Nhà giáo Lê Đình Kỵ – Bình dị đến bất ngờ

Ngày 31.3, Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM tổ chức tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ (1923-2023). Bài viết này thay cho lời tưởng nhớ về thầy…

Bước chân vào Trường ĐH Tổng hợp TP HCM vào những năm đầu thập niên 1980, có một bậc thầy khiến chúng tôi bất ngờ một cách thú vị, đó chỉ có thể là thầy Lê Đình Kỵ.

Từ một nhà giáo “đãng trí”…

Hình ảnh và phong thái của thầy khác hẳn với những gì mà trước đó tôi đã nghĩ ra bằng sự tưởng tượng của một tâm hồn còn non nớt. Tôi cứ nghĩ GS đại học phải là người mặc áo veston, đeo cà vạt, nét mặt nghiêm nghị, giọng nói sang sảng khi đứng trên bục giảng mà mình từng thấy trong phim ảnh.

Không, trước mắt chúng tôi là một người ăn mặc xuề xòa, có lắm lúc nút áo lại cài nhầm, khiến vạt áo xộc xệch. Đã thế, giọng giảng bài của thầy lại cứ đều đều, không thể hiện âm vực cao thấp, vì thế (xin thầy thứ lỗi) nghe thầy giảng bài không hề hấp dẫn chút nào.

Có lần nhớ lại chuyện này, sinh viên Đinh Thúy Nga sau khi đã ra trường mới dám rụt rè hỏi thầy: “Khi bắt đầu học chuyên đề Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, tụi em rỉ tai nhau kinh nghiệm của các anh chị sinh viên đi trước là thầy Kỵ dạy sâu nhưng buồn ngủ lắm”. Nào ngờ, thầy thừa nhận thật dễ thương: “Tôi không mạnh về nói năng. Tính tôi ít ngao du, không cởi mở lắm. Tôi chỉ thỏa mãn được học trò qua cái tôi dạy và tôi viết. Sinh viên nào vượt qua sự đơn điệu của giọng nói tôi thì mới có thể thích được. Một lớp học như thế, tôi chỉ có được vài ba người”.

Không chỉ vậy, thầy Lê Đình Kỵ của chúng tôi còn nổi tiếng về tính đãng trí cực kỳ… nghệ sĩ. Sau khi ra trường, hầu hết chúng tôi đều đi làm báo. Lần nọ, thầy đi xe đến Báo Kiến Thức Ngày Nay gửi bài cộng tác. Sau dăm câu ba chuyện, thầy bước ra cửa, lấy xe đi về. Nhưng hỡi ôi, thầy lại… lấy nhầm xe của học trò mình là nhà thơ Phan Hoàng, lúc đó đang làm tại tờ báo này.

Ngay cả lúc thầy đi dự các hội nghị, hội thảo thì phong thái cũng chẳng khác chàng thi sĩ “Để tâm hồn treo ngược ở cành cây” (Xuân Diệu) – như nhà giáo Trần Hữu Tá đã có lần kể. Thoáng nghe qua đã thấy tức cười cho tính lơ đễnh bởi có thể lúc ấy, trong đầu thầy đang đeo đuổi một vấn đề nào đó.

Nếu không là mẩu chuyện do con gái của thầy kể, nay tôi nhắc lại, hẳn không ít người cho là bịa, hoặc chỉ xếp vào “giai thoại văn chương” – như trường hợp thi sĩ “con nai vàng ngơ ngác” Lưu Trọng Lư khi dẫn con vào rạp xem phim, lúc tan rạp lại… về mỗi một mình. Cô Lê Ly Ly kể lại chuyện lúc hai cha con thầy Lê Đình Kỵ đi ăn phở. Ăn xong, ông quên béng cô con gái bé bỏng đang lẽo đẽo theo sau, bèn lấy xe đạp mất hút. Mãi sau giật mình sực nhớ, ông mới quay lại. Cô con gái hỏi: “Đến lúc nào thì ba biết ba để quên con?”. Thầy trả lời hồn nhiên đến ngộ nghĩnh: “Khi ba hỏi chuyện mấy lần không nghe con trả lời nên quay lại nhìn. Không thấy con đâu hết, ba cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, chỉ quay lại tìm hú họa thôi”.

Những chi tiết trong đời thường, dù nhỏ nhặt nhưng lại góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về một người thầy. Vì lẽ đó, đối với tôi hết sức cảm động vẫn là những dòng tưởng nhớ về thầy do vợ thầy – cô Ngô Kim Long đã ghi lại. Và, thú vị thay, một trong những “điểm nhấn” của cô về thầy vẫn là “rất đãng trí”.

Các thế hệ học trò tưởng nhớ thầy Lê Đình Kỵ, từ trái sang: Võ Văn Nhơn, Phan Mạnh Hùng, Lê Quang Trường, Phan Hoàng, Lê Minh Quốc, La Mai Thi Gia, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Công Lý, Trần Đình Việt.

… Đến một nhà nghiên cứu cẩn trọng

Trong thế giới văn chương, nhà văn lừng danh của nước Pháp là Honoré de Balzac – một “đại thụ” đã sáng tạo ra hàng trăm nhân vật trong tiểu thuyết, độc giả rất ái mộ. Thế nhưng, thợ nhà in rất sợ bản thảo của ông, vì khi đọc bản bông, ông vẫn còn sửa chi chít, buộc lòng phải xếp chữ lại.

Sự cẩn trọng này còn có thể nhìn thấy qua trường hợp của nhà giáo Lê Đình Kỵ. GS Ngô Kim Long – vợ thầy – cho biết: “Trí óc rất ổn nhưng tay anh yếu, vụng về. Chữ viết xấu”.

Những trang nghiên cứu thầy viết xong, trước khi gửi đi đâu đó, cô con gái Lê Ly Ly có nhiệm vụ đánh máy. Do cô không đọc ra nên thầy phải ngồi kế bên thì thầm từng chữ nhưng “thi thoảng cứ dừng lại, suy nghĩ, cân nhắc rất lâu từng ý, từng câu và từng chữ… Đánh máy xong một tác phẩm, những tưởng là đã hoàn thành để gửi cho nhà xuất bản nhưng không, ba lại cắt dán, thêm bớt… rồi phải đánh máy lại”.

Tác phẩm “Trăm năm một thuở – Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà lý luận – phê bình văn học Lê Đình Kỵ”

Biết được những chi tiết đời thường của công việc “đằng sau tác phẩm”, chúng ta mới thấy các công trình nghiên cứu của GS Lê Đình Kỵ nhọc công đến cỡ nào. Với những gì thầy đã viết, theo thẩm định chủ quan của tôi, cái còn lại vẫn chính là “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực” – bắt đầu viết vào năm 1965, tái bản nhiều lần. Có thể ghi nhận tác phẩm này nằm trong mạch cảm hứng chung về “Truyện Kiều – đỉnh cao văn học”, “Hiểu đúng đắn Truyện Kiều”.

Những nhận định, cảm thụ, góc nhìn của thầy về kiệt tác này – dù tâm đắc nhưng ta còn có thể tranh luận, trao đổi lại. Tranh luận thế nào đi nữa cũng không thể không thừa nhận những giá trị cốt lõi mà thầy đã nhìn thấy và chia sẻ với bạn đọc. Với tôi, trong nhiều vấn đề ưng ý, đồng điệu nhất, chẳng hạn thầy đánh giá về nhân vật Kim Trọng: “Đó là một nhân vật không chịu tí tác động nào của hoàn cảnh và vì lý tưởng hóa nên cũng mang tính chất trừu tượng và kém cá thể nhất trong các nhân vật Truyện Kiều”…

Từ những gì GS Lê Đình Kỵ để lại, thế hệ sau vẫn còn tìm thấy và học tập ở đó một tầm văn hóa trong học thuật – nhất là trong công trình mà chính thầy đã thổ lộ với vợ mình: “Trong số sách của anh thì ưng ý nhất là cuốn “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực”.

Sinh thời, có lần thầy đưa cho nhà thơ Chế Lan Viên đọc. Tác giả “Hoa trên đá” đã hào hứng: “Anh Lê Đình Kỵ. Hoan nghênh cái vụ anh làm về Kiều và nói về Kiều. Phải thế chứ” (bút tích ngày 14.8.1987).

Nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một bậc thầy mà mình từng có cơ duyên thọ giáo, tôi xin cúi đầu “lẫy Kiều” cảm tạ:

Trăm năm trong cõi người ta

Còn là thể phách, thác là tinh anh

Bây giờ tình mới rõ tình

So vào với thiếp Lam Đình nào thua.

LÊ MINH QUỐC

Theo nguồn: https://vanvn.vn/nha-giao-le-dinh-ky-binh-di-den-bat-ngo/