Hồ Chí Minh – Tên người là cả một niềm thơ

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ. Nhưng với gia tài là những áng thơ vô cùng đa dạng và phong phú về thể loại, nội dung và ngôn ngữ, Người đã trở thành một nhà thơ lớn của thời đại. Thơ Hồ Chí Minh hàm súc, thâm thúy, mang màu sắc cổ điển nhưng vẫn luôn ngời sáng tinh thần thời đại. Và cao hơn thế, chính cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn của rất nhiều thi sĩ. Chúng ta đã có hàng trăm bài thơ bất hủ của các nhà thơ tên tuổi trong nước viết về Người như: Sáng tháng Năm, Bác ơi, Theo Chân Bác (Tố Hữu), Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên), Viếng Lăng Bác (Viễn Phương), v.v… và cả hàng nghìn bài thơ, hò, vè do quần chúng nhân dân sáng tác để bày tỏ lòng kính yêu vị Cha già của dân tộc. Đồng cảm với lòng kính yêu vô hạn đó, rất nhiều nhà thơ trên thế giới ở khắp các châu lục đã viết nên những bài thơ chứa chan cảm xúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song do sự bất đồng về ngôn ngữ, những khó khăn trong công việc chuyển ngữ thơ, nên nhìn chung chúng ta chưa có điều kiện thống kê đầy đủ và tiếp xúc một cách có hệ thống với những bài thơ ấy. Trong phạm vi bài viết này, tôi không có tham vọng làm công việc đó, mà chỉ xin được giới thiệu một số bài thơ đã được biên dịch, chọn lọc và giới thiệu trong một số ấn phẩm đã được xuất bản, với mong muốn thông qua việc tìm hiểu những bài thơ này, chúng ta sẽ phần nào hiểu thêm về tình cảm của nhân dân thế giới đối với Bác Hồ kính yêu, đồng thời đưa ra một góc nhìn mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một “niềm thơ” bất tận.

1.“Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ”– Là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Cuba Phêlích Pita Rôđơrighết, đã khẳng định sức hấp dẫn của đề tài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các thi sĩ. Từ một nhân vật lịch sử mà tên tuổi đã trở thành huyền thoại, Người đã đi vào thơ ca và trở thành một hình tượng nghệ thuật có sức rung động và toả sáng mạnh mẽ. Và cũng chính trong thơ ca, Hồ Chí Minh hiện lên là sự hội tụ những phẩm chất chung ưu tú của người lãnh tụ, đồng thời cũng mang đậm phong thái riêng của mình. Đó cũng là con đường đi chung của quy luật điển hình hoá trong thơ. Song có thể khẳng định rằng, hiếm có lãnh tụ của một quốc gia nào lại có tầm ảnh hưởng và sự lay động trong thơ lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.

Cả cuộc đời mình, từ thuở còn niên thiếu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của Việt Nam cũng như tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Vì  mục tiêu ấy, Người đã đi “khắp bốn phương để tìm chân lý, tìm đường cứu nước, cứu dân… không quản ngại bất kỳ khó khăn trở ngại nào”[1]. Người đã đặt chân qua gần 30 quốc gia, sống bằng nhiều nghề vất vả chỉ để mong có một ngày được trở về đất nước, lãnh đạo nhân dân, đưa Tổ quốc thoát khỏi gông cùm: “Vì đất nước/Người đã ra đi/Tại những miền xa lạ/Người hiểu thêm Tổ quốc của mình” và rồi “Người đã học/ Để soi sáng cho muôn người khác”[2]. Công cuộc chèo lái con thuyền cách mạng bền bỉ ấy đã được Eoan Maccon dựng lại một cách đầy sinh động:

“Hồ Chí Minh – Ông già thuyền trưởng

Đã từng qua bốn biển năm châu

Sinh cảnh đói nghèo, lớn bước gian lao

Lòng sạch, chí cao đã thành thép qua nghìn lửa đạn

Hồ Chí Minh dong buồm về nước

Vung cánh tay ngang trời Tổ quốc

Kêu gọi nhân dân lớp lớp theo Người

Để thoát kiếp ngựa trâu xây lại cuộc đời

……………………………………..

Phất cao cờ Việt Minh chói sáng

Làm một mùa thu cách mạng

Đánh Pháp tan tành, đánh Mỹ đảo điên”

(Hồ Chí Minh, Eoan Macccon –  Anh, Đào Anh Kha dịch)

Nếu như nói rằng, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh đã được “thơ hoá” bởi Eoan Maccon có lẽ chưa hoàn toàn chính xác, nhưng qua mỗi vần chữ, mỗi câu thơ, dường như hình ảnh của Bác, hoạt động của Bác đã được tái hiện một cách tỷ mỷ và rõ ràng trước mắt độc giả.

Đất nước Việt Nam nhỏ bé quằn quại trong sự đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ, chiến tranh cứ nối tiếp chiến tranh từ năm này qua năm khác, Hồ Chí Minh vẫn quên mình, miệt mài ra sức lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống xâm lược. Người đã làm được một công việc phi thường: “… Lau khô những dòng nước mắt/ Dòng nước mắt trên nét mặt lịch sử Việt Nam”[3], Người đã đưa đất nước Việt Nam “Từ năm tháng tối tăm, máu trào và nước mắt/ Họ đã vùng lên như một giấc mơ”. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân Việt Nam từng bước đánh thắng mọi kẻ thù, bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của độc lập, tự do, làm nên:

“Một dải đất huy hoàng Việt Nam

Một nhân dân anh hùng

Với tên Hồ Chí Minh chói sáng”

(Hồ Chí Minh, Eoan Maccon – Anh, Đào Anh Kha dịch)

“Người đã hồi sinh cuộc sống/ Lên ngang tầm thời đại Việt Nam”[4]. Sự cống hiến của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và phong trào quốc tế vì hoà bình vô cùng to lớn, “Bởi có Người, Việt Nam chiến thắng”[5]. Nhà thơ Tha Noong Xắc (Lào) trong bài thơ “Kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã viết:

“Sự nghiệp của Người bất diệt

Toả sáng lung linh không gì che được

Đẹp như trăng rằm soi rọi đêm thâu”

(Hùng Phi dịch)

Rồi mai đây, cả muôn đời sau nữa, hình ảnh Hồ Chí Minh sẽ luôn được lồng trong hình ảnh Việt Nam, một Việt Nam của ngày mai tươi sáng đã được dự báo trước, là một “Hình dáng vinh quang của cửa ngõ có một không hai/ Để đi vào thế giới tương lai”.

Dưới con mắt của các nhà thơ thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên như một viên ngọc sáng lung linh về nhân cách, một người cộng sản mẫu mực về đạo đức, giản dị trong cách sống: “Người giản dị tự nhiên như là hoa thơm trái ngọt”. Đúng như nhà thơ Gheoocghi Vexelinop (Bungari) viết: “Người ở trong tất cả chúng tôi/ Người vĩ đại nhưng gần gũi thôi” (Nụ cười, Nguyễn Chí Thành dịch)

Hay: “Ôi! Hiền dịu Bác Hồ/ Chính là sức mạnh của lòng ta đó/….Là một/ Người cũng là tất cả” (Hồ Chí Minh, Ernst Schuhacacher – Cộng hoà Liên bang Đức, Đinh Quang dịch).

Trong suốt 60 năm cuộc đời đầy sóng gió, bắt đầu từ khi lấy tên Văn Ba, làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, cho đến khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, một điểm nổi bật, xuyên suốt trong Người đó là lòng nhân ái, tình thương yêu con người cháy bỏng. Trước hết, Bác là người cùng gánh nỗi đau thương triền miên của dân tộc, của những con người chịu kiếp sống nô lệ: “Người đau nỗi đau của những vết thương trên mình mỗi em bé Việt Nam bị quỷ “yan-ki” giết chết/ Khi giặc lái của Lầu Năm góc phá đổ mỗi ngôi nhà/ Thì lòng Người bỗng nhiên như sụp mái/ Bởi vì trong mỗi xóm nhỏ tan hoang vì bom napan Mỹ/ Một mảnh tim Người tự cháy xót xa”[6].

Tình thương yêu, sự xót xa ấy còn tràn về cả quá khứ tối tăm thời Pháp thuộc: “… Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa/ Vì Người đã chết hai triệu lần năm bốn nhăm khủng khiếp/… Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ/ Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước/ …. Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực”[7]. Và cao hơn thế, Hồ Chí Minh luôn đứng về phía những người cùng khổ trên thế gian này. Tấm lòng nhân ái, tình cảm cao thượng ấy được khắc hoạ bằng những hình ảnh vô cùng ấn tượng:

“… Người đã sống cùng người phu Quảng Châu, Thượng Hải

Và đo được mức tận cùng đói rách

Và ở Nam Phi, Người cũng đo được đói rét tận cùng

Của những người Ấn cùng đinh sang đó

Tìm miếng cơm nuôi sống qua ngày

Bởi vì Người đã đến với dân lao động

Tự đào huyệt chôn mình khi vét dòng kênh Panama”

(Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ, Phêlích Pita Rôđơrighết – Cuba, Hoàng Hiệp dịch)

Trái tim Hồ Chí Minh đập cùng nhịp với trái tim hàng triệu người dân lao động. Thuộc về nhân dân, Người đau nỗi đau của nhân dân, “Bí quyết sức mạnh của Người. Nền tảng quyền lực của Người là ở đó”[8]. Chính sự đồng điệu ấy đã tạo nên sự vĩ đại trong tên gọi Hồ Chí Minh:

Điều vĩ đại của Người, Bác Hồ, chính là Người hiểu

Người là ai và đã sống vì ai”

(Bác Hồ, Steve Mason – Mỹ, Hoàng Lê dịch)

Trên thế giới, chưa bao giờ có vị lãnh tụ nào lại gần gũi với nhân dân mình hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải thấu hiểu điều đó đến đỉnh điểm, phải kính yêu dân tộc Việt Nam và Bác Hồ đến độ máu thịt của mình, mới có thể viết được lên những câu thơ: “Và tất cả chung đúc vào đây/ Người du kích, nhà thơ, nhà chính trị, người thầy/ Để làm nên một người cộng sản/ Hồ Chí Minh, gốc của dân và cũng chính là dân”[9]. Dân tộc, nhân dân Việt Nam và Hồ Chí Minh đã hoà làm một. Trong Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không có phần dũng cảm, sự quyết tâm của người du kích, sự thông minh, cảm xúc của một nhà thơ; phần tinh anh và tầm nhìn xa của người chính trị; sự hiểu biết và cao qúy của người thầy và đặc biệt là sự trong sáng của những người dân lao động. Điều đó cũng có nghĩa, Người là “đất nước, là máu xương của Tổ quốc”.

Xanvađo Agienđê, người con vinh quang của nhân dân Chilê trong buổi trả phỏng vấn một nhà báo đã trả lời câu hỏi: “Ba đức tính nào của những nhà hoạt động chính trị mà Ngài muốn có và Ngài sẽ lấy ai làm gương” rằng: “Liêm khiết, nhân đạo và vô cùng khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Người đã hy sinh cả tên tuổi, cả cuộc sống cá nhân của mình để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, mà chưa bao giờ nghĩ tới sự sung sướng, giàu sang cho mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh không có cái gì riêng, quyền lợi của đất nước, lợi ích hàng ngày của nhân dân là sự lo lắng đêm ngày của Người. Cả thế giới đã tôn vinh Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, nhưng “Trên ngực Người không đòi hỏi huân chương”, cả cuộc đời của Người một là minh chứng cho:

“Khiêm tốn của sự vĩ đại

Của lòng trung thực, của sự hiển danh

Hiển danh lừng lẫy trong sự trong sạch

Chứ không phải trong những chiến công”

(Hồ Chí Minh, Apđen Malackhan – Cộng hoà Ả Rập thống nhất)

Dường như càng giản dị, khiêm tốn thì tầm ảnh hưởng của Bác lại càng được mở rộng, “Tâm hồn Người bao trùm thế giới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong sự vĩ đại của mình, các nhà thơ với trái tim đầy yêu thương và thành kính đã cảm nhận sâu sắc được điều đó. Vì thế, họ đã dành rất nhiều hình ảnh đặc sắc để khái quát về vẻ đẹp của một vĩ lãnh tụ nước ngoài.

Nhà thơ Batumga (Mông Cổ) đã nhận xét về Bác: “Sắc đẹp hoa sen cùng với nhân dân/ Cây tươi thắm qua trăm nghìn thế hệ/ Hồ Chí Minh bóng cả”.

Theo quan niệm của người Á Đông, hoa sen là biểu tượng của sự thuần khiết, là hình ảnh đại diện cho bậc chính nhân quân tử. Chỉ qua ba câu thơ, hình ảnh Bác hiện lên với một vẻ đẹp ngời sáng.

Nhà thơ Brazil, Ismael Gomez Braga trong bài thơ “Chúc tụng Bác Hồ” đã ví vẻ đẹp của Bác như vẻ đẹp trắng trong của bông Huệ Châu Mỹ Latinh: “Cuộc đời Người như bông huệ trắng/ Như mặt gương càng ngắm càng trong/ Quỷ Mỹ kia đỏ vỏ đen lòng/ Không che nổi mặt Người toả sáng”.

Nhà thơ Rơne Đepextrơ bằng con mắt và trái tim nhạy cảm của mình đã nhìn ra nét đẹp giản dị, thanh cao của một nền đạo đức có sức lay động mọi linh hồn của Hồ Chí Minh bằng những câu thơ chân tình:

“Các bạn hãy nhìn lên những cây ô liu trên núi

Các bạn hãy nhìn vào biển cả lấp loáng đằng xa

Các bạn hãy nhìn những cây vải cao quả non chi chít

Và con sông Va rền rĩ ở xa

Rồi các bạn ơi hãy lặng im

Với vẻ cao đẹp của Bác Hồ

Người sẽ ngời ngợi trong tim ta mãi mãi”

(Ngôi mộ Hồ Chí Minh, Rơne Đepextrơ – Haiiti, Mai Nhi dịch)

Cũng khái quát về nét đẹp tâm hồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Inđônêxia M.R.Đagio đã sử dụng hình ảnh lấp lánh bên trong viên ngọc để miêu tả đức độ “cao tựa núi non” của Người: “Người không mang danh dự ghế suy tôn/ Ngồi vào đấy, với Người, không có nghĩa/ Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/ Thì có nghĩa gì chiếc ghế phủ nhung êm”.

Nhà thơ Paven Antokonxki (Liên Xô) trong bài thơ “Bức tượng đồng trong rừng sâu” đã sử dụng hình ảnh Phật Thích ca để gợi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bức tượng bằng đồng/ …Dưới lòng đất sâu giống Phật Thích ca/ Bức tượng đỏ ngầm loé lên bao dấu vết”[10]. Lòng nhân ái cao cả của Hồ Chí Minh đã lay động đến tận cùng trái tim của người nghệ sĩ. Người đã trở thành:

“Vị thánh sống của nghìn thánh sống

Và ân nhân của cả muôn đời”

(Chúc tụng Bác Hồ, Ismael Gomez Braga – Brazil, Đào Anh Kha dịch)

Hồ Chí Minh – sự kết hợp những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam và con người toàn nhân loại. Từ Người toát ra tinh hoa truyền thống, lương tâm của thời đại và phẩm giá của tương lai. Tất cả những gì tốt đẹp nhất trên thế giới này dường như được sinh ra để dành tặng và nói về Người. Bác đã ra đi, nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người sẽ trường tồn với thời gian và cả những tình cảm của nhân dân đối với Bác cũng sẽ là vĩnh cửu:

“Hồ Chí Minh, hạnh phúc nở muôn hoa

Thế giới quanh Người không dứt ngợi ca”

(Hồ Chí Minh, Eoan Maccon, Anh Đào Anh Kha dịch)

Dưới lăng kính chủ quan của mỗi nhà thơ, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên trong vẻ đẹp ở nhiều góc độ, nhưng tất cả những cảm nhận đó đều có một điểm chung đó là sự ngưỡng mộ và thành kính trước một nhà cách mạng lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Người đã đi xa hơn 40 năm, nhưng chắc chắn hiện tại và tương lai vẫn sẽ còn có nhiều bài thơ có giá trị được sáng tác để ca ngợi tâm hồn vĩ đại, tư tưởng cao thượng và tính cách cao quý của Người.

  1. Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường theo tổ tiên, về với “thế giới người hiền” trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam và thế giới: “Một trái tim ngừng đập/ Cả thế giới bỗng lạnh ngắt tái tê”[11]. Nhưng “Bác Hồ chỉ chết về phần thể xác, phần vật chất, phần có thể mai một. Nhưng ý nghĩa của cuộc đời chiến đấu của Người thì như một kim chỉ nam sẽ hướng dẫn con đường đi cho các chiến sĩ chống thực dân và chống đế quốc”[12].

Tang lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngập tràn sự tiếc thương vô hạn của nhân dân trong nước và thế giới, cả những nhân vật đã từng đứng bên kia chiến tuyến với Người. Nhưng tang lễ đó không chứa đựng nỗi bi thương lớn nhất mà chứa đựng một tình yêu và một đức tin lớn lao kỳ lạ đối với một con người. Có một nhà báo Úc khi chứng kiến những giọt nước mắt chân thành và ngập tràn kính thương trên gương mặt của những đứa trẻ chăn trâu đến những cụ già Việt Nam, từ những người bạn quốc tế đã từng cùng hoạt động với Người đến những người chưa bao giờ được gặp mặt, Ông đã nhận ra sức mạnh không thể khuất phục được của tư tưởng Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam. Niềm tin của nhân loại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở đức tin đối với một vị lãnh tụ mà là đức tin vào một giấc mơ đẹp đẽ, lớn lao và linh thiêng của đời sống loài người: Người là hiện thân sức mạnh niềm tin:

“Người là vừng dương

Đang đem lại bình minh cho nhân loại

………………………………………..

Người là ước mơ

Đôi tay Người có sức thần thúc giục

Là anh hùng

Trái tim Người lay động cả tương lai”

(Việt Nam, Môninđra Rây, Ấn Độ, Nguyễn Ngọc Trường, Lê Công Phụng trích dịch)

Cuộc sống của Người là hiện thực của những điều vô cùng giản dị nhưng lại lớn lao vô cùng. Chính hiện thực ấy đã tạo nên niềm tin cho những con người cần lao. Niềm tin mà Người gieo vào tâm hồn mỗi con người không phải niềm tin giáo điều trong sách vở mà là niềm tin vào: Thế giới, ước mơ, lao động, vào kế hoạch và những chân trời xa mới (Trích theo ý thơ trong bài thơ: Hoa Cẩm chướng Việt Nam, Ivan Kuprianov – Liên Xô, Tế Hanh dịch).

Bác Hồ đã mất, nhưng tư tưởng của Người, tấm gương cụ thể về cuộc đời của Người “Còn đây mãi mãi vẫn còn đây/ Đã biến thành khí trời đất nước”[13], Người sẽ luôn song hành cùng giấc mơ của chúng ta. Vì thế, sẽ là một điều bình thường khi có người đã từng nói rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành bất diệt, nó sẽ nảy nở ở bất cứ nơi nào cần có một cuộc đấu tranh giống như cuộc đấu tranh được tiến hành ở Việt Nam.

“Người sẽ là ánh bình minh trên những cánh đồng trở lại yên lành

Một lời ca đến với chúng ta từ những ngọn núi và những dòng sông

……………………………………….

Lời ca của những tình yêu tái ngộ

Ánh loé của một ngọn đèn

Và bát cơm, gạo trắng tinh

Một lời ca đến với chúng ta

Rọi ánh sáng cho những con đường của chúng ta”.

(Từ một thửa ruộng ở Hà Nội đến quán Caphêtơria ở Vanhxennơ, Mirây Găngxen – Pháp, Nguyễn Minh Vỹ dịch)

Hồ Chí Minh – Người không phải là một nhà thuyết giáo, một vị Thánh, mà đơn giản, Bác là một người yêu Tổ quốc, yêu con người bằng cả sự sống của mình. Từ khi cả dân tộc Việt Nam và các dân tộc nô lệ vẫn chìm trong bóng tối và nhìn về Tổ quốc mình với nỗi tuyệt vọng, thì Hồ Chí Minh, mọi lúc, mọi nơi vẫn miệt mài đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình và cho hoà bình thế giới. Ngay cả những lúc Người bị vây hãm bởi những thế lực luôn luôn muốn dập tắt tiếng nói về độc lập, tự do, Người vẫn cất cao tiếng nói kiêu hãnh về dân tộc, tiếng nói của khát vọng tự do. Vì thế, “Chúng tôi sẽ nói đến tên Người: Hồ Chí Minh, mỗi khi chúng tôi muốn nói đến lòng tin ở thắng lợi”[14]: “Người đi giữa chúng tôi/ Lãnh tụ của cách mạng/… Người cùng chúng tôi/ Gặt mùa chiến thắng” (Người đi giữa chúng tôi, Lincon Becman – Mỹ)

Sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mất mát to lớn của phong trào cách mạng thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc sẽ kết thúc, mà đó mới chỉ là sự mở đầu cho cuộc đấu tranh. Những hậu thế của Người sẽ không bao giờ lùi bước, mà sẽ thổi bùng ngọn lửa cách mạng để tiếp bước con đường của Người: “Chủ tịch Hồ Chí Minh/Người vẫn sáng lung linh kỳ vĩ/ Lớp lớp chúng con tiếp bước theo Người/ Đến chủ nghĩa xã hội/ Đến hạnh phúc, văn minh/ Và hoà bình mãi mãi”[15].

Bác Hồ kính yêu – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và nhân dân bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới, Người là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cuộc đời và những cống hiến Người để lại cho muôn đời sau đã trở thành niềm tin và sức mạnh của chân lý, là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng con người, là một trong những thứ hiếm hoi trong thế giới này vượt qua được sự băng hoại của thời gian:

“Bác Hồ

Là bài ca của chúng ta

Là ngọn lửa tình yêu trong sáng

Là chim bồ câu trắng

Là cành ô liu

Là tiếng hát của toàn thế giới

Là chìa khoá mở ra chiến thắng

Cho quyền sống hoà bình”.

(Quyền sống hoà bình, Vichto Hara – Chilê, Minh Đăng Khánh dịch)

Dù thế giới có đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi, cho dù “Cả trái đất mây mù ảm đạm” nhưng “Vẫn không che nổi ánh mắt của Người”[16].

Thơ ca là một trong những loại hình nghệ thuật gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình chuyển ngữ. Bởi việc thay đổi ngữ âm, từ ngữ rất dễ làm suy giảm giá trị của bài thơ, đặc biệt làm sao chuyển tải được nguyên vẹn tình cảm của một tác giả nước ngòai tới độc giả trong  nước là một trách nhiệm vô cùng nặng nề đối với những người dịch thơ. Vượt qua tất cả những rào cản đó, nhân dân Việt Nam với các nhà thơ và nhân dân thế giới đã tìm thấy tiếng nói tương đồng là sự yêu thương và thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có ý kiến đã từng cho rằng: Văn hóa là sợi dây có khả năng nối liền nhân dân các nước và các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng sự nghiệp hoạt động cách mạng và những cống hiến về văn hóa của mình đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bắc nhịp cầu giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè khắp năm châu. Cảm ơn các thi sĩ quốc tế – Những người bạn ngoại quốc quý giá của nhân dân Việt Nam đã cất lên những tiếng nói trữ tình từ trái tim nhân hậu, để khẳng định sức mạnh trong nhân cách, đạo đức và hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cổ vũ cho mỗi người dân Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường vinh quang mà Bác Hồ kính yêu đã đưa đường chỉ lối./.

Mỹ An

[1] Bảo tàng Hồ Chí Minh: Trái đất nặng ân tình nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.57

[2] Hồ Chí Minh, Ernst Schuhacacher – Cộng Hoà Liên Bang Đức, Đinh Quang dịch

[3] Hồ Chí Minh, Amrita Pritam – Ấn Độ, Tố Hữu dịch

[4] Việt Nam, Môniđra Rây – Ấn Độ, Nguyễn Ngọc Trường, Lê Công Phụng trích dịch

[5] Chúc tụng Bác Hồ, Ismael Gomez Braga – Brazil, Đào Anh Kha dịch

[6] Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ, Phêlích Pita Rôđơrighết – Cuba, Hoàng Hiệp dịch

[7] Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ, Phêlích Pita Rôđơrighết – Cuba, Hoàng Hiệp dịch

[8] Đông Tây: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Le Peuple, 1946. Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu: H29C11/01

[9] Bác Hồ, Lisanđoro Otero – Cuba, Lê Xuân Quỳnh dịch

[10] Trong một lần nhà thơ đến chơi nhà hai vợ chồng hoạ sỹ Phạm Văn Đôn và Nguyễn Thị Kim, nhà thơ rất chú ý đến một bức tượng, theo như lời kể, bức tượng đó của nhà nặn tượng Nguyễn Thị Kim tạc hình Chủ tịch nước Việt Nam, đồng chí Hồ Chí Minh. Trong những năm kháng chiến, bức tượng được chôn giấu cẩn thận, người ta bảo vệ nó như bảo vệ quân trang quân dụng.

[11] Thơ của nữ thi sĩ Blaga Đimỉtôva – Bungari

[12] Bảo tàng Hồ Chí Minh: Trái đất nặng ân tình nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh, Sđd, tr.98

[13] Bác Hồ, Lisanđoro Otero – Cuba, Lê Xuân Quỳnh dịch

[14] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, t.2, tr.49-50

[15] Kính dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tha Noong Xắc – Lào, Hùng Phi dịch

[16] Chúc tụng Bác Hồ, Ismael Gomez Braga – Brazil, Đào Anh Kha dịch