Đồng chí

Ba Tuấn đi về, vui vẻ nói với bác Bảy, người nấu cơm của đại đội:

– Trưa nay bác cho tôi ăn cơm sớm nghen bác Bảy, tôi đi có việc.

Nói rồi Ba Tuấn về lán, căng võng nằm một cách thỏa thích. Mấy hôm rày Ba Tuấn đang chạo rạo trong một niềm vui hơi khác thường: Anh vừa nghe đồng chí tham mưu trưởng tiểu đoàn mới đổi về (thay cho đồng chí tham mưu trưởng cũ vừa hy sinh) vốn là người đồng hương của anh. Anh xa quê đã lâu rồi, bây giờ mọi kỷ niệm về những người cùng quê đều khiến anh bồi hồi.

Bác Bảy đang chuẩn bị nấu cơm dưới bếp, tiếng soong nồi khua rổn rảng Ba Tuấn nghe như một điệu nhạc vui. Anh vui vẻ nói vọng xuống:

– Hôm nay bác cho ăn gì đó, bác Bảy?

– Lại rau “tàu bay” thôi.

– Bác có biết đồng chí Thanh Quang, tham mưu trưởng tiểu đoàn mới đổi về không?

– Phải đồng chí người cao rỏng rảnh, râu quai nón…

– Dà, nó cao lắm, hơn tôi tới một đầu. Người đồng hương của tôi đó nghe bác Bảy, cũng ở Cẩm Sơn. Hôm nay tôi định lên trên đó gặp nó, nếu quả đúng như vậy thì hai chúng tôi là bạn thân nhau lắm. Nhà hai đứa ở khít nhau, suốt ngày đi đâu cũng có đôi có cặp… Đây nè, cái thẹo…

Bác Bảy gật gù, đáp theo giọng của bác:

– Ờ, cuộc đời kháng chiến rày đây mai đó, lâu lâu gặp người đồng hương cũng vui…

– Dà… Lần đó tôi leo bắt ổ chim tuột tay té từ trên cao năm sáu thước xuống, nó đứng dưới kêu thét lên rồi cứ thế chạy ào tới đưa tay ra đỡ. Tôi bị té dập đầu, còn nó thì bị gãy xương ống tay, phải bó thuốc gần năm trời mới hết… Cho tới lớn lên rồi hai đứa đi bộ đội cũng đi một lượt. Vì yêu cầu mỗi đứa phải đi mỗi nơi, đến nay ngót mười năm rồi chúng tôi không gặp nhau…

– Ờ, bạn bè tâm giao còn hơn người cật ruột… Bác Bảy kết luận như vậy, rồi bỏ đi xuống suối rửa rau.

Ba Tuấn nằm lại lắc võng, ngẫm nghĩ.

Đến lúc ăn cơm – bác Bảy dọn cẩn thận phần Ba Tuấn một mâm đầy thức ăn chỉ nấu bằng rau “tàu bay” – Ba Tuấn lại được dịp thổ lộ:

– Tôi xa quê ngót mười năm rồi bác Bảy à. Làng xóm chỉ còn nhớ lờ mờ, bà con thân thuộc thì có người nhớ người quên. Nhiều đêm tôi nằm không ngủ được, những mong gặp được người đồng hương cho dù có họ hàng hay không cũng được, để được dịp ôn lại những kỉ niệm cũ. Được vậy thì chắc lòng nhớ thương cũng khuây khỏa đôi chút. Chắc bác chưa được qua Cẩm Sơn lần nào hả bác Bảy? Nhưng bác cũng có nghe nói tới chớ? Làng ở cặp bờ sông Cửu Long, đẹp lắm bác Bảy à. Dân tình chí thú mần ăn nên nhà cửa khang trang từ đầu làng tới cuối xóm đâu đâu cũng thấy cây trái vườn tược sum suê. Còn nói về việc cách mạng thì không kém nơi nào. Đêm đồng khởi đùng một cái du kích từ các lùm các bụi xách súng chạy ra đánh sập bót, diệt hết tề điệp… Cho nên, tôi gẫm mình làm cách mạng…

– Ờ.

Bác Bảy chỉ ừ hử cho qua chuyện. Có lẽ tâm trí bác Bảy cũng mong được dịp trở về quê hương của bác, cái xứ đất đai chắc cũng tốt lành, và việc cách mạng thì hẳn không thua nơi nào.

– Tôi gẫm mình làm cách mạng vì cái chung mà cũng vì cái riêng bác Bảy à. Năm xã tôi được giải phóng tôi mừng vô số kể, ra đi mà trong bụng cũng yên tâm phần nào. Từ đó đến nay ngót mười năm không khi nào được dịp là tôi không hỏi thăm về làng xóm quê hương tôi: Việc đánh giặc ra sao, mần ăn thế nào, bà con ai còn ai mất… Những chuyện thường tình vậy mà khiến tôi bận tâm hết sức. Hễ nghe đâu có người đồng hương dù xa mấy tôi cũng lặn lội tìm tới. Tôi nghĩ bụng chẳng bỏ công đâu cả: trước là hỏi thăm tin tức, sau cũng là được dịp hãnh diện với những người chung quanh rằng làng mình có người đi cách mạng… Chà, cái thằng Quang bây giờ nó thế nào? Không biết nó còn nhớ tôi không? Bác thấy nó thế nào? Đầu đã có sợi bạc rồi à? ờ thì tôi đây cũng vậy. Hai đứa cùng một tuổi mà. Tôi nghe nó công tác được tiến bộ dữ lắm, vậy bây giờ đã là cán bộ tiểu đoàn rồi. Sao nghe tôi ở đây mà nó không tìm tới à? Chắc là nó không biết, nếu biết đời nào nó không chạy bổ xuống… Lúc nãy tôi nói với bác đời sống làng tôi được khá giả là nói vậy thôi, chứ tính chung cũng cơ cực dữ lắm. Bác nghĩ coi còn tụi nó thì làm sao mà không cơ cực. Đi khắp làng khắp xóm thấy cảnh áo còn bâu, quần còn lưng cứ nhan nhản. Nên hôm chia tay chúng tôi có nói với nhau: “Mình nghèo nên theo cách mạng phải cho chí cốt, làm sao khỏi xấu hổ với làng xóm quê hương”. Kìa, bác có nghe tôi nói không, bác Bảy?

Bác Bảy đã bỏ đi từ hồi nào. Ba Tuấn nghe tiếng bác khua nồi soong loảng xoảng dưới mé suối.

Ba Tuấn và mau miếng cơm cuối cùng, vào lán sắp xếp ba lô, đi liền. Trời buổi trưa nắng đẹp, óng ánh trên khu rừng nứa. Gió thổi lá nứa khua lao xao. Ba Tuấn nghe tâm hồn mát mẻ, sảng khoái. Anh rạo rực nghĩ đến trận đánh sắp tới, nghĩ đến người bạn mà anh sẽ gặp. Trận đánh sắp tới sẽ ra sao đây? Người bạn sau mười năm xa cách bây giờ như thế nào đây?

Ba Tuấn càng đi mau bước. Hết khu rừng nứa, Ba Tuấn còn phải đi hơn tiếng đồng hồ nữa mới tới tiểu đoàn bộ. Đi suốt mấy tiếng đồng hồ không nghỉ, lúc đó Ba Tuấn mới thấy mệt lả.

Anh tiểu đoàn trưởng nhìn thấy Ba Tuấn từ xa đi tới, thở hổn hển, mặt đầm đìa mồ hôi, vội chạy ra đón hỏi:

– Có chuyện gì không anh Ba?

– À… Không…

– Mọi việc chuẩn bị đều tốt chớ?

– Dạ, tốt.

– Vậy mà coi anh… Thôi vô đây uống trà… à, xin giới thiệu đồng chí tham mưu trưởng mới…

Ba Tuấn tưởng tim mình sắp rớt ra khỏi lồng ngực. Anh cúi gầm vờ lau mồ hôi. Chà, thằng Quang Cao giò, thằng Quang bạn chăn trâu của anh ngày xưa giờ đang đứng trước mặt anh đây sao?

Hồi lâu, vẫn không dám ngước lên, anh lắp bắp nói:

– Ả, Thanh Quang phải không? Quang Cao…

Anh chưa kịp nói tiếng “giò” thì chợt ngừng lại, anh linh cảm thấy có cái gì khác lạ, ngoài ý muốn của anh: y như rằng đây không phải là thằng Quang ngày xưa…

Anh ngửng lên:

– Đồng chí … ở Cẩm Sơn?

– Dạ.

– Sáu Quang phải không?

– Dạ, phải.

– Tôi cũng ở Cẩm Sơn, tôi là Ba Tuấn đây… Tuấn Rỗ đây…

– Tuấn à? Chà, nhiều Tuấn… Nhưng sao tôi lại không biết cà? à, nhưng Cẩm Sơn nào? Rạch Giá hay Cần Thơ?

Anh tiểu đoàn trưởng nãy giờ đang ngạc nhiên hết nhìn người này tới nhìn người nọ, bỗng vỗ “đét” một cái, cười lớn:

– Thôi rồi… Cùng tên làng Cẩm Sơn nhưng cha ở Rạch Giá, cha ở Cần Thơ phải không? Té ra thằng cha Ba Tuấn hớt hơ hớt hải lên đây là để tìm đồng hương. Vậy mà làm như đang rượt giặc không bằng. Thôi không phải đồng hương thì là đồng chí, ở đây uống bậy miếng trà, chuyện vãn chơi một chút rồi về… Nhưng trời tối rồi… Lại sắp mưa…

Anh tham mưu trưởng nhìn anh, ái ngại nói:

– Hay anh ngủ lại, sáng về sớm… chỗ tôi cũng còn trống…

Rồi lại tặc lưỡi nói thêm:

– Năm nào tôi cũng gặp một trường hợp y như anh vậy. Nước mình nhỏ, đất hẹp nên tên làng tên xã cứ trùng nhau…

Ba Tuấn ngước nhìn ra ngoài trời mưa, lòng chợt buồn se. Bao nhiêu điều anh lục soạn từ trong ký ức xa xôi định được dịp này tuôn ra với người bạn, bây giờ đành chôn vùi trở lại. Anh thở dài nói trống không:

– Ờ, thôi ngủ lại vậy. Chỗ anh còn trống hả?

Nói xong anh với tay bưng cốc trà uống tợp một cái, hối hả đứng dậy. Thanh Quang đi trước dẫn đường, nghe Ba Tuấn lẩm nhẩm toàn chuyện công tác, nào là “rào đơn, rào kép”, “xung kích một, xung kích hai”. Chắc là cốt che dấu nổi thất vọng!

Mưa bắt đầu nhễu hột khi hai người vô tới lán. Thanh Quang nói:

– Anh đưa võng tôi giăng… Lán này của đồng chí tham mưu trưởng trước đây. ảnh hy sinh trong trường hợp nào vậy?

– Một đại đội bị bao, ảnh dẫn một trung đội đánh cắt vào chính giữa…

– Lại cũng trường hợp đó… Anh Quang bạn cũ anh đó, anh có biết bây giờ ở đâu không?

– Không, chỉ biết nó đi bộ đội…

Hai người đã lên võng nằm. Bên ngoài mưa lắc rắc, nhễu lộp độp trên mái ni lông. Trăng ửng trong mây, tỏa ánh sáng đùng đục xuống khu rừng nứa. Những thân nứa thẳng, mọc xiêng, trong đêm trở nên rực rỡ dưới ánh trăng.

Hồi lâu, Thanh Quang cựa mình, hỏi nữa:

– Anh xa quê đã lâu rồi hả anh Ba?

– Thì cũng từ năm đó, năm đồng khởi…

– Nhưng chắc anh thỉnh thoảng còn nhận được tin – Thanh Quang bỗng tặc lưỡi, nói – Còn tôi thì không, ngót mười năm nay chẳng biết tin gì về làng xóm quê hương hết. Chà, quê tôi… Làng Cẩm Sơn quê tôi cũng ở bên bờ sông Cửu Long, chắc cũng giống như làng anh… Giờ tôi cũng tâm trạng như anh, trên đường kháng chiến những mong gặp được người đồng hương…

– Dà.

Ba Tuấn trùm kín chăn lại. Anh không còn thấy hứng thú gì nữa, chỉ thấy mỏi mệt, buồn ngủ. Bên ngoài thỉnh thoảng những tia chớp lóe lên, soi rõ những lá nứa ướt nhẩy, trong cơn mơ màng anh nhìn thấy như những lưỡi lê nhọn hoắt.

Chợt anh lại nghe có tiếng hỏi:

– Từ đó đến nay, anh đã đi chiến đấu những đâu?

– Cùng hết. Bình Giã, Đồng Xoài tới Sông Bé, Nhà Đỏ Bông Trang, Tết Mậu Thân thì chạy về Sài Gòn…

– Anh cũng có dự trận Nhà Đỏ hả? Anh đi cánh nào?

– Mũi đánh đầu cầu.

– Chết cha!

– Gì?

– À không… Tôi cũng dự trận đó, cũng vô mũi đầu cầu. Vậy không chừng mình đã gặp nhau.

Ba Tuấn thấy Thanh Quang thức dậy bật quẹt đốt một điếu thuốc vẻ thảng thốt… Lửa chỉ ánh lên một chút, nhưng Ba Tuấn cũng kịp quan sát người bạn mới: người cao rỏng rảnh, tay chân dài và chắc nịch, vai rộng, một bên vai phải bị lệch đi. Thốt nhiên Ba Tuấn hơi giật mình: Có phải chính cái vai lệch này không? Chi tiết đó như một tia chớp dẫn nhanh trí nhớ Ba Tuấn về trận đánh xưa cũ. Năm đó Ba Tuấn là trung đội trưởng. Nổ súng rồi Ba Tuấn dẫn trung đội chạy lẹ vào. Dưới làn đạn như mưa các anh phải nhảy qua liên tiếp ba bốn hàng rào, ba bốn hố sâu. Có vài người té xuống hố. Nhưng người té cũng không kêu, người qua được rồi cũng không nghĩ đến việc trở lại rước. Ai cũng nghĩ đến chuyện phải nổ súng trước mắt. Tới một bờ tường, Ba Tuấn mới sực nhớ mình không mang theo dây. Anh đưa tay với, thấy còn hụt cả một tầm tay. Anh hô: “Trung đội leo lên vai tôi nhảy qua bên kia. Đồng chí trung đội phó qua trước chỉ huy chiến đấu”. Trung đội qua hết Ba Tuấn ngó dáo dác thì thấy một bóng đen vừa nhô ra khỏi đường hào. Đây có lẽ là một cánh khác. Ba Tuấn không kịp hỏi gì cả, thét: “Ai đó ? Lại đây”. Một người ôm khẩu AK chạy tới, Ba Tuấn xô anh ta vào bờ tường, nhảy lên vai. Chân phải Ba Tuấn đặt lên vai phải anh chiến sĩ chân trái co lên định nhún người nhảy qua bờ tường, thì bỗng nghe có tiếng gì như tiếng “rắc” khẽ dưới chân. Tiếp theo là một tiếng “ối” đau đớn, rồi cả hai cùng té lăn xuống đất. Ba Tuấn lồm cồm quơ súng ngồi dậy, chưa kịp hiểu gì thì đã thấy anh chiến sĩ đứng dậy trở lại quỳ dưới bờ tường. Anh ta quay lại quát, nét mặt biểu lộ sự đau đớn và tức giận đến tột độ: – “Muốn qua tường hả ? Sao không nói trước… Bước qua vai trái, vai phải tôi bị thương…”. Ba Tuấn vụt hiểu hết. Nhưng cũng như trường hợp những đồng chí rớt xuống hố hồi nãy, anh không kịp nói một lời nào nữa. Anh co chân trái bước lên, nhảy qua tường, nổ súng…

Chuyện là như vậy. Phải, chính cái vai lệch đó, chính đồng chí này đây. Ba Tuấn đã tỉnh ngủ hẳn. Anh thức dậy đốt đèn lên, và dưới con mắt ngạc nhiên của Thanh Quang, anh chậm rãi hỏi:

– Anh Thanh Quang, anh còn nhớ rõ trận đánh năm đó không?

– Nhớ chớ. Trận đánh đó tôi có nhiều kỷ niệm lắm…

– Anh có nhớ Trung đội đã đánh qua bờ tường không?

– À…

– Anh biết ai đã bước nhằm lên vai bị thương của anh không?

Thanh Quang bật nhổm dậy nhìn tận mặt Ba Tuấn. Một lát, anh hỏi, giọng lạc hẳn đi :

– Vậy chính anh hôm đó đã bước lên vai tôi?

– Ừ.

– Trời đất!

Anh nằm ngửa ra, hồi lâu mới nói được, giọng như trách móc:

– Hôm đó anh đã làm gãy xương vai tôi lần thứ hai đó nghen.

– Tôi biết.

Hai người im lặng một lúc lâu. Con tắc kè kêu từng tiếng một ngoài xa. Trời đã dứt mưa, trăng lộ ra khỏi mây, sáng vằng vặc. Ba Tuấn biết đêm nay mình sẽ không ngủ được. Anh nằm ôn lại trận đánh đó, và bao nhiêu chi tiết đều gợi anh nhớ đến lúc anh bước lên vai người bạn. Phải, chính người bạn này đây trong đêm tối đó anh gặp không quá một phút, không nhìn rõ mặt, không biết tên tuổi quê quán mà đã chịu gãy một xương vai để đưa anh vào trận chiến đấu…

Anh đốt một điếu thuốc nữa. Trong lúc Thanh Quang bắt đầu kể tiếp câu chuyện :

– Cái xương vai tôi bị thương trận trước còn yếu lắm, bị anh bước gãy rồi – tôi chỉ còn cách nằm dí lại bờ tường chịu trận. Tôi nói với trung đội để lại nhiều đạn. Với một cánh tay, một khẩu súng AK, tôi bắn kềm một cánh rất đông tụi nó gần suốt trận đánh. Cuối cùng chúng bao tròn tôi. Tôi vẫn bình tĩnh. Và tôi cũng chẳng ân hận gì anh. Anh làm sao biết được vai tôi bị gãy, anh chỉ có muốn qua mau bên kia nổ súng thôi. Tôi nghĩ như vậy và chiến đấu thêm một lúc nữa. Tôi bắn đã gần hết đạn, tôi đành phải bắn từng phát một, bắn những tên gần nhứt. Cuối cùng lúc tôi kiệt sức rồi, tôi bỗng nghe tiếng anh – tôi đoán là tiếng anh – anh thét : – “Đánh cắt tụi nó ra, chiếm lại bờ tường… Phải chiếm lại bờ tường”… Vậy là anh đoán tôi còn ở lại đó, anh trở lại đánh giải vây tôi. Lúc đó tôi muốn được nhìn mặt anh quá. Nhưng thoáng một cái anh đánh cắt được tụi nó, rồi trung đội tôi cũng vừa về tới – anh và trung đội anh đã mất hút vào khu trận địa mới trước mặt… Phải tôi đã nhớ đúng như vậy không anh Ba?

Ba Tuấn giật mình ngó sang người bạn. Không biết anh giật mình vì câu hỏi, hay vì không biết từ lúc nào anh thấy bàn tay của Thanh Quang đã nằm gọn trong tay mình. Anh đáp, nhẹ như hơi thở:

– Ờ.

Sáng hôm sau bác Bảy thấy Ba Tuấn về sớm, đồ đạc không mang trên lưng mà ôm kè kè bên hông. Bác vội đón hỏi:

– Sao về gấp vậy, anh Ba?

– Chà, nóng ruột công việc ở nhà.

– Có gặp được bạn không?

– Ờ, có…

– Vậy là nói chuyện suốt đêm chớ gì?

– Dà… cũng có chợp mắt được một chút…

– Ờ, chỗ bạn bè…

Bác Bẩy kết luận một cách thờ ơ như vậy, rồi tính hỏi qua chuyện khác. Nhưng bác bỗng ngạc nhiên thấy tuy Ba Tuấn trả lời bác có vẻ lừng khừng như vậy, nhưng nét mặt lồ lộ vẻ xúc động không sao giấu được. Và khi anh cầm chén nước lên uống, tay anh run run… Bác chưa thấy khi nào Ba Tuấn như vậy cả. Chà, bạn bè tâm giao cỡ nào mà dữ vậy? Còn hơn năm ngoái bác gặp đứa em ruột của bác, đứa em út mà bác đã cõng nó suốt trên lưng từ những năm cơ cực.

Bác vội hỏi:

– Vậy là đúng người bạn đó hả? Đúng là nhà hai người ở khít nhau… và cái thẹo…

Ba Tuấn vội đáp, giọng lắp bắp:

– À, không… Nhưng cũng ở bên bờ Cửu Long… Và có lần chúng tôi đã cùng nhau chiến đấu…

Rồi anh giở bản đồ ra, đưa ngón tay dò theo những dấu chấm xanh đỏ trong đó, như muốn che giấu cái gì trong lòng.

7.1970

Lê Văn Thảo