Nhà thơ Ngọc Bái đã theo chân các chiến sĩ lên chốt trong thời gian đánh giặc trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Từ đó anh đã tìm ra một sự thật…
Những năm dạy học ở huyện Than Uyên, tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay là Lai Châu, tôi thường gửi thơ đăng báo Chiến sĩ Tây Bắc. Một dịp Tết, báo họp tổng kết, tôi được mời về dự, khi ấy nhà thơ Ngọc Bái đang là Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu II, chúng tôi gặp nhau ở đó, chỉ vài câu chuyện đã trở nên thân thiết. Tháng 12/1984, tôi chuyển về Hội Văn học – Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn nên thi thoảng vẫn gặp anh khi về thăm nhà ở xã Âu Lâu thường ghé qua Hội đàm đạo với mấy văn nghệ sĩ Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn và tôi.
Năm 1988 anh trúng chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn khi đang khoác áo lính, cũng phải mấy tháng anh mới làm xong các thủ tục chuyển ngành về cơ quan dân sự.
Từ 1988 – 1993, tôi sống với anh ở Hội Văn nghệ, đó là thời gian Hội Văn nghệ chia năm xẻ bảy, bè phái kình nhau rất ác, vốn đã đói nghèo lại phải luôn chống đỡ lẫn nhau rất mệt. Là Chủ tịch Hội anh nín nhịn rất nhiều. Tôi đã viết truyện ngắn “Ngôi nhà có ma”, kể về sự khốn nạn, tận cùng khốn nạn của kẻ khoác áo văn nghệ sĩ. Sau đó truyện được đặt tên cho tập truyện ngắn xuất bản năm 1991.
Tháng 3/1993 tôi bị cái hạn văn chương, kẻ hại tôi thì đã chầu giời, kẻ còn sống như bị thần kinh… Anh bị người ta ép, bắt tôi làm bảo vệ trong 20 ngày. Đó là sự cay đắng của người viết. Chuyện rất dài, sau đó tôi xin chuyển lên báo Lào Cai, anh âm thầm làm các thủ tục để chuyển tôi đi.
Năm 2012 anh được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2019 anh bị tai nạn nhiều tháng phải nằm trên giường, tôi đến thăm bảo: Chiến tranh ác liệt không quật ngã được anh, cái ác không làm anh run sợ…, tuổi già lại bắt anh phải ngồi một chỗ…
Giờ thì anh đã đi lại được, tuy nhiên rất khó nhọc nhưng còn minh mẫn, không lẩm cẩm như nhiều người cùng tuổi.
Năm nay anh đã 79 tuổi, thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, nên để râu, bộ râu và mái tóc trắng như cước thật đẹp lão. Tôi bảo: Anh để râu rất đẹp, ở tuổi này mà không để râu nom gương mặt đĩ đĩ thế nào ấy. Anh cười khà khà: Người già phải để râu… Anh nói làm tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Trãi:
Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc
Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh.
Anh kể về lần lên mặt trận Hà Giang: “Tôi suýt bị đạn pháo ở Cầu Chéo, đi từ làng Pinh ra. Trời tối, lái xe Văn Hồng đưa tôi đi. Xe không được bật đèn pha, chợt lù lù trước mặt là chiếc xe Gát chạy ngược chiều của Trung đoàn 266 chở đấy ắp lính, cách khoảng 10m mới nhận ra nhau, lái xe Văn Hồng theo phản xạ nháy đèn, thế là pháo của Trung Quốc bắn sang ngay tức khắc. Hồng lái xe liều mạng nhấn ga lao vào màn đêm, về tới cây số 4 chắc an toàn mới dám bật đèn.
Lính ta và lính Trung Quốc đều chán ngán cuộc chiến hao người tốn của. Ngày 1/8/1986 tôi lên cao điểm, sư trưởng 356 Nguyễn Văn Được chỉ thị cho trung đoàn 876 cử trinh sát dẫn tôi lên vị trí H3, H5 còn H1 bị địch chiếm giữ, khoảng cách vị trí H1 với H3 chừng 3 – 5m.
Cách đó 6 tháng một chiến sĩ của ta nhô lên sửa hầm chiến đấu thì bắt gặp một lính Trung Quốc cũng vừa nhô lên khỏi hầm phía bên kia, họ chỉ cách nhau chừng 5m, mặt mũi nhem nhuốc đất cát, anh ta vội vã xua tay ra hiệu đừng bắn. Từ đó hai bên không bắn nhau nữa, theo ám hiệu gõ bằng vỏ lon bia bộ đội bên ta quăng sang bên họ cá hộp Ô-đét-xa mà họ rất thích, còn lính bên họ quăng sang bên ta bia Vạn Lực và thuốc lá… Tất cả sự trao đổi đều bằng các ám hiệu.
Tôi bảo Thanh là người phiên dịch tiếng Trung Quốc đi cùng viết mấy chữ vào một mẩu giấy ném sang “Chào các bạn! Hôm nay là ngày Bát Nhất, các bạn có biết mình đang đóng quân trên đất Việt Nam không?” Khoảng một tiếng sau, họ vứt sang một mẩu giấy trả lời “Chừng nào quân của Việt Nam rút khỏi Campuchia thì chúng tôi rút khỏi Việt Nam”. Sáng hôm sau tôi lại bảo Thanh viết mấy dòng đề nghị họ gỡ quả mìn định hướng chĩa sang phía Việt Nam, họ viết đáp lại: Chúng tôi không thể gỡ được, vì sợ chỉ huy, nên chỉ hướng quả mìn chếch lên trời thôi… Hai bên lính ta và lính Trung Quốc “chung sống hòa bình” mấy tháng trời, không bên nào nổ súng. Sau khi phát hiện ra điều đó, có người đã đặt thành vấn đề này khác.
Từ những điều nhìn thấy trên chiến trường, tôi báo cáo với thiếu tướng Lê Duy Mật – Phó Tư lệnh Quân khu II, Tư lệnh mặt trận Hà Giang và thiếu tướng Văn Duy – Cục trưởng Cục tuyên truyền đặc biệt: Chẳng có vấn đề chính trị chính em gì ở đây cả, lính hai bên đều chán chiến tranh, nếu bắn nhau thì đều chết tất… các tướng đều hoan nghênh ý kiến của tôi”.
Từ thực tế chiến trường, anh là người đầu tiên đưa ra ý tưởng cần chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt, vì hai bên đều mệt mỏi không muốn chiến tranh kéo dài thêm nữa chỉ hao người tốn của mà chẳng mang lợi ích gì. Năm sau thì có chỉ thị của cấp trên, xung đột giảm dần, biên giới lắng dịu rồi đi tới Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định biên giới năm 1999.
Ký sự “Tất cả trên vai người lính” của Ngọc Bái đăng trên Văn nghệ Quân đội tháng 6/1988, nó giống như một quả bom nổ giữa lòng quân đội. Bài ký phơi bày việc các cấp chỉ huy từ sư đoàn xuống tới trung đội bóc lột sức lính một cách tàn tệ, rồi chuyện lợi vụ chức quyền vơ vét của công và sức lính để làm lợi cho gia đình mình, trong khi đó mặc cho lính đói dài đói rạc, không một người lính nào dám lên tiếng vì cái “boong ke” kỷ luật trong quân đội rất kiên cố, ai tố cáo đều bị trả thù. Vì thế, những người lính buộc phải giữ thân không dám hé răng.
Sự bóc lột sức lính diễn ra nhiều năm, từ mặt trận Hà Giang tới mặt trận Hoàng Liên Sơn. Xin trích một vài đoạn trong ký sự “Tất cả trên vai người lính”: “Chuyện ở lữ đoàn công binh Đại tá Tr… “quyết” cho đại tá T… 45 khối cát xây nhà, thời giá bấy giờ 1.900 đồng/khối tại bến (thời giá 1988). Cho xe chở về nhà cách 80 cây số. Mười khối đá khai thác cách hơn 200 cây số, cũng chở về tận nhà… Đại tá Nguyễn Tiến Đ… sử dụng 491 công về làm nhà riêng, nhận biếu 10 khối gỗ do đơn vị B16 “tặng”. Mỗi mét khối gỗ xẻ thành khí phải tốn 100 công, chưa nói vận chuyển đều được ẩn danh dưới cái vỏ bọc “giúp đỡ”. Nếu không phải là chủ nhiệm hậu cần quân khu thì ai “giúp”?”.
Sự bóc lột tàn bạo khiến một chiến sĩ tử nạn do khai thác gỗ bị cây đè chết, từ đó sự thật mới được hé lộ: “Chính con người đã biến chất. Đối xử dã man, thiếu tình người, câu chuyện đại úy S… quyền tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn B06. Lệnh của Tư lệnh quân khu về việc cấm khai thác gỗ vừa ban ra xong, S… vẫn cho cán bộ đại đội sử dụng 3 chiến sĩ đi khai thác gỗ tư túi. Cán bộ đại đội lại “sáng tạo” dùng 6 “em”. Nếu không có việc gỗ đè chết 1 “em” thì ai biết được những trò thò lò bậy bạ ấy?”
Thật đau xót khi đọc những dòng này: “Gỗ là niềm vui của một số cán bộ, thì gỗ là niềm đau khổ của chiến sĩ. Câu nói truyền miệng “Cán bộ lát chun lát hoa, chúng em nát da nát cổ” hay câu “lát lát lim lim, cán bộ đi tìm, chiến sĩ đi vác!”… là câu nói trong rất nhiều câu nói xót xa về mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ. Một chiếc xà vượt bằng gỗ đinh, kích thước dài 5m, thân gỗ 0,2 x 0,2m vận chuyển từ trong núi, phải có 12 đến 20 người đốt đuốc, vừa khênh vừa kéo 1 đêm mới tới xe, như thể ăn cắp, để tránh kiểm lâm, tránh các sự kiểm soát khác, khốn khổ và cực nhọc. Những loại gỗ tốt lại hay mọc ở núi đá, gỗ làm nhà cho chiến sĩ đâu cần những thứ đó! Vậy mà, có cán bộ lấy tới 20 đến 30 chiếc xà vượt chở về xuôi”.
Trong quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với trung tá Phạm Quang Đ… – trung đoàn trưởng B50 ngày 20/2/1987 có ghi: “Đã lợi dụng chức quyền, dùng công sức bộ đội về làm nhà, khai thác gỗ, đóng đồ dùng cho bản thân”. Trung tá Phạm Quang Đ… quê Phù Tiên, Hải Hưng, đã sử dụng chiến sĩ về nhà đóng gạch, đốt gạch, phụ hồ làm thợ xây, thợ mộc hết 290 công. Ngoài ra, khai thác 4m3 gỗ thành khí. Đã lấy 1 tủ đứng ba buồng, 1 bộ sa lông, 2 giường gỗ lát, đóng 14 bộ cánh cửa chính và cửa sổ. Đại tá Trần Ngọc T… quê Hà Bắc, trú thành phố Thái Nguyên, cũng bằng hình thức cảnh cáo với nội dung “đã lợi dụng chức quyền sử dụng nhiều ngày công của bộ đội”.
Cán bộ tìm mọi cách bóc lột sức lính để lấy tiền tư túi: “Còn có nhiều hình thức nhẫn tâm trút lên vai người chiến sĩ. Ở trung đoàn 753 (F411) trung tá trung đoàn trưởng Nguyễn Duy Th… và đại úy Nguyễn Quốc V… – trung đoàn phó, tham mưu trưởng còn cho 2 “em” về nhà 6 tháng, bắt nộp 400kg thóc/người. Thiếu tá Nguyễn Thành Ph… – trung đoàn trưởng trung đoàn M48 đã bán 63 giấy tờ ra quân cho chiến sĩ chưa hết nghĩa vụ, để lấy tiền tiêu xài! Kéo theo cả một số trợ lý cũng phạm lỗi. Rồi hình thức khoán cũng được áp dụng triệt để. Khoán đóng gạch, khoán lấy củi, khoán làm thuê nhà, khoán đi buôn, khoán xin tre nộp đơn vị… và cả khoán đào vàng nộp tiền. Ở trung đoàn B43 mỗi chiến sĩ một ngày phải nộp 2 cây tre, nến không có nộp bằng tiền. Ở đại đội 20 (trung đoàn M22) thì khoán cho chiến sĩ đào vàng, cốt sao có tiền về nộp bảo đảm mức khoán”.
Không thể kể hết những mánh khóe làm tiền của cán bộ sĩ quan có chức có quyền ở Quân khu II. Bài ký sự “Tất cả trên vai người lính” ra đời tháng 6/1988 thể hiện sự dũng cảm và bản lĩnh của người viết, đã phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật những ung nhọt và sự tha hóa nhân cách của một bộ phận sĩ quan trong quân đội làm bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi, có người nói Ngọc Bái vạch áo cho người xem lưng, hay nói xấu quân đội… đã phần nào gây cho anh một số phiền toái trong quan hệ với cấp trên.
Bài viết đã cảnh báo những tiêu cực trong quân đội nếu không được ngăn chặn nó sẽ phát triển mạnh như giông bão. Thời ấy so với bây giờ chả đáng là gì khi hàng chục tướng tá phải vào tù do “ăn đất” hay móc ngoặc với buôn lậu xăng dầu… bỏ túi hàng chục, hàng trăm tỷ bạc. Khi ra quân anh trở về sinh sống với vợ con trong ngôi nhà lợp cọ đơn sơ ở xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) mà nhiều lần tôi tới thăm, nhìn gia cảnh của sĩ quan quân đội cấp tá có thể nói là dưới mức trung bình, cả nhà đều trông vào đồng lương của anh.
Ấy vậy mà từ khi ra quân anh viết đều đều, từ tập truyện ngắn “Đá mồ côi”, “Bến sông ngày ấy”… rồi cả chục tập thơ lần lượt ra đời: “Đồng vọng ngõ phố xưa”, “Khoảng lặng”, “Thấp thoáng bóng mình”, “Đùa với tạo hóa”, “Trong trẻo mùa thu”, “Ngược gió sông Hồng”…, cuốn tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ” viết về lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học bước lên máy chém ở Yên Bái với mối tình Nguyễn Thị Giang.
Vì yêu nhân vật lịch sử Nguyễn Thái Học, khi làm giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, anh “chạy” kinh phí từ Bộ xây dựng Công viên Yên Hòa với cụm tượng đài Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông và đài tưởng niệm 17 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng trên chính mảnh đất họ chôn cất vào năm 2000 nhân kỷ niệm 70 năm Khởi nghĩa Yên Bái. Công viên Yên Hòa nay đã được mở rộng thêm, không chỉ là công trình kiến trúc văn hóa mà còn là nơi người dân đến tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng – những vị tiên liệt đã hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp đấu tranh giành tự do độc lập cho dân tộc.
Theo nguồn: https://nongnghiep.vn/nha-tho-len-chot-va-chuyen-tat-ca-tren-vai-nguoi-linh