Chuyện đơn giản thôi, chỉ một cái nhìn sau vách lá, vậy mà cho đến suốt những năm tháng sau này, cứ mỗi khi chợt nghĩ tới, lồng ngực đau yếu của tôi lại nhói lên, nhột nhạt.
Dạo ấy tôi ở chủ lực, em là cô y tá địa phương. Tôi quen em trong một lần vướng mìn Kleymo, mảnh găm tơ tướp toàn thân, phải cáng đi nằm trạm xá. Em, do hoàn cảnh nên văn hoá có hạn. Tôi, văn hoá lại khá nhiều, một bằng rưỡi đại học gì đó thì phải. Nhưng bù lại, em rất đẹp, chí ít là khái niệm nằm trong văn cảnh rừng, còn tôi lại tương đối xấu: Cao lòng khòng, răng vẩu, chân đi vòng kiềng, miệng cá ngão, mắt hơi lồi, mũi tẹt… Nhưng tôi lại ngọt giọng, đa tình, hiểu tâm lý phụ nữ và đáng tội, lúc hứng lên cũng có làm dăm loại thơ tình vớ vẩn. Thì đấy, chính cái hôm cắt xé vá víu than thể, do không có hay là hết thuốc mê, tôi phải vừa nghiến răng vừa đọc thơ ông ổng lên cho nó khỏi đau. Ai dè, khi tỉnh lại, em, lúc đó là nhân viên tiếp dụng cụ, lại một mực đòi phải đọc khẽ lại để chép vào sổ. Tôi đọc. Em chép, mắt mở to, như chứa hết cả nắng rừng, và dần dà học thuộc. Thế rồi thành trớn. Cứ ba ngày tôi lại làm một bài tặng em, ngắn thôi, còn vụng dại nhưng thật lòng. Ba tháng nằm viện là chín mươi ngày. Chín mươi chia ba là ba mươi bài, kể cũng nhiều đấy chứ. Và cuối cùng, lượng đã biến thành chất. Ngày ra viện, cả đêm hôm đó, hai đứa đã thức trắng với nhau. Thức trắng theo đúng nghĩa đen vì lúc ấy, tâm hồn con người trong trẻo và lãng mạn lắm, cái chuyện trao gửi, cái chuyện hiến dâng gần như không ai chạm đến, có vẻ mất thiêng thế nào! Và hẹn hò và thề thốt và thậm chí có cả nước mắt nước mũi nữa. Rồi tôi đi. Đi luôn cho đến ngày chuẩn bị cuộc tổng tiến công ngày mùa xuân.
Chuyện bắt đầu xẩy ra.
Đơn vị tôi nhận lệnh đánh thẳng vào hướng đông Sài Gòn, hướng dữ dằn nhất. Do thế mà không biết sống chết ra sao. Cũng do thế mà tôi quyết định phải gặp lại được em một lần. Biết đâu… Chỉ hiềm nỗi thời gian quá ngắn, vỏn vẹn chỉ nội trong một đêm, sang sớm mai đã phải hành quân bôn tập rồi. Mà đường đất từ đây xuống chỗ em, bình thường phải mất ít nhất hai đêm giao liên căng chằng để vượt qua được ba con lộ, hai con song đầy mìn trái và các ổ phục kích lớn nhỏ. Đằng này… chỉ có mỗi một đêm lại phải vừa đi vừa về, tức là bằng một phần tư thời gian cần thiết. Có tài thánh cũng không kịp và, dẫu có kịp thì rất dễ nằm lại giữa đương giữa xá, be bét máu me. Nhưng cứ đi, không thể không đi. Cái máu trinh sát cộng với máu đa tình đã ngào trốn thành một thứ cảm hứng lãng mạn đến ngang tang mà sau này nghĩ lại, tôi cứ thấy lạ cho mình.
Thế là đúng 5 giờ chiều, sau khi đã đánh no một bụng cơm, giắt theo chục trái da láng, khẩu AK báng xếp khoác chéo vai, dây giầy thít cho chặt, tôi khe khẽ lỉnh ra cửa rừng. Và chạy luôn. Chạy vừa phải, không thật nhanh nhưng cũng không thật chậm, chạy làm sao cho kịp tiến độ thời gian, chạy như kẻ mộng du một mình làm một cuộc Marathon giữa thiên nhiên hoang vắng và chết chóc rình rập. Nhưng trong không khí tổng tiến công như vũ bão trên toàn cục, cái sự rình rập ở đây cũng thơi thoáng đi nhiều, thơi thoáng như đang được chạy giữa đất đai tự do của mình. Qua con lộ thứ nhất, mồm miệng tranh nhau thở, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, bụng dạ cứ tức anh ách. Vẫn chạy…. Qua con lộ thứ ba, mệt quá, buộc phải nghỉ, đã tính đến chuyện quay lại. Nhưng con mắt màu rừng chiều – Thì cứ cho là như thế đi – của em lại hiển hiện ra trước mắt, trong bóng đêm, lay láy, vẫy gọi. Chạy tiếp. Thi thoảng lại vấp, lại ngã, lại chạy, cứ chạy. Đa tình thì phải luỵ tình chứ sao! đến nơi, không cần gì nhiều, chỉ cần được nhìn em một cái, nói cùng em một câu, và nếu có thể được sẽ ghì chặt em vào lòng giây lát, hôn nhẹ lên môi là có thể chạy về được ngay. Tiếp tục! Qua con sông thứ nhất, một chiếc giày tự nhiên bị bục. Thì vất luôn cả chiếc kia, chạy chân không, càng dễ lội. Nhưng nhớ là chạy chỉ trên đường mòn hay cỏ mịn, chạy lạng vào sỏi đá, vào gai góc là coi như nằm lại chết cứng luôn để mãi mãi mang cái án đảo ngũ hay chiêu hồi. Đến con sông thứ hai, may mắn sao lại vớ được đôi dép mềm của ai đó trong ấp ra làm bưng để lại. Thế là có đôi hài vạn dặm, thể xác lại được tiếp xúc với nước lạnh khoẻ hẳn ra, chân cẳng bỗng giồng nhoay nhoáy như một vận động viên chuyên nghiệp thật sự. Cục rừng em đang ở đã mờ mờ hiện ra kia rồi! Thật tuyệt vời. Nhìn đồng hồ, kim đã sang chỉ trên con số 11. Vậy mới hết có 5 tiếng. Gặp em cùng lắm cứ cho là nửa tiếng đi, 12 giờ quay về, 5 giờ có mặt, quá kịp! Ôi cục rừng than yêu! Rừng đâu cũng chả là rừng nhưng rừng có em, hình hài, mùi vị, màu sắc của nó sao mới nồng nàn, dễ thương đến thế! Giờ này em đang làm gì? Ngủ chưa hay là đang nằm trên võng nghe đài Hà Nội phát tiếng thơ? Xa nhau gần nửa năm rồi, em có dành ra một phút nào nghĩ nhớ đến anh như thỉnh thoảng có lời em nhắn gửi qua giao liên? Anh đang đến với em đây! Rất gần lắm đây…
Nhưng sự đời rõ chán! Cứ trống không, như cả ngàn năm nay chưa hề có ai qua lại. Đi đâu cả rồi nhỉ? Chả lẽ cũng đang lao theo một mũi tiến công? Thế thì… Máu như đông lại, đầu óc trống roãng, than thể bải hoải, tôi ngồi phịch xuống giống kẻ một mình ăn cả trái mìn, muốn chết luôn. Và tôi sẽ ngồi khốn khổ khốn nạn như thế nếu như lát sau không có một lưỡi đèn pin chém tới. Rồi tiếng quát, tiếng lên đạn, tiếng chân lạo xạo đến gần… Cha trời! Thì ra là chú Năm quân báo huyện! Bắt tay. Ôm chầm. Xoa tóc… Mừng như ông già ruột sống lại, tiếng chú làu bàu: “Tao theo mày từ bìa sông lận. Tưởng thám báo, tính bám theo làm một đòn, ai dè… Con Út Thương hả? Trạm phẫu của nó chuyển rồi. Bên kia gò Bắc Dật kia kìa. Đi lẹ lẹ đi, không nó lại chuyển nữa… “Đi luôn. Không kịp cả đôi hồi nọ kia như thói thường lâu ngày gặp lại giữa những kẻ than quen. Xin lỗi chú nghen!”.
… Một mái lá trung quân, một ngọn đèn bão cháy giữa hầm thùng, một mùi vị quen thuộc… Đó là mục tiêu ngọt ngào, run rẩy tôi đang tiến tới. Em kia rồi! Lồng ngực tôi nghe tức lại. Vẫn mái tóc ấy, sống mũi ấy và cái miệng hay nhõng nhẽo ấy. Chỉ khác, đôi mắt em đang cúi xuống chăm chú nhìn một cái gì… Út Thương ơi! Tôi sẽ bật gọi to lên như thế nếu như qua vách lá, không kịp nhận ra dưới cái nhìn của em là một ca mổ ruột. Ca mổ có vẻ xảy ra đã lâu rồi vì trên trán mọi người đều nhóng nhánh những giọt mồ hôi, cả em. Im lặng. Gió rừng xào xạc. Tiếng kim loại va vào nhau. Tiếng cựa mình. Tiếng rên khó nhọc… Tôi nhìn em. Em nhìn vào vết mổ. Thời gian trôi nhanh… Làm sao đây? Đồng hồ đã sắp chỉ sang con số 12 rồi! Cháy ruột cháy gan như chính tôi mới là kẻ đang bị mổ. Kiểu này, ca mổ gần như kéo dài chừng mươi phút nữa là tôi coi như… Mà xem chừng nó có vẻ còn kéo dài thật, kéo dài sang đêm vì cho đến lúc ấy, vẫn chưa thấy bàn tay người mổ có dấu hiệu làm động tác khâu nào. Mà em lại không thể bỏ ra, tôi biết chắc như thế. Và tôi cũng chẳng thể bước vào được. Đang phẫu thuật kia mà. Thôi thì, không ra được, em cũng phải linh cảm mà nhìn lên tôi một chút chứ. Một chút thôi để biết rằng tôi đã có mặt ở đây vào giây phút này, thế cũng là đủ. Nhưng đôi mắt kia cũng chỉ nhìn xuống, mệt mỏi và căng chằng. Đồng hồ lại nhích them đoạn nữa. Không kịp rồi! Không kịp thật rồi! Đành tạm biệt em vậy. Thương ơi!… Anh đi đây. Chỉ cầu mong song trận đánh cuối cùng này, chúng mình sẽ gặp lại nhau. Sẽ gặp lại… Ráng đừng để bị làm sao nghen em! Thương em nhiều lắm!… Tôi thảng thốt thầm thì qua vách lá như vậy. Và trời ơi! Không hiểu do cách cảm thần giao hay do gió rừng đưa lời toi vào, đôi mắt kia bất giác nhìn lên, hướng thẳng vào tôi, đắm chìm và vời vợi… Nhiều năm sau tôi vẫn còn uống mãi ánh mắt này. Còn giây phút mỏng tang ấy, không hiểu em có nhận ra tôi không, tôi không thể biết nhưng rõ rang tôi nhác thấy đôi môi xanh tái của em khẽ mỉm cười… Thôi, thế cũng là đủ. Tôi mang cả cái cười xanh tái ấy băng mình trở lại, ngọt ngào và the thắt, đủ cả.
… Nửa tháng sau thì giải phóng Sài Gòn. Không kịp biết cái thành phố hoa lệ này mùi vị nó ra làm sao, ngay ngày hôm sau, tôi mượn được một chiếc xe máy của dân phóng thẳng về vùng rừng cũ. Vâng, rừng vẫn như thế, nồng nồng ngái ngái và gió yên hàn nhưng… em không còn nữa! Lại chính người cán bộ quân báo lão luyện trận mạc đó đã thong báo cho hay: Trong cơn giãy chết cuối cùng, kẻ thù đã điên cuồng trút bom đạn xuống cục rừng bé nhỏ ấy mà chúng nghĩ rằng có bộ đội chủ lực đống quân. Em và cả trạm phẫu của không còn một ai sống sót…
Chu Lai