Chẳng nhớ đã mấy năm qua, mùa nước năm ấy đương nửa đêm, sóng ngoạm cả cái xóm bãi xuống sông. May, người còn chạy kịp. Thế là cái xóm tan tác, nhà thì phiêu bạt, nhưng vẫn có người còn bám vào mặt nước. Vợ chồng nhà ấy ôm đứa con đỏ đem nhau xuống ở thuyền. Từ cái đêm nước lên khủng khiếp ấy thế mà chốc đã ba mặt con, ba con vịt giời. Mới chỉ có cái Gái đỡ đần được, hai nhóc ba năm đôi kia thì mới chỉ biết ăn chưa biết gì.
Mấy năm gần đây, cá mú trong sông biến đâu vãn cả. Có hôm bơi lên đến cửa sông Hát, cả buổi mò mẫm chỉ kéo được mấy con thờn bơn. Rồi cái chợ Long Biên mọc lên ngay bên chân cầu Của chìm của nổi các tỉnh xuôi về thành phố lên đậu cả vào chợ. Thì thuở xưa xa đã là vậy. Bởi thế mấy cái phố mép sông mới có tên từ thuở nào là Hàng Khoai, Hàng Đậu, Hàng Nâu và các chợ Gạo, cái bến Nứa mới trên bến dưới thuyền.
Nay vẫn thế. Của rừng đổ về, con người kiếm cái ăn quanh công việc vận chuyển đó. Sông Đà, sông Lô vào sông Thao xuống sông Hồng, rừng đồi đưa các thức về đồng bằng. Sắn khoai, trứng gà, buồng chuối, sọt dứa, xa nữa đến mùa có muỗm châu Yên, mận Bắc Hà và những bè gỗ, bè vầu. Nhưng mà nhà mình xác xơ, chỉ trông thấy của người ta.
Chồng bảo vợ:
– Nhà nó này, tôi lên chợ Phương kiếm cái Tết.
Hôm trước, vợ chồng đã bàn chuyến này lên chợ Phương Lâm tải củ mài về bán. Tết nhất người ta ngán mỡ, chè củ mài hẳn đắt hàng. Ở nhà, mẹ con cái Gái lại như mọi ngày lội xuống bãi đón thuyền, những lái thuyền vào thuê người vác, người đội, người xách hàng lên chợ. Những cuốn lá dong thì vác vai, những giỏ trứng và bu gà thì cõng. Có những cái thùng nhôm, thùng thiếc bọc lá chuối khô, chẳng biết là sơn ta hay thùng mỡ, chủ hàng mặc cả quẩy một lèo không được đỗ.
Chặp tối, vẫn chưa thấy mẹ và chỉ Gái về. Hai đứa thức dậy, khóc váng một lúc mỏi mồm rồi im. Trông lên, ánh điện trên đường đã sáng viền suốt thành đê và trên cầu. Không rõ tiếng nước vỗ óc ách hay tiếng chân người lội. Những cái thuyền to mọi đêm vẫn về đậu trong bóng cầu, bây giờ mờ mịt đã lẫn vào bóng tối. Có lẽ tiếng người, hình như chân mẹ. Nhưng sao mãi không thấy vào. Hay là cứ mong thì tưởng ra như thế. Lúc sau tối hẳn, mẹ và chị mới lên đến chân cầu thật. Nghe tiếng khoả chân nước róc rách.
Đêm ba mươi, ở cái bến chân cầu cũng chẳng khác mọi khi tối om. Lúc nào cũng chỉ nghe tiếng nước nói thì thào. Các thuyền đã đi ngủ cả rồi. Mùi hương ở thuyền nhà ai cúng thơm ngát trong gió heo rào rạt. Ba đứa trẻ vẫn ngồi nhòm sáng điện ở lưng đê hắt xuống. Mẹ bảo:
– Chúng mày ngủ đi chứ.
Cái Gái nói:
– Còn đợi xem pháo bông giao thừa.
Mẹ dỗ:
– Nằm xuống cho ấm chỗ. Lúc nào có pháo bông tao gọi.
Hai đứa em thì nói một câu mọi tối vẫn nói:
– Đợi bố về mới đi ngủ chứ.
Vừa hay, một ánh đuốc lóe lên chân cầu. Rồi trông thấy bóng bố cao cao đi chập chờn tới.
Lũ trẻ đứng cả lên reo to.
Bố hỏi như quát:
– Chưa đứa nào ngủ à?
Lũ trẻ tranh nhau nói:
– Đợi bố! Đợi bố về!
Bố cắm đóm đuốc, buông bịch một buộc sắn xuống đất. Mình bố bóng nhoáng không biết là quần áo ướt hay là bùn ướt.
Bố nói:
– Chẳng mua được chó gì. May quá, được người ta thuê chở đá. Neo dưới bến rồi, đến mùng hai tốt ngày người ta mới ra lấy bấy giờ mới trả công mở hàng nhân thể.
Người vợ làu bàu:
– Nhỡ cái…
– Chẳng nhỡ gì cả. Đá là của mình, mình giữ trên bến rồi.
Bọn trẻ con ngỡ bố chở đá uống nước đá, có đứa thít lên tưởng tượng làm vẻ ghê răng. Mẹ chúng nó đã biết đấy là những tảng đá người ta tải trên ngược về bày ở ngoài chợ Long Biên, để bán cho người chơi cây cảnh.
Tô Hoài