là vì cớ gì, tôi lại mở cái rương tôi ra, hình như là để tìm cho anh tôi chép lại một câu đối nôm na của thầy tôi làm hộ cho một người làng. Trong lúc tôi lúi húi lục lộn thì tôi thấy anh tôi cầm lấy cái hộp giấy của tôi và mở ra… Không hiểu sao tôi rung mình và trên sắc mặt có vẻ lo lắng. Nhưng anh tôi khép lại một cách vội vàng và có dáng ngượng ngùng trơ trẽn như đụng đến cái tấm hình giữa những bức thư và đã đoán rằng đó là những bức thư tình, vì làm sao lại có thể khác được? Mà có lẽ tấm hình cũng đã bầy cái mặt trái, nên mới làm cho anh tôi có cái cảm tưởng quái ác đó được… Nếu anh tôi đã thấy rõ những người trong tấm hình, thì đâu đến nỗi phải lầm đến thế. Thế là tôi chẳng có cách gì biện hộ cho tôi được. Thực ra tôi cũng không muốn biện hộ. Cái cảm giác của tôi, khi anh tôi sờ động đến cái hộp thư và tấm hình là lo sợ ái ngại, thẹn thùng như có người sờ động đến những bức thư tình thật. Nhưng cái cảm giác tiếp theo là cái cảm giác của một người đã trấn tĩnh, đã suy nghĩ: tôi cho rằng những bức thư ấy anh tôi cần phải đọc tới, có thế cái tình của tôi mới được mình oan và không ai còn tin rằng tôi còn có thể là vị hôn phu của cô Nguyệt. Nhưng muốn thay đổi lòng tin của người ta không phải là dễ: cả nhà tôi và nhà cô Nguyệt nữa đều tin rằng tôi đã ưng cô Nguyệt rồi, và điều này mới nguy hiểm: hình như hai bên tính đến lễ “ăn hỏi”.

     Có lẽ câu chuyện hộp thư ấy, anh tôi về làng lại thuật cho cả nhà tôi nghe, cho nên sau độ ấy hơn một tháng thì thầy tôi viết một bức thư dài cho ông Đề lại. Tôi nghe phong thanh rằng trong thư, thầy tôi có ngỏ ý muốn tiến hành gấp việc hôn nhân của tôi, vì lẽ rằng theo quan niệm các cụ đời xưa thì với một người nhãng học duy có một kế thần diệu nhất để làm cho “anh nho” ấy trở lại chăm chỉ, là cưới cho anh ấy một người vợ. Có thế mới giết chết được cái chí phóng đãng của “anh nho”.

     Nhưng từ nãy có một điều tôi quên nói là tại sao tôi không biên thư cho Mượn nữa. Đến nay, thật tôi cũng chưa xét định lại được cái nguyên nhân đích xác. Tôi muốn cho rằng: có lẽ vì tôi không muốn tập thư dày thêm nữa, sợ có điều không hay…

     Nếu những bức thư ấy mỗi ngày một thêm thì đến một lúc kia, sẽ đưa cái tình bạn bè giữa hai chúng tôi đến một chỗ không thể lùi được nữa. Mà cái tình bạn bè ấy không thể chối được những tai nạn mà nó đã dễ xảy ra. Nó không tiết lộ ra thì mọi người còn hiểu lầm rằng số mệnh đã định là tôi phải lấy cô Nguyệt, mà tiết lộ ra thì người ta sẽ nhìn chúng tôi bằng cặp mắt nào? Và thực ra, trong cái tình giữa hai chúng tôi có một điều gì khác lạ gần như là bất bình. Sự tội lỗi cùng hoàn toàn vẫn ở tôi chứ Mượn vẫn vô tội như một hạt ngô. Nói bất chính thì cũng hơi quá đáng, có lẽ là tội lỗi cũng chỉ là tại chùng lén. Mà sở dĩ chùng lén là vì hai chúng tôi cùng bước vào một thời giống như tuổi “dậy thì” của người con gái. Những sự gặp gỡ gián đoạn, những sự tụ họp rồi những sự biệt ly làm cho cái tình yêu thương giữa hai linh hồn trở nên ẩn hiện, khi ngập ngừng, khi ái ngại, rồi cái tình bạn phải khác cái mầu e thẹn của tình yêu. Rồi cái thú ấy, cái thú yêu nhau trong chùng lén, trong mờ ám, cái thú ấy trở nên một thói quen nguy hiểm. Một ngày nọ cảm thấy một cách rõ rệt rằng: đời sống không thể thiếu Mượn được nữa. Cái tình ấy, mập mờ, bất thường và vô định, nó không có tên trong tiếng nói của loài người. Đến nay, thực tôi cũng chẳng hiểu gì hơn lúc bấy giờ, cái lẽ tương quan màu nhiệm giữa đôi linh hồn, giữa đôi thể chất.

Lưu Trọng Lư