NGƯỜI RA VỀ

Vừa mắc màn xong, đồng chí trung đội trưởng quay lại thấy Tàm đang lúi húi buộc một vật gì ở cuối giường của tiểu đội phó Nội; Anh vội kêu lên:

– Này! Lại để cóc vào đấy phải không?

Tàm cười rinh rích:

– Im! Để tôi trêu cho “bác” ấy phải tức uất lên thì về nhà mới nhớ anh em lâu!

Đán can:

– Thôi! Người ta đã sợ cái giống ấy hơn sợ cọp, lại còn cứ đùa dai!

Tàm ngẫm nghĩ rồi xách hai con cóc chạy vụt ra ngoài; một lúc sau, anh quay lại, phủi tay lên giường nằm thẳng cẳng, làm như đã ngủ say lắm.

Khi đó Nội ở nhà tiêu dưới sườn đồi uể oải bước lên.

Bóng trăng thượng tuần đã tráng xanh trên nệm cỏ.

Tới cửa, thấy có hai vật gì đen đen như hai cục đất, anh giơ chân toan hất đi thì bỗng “bộp! bộp!” hai chàng cóc cụ bị buộc cẳng ở cột nhảy tung lên rồi lại rơi nguyên về chỗ cũ, ngồi chồm chỗm, cặp mắt căm tức.

“Oài” một tiếng như giẫm phải bỏng, Nội nhảy lùi trở lại, hai mắt đổ đom đóm, trống ngực vỡ tung ra. Anh co cẳng chạy vòng về phía hồi nhà, vừa chạy vừa hổn hển:

– Đứa nào… đứa nào chơi đểu thế?

Anh vin cột nhà, chui vào, đứng thở dốc:

– Ai buộc… ở đấy hả?

Không có ai trả lời.

– Ai buộc… thế hả? Nội càng gào lên.

Mọi người bấy giờ mới phá lên cười. Đán đã toan gọi đích danh Lê Văn Tàm ra, nhưng biết tính Nội nóng như lửa, sợ “thằng bé” bị choảng đau, nên anh chỉ can khéo:

– Thôi! Đi ngủ đi, đồng chí Nội! Nó đã dính vào người đâu mà ồn lên thế?

Nội càng cáu. Nhưng anh cũng đã đoán ra thủ phạm là ai rồi:

– Tàm! Tàm phải không? Tàm!

Anh phăm phăm chạy lại. Nhưng vừa tới chân giường của Tàm, nghe tiếng cười tinh nghịch của anh bạn trẻ ấy ré lên, Nội đứng dừng lại, năm ngón tay đang nắm chặt bỗng từ từ duỗi ra một cách buồn nản. Ai lại nỡ cáu nó nữa! Chỉ mai mốt thôi, dù có muốn nó chòng ghẹo mãi thì cũng chẳng được nữa rồi; anh em đã mỗi người một phương trời cách biệt.

Tuy vậy, Nội vẫn còn cố cằn nhằn được một câu, nửa như cười, nửa như mếu:

– Mày tệ quá sức là tệ, Tàm ạ!

Tàm cười giòn rã, tung màn ôm chầm lấy Nội, giụi đầu vào ngực anh, rồi cắn một miếng thật mạnh lên vai:

– Có thế “bác” mới nhớ tôi lâu!

Miếng cắn của Tàm khá đau, nhưng Nội chỉ thấy người tê đi vì cảm động.

Một đồng chí ở giường bên vén màn nằm lấy tay Nội giúi cho mấy vật gì răn rắn. Nội đã giật nẩy mình tưởng lại cóc, nhưng định thần lại thì ra mấy chiếc kẹo vừng.

– Thôi! Đi ngủ đi, đồng chí Nội. Anh bạn đó khẽ giục.

Tiểu đội trưởng Mẫu cũng chõ sang:

– Cứ yên trí làm một mạch đến sáng nhớ!

Nội ngơ ngác:

– Tôi không phải gác à?

– Không! Anh em xung phong gác thay rồi!

– ấy! Cứ để…

– Thôi! Chỉ còn ở với nhau được vài ngày nữa, chứ bao!

Nội lên giường nằm. Anh cắn vỡ chiếc kẹo trong mồm; nước ngọt tứa ra bùi bùi, thơm thơm. Đôi mắt chớp nhanh trong bóng tối; một cảm giác hết sức dịu ngọt, êm đềm chạy lướt trên cơ thể anh.

Còi ngủ đã lâu, mọi người đã ngáy đều, riêng Nội vẫn còn thao thức.

Mấy hôm nay, anh ăn không thấy ngon, giấc ngủ cứ chập chờn, trong người có cái gì bâng khuâng, trống trải.

Mấy hôm nay, bất cứ việc gì, dù chỉ là cỏn con vô nghĩa, nhưng cũng đủ làm cho anh xúc động dạt dào như những kỷ niệm không bao giờ mờ xóa được. Từ cái mái nhà doanh trại lụp xụp, cho tới chiếc giường gỗ bần tiện bẩy mươi phân này, anh cũng bỗng thấy thân yêu, quyến luyến. Từ đại đội trưởng Kỳ rất “hắc”, tới anh chàng Chính ngang ngạnh, chú Tàm tinh nghịch… Nội cũng bỗng thấy họ đều là những người tốt bụng, những người tri kỷ mà bạc đầu vẫn còn nhớ mong và quý nhau như khách.

Mấy hôm nay, Nội đã thấy rõ ràng trong lòng mình có nhiều biến đổi bất ngờ. Mới cách đây có vài ngày, nói tới câu chuyện phục viên anh vẫn còn thấy vui vui, hào hứng; nhưng hôm nay, hai tiếng ấy chẳng còn có một chút thi vị nào hấp dẫn nữa.

Trước kia, Nội cứ tưởng “giá mà” khi nào nghe chính trị viên Hải chính thức gọi tên mình trong danh sách phục viên thì chắc là anh phải mừng lắm. Nhưng, sự thực đã trái ngược hẳn; buổi tối hôm ấy, khi nghe thấy ba tiếng “Trần – Văn – Nội” vang lên, anh chỉ thấy lòng mình dửng dưng. Và một nỗi buồn man mác đã dần dần len vào trong lòng anh tự lúc nào không biết nữa.

Muốn ở lại ư? Nội tự hỏi. Không phải! Nội vẫn muốn được về sơm sớm như thế này để còn có thì giờ tranh thủ xây dựng gia đình.

Vậy thì nhớ đơn vị, nhớ anh em ư? Có lẽ! Nhưng… cũng chưa chắc! Chao ôi! Cái thằng Nội giời đánh không chết, tim gan trải qua gian truân nhiều quá đã trơ ra như đá mài, mà lại còn biết nhớ thương sầu cảm ư?

Tuy vậy, anh vẫn mang máng thấy một cái gì mờ nhạt, xám như khói phủ kín trong tâm hồn, không làm sao vui lên được nữa.

Nội không ngủ được, vén màn, nhẹ nhàng bước ra ngoài nhà. Anh vớ cái cọng chổi kê làm ghế ngồi, nhìn vơ vẩn ra triền đồi trọc chạy bao la trước mặt như những lớp sóng đất lầm lì. Ánh trăng đã xanh biếc, ướt đầm sương đêm. Nền trời cao vút. Những vì sao đậu xa thắm. Nội nhìn lên càng thấy lòng mình buồn rười rượi.

Anh móc túi lấy ra một lá thư đã nhầu nát, ghé đọc lại từng hàng dưới ánh trăng.

Thân gửi anh Nội,

Xã đã đến thăm hỏi bu và tôi. Xã cho biết là theo chính sách lần lượt, anh sẽ được phục viên về nhà. Đơn vị tư giấy về hỏi gia đình có đồng ý không và có cơ sở giúp cho anh về tham gia sản xuất không? Bu anh mừng lắm. Riêng về phần tôi cũng rất là một sự hoan nghênh.

Hiện nay xã còn giữ của anh vị chi là sáu sào. Ba sào ưu tiên, ba sào của thầy anh để lại. Anh về cứ cầy cấy riêng mấy sào ấy cũng đủ ung dung chán. Nhưng ý bu anh thì muốn thế nào anh cũng về đằng này ở thì vui vẻ hơn cả. Tôi thì cũng mong mỏi như thế. Tôi xin hứa với anh là nếu tôi có bụng nào kia khác thì tôi không phải làm giống người. Tôi ăn ở thế nào đã có thôn xóm, nhân dân đều biết.

Còn về phần anh thì bu anh đã đánh tiếng với ông bà cả Nghi rồi. Cô ta là người rất cơ chỉ, nết na. Kỳ về phép vừa rồi, chắc anh cũng đã biết mặt cô ta đấy. Mọi sự đều dễ dàng, vui vẻ cả. Anh cứ bằng như ở bu anh và ở tôi…

Nội gấp bức thư lại. Anh không muốn nghĩ nhiều đến chuyện gia đình nữa. Rồi nó muốn đi đến đâu thì đến, sau sẽ hay. Giờ đây đầu óc anh còn đang bời bời những ý nghĩ vừa vui, vừa chua chát về quãng đời hoạt động của mình vừa qua.

Trời đã khuya; ánh trăng càng mỏng thêm. Cái đầm nước nhỏ ở chân đồi bỗng sao động. Một vài cơn gió lạnh đuổi nhau, lướt qua. Nội ngẩng nhìn bóng trăng đang vỡ tan tác, trôi dạt trên mặt đầm. Anh từ từ đứng dậy. Cái bóng cao lớn, xù xì như một con gấu của anh in trên nền cỏ.

Anh lại nhìn lên mảnh trăng thượng tuần chênh chếch, rồi bỗng thở dài tự hỏi: “Mười năm qua, ta đã đóng góp được những gì? Và bây giờ trở về, mang lại được những gì?”

Anh cúi đầu đi chầm chậm.

Mười năm!

Mười năm trong quân ngũ của đời anh, cứ kể ra thì anh cũng đã làm tròn mọi nhiệm vụ; anh có thể về vỗ ngực nói được với bà con: “Đây! Một huân chương! Một giấy khen và hai cái sẹo hiểm nghèo đây!”.

Nhưng, mười năm ấy thực ra anh vẫn chưa làm hết sức mình, và cũng đã phạm lỗi lầm không ít.

Nội lại ngồi xuống cọng chổi, úp mặt vào hai lòng bàn tay đầy chai sẹo. Sự ân hận dày vò anh khổ sở. Liệu bây giờ về với ba mươi hai tuổi đầu và cái sức khỏe đã suy sút này, còn có đủ thì giờ và nghị lực để xây dựng lại cuộc đời cho chỉnh đốn, tốt đẹp hơn không?

Anh sững sờ nhìn mãi ra bóng trăng vẫn trôi dạt lấp loáng trên mặt đầm phía trước.

*

*       *

Quả bóng “vô lây” bay tạt qua cửa phòng làm việc của thủ trưởng đại đội. Đán dượt theo, vô tình ngó vào thấy Nội đã ngồi ở đấy rồi. Anh đang nói chuyện với đại đội trưởng Kỳ. Đán không cần đoán, nhưng cũng đã biết là Nội đang nói những gì rồi. Anh khẽ mỉm cười, lượm quả bóng quay ra.

Không riêng gì Đán, mà cả đại đội đã phải chú ý tới sự thay tính đổi nết của Nội trong mấy hôm nay. Trước mặt họ, Nội không còn là một con người lầm lì và nóng nảy như một con gấu nữa. Anh chỉ còn là một người cựu binh đứng tuổi hay lo nghĩ và dễ tính như một người anh cả hiền lành.

Nội đã lê la hết trung đội này sang trung đội khác, dặn dò anh em cũ ở lại công tác thế này cho tốt, chỉ bảo anh em mới ở lại học tập thế kia cho hay.

Nội lại đi tìm từng đồng chí trước đây có xích mích, để thanh toán. Với ai, Nội cũng đều xin lỗi và nhận khuyết điểm về phần mình trước. Sự ân cần chu đáo ấy đã làm cho anh em ngạc nhiên, cảm động. Nhiều người trước đây hay có thành kiến với Nội cũng sinh ra hối hận thực thà.

Tuy vậy, nhiều lúc Nội cứ cà rầm cà rì, kể lể như một ông già lẩm cẩm, làm cho anh em phải phì cười.

Nội ngồi nói chuyện với Kỳ đã khá lâu mà hai người có vẻ vẫn chưa muốn dứt ra. Nét mặt cả đôi đều căng đầy cảm xúc.

– Đồng chí bỏ quá đi cho tôi nhá! Từ trước đến nay tôi thật là…

– Vâng tôi hiểu rồi! Kỳ gật đầu đáp lại.

Nội vẫn còn ăn năn; ngón tay thô của anh chấm mãi vào khay nước vẽ những hình lộn xộn trên mặt bàn.

– Tôi thật là… không phải quá, đồng chí ạ!

– Vâng! Tôi hiểu rồi mà!

Kỳ ngước nhìn đăm đăm vào đôi mắt đã hoe đỏ của người bạn già. Anh thở dài:

– Thực ra thì chúng tôi, và riêng bản thân tôi đối với đồng chí cũng có nhiều khuyết điểm…

– Không! Không! Nội vội cướp lời, hai cánh mũi to, lỗ chỗ những tàn nhang của anh đã đỏ ửng lên, phập phồng – Các đồng chí không có khuyết điểm gì đâu! Chỉ có đầu óc tôi…

– Thôi đồng chí ạ! Đừng nhắc lại chuyện ấy nữa! Tôi chúc đồng chí khi nào về xã vẫn giữ vững được bản chất quân đội ta…

– Vâng! Vâng! Tôi xin hứa! Tôi có hư hỏng là hư hỏng ở bộ đội, chứ từ nay về xã thì…

– Ấy! Đừng nói thế! Đồng chí tuy có một số khuyết điểm thật đấy, nhưng căn bản là người tốt: thẳng thắn, gan dạ, tích cực!

Đôi mắt đã đục lời của Nội bỗng mở to, thoáng những tia sáng lạ lùng và vui sướng.

Anh nhìn Kỳ trừng trừng rồi nhìn qua ô cửa sổ ra xa xôi “thẳng thắn!” Chao ôi! Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời anh nghe thấy có người khen anh là “thẳng thắn”.

– Các giấy tờ của đồng chí đủ chưa? Lý lịch, giấy khen…

– Đủ! Đủ cả rồi! Chỉ còn có cái áo bông 54 đã hết hạn ba năm thì…

– Chưa được đổi à?

– Quản lý báo để sang địa điểm tập trung sẽ đổi cho.

– Thế à! Còn gì nữa không? Nghĩ kỹ lại xem!

– Còn cái giấy chứng nhận huy hiệu kháng chiến thì…

– Chưa có à?

– Không! Tiểu đoàn hẹn ngày mai sẽ phát.

– Vậy thì tốt rồi! Còn gì nữa? Công nợ, quần áo, giày dép…?

Nội vẫn vẽ lộn xộn trên mặt bàn:

– Không! Công nợ anh em cho hết cả, lại cho thêm một đôi giày vải, một áo sơ mi. Anh em bảo nay mai về nhất nhất cái gì cũng phải đến tay mình phải tự sắm lấy, tốn kém, tiếc tiền lắm!…

Kỳ châm một điếu thuốc lá đưa cho Nội. Anh muốn ôn lại với ông bạn già vài kỷ niệm cũ:

– Đồng chí Nội này! Còn nhớ cái hồi chúng mình ở đường số 4 không nhỉ?

Đôi mắt của Nội đang chậm chạp, bỗng sáng rực lên:

– Có! Có! Hồi đánh bản Lẻng ấy ư! Ừ, vất quá, nhưng mà sao vui thế không biết?

… Nội ngồi xổm hẳn lên ghế, vén quần gãi sồn sột, cười nói khơ khớ, hổn nhiên như ngày xưa, lúc rỗi rãi, anh vẫn người ngồi ôn lại chuyện các chiến dịch với anh em đồng đội. Anh đã như say với những kỷ niệm của thời oanh liệt cũ.

Kỳ cũng thấy lòng mình bỗng dào dạt những niềm vui. Trước mắt anh, Nội lại hiện lên hăm hởi, can trường, ăn to nói lớn như những ngày kháng chiến cũ.

Sẩm tối, Nội mới đứng dậy. Kỳ ra tiễn tận cửa. Bàn tay xù xì, to rộng của Nội nắm chặt lấy tay anh nóng hổi.

Kỳ tần ngần đứng nhìn theo mãi.

Thế là từ nay anh sẽ phải xa Nội và không hiểu rằng trên đường đời liệu hai người còn có được gặp nhau không? Anh cắn chặt vành môi, hai vai rung động.

Năm 1949, lúc Kỳ mới tòng quân về đơn vị này thì Nội đã là một cựu binh ở đây được hai năm rồi. Nội là người cựu binh gần gũi, giúp đỡ cho Kỳ đầu tiên. Hồi đó, đối với anh, Nội là cả một thần tượng đẹp đẽ: gan dạ, từng trải, rộng lượng… Nội lại vui tính, nhưng cũng rất bướng bỉnh. Tính nết ấy giống Kỳ, nên anh càng mến Nội.

Năm 1950 đơn vị lên đánh biên giới. Trận đánh chiếm đồi 477 diễn ra ác liệt. Nội đã một mình đánh tan một trung đội giặc với một khẩu “thom-sơn” và hai mươi quả lựu đạn. Tiếng tăm của anh lừng lẫy khắp tiểu đoàn, được các phóng viên nhà báo quây tròn lấy chụp ảnh, phỏng vấn tới tấp.

Nhưng khi về tới Thất Khê giải phóng thì anh đã phạm kỷ luật chiến lợi phẩm. Anh đang lúi húi nhặt một chiếc bạt rơi ở giữa đường thì gặp một đồng chí cán bộ cao cấp. Đồng chí này rất nghiêm và tính nóng như lửa. Nội suýt bị xử bắn ngay hôm đó để làm gương cho mọi người. May có nhiều cán bộ khác can ngăn và có chút công lao trên 477 cho nên anh đã thoát được viên đạn chì kỷ luật.

Sau đó cấp trên điều anh về làm cần vụ cho một chính ủy. Đó cũng chỉ là một sự tình cờ; thấy vạm vỡ, hiền lành, coi bộ có thể giúp việc cấp trên được tốt, cho nên người ta chọn anh mà thôi.

Thế là từ đó Kỳ, Nội phải xa nhau.

Mãi tới cuối năm 1952, Kỳ mới thấy Nội trở về đơn vị, mang theo một bản lý lịch, trong ghi mấy dòng nhận xét:

“Một chiến sĩ khỏe mạnh – tích cực – nhưng lập trường chưa được vững”.

Kỳ nằm một đêm tâm sự với Nội, mới rõ đầu đuôi câu chuyện như sau:

Nội giúp việc cho chính ủy Túc. Anh công tác rất tận tụy. Ông Túc lại là người dễ tính nên hai người cũng hòa hợp, nhiều đêm hai người cùng ngồi khoác chung tấm chăn trấn thủ, tâm sự vụn, rất là đầm ấm. Nhưng rủi thay, mùa xuân năm ấy, ông Túc lại đưa vợ lên gần chỗ đóng quân để vợ chồng được gần gũi và co bà có chỗ buôn bán. Từ đó mọi sự không hay đã xảy ra. Bà Túc là người thích được người ta phải trọng vọng, thích gọi cần vụ, liên lạc của chồng về nhà giúp việc vặt để khỏi phải mướn người. Nay bà gọi Nội ra cuốc “hộ” mảnh vườn, gánh “giúp” dăm gánh nước. Có khi bà lại còn “nhờ” anh gánh cả nước suối về cho bà tắm, kẻo phải đi xa lầy lội. Nhưng, cũng chẳng may cho bà lại gặp phải một người khó bảo, bản chất xưa nay chưa hề chịu quỵ lụy một ai. Bởi thế bà Túc không mấy khi được vừa ý. Nội và bà đã xảy ra to tiếng. Nội hầm hầm về đề nghị ông Túc xin đổi công tác khác. Ông Túc vội vã về chỉnh vợ, rồi quay lại an ủi người cần vụ của mình: “Thôi, đàn bà lắm điều lắm nhời, cậu đừng để ý làm gì! Nếu có giúp tôi, thì chỉ đề nghị cậu trông hộ mấy cháu bé đừng để chúng nó ra suối!”.

Nội vốn là người yêu trẻ, cho nên hôm sau anh lại ra ngoài nhà dắt mấy đứa con ông Túc đi chơi. Bọn nó cũng rất quấn anh.

Nào có ngờ đâu, mùa thu năm ấy, trời mưa nhiều, đường xá trơn như mỡ, lầy lội. Không hiểu nghĩ thế nào, Nội lại cho thằng Kế cưỡi thử con “Ô Long”. Con vật giời đánh ấy đã bất thình lình trượt chân hất thằng bé ngã nhào, xái một bên cánh tay.

Bà Túc ôm lấy con khóc bù lu bù loa khắp rừng: “Anh Nội anh ấy thù tôi! Anh ấy giết con tôi! Thằng bé dập hết lá gan, lá lách, gãy tám chín cái xương sườn rồi còn gì!”

Ông Túc đang khai hội nghe tin ấy, mặt cắt không còn hột máu. Ông vốn tính không nuông vợ, nhưng lại rất yêu con. Trong lúc hốt hoảng ấy, ông không còn đủ minh mẫn để xét xem lời vợ nói có đúng không, lời chuẩn bệnh của y sĩ có đúng không. Lập tức, Nội bị tạm giữ và đưa vào nhà giam.

Năm hôm sau, đứa bé đã đỡ, ông Túc mới hối hận và bảo vệ binh tha ngay cho Nội. Nhưng sau đó ít lâu, đồng chí cán bộ bảo vệ vốn là người cẩn thận đã không dám để cho con người “nham hiểm” ấy ở gần thượng cấp nữa. Nội được điều về làm cấp dưỡng của một đơn vị vận tải.

Nội buồn lắm, nhưng không biết làm thế nào được. Anh dần dần sinh ra cục cằn, ương bướng và hay cãi lại cán bộ.

Một năm sau, người chỉ huy đơn vị ấy gọi anh lên, ôn tồn mà bảo rằng: “Đồng chí là người tích cực đấy, nhưng… lập trường hãy còn tương đối non yếu. Chúng tôi định chuyển đồng chí ra đơn vị chiến đấu để được rèn luyện thêm, đồng chí nghĩ sao?”. Còn nghĩ sao nữa! Nội chỉ mong được có thế.

Bởi vậy, Kỳ, Nội mới lại được gặp nhau sau hai năm xa cách.

… Thế rồi, năm ấy mặt trận dồn cả về phía Tu Vũ, Hòa Bình. Đơn vị được phân công mũi giương công Tu Vũ. Đêm ấy, Nội ra đi hăm hở lạ thường. Sau trận trở về anh được tặng thưởng một huân chương chiến sĩ hạng ba và đề bạt lên tiểu đội phó.

Thời kỳ ấy Nội phấn khởi lắm. Nhưng rồi đột nhiên Nội nhận được lệnh về đơn vị bảo vệ Bộ, một đơn vị chỉ lựa chọn toàn chiến sĩ, cán bộ tốt, có thành tích.

Không hiểu Nội đã có thành kiến gì sâu sắc với những công tác ở gần cấp trên, cho nên anh cứ khăng khăng không chịu đi. Chính trị viên giải thích thế nào cũng chẳng được, đại đội trưởng hạ lệnh cũng không xong.

Người ta đành để anh ở lại. Trong năm ấy, cả hai người, chính trị viên, đại đội trưởng, nối nhau đổi đi nơi khác.

Không hiểu những người chỉ huy đã bàn giao với nhau thế nào, nhưng toàn đơn vị đều nhìn thấy rõ là người đại đội trưởng mới đã dần dần tỏ ra không ưa gì Nội cho lắm. Có những lúc cáu lên, anh nói thẳng vào mặt Nội: “Đồng chí địa vị nặng! Vô kỷ luật!”.

Nội không chịu, cứ cãi băng băng. Cái thói cục cằn, ương bướng của anh đã dẹp được đi một thời gian, lại nổi dậy.

Cuối năm ấy, bộ đội đi Tây Bắc. Nội được phân công ở nhà giữ kho. Anh nằn nèo xin đi thế nào cũng không được.

Một tháng sau khi bộ đội xuất phát, địch đột ngột tấn công dọc sông Lô và đường số 2 lên. Nội cuống cuồng vận chuyển vũ khí vào trong rừng sâu. Một mình anh khuân vác mấy đêm liền không nghỉ.

Cũng vừa vặn khi anh vét hết kho thì địch sục tới, phóng lửa đốt ngùn ngụt. Nhưng cũng lại khổ cho anh, trong lúc mải mốt, đã để rơi mất mười quả moóc-chê 61 ly.

Khi đơn vị chiến thắng, người ta hoan hô thành tích cứu kho của anh, song cũng không quên chỉ trích về việc để mất đạn. Đáng lý ra được thưởng to, nhưng anh chỉ nhận được một giấy khen của tiểu đoàn. Tuy vậy, Nội cũng đã phấn khởi lắm.

Bước sang năm 1953, chỉnh quân, Nội được xác định thành phần cố nông.

Cố nông! Hai tiếng ấy có một sức màu nhiệm diệu kỳ, đã làm thay đổi cả cuộc đời cho anh. Không khí dễ thở hẳn. Mọi người nhìn anh bằng cặp mắt tin cậy, yêu mến hơn. Người đại đội trưởng gần gụi, cởi mở với anh hơn. Chi ủy đã đặt vấn đề đề bạt cho anh lên tiểu đội trưởng. Việc đó chưa giải quyết kịp thì đơn vị được lệnh cấp tốc đi chiến dịch.

Nội lại hăm hở lên đường. Đời anh như diều đang gặp gió. Nhưng vừa đặt chân tới đất Điện Biên, chưa đánh chác gì, anh đã bị phi cơ địch bắn gãy cả hai đùi trong một chặng hành quân ban ngày bị lộ.

Thế là Kỳ và Nội lại phải chia tay nhau lần nữa. Khi đó Kỳ đã được đề bạt tiểu đội phó.

Một năm sau, tiếp quản thành phố xong, Kỳ được đề bạt đại đội trưởng thì thấy Nội đột ngột trở lại. Lần này anh đã đổi khác nhiều; già hẳn đi, nước da vàng xạm, mắt đục những tia máu. Trên tờ giấy thương tật ghi: “Sức khỏe mất 45%, hai chân không chạy được vững”. Nội nắm lấy tay Kỳ, nụ cười đã héo đi nhiều.

Kỳ và Nội lại ngủ chung một đêm để tâm sự.

Nội cho biết là trước khi trở lại đơn vị, anh đã được viện cho về phép năm ngày. Năm ngày ấy anh tưởng là năm ngày sung sướng nhất của đời anh, té ra lại là những ngày thật đau khổ.

Hôm ấy anh trở về, mừng mừng tủi tủi, chắc chắn rằng sẽ được gặp mẹ, gặp vợ đầy đủ như xưa. Nào ngờ đâu đến trước cổng nhà, anh chỉ còn thấy nền đất um tùm cỏ mọc.

Nội bàng hoàng, tưởng rằng mình đi lạc ngõ, nhưng nhìn kỹ lại cái bậc đá xanh ở lối lên xuống thì anh biết chính đây là cái tổ ấm của anh khi xưa, mà tám năm ra đi anh vẫn hằng nhớ nhung, mong ngóng.

Nội tưởng ngất đi được. Sau có người hàng xóm cho biết là mẹ anh đã đi lấy chồng ở thôn trên; Lý, vợ anh, đi buôn bán ngược xuôi, trở nên hư hỏng đã lấy một tên thiếu ta ngụy và theo nó vào Nam rồi.

Nội không tìm mẹ nữa. Anh đi lang thang khắp xóm như một người điên.

Bà mẹ biết tin, cùng với ông chú dượng đổ đi tìm. Nhưng, khi hỏi được ra, thì anh đã đi khỏi làng, tập tễnh lê đôi chân về viện.

Nội điều trị thêm một tháng. Người ta đã định cho anh phục viên, hoặc chuyển sang ty Thương Binh, nhưng Nội cứ nhất định đòi về đơn vị cũ bằng được…

Kỳ buồn rầu hỏi Nội:

– Vậy đồng chí định cắt đứt cụ hay sao? Phải thông cảm cho bà cụ chứ! Đàn bà người ta ba bốn mươi tuổi vẫn còn…

Nội thở dài không đáp.

Sau đó, Kỳ cũng không có nhiều thì giờ để nghĩ về chuyện riêng của Nội. Công việc của đơn vị ùn ùn kéo đến, làm cho anh ngập đầu. Mặt khác, Kỳ lại phải lo nghĩ về cách đối xử với Nội thế nào cho tốt. Anh rất sợ tình bạn có thể bị sứt mẻ vì địa vị công tác của hai người giờ đây đã chênh nhau quá xa.

Một đêm, Kỳ xuống tiểu đội tìm Nội để thở than tâm sự:

– … Đồng chí thông cảm cho tôi nhé! Tình bạn của chúng ta không thể vì một lẽ gì mà xuy xuyển cả!

Nội cười lớn:

– Sao lại nghĩ lẩn thẩn thế! Hỏng! Muốn thế nào thì bạn vẫn là bạn chứ!

Nghe Nội nói như vậy, Kỳ cũng yên tâm đôi chút, tuy vậy anh vẫn phải dè giữ, cố tránh tất cả mọi chuyện hiểu lầm có thể xẩy ra giữa hai người. Đối với đơn vị, Kỳ rất nghiêm, nhưng với Nội, anh vẫn có ý nể trọng riêng.

Nhưng, hình như con người ta dù vĩ đại đến thế nào, cũng vẫn không tránh khỏi có những điều tầm thường, nhỏ nhặt.

Nội cũng thể, dù tốt, thẳng thắn, và đã nói là không quan tâm đến vấn đề cấp bậc nọ kia, nhưng anh vẫn cứ dần dần sinh ra khác ý. Thoạt tiên anh còn lảng tránh rồi sau tiến lên tỏ ra khó chịu và không phục mọi việc chỉ huy huấn luyện của Kỳ.

Nội lại trở nên ương ngạnh và hay cái lộn với cán bộ, làm cho nhiều anh em mới cũng hùa theo một loạt.

Kỳ đau chói trong lòng. Anh lại phải tìm Nội để nói chuyện riêng. Lần này Nội chỉ ừ ào cho qua chuyện. Kỳ thất vọng, coi như “con người ấy đã đi quá sâu vào con đường lầm lỗi” rồi.

Đã mấy lần cán bộ trung đội lên báo cáo về việc Nội tự do bỏ đi chơi trong ngày chủ nhật mà không có phép của cấp trên. Có lần anh ta uống rượu say, nôn mửa suốt đêm trong doanh trại.

Kỳ không dám trực tiếp giải quyết phải nhờ chính trị viên Hải khu xử hộ.

Nhưng, hình như Nội vẫn cố ý tiếp tục cái lối sống gần như bất mãn hoặc chán đời ấy.

Chủ nhật trước đây, vì sự nghiêm cách chung của đơn vị, Kỳ bắt buộc phải hạ lệnh giữ Nội lại nhà giam, vì anh lại tự động bỏ đi chơi, khi trở về cán bộ phê bình lại còn cãi bướng.

Nội lạnh lùng bước vào nhà giam, không chút kêu ca hay hối hận.

Ngay chiều hôm đó, không thể cầm lòng đâu, Kỳ đã phải xuống “căng tin” mua kẹo bánh rồi đem vào tận nhà giam cho Nội.

Nội nhìn anh bằng con mắt rất khinh bỉ. Kỳ ôm mặt khóc.

Mãi sau Nội mới quay lại:

– Việc gì mà đồng chí phải khóc?

– Tôi khổ tâm quá!

Nội thở dài không nói nữa.

Năm giờ chiều hôm ấy, Nội được trở về tiểu đội.

… Thế rồi chi ủy lập danh sách phục viên, trong đó có tên Nội. Kỳ mất ngủ mấy đêm liền. Anh lo Nội sẽ hiểu lầm rằng chi ủy hoặc Kỳ do có thành kiến mà “thải” anh về. Sự thực thì đôi chân của Nội đã như thế, thì dù có giữ ở lại, anh cũng không thể nào theo kịp các bạn tiến lên chính quy hiện đại được nữa.

Nhưng, sự lo lắng của Kỳ cũng không đến nỗi phải kéo dài. Nội đã lên gặp Kỳ và Hải đề nghị xin phục viên. Hải lại vừa cho Nội về phép để dàn xếp nốt công việc trong gia đình. Nội đã bình tĩnh lại và nhận thấy rằng mẹ anh vẫn yêu quý anh như xưa, và ông chú dượng cũng là một người tốt. Cảnh gia đình đã làm anh lưu luyến và bắt anh phải nghĩ tới vẫn đề gây dựng lại hạnh phúc cho mình.

Kỳ gặng hỏi:

– Đồng chí xin về thật không? Hay là vì chúng tôi có điều gì làm đồng chí không ưng ý?

Nội cười:

– Không! Vì hoàn cảnh thật đấy chứ!

Tiếng cười của Nội hôm ấy nghe rất ròn rã, thẳng thắn.

Nhưng tới hôm nay, Kỳ không thấy Nội cười nữa rồi. Nội đã buồn rầu đi tìm Kỳ để thanh toán chuyện cũ, làm cho anh ngạc nhiên và cảm động. Nhiều ý nghĩ lộn xộn nổi lên trong đầu óc anh. Anh không hiểu có phải là đến lúc ly biệt người ta mới biết tha thứ và thương yêu nhau? Có phải tới lúc mà cuộc đời xoay chuyển sang một bước mới, người ta mới đủ bình tĩnh, sáng suốt để nhìn lại bước đường đã qua của mình một cách đúng mức? Có phải là dù sao, quân đội ta vẫn là một gia đình ruột thịt thứ hai mà con người ta đã trưởng thành, vào sinh ra tử, và đã gửi gắm cả đời mình vào đó; cho nên lúc phải ra đi, người ta không tài nào tránh khỏi nhớ nhung, thương tiếc?

Kỳ tần ngần nhìn theo Nội mãi. Anh chép miệng: có một câu định nói, mà vừa rồi lại quên mất: “Nội ạ! Tuy bây giờ anh mới nhìn thấy sự thực, nhưng cũng vẫn chưa phải là muộn. Con đường phấn đấu của anh hãy còn dài. Về xã anh vẫn còn nhiều trách nhiệm đối với xã hội, với cách mạng. Nhưng, giá mà ngay từ đầu, anh đã bước được thận trong, vững vàng, thì vẫn hơn là để đến bây giờ mới biết hối hận!”.

*

*         *

Đợt này cả đại đội chỉ có hai người được phục viên. Người thứ hai là Minh con. Đối với Nội, anh là một thái cực về thể chất. Hai người đứng cạnh nhau, ai không biết có thể bảo đó là hai bố con.

Minh còn trẻ quá! Mới hăm mốt tuổi hai má hãy còn nõn những lông tơ, bắp tay tròn mập đỏ hồng.

Minh còn là đoàn viên gương mẫu của đại đội. Minh cũng trẻ và vui tính như Tàm, nhưng biết suy nghĩ hơn.

Mấy hôm nay được tin Minh phục viên cả tiểu đội ngao ngán. Minh Con cũng buồn lắm, nhưng cái buồn của anh khác cái buồn của lão tướng Trần Văn Nội. Minh mồ côi bố từ sớm. Nhà có ba anh em giai. Minh là út. Anh cả đã có vợ và ba con. Anh cả và anh hai đều đi bộ đội từ 1948, 1949. Đầu năm 1954 Minh cũng tòng quân nốt. ở nhà chỉ còn bà cụ già, người con dâu và mấy đứa trẻ.

Anh cả đã hy sinh ở mặt trận Ninh Bình năm 1951, anh hai, người tiểu đoàn trưởng quật cường của một sư đoàn gang thép cũng đã trúng đạn hy sinh trên cánh đồng Điện Biên Phủ.

Bà cụ được tin ấy hóa rồ dại mất mấy hôm rồi nhờ người đánh giấy mấy lần gọi Minh phải trở về. Minh Con nhất đinh không nghe.

Cuối năm ấy, hòa bình được lập lại. Một năm sau Minh Con mới được về phép.

Hôm ấy mưa phùn mù mịt. Minh Con đi bộ từ tỉnh về. Vừa tới cổng làng, anh gặp một bà cụ đang đi vớt bèo. Bà cụ nắm chặt lấy tay anh kêu lên: “Minh ơi! Cháu đã về đấy ư? Cháu về thật đấy ư? Cháu ơi! Cháu về mà băm vằm con diều tha quạ xé ấy đi, để cho mẹ cháu được hả dạ”.

Lông gáy Minh dựng đứng cả lên. Có chuyện gì rồi! Quả nhiên, bà cụ kéo Minh ngồi xuống cửa điếm canh, buồn rầu kể lại: Từ khi hòa bình được lập lại, người chị dâu tự nhiên sinh ra hư đốn. Ả phải lòng một anh phục viên. Anh ta là một người ngang ngược về làng chọc trời khuấy nước, không còn coi ai ra gì, kể cả ủy ban, ả kia ngày nào cũng đến nhà gã đú đởn. Nhiều đêm ngủ lỳ ở đó không về. Mấy đứa bé khóc hết hơi, bà cụ già phải lẹm kẹm đến tận nhà gã nọ gọi con dâu. Ả xui nhân tình ra mắng bà cụ té tát. Bà cụ cực chẳng đã, phải gạt nước mắt quay về. ả con dâu càng được thể, công khai vận của nhà chồng về nhà nhân tình. Bà cụ lăn ra kêu khóc mà ả cũng chẳng nghe. Ả bỏ mặc con cho bà cụ nuôi nấng. Hàng xóm xui đi kiện, nhưng bà cụ không nghe sợ bới ra chỉ thêm bêu giếu thanh danh nhà mình. Hiện nay, bà cụ phần thương con, thương cháu, phần uất ức, khóc lóc đã gần lòa cả hai mắt. Bà con hàng xóm phải thay nhau đem cơm cháo đến nuôi…

Minh Con nghe xong chuyện, mắt đầy nước mắt, đặt phịch ba lô xuống thềm điếm canh, xắn ngược tay áo phăm phăm đi đến nhà đôi gian phu dâm phụ nọ. Trẻ em trông thấy ùa chạy theo; đầu tiên chỉ vài ba đứa sau đông tới hàng chục. Người lớn cũng đổ xô ra Nhiêu Cỡm, một cây rượu trong làng, cũng bè nhè chạy theo:

– ừ! Để tôi đi xem thằng Võ Tòng nó hỏi tội con tẩu tẩu nó xem sao nào!

Bọn trẻ không biết Võ Tòng là ai, nhưng thấy hay hay cũng phụ họa, hò reo ầm ĩ:

– Hoan hô Võ Tòng!

– ủng hộ Võ Tòng!

– Chúng mày ơi! Đi xem anh Minh đánh con thị Phận và lão bất mãn đi!

Đồng chí bí thư chi bộ xã đang đập lúa thấy ồn ào, ngó ra thấy Minh mặt đỏ như gấc chín, tay áo xắn ngược, đang hầm hầm đi giữa đám đông; ông hiểu ngay câu chuyện và vội vàng chạy bay ra cản lại.

… Cuộc xô sát đã không xảy ra. Minh trở lại điếm canh lấy ba lô. Tuy vậy thị Phận cũng đã biết câu chuyện ấy rồi, thị trốn nép vào trong buồng. Người nhân tình cũng vội ra đóng chặt cổng.

Mấy hôm sau việc của thị Phận được đưa lên huyện. Chiểu theo pháp luật và sự yêu cầu của gia đình Minh con, tòa chuẩn cho thị Phận được đi lấy chồng khác nhưng phải trả lại gia sản. Còn mấy đứa nhỏ, huyện cũng theo sự thỏa thuận của đôi bên, để cho bà cụ nhận nuôi cả.

Sau đó Minh con lại ba lô lên đường. Bọn trẻ con lại vây quanh đi tiễn “Võ Tòng” ầm ĩ.

Ngày tháng trôi qua.

Bỗng nhiên, Minh lại nhận được một tin sét đánh: “Bà cụ đi làm đồng bị ngã gẫy chân, bó bột đã lành như thành tật, ruộng nương bây giờ bỏ bễ, không ai canh tác nữa”.

Minh ôm lá thư gục xuống, khóc ướt hết ba lô.

Hai hôm sau, chính trị viên Hải nhận được đơn xin phục viên của Minh. Chi ủy đã nát óc suy nghĩ, cuối cùng mọi người nhất trí đồng ý ghi tên anh vào danh sách những người được phục viên đợt I.

… Minh con xếp ba lô xong, sang trung đội 8 tìm Nội để thảo luận về tối liên hoan tiễn biệt sắp tới.

– Đồng chí Nội ơi! Định phát biểu gì không?

Nội gật đầu:

– Thế nào họ chẳng yêu cầu nói! Nhưng… để đến khi ấy hẵng hay.

Minh con hùn luôn:

– Thế thì đồng chí nói hộ cả tôi nữa nhé!

Nội giãy nảy:

– Ơ, cái thằng ôn! Khôn thế! Không được đâu!

Minh cười ngượng nghịu, rồi chép miệng:

– Biết nói thế nào bây giờ nhỉ?

Anh thở dài. Mấy hôm nay anh dễ khóc quá. Anh chỉ sợ giữa đêm vui ấy lại trào nước mắt ra thì chẳng tiện một tí nào.

Minh ghé nằm xuống, rúc đầu vào nách Nội:

– Thôi! Cố một tí! Đại diện mà lị!

Nội chỉ ầm ừ, anh còn đang mải đuổi theo những ý nghĩ riêng về tích hát mà anh sẽ đóng góp nay mai.

Trời trở lạnh. Gió thu thổi về heo hút. Hơi ấm của Nội truyền sang Minh dịu dàng như bàn tay ve vuốt của một bà mẹ. Minh bỗng nghĩ tới một đoạn trong truyện “Thép đã tôi thế đấy” mà anh hằng đọc say mê: … Mẹ ơi! Sau này thế giới đại đồng thì khi ấy những bà cụ già như mẹ sẽ được sang nước Ý để sưởi nắng ấm… Anh trạnh nghĩ tới mình. Anh không được như Pa-ven. Thế giới chưa đại đồng mà anh phải bỏ dở quân đội quay về gánh vác gia đình nuôi mẹ, nuôi cháu. Anh đành đi nhặt củi khô về sưởi ấm cho mẹ vậy…

Đôi mắt Minh lim dim, ươn ướt. Nội tưởng bạn ngủ, không dám động mạnh, khẽ vòng tay ôm lấy lưng Minh âu yếm.

Đán ở ngoài xịch bước vào; tưởng cả Nội cả Minh cùng ngủ cả, anh đứng lặng ngắm hai bạn giây lâu rồi từ từ quay ra.

Anh tự bực tức với mình: “Sao lại buồn như thế này? Thật là vô lý! Rồi đây còn nhiều đợt ra về, cũng như sẽ có nhiều đợt bổ sung anh em mới. Phải bình thường hóa việc đi ở mới được chứ!” Anh hít mấy hơi, gió lạnh đầy ắp trong phổi, rồi nhảy nhảy lên mấy cái, cố làm cho người trở lại được bình tĩnh.

*

*         *

Những bó củi khô nổ tí tách – lửa cuốn lên từng múi lớn – ánh sáng chói lòa – tàn lửa tung lên như rắc cốm vàng đầy trời. Những đốm sáng bay múa, vờn nhau mãi rồi rơi lả tả xuống đầu, xuống cổ các chiến sĩ.

Có lẽ từ khi hòa bình lập lại tới giờ chưa có đêm nào tiểu đoàn liên hoa lại đốt sáng và đầm ấm như đêm nay.

Đồng chí chính trị viên tiểu đoàn đã động viên dặn dò anh em phục viên rồi. Đán và các bạn khác cũng đã lên ca hát, đọc thơ chúc tụng.

Minh con ngồi lút trong đám thanh niên. ánh lửa chàm nóng càng làm cho đôi má anh căng ra đỏ lịm.

Nội ngồi bên cạnh ngẫm nghĩ giây lâu rồi bỗng phủi đít quần đứng dậy. Đám đông ồn ào cả lên:

– A! Lão tướng! Để im nghe lão tướng phát biểu nào!

– Hát đi!

– Phải rồi! Hát đi thì hơn!

Không! Phát biểu rồi hãy hát!

Nội ngập ngừng. Cái dáng lộc ngộ của anh in bật trên nền lửa.

– Thưa các đồng chí thủ trưởng, thưa với các đồng chí! Tôi chỉ xin hát mấy bài… tuồng!

Mọi người lại reo lên, vỗ tay náo nhiệt. Họ đã biết Nội hát tuồng chèo tương đối khá, nhưng ít khi anh chịu biểu diễn; khi nào hững lắm mới nghêu ngao vài câu vạt.

– Hoan hô! Hát đi! hảo a…!

Tiếng cười lại ran ran.

Nội hắng giọng – Anh biểu diễn một mình mấy vai liền trong tích hát Hán Sở tranh hùng. Anh hát đoạn vua Hán Đế sau khi đánh bại Hạng Võ lên ngôi trị vì thiên hạ. Một hôm vua Hán Đế đi săn qua mộ khu rừng vắng gặp một người tì tướng già ngày xưa, bây giờ về làm nghề đốn củi. Người tì tướng già nom thấy Hán Đế, phục xuống bên đường thi lễ. Vua không nhớ ra ai, thản nhiên giật ngựa phóng đi. Cũng từ ngày hôm đó trời đổ mưa to, vua bị lạc phải chạy vào trú nhờ một gian lều cỏ. Chẳng ngờ lều ấy chính là nhà của viên tì tướng nọ. Ông ta dọn cơm rượu ra mời. Trong khi ăn, vua bỗng nom thấy một chiếc áo vóc hồng treo trên vách, giật mình hỏi rằng: “Ngươi có phải ở dưới trướng ta khi xưa không?”. Người tì tướng thưa: “Chính phải”. Vua khen là còn giữ được cái áo được mới. Người tì tướng lại thưa: “Vì tôi muốn giữ cho lòng tôi bao giờ cũng được trung trinh, tươi đẹp như hồi còn thương, ngựa thênh thang, ngang dọc!”. Vua cầm lấy tay than: “Lòng ngươi quả thật sáng hơn vầng nhật nguyệt, ta không thể bằng ngươi!…”.

Nội cầm một đoạn nứa, lúc làm roi ngựa vua Hán, lúc làm đòn gánh của người tiều phu. Anh vừa múa vừa hát, bao nhiêu gân cổ nổi lên chằng chịt. Vầng trán căng ra đỏ gắt:

… Hể nước tao loạn nay thái bình thịnh trị, mảnh nhung y dù nhuốm phong sương…”.

Nội hát không hay lắm, nhưng hình như anh đã đem hết sức mình để biểu diễn một cách tận tình.

Cả tiểu đoàn ngồi nghe chăm chú. Tới đoạn người tì tướng già chỉ cái áo mà nói: “Tôi muốn giữ cho lòng tôi lúc nào cũng mới như cái áo này!”. Người ta thấy Nội hát say sưa hơn cả.

Đống lửa đã tòe dần. Đến lượt Minh Con lên nói. Hai tay anh xắn vào nhau, môi mím chặt. Mãi mãi anh vẫn chưa nói được câu gì. Đán phải kéo anh xuống, đỡ lời hộ:

– Đồng chí Minh xin hứa sẽ làm đúng như lời thủ trưởng dặn đấy ạ!

Tiếng vỗ tay, reo hò lại nổi lên. Những múi lửa cuối cùng quẫy mạnh làm bắn ra những nắm tàn vàng rực, tung tóe trong bóng tối.

Nội, Minh đi giữa những vòng tay xiết chặt của anh em.

Ngày mai, họ sẽ bắt đầu bước sang một đoạn đường mới, xa anh em, xa đơn vị.

HỒ PHƯƠNG

10. 1957

Tạp chí Văn nghệ Quân đội  số 12 – tháng 12/1957