Những bức ảnh kỷ niệm về “ Các học viên khóa 7 trường Bồi dưỡng viết văn trẻ” của Hội Nhà văn Việt Nam

Vào một ngày mùa Xuân năm Quý Mão (2023), nhà văn Lê Phương Liên đã tin cậy trao tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam 126 hiện vật bao gồm: Tư liệu ảnh, giấy (bản thảo viết tay, sác…), tranh vẽ…trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm từ cách đây 70 năm, 50 năm.

Trong số hiện vật nhận về, gây ấn tượng và tò mò nhất là 2 bức ảnh đen trắng, kích thước 8 x 5cm. Nhà văn Phương Liên giới thiệu đây là 2 bức ảnh kỷ niệm của các học viên khóa 7 Trường Bồi dưỡng Viết văn Trẻ (1974-1975) do Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức tại mảnh đất Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội, (nay là Bảo tàng Văn học Việt Nam). Khóa đầu tiên, lớp học được tổ chức tại Quảng Bá mang tên “Trại viết văn cho các bạn trẻ” của hội Nhà văn Văn Việt Nam; thời gian từ ngày 11/11/1959 – 21/1/1960; dự trại có 18 bạn viết trẻ, trong đó có 11 người thuộc thành phần công nông; 5 công nhân; 3 nông dân; 2 nữ. Trong thời gian 72 ngày dự Trại: có 14 ngày học viên nghe giảng các vấn đề lý luận cơ bản và thảo luận về các vấn đề sáng tác và thực tế cách mạng Việt Nam; thời gian chủ yếu còn lại là viết và sửa những sáng tác của mình. Có 48 tác phẩm mang đến Trại (40 truyện ngắn, 6 truyện vừa, 2 truyện dài). Trong thời gian dự Trại, nhà thơ Tố Hữu trong Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, nhà văn Armenia L.X. Suvenz đã đến thăm trại. Kết thúc Trại viết, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có báo cáo tổng kết đánh giá tốt kết quả của Trại.

Nhà thơ Vũ Đình Liên cùng các học viên nữ tham dự khóa 7 “Lớp viết văn Trẻ” tại Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội, năm 1974.
(Từ trái qua phải: chị Nguyễn Thị Mai (Lạng Sơn), chị Nguyễn Thị Bích (Hải Dương), nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà văn Hoàng Việt Hằng, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn Lê Phương Liên.)

Trải qua 15 năm, “Trại Viết văn cho các bạn trẻ” xưa đã đổi tên thành “Trường bồi dưỡng những người viết văn Trẻ” và đã tổ chức được 7 khóa. Từ ngày 2/12/1974 – 30/5/1975, Lớp Viết văn Trẻ khóa 7 được tổ chức, tham dự lớp học có đông đảo học viên ở khắp ba miền. Ngày 30/5/1975, tại Lễ Bế giảng khóa 7, có sự tham dự của nhiều nhà văn lớp trước như: Tô Hoài, Hoàng Trung Thông, Vũ Đình Liên, Anh Thơ, Đoàn Giỏi, Đỗ Quang Tiến, Mộng Sơn…; Hiệu trưởng – nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã báo cáo tổng kết khóa học; chỉ trong 6 tháng, các học viên đã học về đường lối văn nghệ của Đảng Lao Động Việt Nam, triết học, mỹ học Mác – Lenin, ngoại ngữ, đi thực tế và sáng tác thực tập. Các nhà văn Tô Hoài, Hoàng Trung Thông  nói chuyện thân mật với học viên; các học viên Triều Ân, Lý biên Cương, Phong Thu, Lưu Nghiệp Quỳnh, Thạch Quỳ, Nguyễn Hồng Ngát phát biểu cảm tưởng, cảm ơn nhà trường và Hội Nhà văn, hứa sẽ đem hết nhiệt tình phục vụ nhân dân khi trở về đơn vị.

Sau này, rất nhiều học viên khóa 7 đã trở thành những cây bút tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền văn học – nghệ thuật nước nhà như: nhà văn Lý Biên Cương, Phong Thu, Lê Phương Liên, Hoàng Triều Ân, Lò Ngân Sủn, Thạch Quỳ, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Thị Hồng Ngát…

Các thầy cô và học viên Khóa 7 – Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ, tại Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội, năm 1974.
(Hàng ngồi thứ nhất (Từ trái qua phải): Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết, nhà văn Xuân Tùng, nhà thơ Đào Nguyên Bảo, nhà văn Đặng Ái, nhà văn Phong Thu, nhà văn Lý Biên Cương.
Hàng ngồi thứ hai (Từ trái qua phải): Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà thơ – nhà giáo Vũ Đình Liên, nhà thơ – nhà giáo Bàng Sỹ Nguyên, nhà thơ – Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Sanh, nhà văn Lê Phương Liên, chị Nguyễn Thị Mai (Lạng Sơn), nhà văn Dương Thu Hương, nhà thơ Hoàng Việt Hằng, chị Nguyễn Thị Bích (Hải Dương).
Hàng đứng (Từ trái qua phải): Nhà văn Vũ Đình Minh, nhà văn Nguyễn Quang Hà, nhà văn Mã A Lềnh, nhà văn Hoàng Triều Ân, nhà văn Phùng Thanh Vân, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng,, nhà thơ Cao Xuân Thái, nhà văn Đỗ Bảo Châu, nhà văn Nam Bộ chưa có tên; nhà văn Đỗ Quang Tiến.)

Hai bức ảnh được nhà văn Lê Phương Liên trao tặng cho Bảo tàng Văn học Việt Nam, giờ đây không còn là kỷ niệm của riêng nhà các nhà văn – nhà thơ được tham dự vào khóa học, mà là câu chuyện sinh động để Bảo tàng Văn học Việt Nam chia sẻ với công chúng về ngôi trường Quảng Bá nơi đã đào tào được nhiều cây bút trẻ Tài năng trong quá khứ.

Bảo tàng Văn học Việt Nam trân trọng cảm ơn Nhà văn Lê Phương Liên và xin giới thiệu cùng bạn đọc những bức ảnh quý này.

 

Chu Thị Hòa

Tài liệu tham khảo: “Biên niên hoạt động Hội Nhà văn Việt Nam”, tập 1 (1957-1975), NXB Hội Nhà văn, năm 2013