Nhà văn nổi tiếng và đa tài Đoàn Giỏi

Đánh giá về sự nghiệp văn chương của nhà văn Đoàn Giỏi, nhà văn Anh Đức viết: “Với một đời văn trên bốn mươi năm, nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ, đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc ta. Văn của nhà văn Đoàn Giỏi vừa mang chất trữ tình lại vừa mang tính chất lạ kỳ, sôi động”.

Nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình”.

Đoàn Giỏi còn có tên là Đoàn Văn Hòa, bút danh Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư, sinh năm 1925 tại làng Tân Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ

Nhà văn Đoàn Giỏi

Tho (nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu thành, tỉnh Tiền Giang).

Sau khi có bằng Thành chung tại Collège de Mytho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Mỹ Tho), ông lên Sài Gòn học hội họa tại Trường Mỹ thuật Gia Định. Ông sáng tác văn chương từ rất sớm. Năm 1943, lúc mới 18 tuổi, ông đã có truyện ngắn Nhớ cố hương đăng trên tờ Nam kỳ tuần báo do Hồ Biểu Chánh làm chủ bút.

Tháng 8.1945, ông tham gia cách mạng ở quê nhà. Năm 1948, ông được đề bạt làm Trưởng ban Trinh sát Công an huyện; rồi Phó Trưởng ty Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho, phụ trách Phòng Văn nghệ kiêm Chủ bút báo Tiền Phong, cơ quan của Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho. Năm 1950, ông được phân công xuống Rạch Giá, đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ty Thông tin. Năm 1951, ông được bầu làm Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Nam bộ kiêm Phó Trưởng phòng Văn nghệ thuộc Sở Thông tin Nam bộ và là Ủy viên biên tập tạp chí Lá Lúa.

Về mặt văn chương, trong thời kỳ 1946 – 1954, ông viết nhiều thể loại khác nhau, như ký sự lịch sử có Khí hùng đất nướcNhững dòng chữ máuNam kỳ năm 40;  truyện ngắn có Đường về gia hương; kịch thơ có Người Nam thà chết không hàngChiến sĩ Tháp Mười; tập thơ có Giữ vững niềm tin.

Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông công tác tại Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam rồi Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), đồng thời, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn các khóa I, II, III. Thời kỳ này, ông tập trung bút lực sáng tác văn xuôi, có những tác phẩm nổi tiếng, phản ánh tính cách và cuộc chiến đấu chống Mỹ hào hùng của nhân dân Nam bộ, tiêu biểu là tác phẩm Giòng máu Việt Nam phải lưu thôngCây đước Cà MauNgọn Tầm vôngCá bống múHoa hướng dươngTrần Văn ƠnRừng đêm xào xạcCuộc truy tìm kho vũ khíĐất rừng phương Nam. Đặc biệt, quyển Đất rừng phương Nam được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận  nồng nhiệt. Đây là quyển truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi rất thành công và nổi tiếng của ông. Truyện đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, tái bản nhiều lần, được dựng thành phim và in trong Tủ Sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Đồng thời, ông còn sáng tác thơ và có ba tập thơ nổi tiếng: Giữ vững niềm tinBến nước mười haiTruyện thằng Cồi. Ông còn viết kịch bản sân khấu, như các vở Ánh lửaTrong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Bất tử, Ba lần dũng sĩ; trong đó, hai vở Bất tửBa lần dũng sĩ viết chung với Hoài Anh. Sau  năm 1975, ông trở về miền Nam, công tác tại Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục sáng tác với chủ đề về Nam bộ như: Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày viết về Bác Tôn Đức Thắng, Từ đất Tiền Giang viết về cán bộ cách mạng lão thành Nguyễn Thị Thập, Tiếng gọi ngàn và Các con vật trên rừng dưới biển. Ông còn viết nhiều bài ký sự lịch sử  về những người phụ nữ Nam bộ “thành đồng Tổ quốc” và hàng loạt bài về thổ sản của Đồng bằng sông Cửu Long với sự hiểu biết sâu sắc. Về biên khảo, ông có hai tác phẩm: Những chuyện lạ về cá, Tê giác giữa ngàn xanh.

Ngoài ra, ông cũng đem hết tâm huyết và kinh nghiệm trong việc góp phần đào tạo, bồi dưỡng giới nhà văn trẻ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, ông đã hoàn thành việc sưu tập một khối lượng lớn tư liệu để chuẩn bị viết quyển Núi cả cây ngàn, nói về thuở hồng hoang và những trang sử  thi của vùng đất mới phương Nam. Đề cương của tác phẩm này gồm 10 chương đã được ông viết xong, tuy nhiên bản thảo chưa hoàn tất thì tháng 4-1989, ông từ trần tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Do có công lao to lớn đối với nền văn học  nước nhà, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 (2001).

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

Theo nguồn: https://vanvn.vn/nha-van-noi-tieng-va-da-tai-doan-gioi/