Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi: Người nối hai đầu thế kỷ…

Dòng chảy văn học, nghệ thuật trong ông dường như không bao giờ ngưng nghỉ, những con chữ được ấp ủ từ lâu vẫn lần lượt hiện ra dưới ngòi bút chắc khỏe, đầy cảm hứng của ông mỗi ngày, để cho ra đời những những tác phẩm mới về quê hương, đất nước.

Đó là một nét phác họa chân dung nhà văn, nhà viết kịch Học Phi (1913 – 2014) – người đã nối hai đầu thế kỷ XX và XXI…

Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh ngày 18/3/1913 tại Tam Nông, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1936, ông bắt đầu viết văn sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp. Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông làm Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Hưng Yên. Năm 1946 làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Năm 1947-1948, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa  kháng chiến Liên khu III, sau chuyển lên Ban biên tập Ban Tuyên huấn Trung ương, rồi phụ trách Đoàn Văn công Trung ương. Hòa bình lập lại, Học Phi trở về Hà Nội. Ông giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho tới lúc về hưu. Với công lao đóng góp của mình, Học Phi đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật (đợt 1-1996) và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. Các con trai của ông là nhà văn Hồng Phi (1936-2012), nhà văn Chu Lai (đều đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật)…

Tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, với 81 năm tuổi Đảng và hơn 60 năm cầm bút viết báo, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim phục vụ cách mạng… Dòng chảy văn học, nghệ thuật trong ông dường như không bao giờ ngưng nghỉ, những con chữ được ấp ủ từ lâu vẫn lần lượt hiện ra dưới ngòi bút chắc khỏe, đầy cảm hứng của ông mỗi ngày, để cho ra đời những tác phẩm mới về quê hương, đất nước. Đó là một nét phác họa chân dung nhà văn, nhà viết kịch Học Phi (1913 – 2014) – người đã nối hai đầu thế kỷ XX và XXI…

Cảnh trong vở chèo Ni Cô Đàm Vân – một trong những tượng đài của nền sân khấu cách mạng Việt Nam”…

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bãi Sậy anh hùng, ông nội là nghĩa quân Bãi Sậy, thân phụ là một nhà Nho yêu nước, gia đình ông những năm kháng chiến từng là cơ sở đi lại, nuôi dấu cán bộ hoạt động bí mật những năm 1930, vì vậy ông đã sớm giác ngộ cách mạng, 13 tuổi tham gia hoạt động bí mật, đến năm 1932 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhà văn Học Phi từng bị tù đày ở nhà lao Hưng Yên, rồi Hỏa Lò, Hà Nội, những năm tháng trong nhà tù của thực dân Pháp, ông và các chiến sĩ Cộng sản đã đấu tranh anh dũng bất chấp sự tra tấn tàn bạo, dã man và thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc của kẻ thù, để bảo toàn khí tiết người Cộng sản. Từ năm 1936, sau thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, bọn thực dân buộc phải tha một số tù chính trị, trong đó có Học Phi…

Nhưng ra khỏi nhà tù chưa phải đã hoàn toàn tự do, mà bị quản thúc ở làng, như kiểu tù giam lỏng. Đây chính là những ngày tháng buồn chán nhất. Chiều chiều, ông thường ra cánh đồng nhìn về phía chân trời đợi ngày tiếp tục được hoạt động. Đây cũng chính là thời gian ông tập viết văn để giết thời gian, ông vừa làm báo đoàn thể vừa viết truyện. Những tác phẩm đầu tay chủ yếu viết về đề tài cách mạng, chống thực dân, phong kiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuối năm 1942, đầu năm 1943, nhà văn Học Phi được Trung ương giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Vũ Quốc Uy xây dựng Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Tổ đầu tiên gồm 4 người là Học Phi, Vũ Quốc Uy, Như Phong và Ngô Lê Động, họp ở số nhà 11 phố Hàng Đường, Hà Nội tháng 3/1943. Đến năm 1944 do nhu cầu công tác, ông mới bắt đầu viết kịch. Vở kịch đầu tay Cà sa giết giặc, bằng vốn sống của mình hoạt động ở nhiều ngôi chùa ở đồng bằng Bắc Bộ, có nơi ông phải cắt tóc làm nhà sư, cùng ăn chay niệm Phật với các sư sãi trong chùa, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu kinh Phật và bắt tay vào viết tác phẩm này ở chùa Bà Đá, lúc đó là trụ sở của Trung ương Hội Phật giáo cứu quốc Việt Nam. Vở kịch lần đầu tiên được công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội vào dịp Quốc khánh 2/9/1946. Vở diễn rất được chú ý vì dàn diễn viên toàn bộ là nhà sư, diễn xong được nhà xuất bản in, in xong chưa kịp đóng sách thì kháng chiến bùng nổ, Nhà xuất bản sơ tán, đánh mất. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Học Phi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên…

Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Học Phi đã viết trên 40 vở kịch, riêng có 3 vở được trình diễn phục vụ 3 kỳ đại hội Đảng toàn quốc. Các tác phẩm của ông chủ yếu nói về hoạt động của Đảng trong thời kỳ bí mật. Từ vở diễn đầu tiên Cà sa giết giặc đến vở Chị Hòa, ông đã tạo dựng cho mình một phong cách riêng, qua đây công chúng khẳng định vị trí, tài năng sáng tác kịch của ông. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu đánh giá rất cao những vở diễn của ông, trong đó có Chị Hòa là cái mốc đánh dấu sự chuyển biến của kịch nói. Còn với vở Ni cô Đàm Vân, chuyển thể sang chèo đã được 10 đoàn nghệ thuật và các đoàn kịch nói biểu diễn. Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà văn Học Phi, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức biểu diễn vở chèo Ni Cô Đàm Vân tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự và chúc mừng ông. Những năm 1970 của thế kỷ XX, tôi chơi thân với nhà văn, nhà viết kịch Hồng Phi và đã cộng tác thiết kế mỹ thuật nhiều vở diễn của anh, trong đó có vở kịch nói Dòng sông ám ảnh nổi tiếng (do đạo diễn Đoàn Anh Thắng dàn dựng) đã đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980. Đặc biệt, năm 1979, ngay sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, Hồng Phi đã sáng tác kịp thời vở Điểm tựa không tên được Đoàn Kịch Quân khu I dàn dựng, rồi đạt Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu toàn quân năm 1984… Vào những năm 80, tôi gặp nhà văn, nhà viết kịch Chu Lai sau khi từ chiến trường trở về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội và đã cộng tác với anh trong mảng các bài viết về nghệ thuật… Ngày nhà văn Học Phi đi xa, Chu Lai tâm sự: “Ông cụ nhà mình đã vô cùng thanh thản, lặng lẽ đi vào miền thăm thẳm. Hình như, cả cuộc đời đã viết nhiều về các ni sư, chùa chiền, nơi hoạt động cách mạng nhiều năm, nên cụ đã đi vào cõi vĩnh hằng vào dịp Lễ Phật đản”… Tôi tiếp lời anh – “Có lẽ đúng như thế, vì chỉ riêng vở chèo Ni Cô Đàm Vân đã có 10 đơn vị nghệ thuật dàn dựng trên cả nước và đó cũng là một trong những tượng đài của nền sân khấu cách mạng Việt Nam”…

NSND Lê Huy Quang
Theo nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nha-van-nha-viet-kich-hoc-phi-nguoi-noi-hai-dau-the-ky-169156187.htm