Buổi sáng tháng chạp, gió lạnh cuốn nhanh những lớp mây xám bay đầy trời.
Dòng sông Lô trong xanh băng mình chảy xiết, hòa với tiếng sóng vỗ ì oạp, những rừng lau hai bên bờ ào ào, ào ào xao xác từng hồi.
Trung đội pháo binh bố trí trên một ngọn đồi rậm rạp, nhô ra mặt sông. Đứng trên đồi, nom thấy suốt một khúc sông dài trôi thẳng tới một ngọn núi đá sừng sững phía xa như một tấm bình phong. Sau tấm bình phong ấy là ruộng lúa Vĩnh Yên, những đồi chè Phú Thọ, những bến sông mới cách ít ngày còn sầm uất phố xá thuyền bè, hôm nay đã cháy trụi, tan tác.
Chung quanh khẩu đại bác xoát-xăng-keng cũ, kẻ đứng người ngồi, những anh vệ quốc quân luôn luôn nhìn ra khúc sông lạnh tanh trước mặt. Anh trung đội trưởng Nguyên ngồi xuống lại đứng lên trước nòng súng. Anh cuộn thuốc lá “sừng bò” hút, rồi lại chiếu ống nhòm nhìn về chân quả núi đá. Một giờ qua… Lại một giờ qua… Trời đã trưa dần.
Từ xa vẳng lại một tiếng vo vo, mới đầu như một tiếng ong rồi dần dần rõ là tiếng máy bay. Trên khắp dãy đồi ven sông như có một luồng điện truyền qua các đơn vị đang sốt ruột chờ đợi. Những người đang ngủ gật nhỏm cả dậy. Mấy đám đang đun nước cuống quýt dập tắt lửa.
Một chiếc thủy phi cơ từ mé dưới bay ngược lên rất nhanh. Nó bay sát mặt sông, ngược lên phía Tuyên Quang. Một lát sau nó quay trở lại bên trên mấy ngọn đồi như một con cá tròng trành phơi bụng trắng hếu trên trời.
Anh trung đội trưởng, mồm pAhì phèo điếu thuốc cháy dở, đứng trong bụi cây chiếu ống nhòm nhìn mãi vào những gợn nước lăn tăn dưới chân quả núi đá. Đồng chí Dần ngồi vắt vẻo trên một tảng đá phía sau ngửa cổ theo dõi chiếc máy bay, mỗi lần nó là sát xuống ngọn đồi, anh ta lại rụt cổ lại.
Dưới xa có nhiều tiếng ầm ì mỗi lúc một nặng. Rồi đột nhiên dưới chân quả núi đá bỗng hiện ra một chiếc tàu chiến Pháp. Gần như cùng lúc, từ một đám mây nhô ra một đoàn máy bay khu trục đen sì, dàn ngang bay lên.
Nguyên vứt điếu thuốc lá và đứng như ngây người, quên cả chiếu ống nhòm. Trống ngực anh đập rối loạn. Cả trung đội pháo binh như bị thôi miên bởi cái tàu chiến Pháp. Nó trắng toát, lừ lừ rẽ hai làn sóng và nom như cứ đứng im mà thở khói và to dần, bè bè tiến thẳng về khẩu đại bác của trung đội.
Khi đoàn khu trục vừa bay khỏi trận địa thì chiếc tàu chiến chỉ còn cách độ vài trăm mét. Anh pháo thủ Thịnh giật cò.
Tiếng nổ đột ngột như làm cho cả rừng núi giật mình, lửa đỏ rực từ bụi cây phun ra. Khẩu đại bác lọc xọc chồm hẳn lên, lùi về đằng sau, chệnh choạng trên hai cái bánh xe. Một cột nước vọt lên cao gần mũi chiếc tàu, làm cho nó chao về một bên. Trong mấy giây đồng hồ, tất cả núi rừng lặng hẳn, chỉ nghe tiếng máy nổ sình sịch và tiếng vọng của phát đại bác dội đi dội lại, lăn xa dần trong các khoảng núi. Rồi như gõ mẹt, một tràng súng máy kêu um đồi bên cạnh. Phút chốc, súng máy, súng tay trên dãy đồi cùng thi nhau nổ đinh tai.
Phát đại bác thứ hai trúng khẩu súng máy trên boong chiếc tàu. Mọi người nom rõ khẩu súng tung lên như que củi, mấy tên lính Pháp ngã vật ra chung quanh và tất cả bọn quan lính trên boong tàu chạy rối rít như một đàn gián vỡ tổ. Tiếng hò reo ầm ầm cả khu đồi. Chiếc tàu chiến đã nổ súng bắn trả lên bờ, khắp thân nó nhấp nháy lửa, đạn bay lên rào rào trong lá cây trên đầu trung đội. Trên không, chiếc thủy phi cơ rú máy nhào xuống. Đỉnh đồi giật lên trong mấy tiếng nổ dữ dội, cành cây lá cây bay tung tóe lẫn với đất vụn. Khói mù mịt, sặc sụa. Mấy anh nhảy thụt xuống hố nhớn nhác: “Bom! Bom!”.
Đoàn máy bay khu trục cũng quay lại rít như còi mà nhào lộn. Khúc sông vang lên những tiếng nổ lẫn với những tiếng động cơ gầm rú.
Chiếc tàu chiến lướt ngang qua ngay phía trước khẩu đại bác. Cạch… Cạch… Cạch… Thịnh mướt mồ hôi tái mét mặt giật cò luôn mấy cái. Anh trưởng súng Phúc gầm lên: “Thối rồi, giật cái gì! Thay đi!”. Nguyên điên người, tim càng đập như vỡ ngực. Thay được phát đạn thối thì chiếc tàu đã vượt chéo quá góc bắn, phải chỉnh súng. Bắn được một phát nữa thì nó lẩn được vào quãng sông rẽ vòng ở mé trên, rồi biến mất.
– Ối thủng lá chắn rồi!
Dần kêu ầm lên làm mọi người quay lại. Phúc càng dữ tợn.
– Cái gì mà anh kêu? Có câm đi không!
Vừa lúc mấy chiếc pít-phai nhào xuống ầm ầm khạc đạn. Đoàn máy bay giặc quấn lấy ngọn đồi có khẩu đại bác. Cả trung đội người nào người nấy chúi xuống hố cá nhân. Khí trời như sôi bỏng trên đầu họ. Nguyên bỗng nghĩ đến đồng chí Thể và đồng chí Lơ ở trên đỉnh đồi với hai khẩu đại bác giả làm bằng thân cây chuối để nghi binh. Bom đạn đang trút cả xuống đấy, không biết họ thế nào! Đoàn máy bay giặc vẫn lăn xả xuống đỉnh ngọn đồi. Anh Phúc già thập thò sau một gốc cây to bên cạnh đồng chí trung đội trưởng, mắt anh vẫn không rời khúc sông trước mặt.
Quả nhiên dưới chân quả núi đá cao lại hiện ra một chiếc tàu chiến thứ hai. Nguyên hét:
– Tất cả về vị trí!
Những anh pháo thủ từ dưới hố lom khom nhảy lên. Mấy chiếc pít-phai vẫn nối đuôi nhau vọt qua vọt lại to tướng sát trên đầu họ. Những làn đạn không ngừng trút xuống. Đồng chí Thịnh mồ hôi rỏ giọt, tay chân luống cuống trước khẩu súng. Phúc già quát:
– Kệ mẹ nó, không can gì đâu!
Anh xông luôn vào vặn cho súng quay. Thịnh ngã khuỵu bên cạnh đống đạn đồng bóng loáng. Bấy giờ Phúc mới thấy một bên vai áo nâu của bạn đã ướt đẫm máu.
Trong ống nhòm, Nguyên nhìn rõ chiếc tàu chiến nghiêng nghiêng tiến lên, khẩu đại bác của nó đang xoay chiều để bắn. Bỗng Dần kéo anh chúi xuống, vừa kịp mấy mảnh đạn bay véo qua, chém những thân cây cành cây phầm phập.
Khẩu xoát-xăng-keng cũ nổ liền một nhịp ba phát.
Như một con vật đã già, mỗi lần nổ xé nó lại nẩy bật lên, các bộ phận như muốn long ra. Nhưng nó vẫn nổ, những viên đạn đồng vẫn xèo xèo bay về phía chiếc tàu chiến. Trên mặt sông, chiếc tàu chồm nhanh, rồi khẩu đại bác của nó nhả lửa. Chiếc thủy phi cơ lại vò vò từ bên kia sông lao sang. Hai quả bom, rồi hai quả nữa lắc lư rơi xuống. Dưới những vòm lá cây khét lẹt, Nguyên như say thuốc đạn, mặt đỏ dừ, anh ra lệnh cho chỉnh súng lần nữa. Bỗng chú liên lạc Giong ở mé sau chạy bổ đến, hộc tốc báo cáo:
– Lệnh của tiểu đoàn cho rút. Nó ở trên bờ anh ơi!
Nguyên chửi một câu và quát:
– Bắn nữa!
Khẩu xoát-xăng-keng lại chồm lên. Sau lưng Nguyên, một đồng chí bị thương hét lên rồi kêu ằng ặc như đang giẫy chết.
Tiếng anh y tá Hảo gọi cuống quít:
– Cậu Dần, đỡ cho tôi một tay!
Nguyên mở to mắt như không tin điều anh nhìn thấy là sự thực. Chiếc tàu chiến bốc một cột khói đen đặc sệt rồi trành nghiêng hẳn đi.
– Cháy! Nó cháy!
Những tiếng kêu, tiếng reo lại ầm ầm.
Phúc già đến cạnh anh trung đội trưởng:
– Rút thôi anh ạ. Nó ở trên bờ gần rồi đấy.
Nguyên lắng nghe. Những tiếng súng nổ lẹt đẹt mé dưới cách chừng dăm trăm thước. Anh trung đội trưởng đổi sắc mặt, ra lệnh:
– Tháo súng! Đồng chí Dần gọi Thể và Lơ xuống đi.
Dần chạy như bay lên đỉnh đồi.
Tiếng súng tay, súng máy đã đì đoàng, lóp đóp tứ tung chỉ cách vài quả đồi. Mấy phát moóc-chi-ê nổ oàng oàng vào rừng làm mọc ra những cục khói đọng lơ lửng. Mười mấy người xúm xít quanh khẩu đại bác, vừa tụm vào nhau lại chạy tóe ra vì máy bay. Mấy chiếc pít-phai càng lao sát hẳn xuống mà bắn. Nguyên tức bực:
– Trợ chiến đâu không đả cho nó vài băng!
Phúc già quát:
– Các đồng chí tháo súng mau lên!
Đồng chí Dần từ trên đồi đi xuống cùng một anh đội viên to như hộ pháp. Nguyên hỏi:
– Thể đấy à, Lơ đâu?
Cả người Thể đen sì, lấm láp. Mặt mũi anh đầy đất, quần áo rách toạc. Thể lầm lì:
– Báo cáo đồng chí Lơ hy sinh rồi.
Nguyên nhìn Thể đã hiểu ngay. Anh chìa bi-đông nước cho Thể và nói nhanh:
– Uống đi, anh xuống ốp cho mấy ông dân quân lên khiêng ngay đống đạn đi.
Khẩu đại bác đã được tháo rời từng bộ phận, buộc dây thừng lủng lẳng vào những chiếc đòn ống hai người khiêng một. Nguyên quay lại Phúc nói to:
– Anh cho tất cả xuống khe rút vào trong.
Không phải đợi lệnh của anh trung đội trưởng, anh em đã lao huỳnh huỵch xuống cái suối cạn. Tụt xuống lòng suối sâu gần ngập đầu người, Nguyên rùng mình, thấy thoát vòng đạn máy bay.
Con suối chơm chởm đá chật ních những khiêng, những gánh cồng kềnh vướng vít, ì ạch. Mấy anh dân quân khiêng đạn mặt còn tái xanh, cứ chen lên trước. Thể vỗ vai một anh, cất tiếng nói ồ ồ:
– Anh em bình tĩnh, bình tĩnh.
Nguyên quay lại tìm Phúc không thấy anh trưởng súng đâu toan gọi, nhưng vừa có liên lạc của tiểu đoàn tới, mang lệnh cho khẩu pháo rút vào làng Khoan. Anh trung đội trưởng lách lên đầu, đôn đốc cho anh em đi mau.
Một lúc sau, đoàn người gánh súng rút được ra xa bờ sông mấy trăm thước. Khỏi dãy đồi rậm, đến một quãng ruộng phẳng, họ ùa cả ra. Đỉnh đồi bên cạnh vọng sang tiếng thét:
– Cúi xuống không toi cả bây giờ.
– A… trợ chiến đấy phải không?
– Phải rồi. Súng máy đặt rồi, cứ yên trí. Các cậu cúi xuống, nó ở ngay kia, trông rõ mồn một đấy.
Nguyên phất mạnh tay, miệng kêu:
– Tản ra! Từng tốp vượt nhanh sang rừng bên kia!
Nhưng cả bộ đội lẫn dân quân đều nghênh mắt xem đại liên của ta bắn máy bay. Những dòng đạn lửa từ dưới đất phụt lên đón những máy bay đang đâm chúc bổ nhào loạn xạ. Anh Phúc già ở đâu vừa ra tới nơi gắt ầm ĩ:
– Nghênh cái gì, chết cả nút bây giờ!
Câu nói chưa dứt đã thấy đạn díu díu bay tới. Tiếng một khẩu đui-xết đằng xa cục cục. Thể giục tốp dân quân:
– Nó đấy, chạy mau!
Khẩu đui-xết lại cục cục. Tiếng đạn từ máy bay giặc cắm sừn sựt xuống đất ruộng chung quanh. Mấy anh bộ đội đang khiêng nghênh ngang vội cắm đầu chạy thục mạng.
Nguyên chạy theo sau toán khiêng máng súng thấy lưng áo đồng chí Phê loang ra một khoảng ướt đỏ. Đạn vẫn bay tới. Nguyên chạy thêm mấy bước, ngã lăn ra, rồi bất thình lình lại chồm dậy, vượt nốt khoảng ruộng. Mấy anh đội viên cũng vừa khiêng cái máng súng ùa đến.
– Anh có sao không?
– Không hề gì. Phê thế nào?
– Sướt một bên sườn.
– Tôi tưởng anh Nguyên chết.
– Ấy giả chết đấy. Tôi mặc ka-ki, nó trù.
Lát sau cả trung đội vào rừng nứa. Anh y tá Hảo ngồi băng cho Phê, trong lúc từng tốp lại gò lưng khiêng gánh những tảng sắt băng theo con đường mòn.
Buổi chiều trời mưa, gió mỗi lúc một mạnh. Đường qua những khu rừng nứa đầy vắt, đến những khoảng đất ruộng trơn như mỡ, rồi vào những khu rừng tối om. Đoàn người im lìm đi trong mưa gió, người lành dìu và cáng người bị thương, tiến về phía chân núi Tam Đảo. Dãy núi trùng điệp chìm trong sương và mây mờ mịt.
Cái mũ vải của Nguyên ướt sũng, nước tràn xuống gáy, thấm vào cổ áo, chảy lạnh buốt vào trong lưng. Đôi giày đã bắt đầu há mõm của anh thấm nước và bùn, nặng như đá. Nguyên thấy hai bàn chân tê cứng, và giữa các ngón chân, nhũn nhũn những con vắt, nhưng anh không buồn đứng lại cởi giày mà bắt chúng nó nữa. Anh cắm cúi đi đằng sau chú Giong, mắt nhìn miên man vào hai gót chân nhỏ của chú bé liên lạc. Qua những khu rừng, gió thổi, nước mưa rơi nặng hạt, hai bàn chân tái nhợt của chú Giong bị vắt cắn chảy máu đầm đìa vẫn bước đi thoăn thoắt. Trên những con đường ruộng, hai bàn chân chú bé luôn luôn trượt đi loạng choạng nhưng lại bước nhanh, bước đi không ngừng. Chú Giong vác ngược khẩu súng Nhật, chúi đầu về đằng trước mà đi, hôm nay nó không cười nói láu táu như mọi khi. Nó chỉ mặc có một cái áo sơ-mi mỏng, áo của người lớn rộng thùng thình làm cho hai vai gầy của nó nom càng xương xẩu. Mỗi cơn gió thốc tới, Nguyên lại nghe thấy hai hàm răng chú liên lạc đánh lập cập. Nguyên rảo bước lên, đỡ lấy khẩu súng của chú Giong và quàng cho nó cái áo tây cũ của anh.
Đồng chí Phúc đi đằng sau Thịnh, biết anh pháo thủ đã mệt lắm. Thịnh bị mảnh đạn vào bả vai. Môi anh tím bầm, mặt anh không còn máu. Thịnh cắn chặt răng, bên tay bị thương buộc vào ngang người, tay trái chống gậy, anh vẫn bám lấy trung đội không chịu tụt lại sau. Anh Phúc già đội cái mũ sắt “đầu rồng” cũ, nhưng mưa vẫn hắt vào đầy mặt anh. Chốc anh lại vuốt nước mưa trên đôi mày rậm, trên bộ râu đã vài sợi bạc, và ôn tồn hỏi:
– Thịnh còn đi được không?
– Đi được.
Thịnh hé răng đáp rồi lại cắn răng lại, nhịn đau mà đi.
Thể gánh thay cho Phê, và đeo cả ba-lô cho Thịnh. Sức Thể còn có thể mang nặng, gánh nặng hơn, nhưng mỗi khi nghĩ đến Lơ thì chân tay Thể lại bải hoải như không muốn nhấc lên nữa. Những đoạn đường lên dốc gay go, hoặc vướng đá, vướng cây, hoặc lội suối, qua cầu, Thể như tỉnh ra, không những anh đỡ cho mấy đồng chí cùng khiêng cái máng súng, anh còn nhìn sang các bộ phận khác, giúp được ai cái gì thì giúp. Nhưng trên những quãng đường dễ đi đôi chút, gánh đều vai, thì Thể lại bàng hoàng nhìn thấy Lơ nằm chúc đầu trong hố bom, cả người trắng đất vụn như tẩm bột, chân tay cái còn, cái cụt mất, nom không còn ra hình người. Tai Thể vẫn ù ù vì những tiếng bom nổ như sét và những tiếng máy bay gào rú, trước mắt Thể hiện lên cái đỉnh đồi lồi lõm, lổn nhổn những cục đất, những cành cây vụn nát, tơi bời. Thấy mình hơi mụ đi, Thể đổi vai gánh và vã nước mưa vào mặt rồi nhìn quanh tìm Dần. Thể muốn thằng Dần nói ba hoa vài câu như mọi khi.
Trời về chiều muộn càng mưa tầm tã. Dãy núi Tam Đảo càng mờ mịt trong sương và mây cuồn cuộn. Gió bấc tràn ra, vùng vẫy trên những ngọn đồi, bẻ những bụi lau uốn rạp xuống run rẩy và lắc những bụi tre già kêu rắc rắc. Đoàn người áo quần ướt sũng, da thịt lạnh tím, càng đi nhanh qua bên cạnh những nền nhà cháy đen, những vườn chuối vườn cau bỏ hoang xơ xác. Gần tối mịt, chú Giong bỗng trỏ tay nói với Nguyên:
– Cái miếu kia rồi.
Ở ven rừng, ẩn hiện bức tường trắng của một ngôi miếu nhỏ. Nguyên nói to:
– Anh em nghỉ, nấu cơm!
Phúc đỡ cho Thịnh ngồi tựa vào một gốc cây rồi tới hỏi anh trung đội trưởng:
– Không vào làng hả anh?
– Làng còn gì mà vào! Vả lại ở đây kín hơn. Đêm nay ngủ rừng. Ta làm lán mà che mưa thôi.
Mấy chục con người mệt nhoài bỏ gánh, ngồi thừ trong bóng tối. Không ai muốn nói một câu. Họ ngồi không buồn nhúc nhắc, mặc cho nước mưa chảy ròng ròng trên người. Nhiều anh nằm lăn ra đất, úp mặt vào cánh tay. Đồng chí bị thương nằm trên cáng lại rên:
– Chết mất! Hừ… hừ…
Anh y tá Hảo vừa cho Thịnh và Phê uống nước nóng pha đường, vừa ngoái cổ lại:
– Thôi, về đến đây là chu rồi. Tôi cho hai anh này uống nước xong sẽ đưa đồng chí về trạm quân y ngay gần đây thôi, không lo.
Thể vừa bẻ cành cây răng rắc, vừa nói với mấy anh dân quân:
– Anh em nhặt ít cành đốt lửa lên. Rồi làm lán mà ngủ chứ. Bật lửa đâu, Dần? Mấy người chụm đầu vào nhau che mưa nhóm lửa. Lát sau mấy đống củi lớn đã cháy phù phù, tung những đám tàn ra tới tấp, soi sáng cả khu rừng.
Lửa ấm làm cho mọi người hồi dần lại. Nguyên gọi Thịnh và Phê đến cùng sưởi và giở ra cuộn thuốc lá sừng bò. Ba người cuốn những điếu thuốc to bằng ngón chân cái một, và khoan khoái ngồi thở khói khét lẹt. Mấy đồng chí “tiếp tế” đã đem nồi và gạo đi tìm nước. Tiếng chú Giong lanh lảnh:
– Suối ở đằng sau miếu mấy chục bước ấy.
Phúc và Thể đôn đốc anh em mỗi người một tay chặt cây bẻ lá râm ran. Non một giờ sau, hai dãy lán sơ sài đã dựng lên, mấy nồi cơm đã bắc trên bếp, từng nhóm năm bảy anh cởi trần ngồi hơ áo quanh những đống lửa nóng rát. Mấy cái điếu cày làm bằng ống nứa tươi truyền hết tay này đến tay khác, tiếng nói chuyện bắt đầu nổi lên theo tiếng điếu rít lọc xọc. Một anh lầm lì nói:
– Hôm nay mà mất súng thì thật không còn đầu mà về. Mấy ông ấy làm ăn thế nào mà để nó ập đến nhanh thế!
Hai ba anh liến thoắng:
– Thật là từ cha sinh mẹ đẻ tao mới được một bữa thấy tàu bay gần thế. Tao nom thấy cả mũ thằng lái kia mà!
– Ăn thua gì. Từ lúc mình bắn đạn lửa lên, nó có dám là xuống nữa đâu! Mẹ cha nó, thử cứ cả hai bên đi bộ đánh nhau xem!
Dần ở đằng sau nhỏm lên, hoa tay:
– Tao cho hôm nay có công nhất là mấy cây chuối đấy!
Họ cười ồ lên. Nguyên ngồi nghe cũng cười tủm tỉm và quay sang hỏi Phúc:
– Thế nào, cụ Phúc già nghĩ gì đấy?
Phúc đang ngồi chăm chú nhìn ngọn lửa, lúc này nom anh không có vẻ gì là một chiến sĩ mà giống như một ông anh cả hiền lành. Ánh lửa làm cho mái tóc và bộ râu hoa râm của anh như trắng ra, mặt anh phúc hậu thêm. Nghe tiếng anh trung đội trưởng, Phúc à lên một tiếng:
– À… tôi có nghĩ gì đâu.
Thật ra Phúc đang thấy cả người đau như giần. Hai chân anh mỏi nhừ, vai và lưng anh ê ẩm, nơi đầu gối nhức nhối trong xương. Cái chứng tê thấp kinh niên của anh gặp trời mưa rét đang muốn phát mạnh. Suốt buổi chiều Phúc phải cố gắng lắm mới theo kịp các bạn. Phúc thấy cái bệnh tai ác của anh, và cái chân hay run, cái vai gánh yếu làm cho anh cực quá.
Nguyên tới bên Phúc, nói nhỏ:
– Chỉ vài hôm nữa, thế nào chúng nó cũng còn phải xuôi chứ. Nếu pháo không trục trặc và mình đề phòng kỹ trên bộ, thì nó có chạy đàng giời.
Hai người bỗng cùng chú ý thấy Thể đang ngồi thần người trước nồi cơm. Ngọn lửa nhảy nhót, nồi cơm reo đều đều làm Thể nghĩ nhiều những gì không rõ lắm. Một câu nói thầm tự nhiên bật ra: “Bữa cơm tối nay, thiếu mất Lơ rồi!”. Trên hai gò má đen cháy của Thể bỗng có ngấn nước mắt. Thể thấy có cái gì đọng ở trong người suốt buổi chiều đang tan ra, và như bây giờ mới nhận rõ là Lơ đã chết hẳn rồi.
Nguyên nhìn Thể, cũng bật ra một ý nghĩ làm cho anh giật mình: lúc rút lui, Nguyên đã quên mất Lơ “trên ấy”. Mặt anh trung đội trưởng nóng lên. Nguyên nhớ lại cái cảm giác thoát nạn khi nhảy xuống cái khe suối, lúc này anh càng tự xấu hổ với mình, và tưởng chừng cặp mắt của Phúc đang nhìn anh một cách khinh bỉ. Mấy phút, Nguyên thấy không thể nín đi được, quay sang Phúc nói nhanh:
– Chết thật! Lúc rút lui quên mất Lơ!
Phúc khẽ trả lời:
– Tôi có tạt lên chôn tạm Lơ trên trận địa rồi.
Nguyên nhớ lại có một lúc Phúc biến đi đâu mất. Thì ra Phúc đi làm việc ấy! Nguyên chưa tìm ra câu nói gì, thì Phúc lại tiếp
– Trận này đề nghị anh báo công cho Thể và Lơ. Tôi phải nói chuyện với Thể một tí mới được, không cậu ấy ỉu mất.
Phúc đứng dậy, sang chỗ Thể.
Trung đội đang ồn ào ăn cơm thì đồng chí Dần tay cầm khẩu súng xì-ten chạy từ mé suối vào:
– Anh Nguyên đâu? Có người chết trong miếu.
Nguyên bỏ đũa:
– Thế nào, anh bảo sao? Anh gác bên kia suối kia mà, có việc gì lại vào miếu?
Dần khua tay:
– Tôi đi soát một lượt, vào miếu vấp ngã ngay phải…
Phúc đứng dậy:
– Để tôi đi xem thế nào.
Thấy mấy anh đội viên nữa cũng đứng dậy, Nguyên cản lại
– Các đồng chí cứ ăn cơm đi. Anh Dần trở về vị trí gác, anh nhớ sang bên kia suối đi quá vào trong độ hai trăm thước nữa.
Phúc đã đốt một bó đóm. Nguyên đứng dậy cùng đi. Chú Giong cũng đi theo.
Tới cổng miếu, Phúc đứng lại, giơ cao bó đuốc lên. Từ bên trong cái miếu nhỏ tối âm u, tỏa ra một hơi lạnh toát làm Nguyên rùng mình. Ở góc tường chập chờn một xác người nằm sóng sượt. Phúc cầm bó đóm tới bên xác chết, cúi xuống. Ánh lửa đỏ lòa soi hắt lên xác một người đàn bà tóc xõa che một nửa mặt. Miệng người chết há ra, những ngón tay quắp lại trên ngực như còn đang chống đỡ, mặt đã trắng, trên mi mắt nhắm nghiền như rắc bụi phấn. Từ một vết đâm ở bụng, máu chảy loang lổ xuống đùi và háng và đọng thành từng vũng khô đen trên rơm.
Hai người không ai nói một tiếng. Chú Giong đứng né ngoài cổng miếu, mở to hai mắt. Phúc giơ đuốc soi quanh miếu. Những vỏ bao thuốc lá Gô-loa và vỏ đồ hộp vứt bừa bãi. Mấy cái bát hương đổ lỏng chỏng trên bệ, một pho tượng nhỏ đã bị đập cụt đầu, còn một tay chắp trước ngực.
Hai người đi trở ra được mấy bước thì gặp Thể. Anh đội viên hỏi:
– Gì thế hai anh?
Phúc lầm lì chưa trả lời. Nguyên bỗng chửi to:
– Tiên sư chúng nó!
Phúc bảo:
– Anh Thể về lấy cái cuốc và cái chăn của tôi lại đây.
Nguyên về trung đội, cố ăn nốt bát cơm, nhưng anh nghẹn cổ, chỉ và thêm được một hai miếng, rồi nuốt ngụm nước và lại trở ra cái miếu.
Phúc và Thể đã liệm xác người đàn bà trong cái chăn cũ rách, đang hì hục đào huyệt ở đằng sau miếu.
Đêm đã khuya. Trời vẫn mưa như rắc bột. Những đám lửa đã tàn dần. Các chiến sĩ đã nằm yên trong lán. Gió bấc rền rĩ từng hồi dài trong bóng tối.
Nguyên trằn trọc không ngủ được, tuy anh thấy mệt lả người. Hình ảnh người đàn bà chết trong miếu vẫn như lởn vởn trước mắt anh. Phúc chốc lại lò mò ra bên đống lửa, hút thuốc lào vặt. Trong lán húng hắng những tiếng ho. Đêm càng về khuya càng lạnh. Cái rét như từ trên trời buông xuống, thấm vào bóng tối tê buốt.
Nguyên thiếp đi, đang mơ màng thì chú Giong lay anh dậy. Một ngọn đèn bão soi vào giữa mặt anh, làm anh nhăn nhó. Nguyên nhận ra đồng chí liên lạc của tiểu đoàn đang đứng đợi.
– Báo cáo mời ban chỉ huy lên tiểu đoàn họp ngay.
Phúc nằm bên kia đống lửa đã tàn, ngồi lên. Nguyên bảo:
– Anh Phúc cứ ngủ đi.
Nguyên quàng vội thắt lưng, vơ cái xắc-cốt, khẩu súng lục, và đi theo ngọn đèn bão lúc lắc. Mưa hắt vào mặt làm anh tỉnh hẳn.
Gần nửa đêm anh trở về. Anh lúi húi châm lửa. Chú Giong thấy động bò dậy. Quần áo Nguyên ướt đẫm nước mưa. Anh cóng quá. Sưởi được một tí, Nguyên đứng dậy, tay cầm một que đóm, đi soi một lượt mấy cái lán. Anh em đang ngủ ngon, đủ các giọng ngáy. Nước mưa đọng trên những vòm lá rơi xuống lộp độp. Những tàu lá chuối lợp tuềnh toàng không đủ che mưa cho các chiến sĩ. Nhiều chiếc chăn dạ sũng nước. Mặc kệ hết, ba bốn người một chăn, anh em vẫn quắp chặt lấy nhau mà ngủ.
Nguyên quay lại chỗ đống lửa. Chú Giong ngồi ngủ gật, đầu dụi vào giữa hai đầu gối.
Phúc nằm trong lán, vẫn nghe xa xôi thấy anh trung đội trưởng đi lại. Phúc muốn trở dậy nhưng cả người anh nặng như đá không cựa được, và anh lại chìm vào giấc ngủ mệt nhọc. Tới khi nghe tiếng Nguyên gọi khẽ, Phúc choàng dậy, ra bên cạnh lửa. Nguyên đã giở tấm bản đồ, ngồi dò đường. Thấy Phúc ra, Nguyên nói:
– Ta chuẩn bị hành quân ngay!
Phúc hỏi, giọng còn ngái ngủ:
– Đi đâu thế anh?
– Ra sông. Chúng mình lại trở ra bờ sông, lên Phủ Đoan. Nó mới lên một đoàn tàu bốn chiếc, tối hôm qua ở Trung Hà, có lẽ nó sắp chở quân lên Tuyên. Chuyến này ta sẽ tập trung mấy “voi”. Có cả bộ đội chủ lực của Bộ về nữa.
Phúc tỉnh hẳn. Nguyên nói thêm
– Trung đội ta được tuyên dương đấy. Cái tàu chiến bị ta bắn cháy nó kéo về Việt Trì rồi, còn nằm chết đấy, phải chữa. Trong hội nghị tôi đã báo công cho hai đồng chí Lơ và Thể.
Phúc ngẫm nghĩ một lúc rồi bàn:
– Như vậy ta phải cho Thịnh về quân y anh ạ. Mà phải cho nấu cơm nắm luôn cho cả ngày mai đi.
Nguyên gật đầu và xem đồng hồ tay:
– Đồng ý. Chừng bốn mươi phút nữa anh bắt đầu cho anh em dậy sắp sửa. Đúng một giờ thì đi. Khi nào xong anh gọi tôi nhé. Tôi ngủ một tí đã.
Nguyên lăn mình vào lán ngủ ngay.
Khi chú Giong gọi anh dậy thì đuốc đang đốt đỏ khu rừng. Mấy đồng chí đang chia cơm nắm cho anh em. Tốp nào tốp nấy đòn ống, dây thừng đã sẵn sàng.
Giữa đám ồn ào, Thịnh đứng bên Phúc, nằn nì:
– Tôi còn tay trái vẫn giật cò được. Tôi quen rồi, để đồng chí khác thay sợ không quen tính cái súng này, giật nó hay hóc lắm. Đề nghị anh cho tôi đi.
Phúc nhìn cái tay bị thương của Thịnh rồi cúi đầu như ngần ngừ. Thịnh nài:
– Báo cáo anh, đánh xong trận này tôi xin đi nghỉ… Hoặc là ban chỉ huy phân công cho tôi làm nghi binh thay đồng chí Lơ cũng được.
Phúc vẫn cúi đầu, mái tóc hoa râm của anh gật gật. Nhưng anh khẽ nói:
– Kể ra thì anh còn tác chiến được. Tôi chỉ lo đường đất thế này, đến nơi thì anh quỵ mất. Còn nhiều dịp chiến đấu lo gì. Thôi để tôi thay vào chỗ anh cũng được.
Lúc anh em bắt đầu lên đường, bỗng Thịnh khóc hu hu như một đứa trẻ con. Nguyên đi cuối cùng trung đội, ra tới ven đường vẫn nghe tiếng khóc của Thịnh vẳng theo.
Trời đã ngớt mưa. Gió thổi ào ào. Những bó đuốc cháy phần phật tiến lên khắp cánh đồng. Những anh pháo binh thấy đằng sau, đằng trước, hàng trăm chấm lửa lập lòe đi ngoằn ngoèo trong đêm. Những tiếng nói lao xao vẳng lên bầu trời tối mịt. Bộ đội lại tiến ra bờ sông Lô.
Nguyễn Đình Thi