Đến ngày 1/1/2011 này là vừa chẵn 90 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Văn Bổng, tác giả các tiểu thuyết “Con trâu”, “Rừng U Minh”, “Áo trắng”, “Sài Gòn 67” – những tác phẩm từng ít nhiều gây tác động tới đời sống xã hội và đưa tác giả của nó đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhân dịp này, một cuốn sách có tên gọi “Nguyễn Văn Bổng – nhà văn chiến sĩ” do bà Hồ Vân – vợ nhà văn và ông Hoàng Minh Nhân, Giám đốc Tủ sách Đất Quảng biên soạn cũng đã kịp ra mắt độc giả…
Nhân cách một con người qua những lá thư
Năm 1962, với bút danh Trần Hiếu Minh, nhà văn Nguyễn Văn Bổng vào hoạt động ở chiến trường miền Nam, giữ cương vị Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng. Thời gian này, ít nhiều ông đều có thư gửi về cho gia đình và các bạn văn. Phải nói, đó là những lá thư rất đậm đà tình cảm, thể hiện ở tác giả một nghị lực vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ. Qua những bức thư này, ta còn thấy được phần nào cuộc sống khắc nghiệt những năm tháng ấy, đồng thời thấy được ở Nguyễn Văn Bổng một con người sâu sắc, giàu lòng trắc ẩn, cùng đó là sự tinh tế trong xử thế.
Trong thư gửi nhà văn Nguyễn Tuân, ông viết: “Qua những ngày sau, thấy sức bắt đầu xuống. Sốt rét. Sốt là chuyện thường như hồi chúng ta kháng chiến. Và tôi đang sốt. Hiện nay cũng đang sốt mới có thì giờ ngồi viết cho anh đây, và cũng vì thế chữ tôi viết không được vững”. Theo Nguyễn Văn Bổng cho biết thì khi viết lá thư đó, ông đang “ở một nơi khá nguy hiểm” – còn nơi đó là nơi nào, chắc vì lý do bí mật, ông không tiết lộ.
Cũng vẫn những lá thư viết gửi Nguyễn Tuân, một lần tác giả của “Rừng U Minh” đang say sưa kể chuyện, chợt nhớ tới nỗi gian lao của những người đưa thư, ông đành phải xin lỗi tác giả “Vang bóng một thời” mà rằng: “Thôi anh Tuân nhé, không lại khổ cho những người mang thư. Họ cũng ăn bắp lạt mang những thư này cho chúng ta. Vì vậy còn nửa trang giấy trắng, tôi xé giữ lại”.
Nguyễn Văn Bổng có hạnh phúc là những người con của ông sau này đều phương trưởng, thành đạt. Thật thú vị khi đọc bức thư ông gửi vợ – khi ấy bà đang công tác tại Báo Nhân dân – nói về việc cần tạo điều kiện cho con có thời giờ vui chơi giải trí ra sao: “Theo ý anh, không nên gò bó các con, không nên sợ các con nghịch quá, chỉ sợ tuổi của các con như thế mà các con không biết nghịch, sớm có vẻ khuôn phép, sau này lớn lên sẽ không phát triển được cá tính, tài năng. Anh muốn các con được nghịch nhiều, chơi nhiều, biết nhiều… Thật ra, lúc nhỏ học hành chưa phải giỏi, chưa xuất sắc lắm cũng không sao đâu. Nếu chúng nó được phát triển về mọi mặt, lớn lên sẽ giỏi. Chỉ có điều muốn chúng được nghịch thì mình phải khổ hơn…”.
Có thể, cái cung cách dạy con kiểu này sẽ có bậc phụ huynh tán thành, hoặc không tán thành, song thiết nghĩ, nó nói “trúng” tâm lý của các em nhỏ. Phải chăng, đó chính là kinh nghiệm rút ra từ chính quá trình phát triển của tác giả, và sau này, đã được thực tế chứng minh bằng sự thành đạt của các con ông.
Phải hiểu chính xác đề tài mới được viết
Tác giả Nguyễn Bá, trong một bài viết kể lại thời kỳ nhà văn Nguyễn Văn Bổng xuống miền Tây Nam Bộ (năm 1965) để tham gia công tác tập huấn trại văn cho Tiểu ban Văn nghệ khu, đã vẽ lên hình ảnh của một Nguyễn Văn Bổng luôn áp sát thực tế, sẵn sàng xông pha nơi nguy hiểm để lấy tài liệu viết sách: “Ở Cà Mau, anh chờ xong thời khóa trại, nhờ cơ quan văn nghệ khu đưa vào sông Cái Tàu để anh đi vào sâu “lấy thực tế” viết tiểu thuyết Rừng U Minh… Anh làm quen với đồng chí Bí thư xã Lương Hòa là Năm Viết, ngủ ngoài vạt lá với ông già đồng chí Năm Viết. Đội nữ du kích xã Lương Hòa: Cô Tô Thị Huỳnh, Kiên Thị Nhẫn là nhân vật anh hùng trong bút ký văn học của anh. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng nêu cho chúng tôi bài học rất lớn là phải “nghe thấy rõ mới viết”. Phải đi thực tế để hiểu chính xác đề tài mới được viết. Anh xông vào khu ấp chiến lược, ấp Tân Sinh, dinh điền để ghi chép về nơi nguy hiểm”.
Chính bởi tác phong làm việc sâu sát thực tế, không quản hiểm nguy mà có lần, Nguyễn Văn Bổng đã suýt gặp… nạn. Trong đợt Tết Mậu Thân, ông ở Sài Gòn tham gia việc đưa một số nhân sĩ, trí thức ra vùng giải phóng. Ông từng vận động được lão thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải ra với Cách mạng, song nửa đường, cụ Á Nam bị đau bệnh lại phải quay về. Với những hoạt động xông xáo như thế, đã có lần Nguyễn Văn Bổng bị địch bắt giam ở bót, song cơ sở bảo vệ của ta đã tìm cách giải cứu được nhà văn.
Kiệm lời và thấu nhân tình
Nhà văn Văn Chinh từng kể lại ấn tượng lần đầu anh được tiếp xúc với Nguyễn Văn Bổng: Đó là người rất kiệm lời. Sau này, Văn Chinh tìm đến nhà riêng của ông để nhờ ông một việc. Trong khi anh bức xúc bày tỏ “sự oan ức”, nhà văn già lắng nghe, thỉnh thoảng chỉ “ủa”, “ủa” mấy tiếng, không hứa hẹn gì. Nhưng khi Văn Chinh mới quay gót bước ra ngoài cửa thôi, đã nghe thấy tiếng nhà văn gọi điện cho ai đó để nhắc việc anh cần giải quyết giúp…
Nhà văn Ngô Văn Phú thời làm Báo Văn nghệ (mà Nguyễn Văn Bổng làm Tổng Biên tập) từng “vướng” vào vụ “Sẹo đất” (tên một tác phẩm bị xem là “có vấn đề” của Ngô Văn Phú). Tình hình khá căng thẳng, tác giả tưởng bị kỷ luật “treo bút” tới nơi. Nhưng không. Ngô Văn Phú chỉ bị động viên chuyển từ Bí thư chi bộ xuống Phó bí thư, và “tạm” làm phóng viên mấy tháng. Rồi một ngày, Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng nói với ông:
– Cậu hãy xuống vùng quê nào viết cho báo một bài. Cố viết cho hay vào.
Ngô Văn Phú xuống Công ty Ong Thái Bình. Nửa tháng sau ông đem về bài “Mùa hoa bạch đàn”. Nguyễn Văn Bổng đọc xong, gặp tác giả cười bảo: “Được đấy”. Rồi ông cho in bài báo trên trang nhất. Vụ việc coi như xí xóa, Ngô Văn Phú lại trở về tổ văn xuôi làm việc bình thường, như không có chuyện gì xảy ra (điều này nhà văn Ngô Văn Phú đã kể lại một cách chi tiết trong một bài viết về Nguyễn Văn Bổng).
Nhà thơ Trần Ninh Hồ, người có nhiều năm tháng công tác tại Báo Văn nghệ cũng từng phát biểu là trong các đời tổng biên tập mà ông làm việc “dưới trướng”, người để lại trong ông ấn tượng sâu đậm nhất là Nguyễn Văn Bổng. Trên một tờ báo, nhà thơ họ Trần còn kể: Có lần, liên quan đến việc làm báo, Nguyễn Văn Bổng có mắng ông một câu khá nặng. Ông bèn phản ứng lại, đại thể, cấp I học “Con trâu” (tên một tiểu thuyết của Nguyễn Văn Bổng, từng được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp), cấp II học “Con trâu”, cấp III rồi đại học cũng vẫn học “Con trâu”, thế thì làm gì đầu óc chẳng ra… như thế. Thay vì sự phẫn nộ như ai đó tưởng, Nguyễn Văn Bổng hồn hậu hỏi lại: “Thật thế à?”. Và ông cười xòa: “Ừ, nếu thế thì…”.
Vượt lên “Con trâu” là “Áo trắng”
Nói tới tiểu thuyết của Nguyễn Văn Bổng, các nhà nghiên cứu thường nhắc nhiều tới hai cuốn “Con trâu” và “Rừng U Minh”. Thật ra, mặc dù “Con trâu” là một trong những tiểu thuyết hiện đại Việt Nam được dịch in sớm nhất ở nước ngoài, song với Nguyễn Văn Bổng, cuốn sách tác động tới bạn bè quốc tế một cách sâu sắc nhất lại chính là tiểu thuyết “Áo trắng” ông sáng tác trong hai năm 1971-1972. Cuốn sách tái hiện một cách sinh động phong trào phản kháng của giới trí thức, đô thị miền Nam trước sự kìm kẹp của chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm.
Có lẽ vì bối cảnh của tiểu thuyết có nhiều nét tương hợp với thời kỳ những sinh viên, trí thức trẻ Hàn Quốc nổi dậy chống chính quyền độc tài Chun Đô Hoan ở Đại học Quang Du (phong trào phản kháng này đã bị nhà cầm quyền đàn áp dã man, làm hơn 200 sinh viên thiệt mạng). Ngay từ những năm 80 (của thế kỷ trước), tiểu thuyết “Áo trắng” đã được dịch in ở Hàn Quốc và tới nay, nó đã được tái bản tới 4 lần.
Năm 2006, GS – TS Bae Yang Soo, Trưởng khoa Tiếng Việt của Trường Đại học Ngôn ngữ Quốc tế Pusan đã cất công dịch lại cuốn tiểu thuyết này vì theo ông, trước đó các bản dịch “Áo trắng” đều được thực hiện qua bản dịch từ tiếng Anh và tiếng Nga, còn bản dịch của ông là thực hiện thẳng từ tiếng Việt. Theo Bae Yang Soo cho biết thì ở Hàn Quốc “cuốn sách được chuyền tay, săn lùng rất dữ”, thậm chí, nó còn “dấy lên phong trào học tập cuốn sách như tinh thần đấu tranh yêu nước, ứng xử khôn khéo, bản lĩnh của người làm cách mạng…”