Sông mịt mùng sương

Vào tiết xuân quê nhà hầu như suốt ngày chìm trong sương giá, chỉ ngang trưa mới hửng được chốc lát rồi đâu lại vào đấy, tất cả đều như thực như mơ. Cảnh vật đang quen thuộc bỗng thành lạ lẫm, lúc ẩn lúc hiện trong màn khói nhạt nhòa.

Sớm ra sương đục trắng và nặng, sang chiều nhẹ dâng bảng lảng tưởng đang từ đất tỏa lên. Trâu bò gõ móng đâu đây, con bé nhà ai mà tiếng nghe quen quá. Vừa chạy ra đường một lát về nhà vai áo đã ẩm, tóc tai ướt át, chân tay cóng lạnh. Sườn đê mạng nhện giăng trên cỏ lấm tấm những hạt nước long lanh.

Bà già dò dẫm tìm đường xuống bến sông tay vịn vai đứa cháu chừng mười tuổi tóc đang để đuôi gà. Đi vài bước bà cháu lại dừng chân nghỉ rồi bà một mình thở than. Trời đất sắp chạm nhau mất rồi, ban ngày ban mặt mà sao tối om om, như là lạc vào cõi ma ấy nhỉ, hay là bà cháu tôi cũng đang làm ma qua sông ăn cỗ.

Ông già ở phía sau bắt chuyện tức thì. Bà nói thế nào, sao lại là cõi ma, nó là cõi mộng mới phải. Từ lúc mở trời mở đất vùng ta đã thế này rồi, cứ ra tết là mịt mùng, cộc vỡ đầu vẫn chưa nhận ra nhau. Nhớ thuở lũ con trai chúng tôi bám váy các bà trẩy hội đền Kiếp Bạc, các bà ai cũng mau mắn duyên dáng lạ thường khăn vuông mỏ quạ áo tứ thân mớ năm mớ bảy, váy sồi xột xoạt, yếm trắng yếm điều những cái miệng cười nom khôn ngoan quá thể, chuyện nỏ như chào mào ăn khế. Tôi cứ muốn những ngày ấy còn mãi. Mỗi lần xuống hầu Đền là phải mất vài ba ngày đi về, ăn ngủ vạ vật dọc đường, nằm trong thuyền gối đầu lên đùi nhau, biết làm sao, gặp cảnh đò giang chật chội anh có vô tình đặt tay vào vú chị thì chị cũng tảng lờ làm ngơ cho chứ nỡ nào ầm ĩ.

Bà già buông tay khỏi vai cháu, thở dài một hơi rồi rên lên nuối tiếc, ông cứ kể mãi những chuyện cổ tích ấy mà làm gì. Chuyện ngày ấy là chuyện trên tiên giới, chuyện hôm nay mới là chuyện dưới trần gian. Trần gian cay đắng lắm, lúc trẻ vui bao nhiêu thì về già buồn bấy nhiêu. Sống thêm một ngày là nhục một ngày chứ béo bở gì. Không biết học đâu mà lũ con cháu tôi chúng nó thường hỏi, thời con gái bà khổ lắm phải không bà. Tôi ngồi ngẫm một lúc rồi nói, thời trẻ của bọn tao tuy vất vả nhưng cũng có nhiều cái vui, còn bây giờ tuy đầy đủ hơn nhưng buồn lắm, thì kiếp người nó thế, cũng chả còn hiểu làm sao. Tôi qua sông về làng thăm họ hàng ít ngày cho khuây khỏa ông ạ.

Thuở ấy những chiếc thuyền đinh không căng buồm, chỉ tựa vào những cơn gió bấc mà lừ lừ ngược lên, sóng vỗ óc ách hai bên mạn. Đấy là những thuyền cỏ lấy từ vùng núi Vàng Gianh lên bán cho mấy làng gốm. Hàng nghìn năm các lò nghề đã quen dùng cỏ khô thổi gốm chứ chưa biết dùng than dùng củi. Những chum vại nồi niêu chậu liễn cái lọ cái vò đủ dáng đủ cỡ, hết thảy đều từ lửa cỏ Vàng Gianh đất thó mà ra. Cỏ gianh chất đống cao lừng lững trôi nổi trên sông, những con thuyền bám nhau mà tiến. Đám đàn ông chống sào phanh áo để lộ cái ngực cái cổ trâu mộng, đám đàn bà ru hời con trong khoang bằng cái giọng khê khê rầu rầu, họ là dân sông nước mặn mòi, quen ăn to nói lớn mà chân thật. Có câu hát, “Thuyền anh lên đón em về, Vàng Gianh là đất cận kề biển Đông”.

Giêng hai cũng còn là mùa loài cá cháy gọi nhau vào kỳ sinh sản. Từ dưới những vùng nước lợ từng đàn bám nhau ngược lên phía thượng nguồn. Con cái bơi trước đẻ trứng con đực theo sau tưới trứng. Cá con mới nở từng đàn theo cha mẹ xuôi  dòng về sống dưới vùng nước lợ.

Trên đoạn sông thượng nguồn, dân hai bên bảo nhau mang tre mang gỗ ra cắm cọc đặt đăng đón bắt cá nấng ở những chỗ nước chảy xiết. Gặp thác ào ào đàn cá tung mình lên cao trong hạnh phúc tột cùng rồi rơi xuống nằm phơi mình trong những cái bẫy rất thô sơ. Thịt cá cháy thơm béo, trứng của chúng lại càng quí. Dân quê mổ bụng cá lấy ra từng bát trứng mang đổ thành khuôn tròn bán ngoài chợ. Các nhà có dâu con sắp ở cữ, mẹ chồng thường ra chợ kiếm mươi bánh trứng cá cháy về cất kín trong hũ sành, đợi ngày mẹ tròn con vuông mới đem trứng cá ra rim với nước mắm cất từ thuyền buôn Cát Hải. Gái đẻ có trứng cá cháy ăn với cơm tám xoan được hiểu là người may mắn cư vào nhà khá giả, có hơi trứng cá cháy người nom phổng phao lại lắm sữa.

Mùa sinh sản của đàn cá cháy diễn ra suốt mùa xuân, còn được gọi là mùa cháy lên ngàn hoặc mùa cá nấng. Đó là một chu kỳ khép kín bền vững trên dòng sông này đã cả triệu triệu năm, từ đời nào chả rõ nhưng chắc chắn là nó có từ lúc ở đây còn hoang vu chưa có con người. Một vẻ đẹp phồn thực tưởng sẽ là bất tận của miền đất này, ấy vậy mà không phải. Đến một ngày dân hai bờ phía thượng nguồn tịnh không còn thấy bóng con cháy nào ngược lên nữa, mùa cá nấng đã không còn, mùa cháy lên ngàn bỗng hóa thành dĩ vãng. Chúng dắt nhau biến đi từ lúc nào không rõ. Chỉ thấy làng mạc dọc hai triền sông cứ tiêu điều dần và dòng sông lâm vào cơ cảnh buồn bã như một người câm điếc đứng trước mọi nỗi phong trần.

Con người và dòng sông muôn đời có chung số phận. Kiếp người và kiếp sông song hành, lên cùng lên xuống cùng xuống. Sông có đẹp thì người mới đẹp, một khi sông bị làm bẩn thì người cũng đâm nhếch nhác. Một khi người đã chả thành người thì sông cũng chẳng thể giữ nổi phong độ của nó nữa. Đã thấy có nhiều dòng sông chết.

*          *

Ngày đám lê dương quay trở lại, vùng này hôm nào cũng có đốt phá, hướng nào cũng thấy lửa cháy, súng các cỡ nổ liên hồi kỳ trận, các cuộc vây bắt săn lùng điểm mục xảy ra như cơm bữa. Chúng nhanh chóng xây một cái đồn lớn trên núi ông Đụng sau làng, còn ở bên kia sông trên núi bà Đón là một đồn tiền tiêu với mươi tên lính ngụy gọi là lính bảo hoàng, đứa nào cũng đeo vòng bạc ở tay, có đứa đeo vòng bạc quanh cổ, các cụ già bảo họ là người vùng bể Hải Ninh. Giày đinh nện lộp cộp, mũ phớt vải, răng vàng, súng mút cơ tông, thuốc lá phì phèo, lũ con gái trong làng chợt thấy bóng là bỏ chạy tán loạn.

Một đêm mấy cậu du kích nhà ta nảy sáng kiến địch vận lấy vôi quết lên cổng làng một dòng kêu gọi: “Hỡi anh em binh lính lầm lạc, mau mau tìm đường quay về với Tổ quốc”! Đám lính ngụy cũng có tay biết chữ, trong một lần vào làng mò gái đã quết mấy dòng thơ trả lời, “Tổ quốc tổ cò, vì cơm vì áo mà mò tới đây, hẹn ngày Tây lại về Tây, dù đấy chẳng gọi thì đây cũng về”!

Đồn trưởng đồn núi Đụng là một viên quan hai da trắng tuổi đời trẻ măng mà đã tỏ ra có nhiều mưu lược, biết chuyện ấy qua tên thông ngôn lập tức nảy ra quyết định, mở cuộc triệt phá cái cổng làng. Hắn leo lên tháp canh chót vót dùng ống nhòm nhìn tứ phía, đếm đủ chín làng chín cổng, lấy bút chì đỏ khoanh vào bản đồ quân sự, ổ mooc chê được lệnh lên phương án tác chiến. Đạn cối bay vù vù trên đầu làm cả vùng phát hoảng, lần lượt chín cái cổng, cái to cái nhỏ, theo nhau hóa thành đống gạch vụn. Các cụ già ứa nước mắt, đau xót quá, thế là từ nay làng ta mất cổng. Nước có cổng nước, làng có cổng làng, nó là chuyện thiêng liêng, cổng làng bị phá là một mối nhục lớn phải rửa, một khi đụng vào đó là không thể tha thứ, việc này ngẫm ra còn tệ hại hơn việc phá đình phá chùa. Có lẽ viên quan hai điển trai trên đồn ngày ấy khi cho lính thực hiện cái mệnh lệnh khốn khổ kia đã không lường hết được tầm nguy hiểm của vấn đề này. Biết thì hắn đã chả làm, chẳng qua cũng chỉ là dại dột, rước họa vào thân chứ nào có giỏi giang gì.

Những ngày lính trên đồn nã cối hạ các cổng làng là những ngày dân chúng trong vùng mất ăn mất ngủ. Một đêm về sáng ông Tưởng nằm ở phản giữa bỗng bật lò so, hai chân quờ tìm đôi guốc mộc, gọi người con trai đang ngáy o o trên võng.

– Anh Tường, ngáy to thế sống trong địch hậu có nằm hầm bí mật nó cũng nhóp lên như nhớp nhái. Thầy tính rồi, vài hôm nữa phải cho anh vượt vòng vây ra vùng tự do tìm vào chủ lực, nghe kể ngoài ấy có tiểu đoàn Bắc-Bắc oanh liệt lắm, làm thằng con trai có chết cũng phải chết giữa trận tiền. Liệu anh có nghe không đấy?

– Thầy cứ nói, con đang nghe.

– Ờ, ngủ mà tỉnh ngay là khá. Thầy có chút việc ngoài soi, ra nằm soi mấy ngày cho yên tĩnh, ở nhà lộn xộn váng cả đầu. Có mấy con lợn con gà anh trông nom, cửa giả đóng cho kín, lóng ngóng gì thì nhắn cái Chiêm sang, nó là đứa đảm quán xuyến được.

– Súng nó bắn tứ tung thầy ra ngoài đó con lo.

– Anh cứ lo lấy cái thân anh là tôi vui rồi, nó đánh kiểu gì tôi biết, nghe chừng đánh lối Đặng Ngải vào Thục đây, đánh vòng tròn vừa đi vừa cuốn chiếu.

– Bố toàn dẫn Tam quốc, thời nay quân Pháp nó đâu có chịu đánh đấm theo binh pháp thằng Tàu, trận mạc giờ khác rồi.

– Na ná cả, có khác là khác ở binh khí chứ đã vào chiến trận thì người sống kẻ chết quanh quẩn vẫn một chuyện đau lòng. Anh xem đấy, có giỏi bằng giời cũng vẫn phải tính đến thiên thời địa lợi, mấy hôm nay có mấy cái cổng làng muốn đánh cũng phải đánh vào các buổi trưa. Mây mù mùa này mờ mịt khắp sông khắp đồng, bố nó cũng không nhìn thấy gì mà bắn.

– Mỗi trưa quật đúng ba cổng, hai trưa sáu cổng, còn ba cổng trưa mai làm nốt. Bắt đầu là cổng làng ta, kết thúc ở cổng làng Chành, rồi bố xem.

– Anh còn trẻ mà tính chuyện như Khổng Minh, sáng dạ lại có óc quan sát vào bộ đội dễ thăng tiến. Ở đời khờ khạo quá có thương cũng chả biết dùng vào việc gì, bất tài minh chủ khí, đa bệnh cố nhân sơ.

– Con chỉ mong kháng chiến xong là trả súng cởi áo về làng hú hí vợ con, gặp hôm bạn bè tới nhà thì bảo vợ chạy ra ngoài cống sông nhờ cụ Bộ ộp kiếm cho con ba ba to mang về om chuối đậu, thêm miếng ba chỉ con gà tơ nêm cả vào một nồi, thế là khoái nhất. Nhà cửa vài ba hôm không có tiếng dao tiếng thớt lấy một lần là không ra sao thầy nhỉ.

– Đợi đến cái ngày ấy sẽ hay. Trời cũng sắp sáng, anh ngủ tiếp đi.

Người con trai lộc ngộc lại quăng mình xuống võng. Người cha ra bàn thờ thắp mấy nén hương lầm rầm khấn khứa gì không ai hay. Bảnh mắt thức dậy thấy ông cụ đã đi khỏi nhà, mùi hương ngào ngạt, mấy nén hương sắp tàn. Hình như có chuyện gì hệ trọng lắm nhưng ông cụ muốn dấu.

Soi là vùng đất nổi ngoài sông, một bán đảo hình con ba ba có cái cổ là cống sông. Một con đường mòn dẫn ra soi cũng bắt đầu từ đó. Sớm ấy ông Tưởng ôm tay nải áo quần bước vào lều ông Bộ ộp, lấy chai rượu trắng trong tay nải ra cùng uống suông. Vừa khề khà nhấp từng ngụm nhỏ, cả hai im lặng nhìn ra ngoài. Một dải đất cao ráo từ bờ sông thoải dần ra ba mặt nước, thấp thoáng trong sương mờ là bóng những lùm cây lớn, sấu có trám có, xoan có, xa hơn nữa là đồng đậu đồng ngô. Nó thuộc đất làng, từ đời ông đời cha đã chia nhau mỗi nhà một khoảnh. Khoảnh thuộc sở hữu nhà mình ông Tưởng lớn lên cho làm tạm một túp lều mùa gặt hàng năm mang rơm ra lợp lại mái. Ông có ý quyến luyến với chỗ này ngay từ lúc còn nhỏ. Ngày mẹ thằng Tường qua đời ông đã đặt bà nằm ngoài đó, để trong đồng ngỡ gần mà hoá xa xôi. Người làng lấy làm lạ, ai đời có nhà giữa làng không ở lại thích ra soi nằm với mả, chỗ đồng không mông quạnh,  đúng là thất thường chả giống ai. Trong làng còn có một người nữa cũng thế, tính khí thất thường chả giống ai, đấy là ông Bộ ộp. Thiên hạ thiếu gì người mang quí tướng, ông này tướng long bàn, ông nọ là hổ phục, riêng ông quanh năm ngồi thu lu trên cống sông ai cũng thấy giống con ếch ộp chờ cua. Vậy ông có tướng con ếch ộp đợi mồi, gọi ông là ông Bộ ộp. Lũ trẻ thích ông Bộ ộp nhất làng dù ông rất kiệm lời, thiên hạ đến làng có khi tưởng ông câm. Thực ra ông là một người hiền, quá hiền, từ bé đã nổi tiếng có tài bắt cá, thêm vài tuổi nữa lại có tài bắt ba ba, ba ba khắp sông này đều là của ông, có người thấy vậy nể quá kêu tướng lên, hay ông là ông thần, không khéo rồi có lúc làng phải góp của ra mà dựng đền thờ ông.

Ba ba là giống ưa chỗ nước sâu và sạch, quanh vùng này sạch nhất sâu nhất là cửa cống, bởi thế ông phải bỏ ra cống sông mà ở, nó là chuyện thường tình. Túp lều sơ sài mà quanh năm đông khách, người chín làng đều tìm đến.

– Cụ ộp vẫn khoẻ đều đấy nhỉ.

– Ở…

– Nhà cháu hôm nay có khách thèm ba ba, xin cụ giành cho một con. Gật đầu, hất hàm chỉ vào mấy miếng mo cau khô ra ý hỏi muốn có con bằng ngần nào. Khách chỉ vào một mảnh, cụ cho con bằng này là vừa. Lại gật đầu, rít xong điếu thuốc lào lững thững bước xuống cửa cống, mình trần chân tay ngắn mà cuồn cuộn gân cốt, cắm đầu ào xuống nước lặn một hơi rõ dài, dài đến phát sợ mà vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, có người chợt nghĩ không khéo ông cụ mắc phải cái gì ở đáy vực không lên nữa. Thình lình một cái đầu xoà tóc ngoi lên, hai cánh tay nâng cao một con ba ba. Nước chảy dòng dòng trên lối đi, ông cụ đặt con ba ba nằm vừa vặn vào mảnh mo cau đã được khách chọn. Khách xa đến không rõ tính nết, loanh quanh mặc cả giá, chẳng nói chẳng rằng ông cụ ném luôn con ba ba xuống nước. Hất đầu  một tiếng, bước! Lúc ấy thì không còn cách nào nài nỉ được nữa. Ông là ông Bộ ộp cơ mà. Chả ai giống ai ở đời, không dễ gì đã có một ông già tài tình như Bộ ộp.

Uống cạn chén rượu, đặt ly, ông Tưởng nhìn bạn hồi lâu.

– Tôi tính vài ngày nữa ta phải xử thằng quan đồn, không để nó nhờn mãi được.

– Cũng là đến ngày đến tháng của nó rồi, để tôi dần cho nó một mẻ.

– Nghe thằng thông ngôn khuyếch khoác khoe chủ mà lộn cả ruột, nó bảo thằng này đã từng đạp sóng vượt bể Địa Trung Hải, không rõ thực hư thế nào, dễ Địa Trung Hải là bể nước mưa nhà tôi. Ông ộp nghe thế thì cười khùng khục trong cổ họng, vừa cười ông vừa liếc mắt nhìn lên góc tường, nơi có treo một đống dây tơ gộc bện kỹ với những chùm lưỡi câu bắt cá lớn. Hết cười ông rót cho bạn một ly rượu mới, ông cũng một ly rượu mới, họ cùng nâng ly ngang mặt, mắt gờm gờm nhìn vào nhau như mắt hổ dữ, xong cạn một hơi, khà.

Như đã thầm hẹn nhau, đúng ba hôm sau ông ộp ngồi lên con thuyền nan hai mái chèo từ cống sông lách theo con lạch đi sâu vào bãi soi. Dấu thuyền sau bụi rậm ông bước lên bờ, tay xách theo chiếc bị cói bên trong có một con ba ba, kèm theo là đầy đủ phụ gia dùng cho một nồi om tiêu chuẩn quốc tế – Là vì hôm nay chính là ngày họ tổ chức tiếp khách quốc tế.

Lúc này trong lều đã có đủ ba bố con nhà ông Tưởng, là ông Tưởng anh Tường và chị Chiêm.

– Ông đến rồi đấy à, chuẩn bị đủ cả chưa.

– Đủ rồi.

– Là tôi hỏi việc ngoài sông kia mà.

– Thì tôi cũng nói việc ngoài sông.

Ông ộp quẳng cái bị cói xuống đất, hất hàm dặn Tường, hai đứa ở nhà lo nồi om cho tử tế, không ra gì là khốn với tao. Rồi ông quay sang thì thầm với bạn mình, đợi lát nữa hãy ra, sương đang xuống, với lại tôi lo chiều nay lất phất mưa, không biết thằng này có sợ lạnh không. Chắc chắn nó sẽ ra, tôi biết, lạnh với ông và tôi chứ nó là đứa đẻ trong tuyết, sợ gì lạnh.

Hai ông già nhanh chóng ra chỗ dấu thuyền. Thuyền nan luớt ra sông nhẹ nhàng như chiếc lá. Quả là ngoài sông hôm nay có mưa. Một chiều mưa một chiều sương. Chẳng mấy chốc họ đã vòng sang đầu phía tây bãi soi. Bấy giờ thuyền nan ghé tạm vào một bờ sung rậm rì, xoà cành xuống mặt nước. Đấy là phép ém quân chờ thời, hoặc cũng có thể gọi là phép tàng hình phục kích.

Trên đồn yên tĩnh lạ thường, chắc là sau chiến dịch triệt tiêu các cổng làng tụi lính được phép nghỉ ngơi thù tạc, lúc này đang lăn ra ngủ. Đợi gì cũng dễ nóng ruột, nhưng không gì bồn chồn khổ sở bằng đợi một trận đánh đang đến gần. Ông Tưởng leo lên một cành cao nhìn đăm đăm cái dốc dưới chân bốt Tây, lẳng lặng nghe tim mình đập thình thịch. Không một bóng người. Hay hôm nay thằng này đi đâu, ông cảm thấy có phần lo lắng.

Thốt nhiên ông ộp gọi khào khào, nó đến kia rồi. Nó từ đâu hiện ra thế nhỉ, ông cuống quýt tụt khỏi cành cao ghé tai người bạn già, liệu chắc không, nhầm là chết đấy. Ông ộp nhanh tay xếp sợi dây câu lừ mắt không thèm trả lời. Chèo mau! Được lệnh ông cắm cổ khoả rộng mái chèo. Vẫn không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì. Chỉ có bóng bạn đang đứng choãi chân kiềng ngay đầu mũi thuyền mà thôi. Tạt phải, ra giữa dòng! Lại lệnh mới, thì giữa dòng. Nhanh như một nhát kiếm, nhoàng một cái, ông thấy bạn mình dồn sức tung bổng dây câu, toàn thân mềm mại uyển chuyển ngả theo hướng sợi tơ đổ và hình như ông ấy đang dỏng tai lắng nghe, đang tập trung tinh thần chờ đợi điều gì đó. Bất chợt, ông hiểu ra một bí mật kỳ lạ, ông ộp biết nhìn bằng tai, đúng là ông ấy đã nhìn bằng tai.

Chơi với nhau từ tấm bé, đánh bạn với nhau một đời để đến hôm nay ông mới được nhìn thấy tận mắt bạn mình là một người đàn ông có dáng đứng cực kỳ lẫm liệt.

Ông ộp mỉm cười thật thản nhiên, xong rồi đấy, về được rồi. Về à? Quay thuyền thôi, tôi vừa bắt sống ngài quan hai cho ông rồi. Nó đang lựa cách bơi theo ta, ông nên nhẹ tay chèo, từ từ kẻo thằng bé chết sặc.

Sợi dây tơ bện trong tay ông ộp lúc căng lúc chùng, thỉnh thoảng ông có ý giật mạnh một cái như để nhắc con mồi chớ có quẫy phá. Lúc lúc ông lại cuộn sợi dây quanh khuỷu tay một vòng để đưa con mồi về gần thuyền. Chừng mười phút sau ông con trời đã lấp ló hiện ra trong sóng nước. Con mồi có vẻ thấm mệt và đau, dường như nó không còn đủ sức bơi theo thuyền nữa, đành phó mặc cho người đứng câu muốn kéo đi đâu thì kéo.

Chiếc thuyền con chui nhanh vào lạch, tìm về chỗ ẩn náu. Hai ông già cùng lội xuống bùn kéo chiến lợi phẩm lên bờ. Đồn trưởng núi Đụng mắt nhắm nghiền, miệng há ra thở dốc như miệng cá ngão. Dây câu quấn hàng chục vòng quanh người, những lưỡi móc có ngạnh cắm trên lưng trên gáy trên vai trên cổ nó. Đây là miếng đòn hiểm, đã có lúc ông ộp nghĩ đời mình sẽ không bao giờ phải dùng đến. Chính ông cũng đã muốn quên đi, ông lạy trời đừng bắt mình có lúc phải mang ra thi thố. Chẳng qua cũng chỉ là chuyện vạn bất đắc dĩ mà thôi.

Ngài đồn trưởng nằm ngoan ngoãn để hai ông già gỡ câu, lau rửa cho mình. Hắn mệt không thể tả. Mấy chỗ bị rách thịt máu rỉ nhiều đã được dịt thuốc lào và băng qua loa. Ông ộp ghé lưng cõng bổng hắn lên mang về đặt trong lều.

Góc lều nồi om ba ba sôi sùng sục đẩy cái vung nhảy lập cập, trong khi hơi lửa bếp củi lại giúp cho viên quan hai Pháp cảm thấy đỡ run. Hắn run bởi hai nhẽ, trước hết là do bị dầm nước quá lâu, sau nữa là vì vừa bị một trận đòn. Giờ thì hắn đã tỉnh táo lên nhiều, sức trẻ đã giúp hắn nhanh chóng hồi phục. Đôi con mắt xanh mơ màng của hắn vừa quan sát xung quanh  vừa đặt câu hỏi, sao ta lại bị bắt về đây, đây là đâu và họ sẽ xử mình theo kiểu gì.

Chiếc chiếu được trải giữa lều, ông già chỉ cho hắn ngồi vào một góc. Mâm bát bày la liệt, mọi người cùng ngồi quanh một nồi súp lớn bốc hơi thơm lừng. Lại vẫn ông già choàng lên thân hình hộ pháp của  hắn một chiếc chăn chiên dày nhưng không ấm và rất nhặm. Hắn được nhận một chén rượu quê từ tay ông già khác ngồi bên, một ông già mặt mũi kỳ dị, dáng vóc kỳ dị, ông ta ngồi chẳng khác nào con ếch trong thần thoại. Hắn thầm gọi ông già cho chăn là ông già số một còn ông già cho hắn rượu là ông già số hai. Riêng anh con trai và cô bé kia thì có ngu hắn cũng hiểu họ là một cặp vợ chồng đẹp  đôi, và rất nhiều hạnh phúc. Hắn cảm ơn rối rít vì ông già số hai đã trao cho hắn một bát súp đầy, nóng hôi hổi. Món súp thịt rùa nấu theo cách nấu của người nhà quê. Một bữa tiệc với rượu quê và súp quê ngon đến không thể tưởng tượng nổi khiến hắn nhớ đời, nhất là lại được ăn vào một lúc đói cồn cào và vừa trải qua một phen hết hồn, sợ đến vãi đái.

Bữa tiệc rất ít lời, có một không khí biệt ly. Những người Việt này hắn chưa một lần tiếp xúc kể từ ngày đặt chân lên đất Đông Dương kỳ cục. Sau bữa ăn đôi vợ chồng trẻ lau rửa cát dọn nồi niêu bát đĩa. Hai ông già ngồi hút thuốc và uống nước trà. Hắn cũng được mời một tách trà, có vị rất chát. Rượu của họ ngon hơn trà, hắn thích rượu và hắn cũng thấy thích luôn cô bé nữa. Rồi ông già số một vỗ vai hắn ra hiệu đứng dậy. Ông già số hai lấy sợi dây câu trói hai cổ tay hắn lại như trói một tội phạm bằng một nút buộc tuyệt vời, khó cựa mà ở Đoàn hướng đạo sinh người ta chưa hề dạy hắn. Mảnh chăn chiên được ông ta dùng dây thắt khéo léo biến thành chiếc áo khoác không chê vào đâu được, hắn thấy tự tin vì được choàng trên mình chiếc áo hiệp sỹ thánh chiến.

Rồi tất cả dẫn hắn ra thuyền. Ông già số hai đặt hắn ngồi vào giữa thuyền còn ông ta ngồi ở phía mũi. Ông già số một đứng nói chuyện riêng với người con trai hồi lâu, có lẽ là những lời căn dặn, sau đó lùi ra cho cô bé đến bên chồng. Họ không hôn tạm biệt mà chỉ cầm tay nhau. Cô ấy khóc đỏ mắt. Người con trai bước nhanh xuống thuyền, ngồi ở phía sau cầm mái chèo. Thuyền xuôi theo dòng sông đầy đặc sương mù. Trời sắp tối. Không gian lạnh và ẩm, hắn theo con thuyền bập bềnh trôi vào cõi vô định. Hắn thầm cảm ơn những người nông dân Việt đã không giết hắn, dẫu sao hắn vẫn e ngại vì thấy họ thật khó hiểu. Bằng phẩm chất lạc quan của một người Pháp ưa phiêu lưu, hắn dự cảm về ngày mai đầy hy vọng của mình, chỉ có điều hắn không còn thích bơi lội nữa, hắn muốn được từ bỏ cái sở trường tệ hại đó và hắn cũng muốn thoát ra khỏi miền đất mịt mùng này, càng nhanh càng tốt.

*        *

Thuyền nhỏ mất hút vào đêm sông. Hai ông con vẫn còn nán lại lúc lâu chưa muốn về. Chiêm lên tiếng rụt rè.

– Về thôi thầy ạ, sương xuống lạnh.

Họ bước qua những bãi màu khoáng đãng, lẫn vào những vùng cây tối sẫm, đến lúc lên đê ông cụ mới thở phào nhẹ nhõm.

– Nửa giờ nữa vẫn không động tĩnh gì là thuyền tôi lành chành. Dưới ấy có người của huyện đội đang đợi, Bộ ộp quay về còn thằng Tường nhà ta và thằng Tây đồn sẽ nhanh chóng vượt vành đai trắng trước khi trời sáng.

– Đây xuống làng Chành con không lo, ngại là ngại vùng vành đai, chúng nó thường ra phục ngoài đó, khối người đã chết.

– Vẫn có những lối riêng, may rủi còn trông vào người dẫn đường có lão luyện hay không.

Vào tới làng ông cụ v ề xóm giữa, Chiêm về xóm ngoài. Nửa đêm nghe có chó sủa rồi tiếng Chiêm gọi ngoài ngõ. Ông cụ khêu đèn vội ra mở cổng. Lại thì thầm.

– Con lo quá thầy ạ, ca nô chúng nó từ dưới Phả Lại chạy lên, đèn pha sáng như ban ngày, vòng vo quần đảo khắp sông.

– Thấy chúng nó, chưa có tiếng súng là ổn.

– Sao thế ạ?

– Chúng vẫn đang đoán là thằng Tây đồn chết đuối dưới sông cho nên phải tìm kiếm, giữ án binh bất động. Mai trở đi vùng này mới lắm tra xét vây lùng. Con về ngủ được rồi.

Tảng sáng trên núi bắn đì đẹt mấy quả đèn dù, bên kia sông cũng đì đẹt mấy quả đáp lại. Đấy là tín hiệu báo yên, tình hình vẫn đang được kiểm soát. Duy chỉ có ngài quan hai tài hoa là không rõ lạc vào đâu chưa về. Ngài thuộc dòng quí tộc họ Đờ, con cái các gia đình ấy có ăn chơi một chút cũng là chuyện dễ hiểu.

Mãi chiều hôm sau mới thấy thằng thông ngôn dẫn theo mấy tên lính xuống làng thăm thú điều tra, chúng kéo vào nhà ông cụ, dắt cả lý trưởng hội tề cùng đi.

– Con trai cụ đâu mà không có nhà?

– Nó đi đâu nào tôi có biết. Chỉ nghe ông Bộ ộp bảo thấy nó ngang qua còn chào ông ấy, dễ đến ba bốn hôm rồi.

– Có biết anh ấy đi đâu không?

– Nói ra xấu hổ lắm, cứ như ông cụ kể thì có một con bé nào bên sông mang cả xe đạp sang rủ rê, hay ho gì cái thằng theo gái.

Chẳng chào ai, một lũ quay ra ngõ. Đoàn điều tra tìm ra cống sông lục vấn ông Bộ ộp. Ông cụ vẫn ngồi đó, thu lu như ếch ộp đợi cua.

– Có thật ông thấy thằng Tường con ông Tưởng mang gái qua đây?

– Đích thị thằng ấy bỏ nhà theo gái.

– Con bé người đâu?

– Chỉ đoán nó người bên kia sông, mang theo xe đạp, cô cậu đèo nhau qua đây còn ngoái đầu, chúng cháu chào ông ộp!

– Từ mấy hôm ông có nhớ không?

– Ba bốn hôm rồi.

– Ngồi đây ông có thấy người lạ vào làng không?

– Chả có ma nào muốn đến.

– Thế… ông còn ngồi đây làm gì?

– Chuyện trò chán bỏ mẹ, ngồi đây làm Bộ ộp chứ còn làm gì.

Cuộc thẩm vấn thế là kết thúc. Một mình ông già ngồi nhìn ra sông như người ngớ ngẩn. Đã qua nhiều năm tháng, đến lũ trẻ trong làng nhiều đứa nay đã lên lão, vậy mà có người một hai cam đoan thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy bóng ông ngoài cống sông. Vào chập choạng tối ông thường hiện lên, im lặng trong tư thế ngồi của con ếch. Lại có người gặp ông lang thang ngoài soi, hôm đi một mình, hôm đi sóng đôi với ông Tường. Toàn là những chuyện hư thực không tin nổi. Nhưng cái có thể tin là ở chỗ các cụ vẫn đang sống động giữa lòng người.

Họ vẫn ngồi đó, thấp thoáng những sớm những chiều. Ngồi để nhìn ra một dòng sông mịt mùng sương, lắng nghe bằng mắt và nhìn bằng tai, để có thể biết dòng sông đang kể chuyện đời.

   Đ.C

Đỗ Chu

Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011