Cũng như nhiều người Việt cùng thế hệ, tôi biết tới thơ Phạm Tiến Duật từ rất lâu trước khi được trực tiếp gặp anh. Ca khúc “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ theo bài thơ của anh đã trở thành thân thuộc với tôi ngay từ khi còn học phổ thông. Với một cậu bé mê thơ như tôi, những giai thoại mà người đời kể về anh luôn luôn là hấp dẫn. Trong tôi hình thành một Phạm Tiến Duật rất cao sang, lãng mạn, dũng cảm, hào hoa…
1. Lớn lên, đi bộ đội, trong những ngày vất vả cam go nhất, tôi vẫn tìm tới thơ Phạm Tiến Duật để nương tựa vào đó mà sống, mà phấn đấu. Tôi thuộc lòng rất nhiều bài thơ của anh. Và có những khi, tôi đã lẩm nhẩm đọc thơ anh để nguôi đi những cơn co thắt dạ dày. Và thực lạ, đọc thơ anh thành tiếng, đến một độ nào đó, tôi cảm thấy như trong mình dịch vị tiết ra, làm miệng trở nên ngọt hơn, thôi đói…
Và khi tôi sang du học ở Liên Xô đầu những năm 80 của thế kỷ trước, gửi những tác phẩm đầu tiên còn vụng về của mình về nước, tôi tình cờ đã lọt được vào mắt xanh của anh. Đó là bài “Hoa cúc mùa thu” mà anh, khi đó là trưởng ban thơ của báo, đã tìm ra trong đống bản thảo lai cảo rất bề bộn của tòa soạn báo Văn nghệ và cho in. Thời đó, được in một bài thơ trên báo Văn nghệ quả thực là một sự kiện trọng đại trong đời một người mới cầm bút, “vô danh tiểu tốt” như tôi. Rồi một năm sau sự kiện đó, khi được về nước nghỉ hè, tôi đã tìm tới ngôi nhà 17 phố Trần Quốc Toản tìm anh để cảm ơn. Anh, một nhà thơ lừng lẫy, đã tiếp tôi, một chàng trai 18 tuổi mặt búng ra sữa, rất thân mật, không có vẻ gì xa cách mặc dù trước đó chưa bao giờ biết tôi. Rồi hai anh em ra ngồi ngoài vỉa hè, vừa ăn kẹo lạc, uống rượu suông và đọc thơ cho nhau nghe. Tôi rất ấn tượng với hai bài thơ “Thưa ông Đội Cấn” và “Cô áo đỏ” mà anh đọc. Chao ôi, bao nhiêu si tình và bao nhiêu dại khờ trong đó! Và cũng ngạo nghễ lắm, ngang tàng lắm, ngỡ như trần gian chỉ toàn những Phạm Thái thời nay! Rồi anh tặng tôi tấm chân dung của anh, ảnh đen trắng, nhỏ như ảnh các minh tinh của bộ phim truyền hình Bulgary “Trên từng cây số” vẫn được bán rộng rãi ở các hiệu sách Hà Nội lúc đó, những Đêanốp và Bômbốp. Bức chân dung ấy tới bây giờ tôi vẫn giữ, dù đã ngả màu rồi nhưng vẫn dễ thương và dịu dàng biết mấy. Ảnh chụp anh nghiêng, tóc dài… Vài hôm sau, khi mời anh đến chơi nhà tôi, tôi mới biết rằng, hóa ra anh đã là tân binh trong đơn vị cấp tiểu đoàn mà bố tôi từng làm tham mưu trưởng. Tôi nhớ, khi anh ra về, bố tôi, lúc đó vẫn một sĩ quan cao cấp đương chức của Quân đội, nói với tôi, nếu mà như ngày xưa thì thấy “Duật” để tóc dài như thế, bố tôi đã kỷ luật rồi (!)… Sau này, tôi đã làm những việc còn “tệ” hơn để tóc dài, vậy mà bố tôi vẫn không “kỷ luật” tôi mà lại còn thương tôi hơn. Thế mới biết, dao sắc không gọt được chuôi!
Từ thuở đó, anh Duật đã là chỗ bằng hữu vong niên thân thiết với tôi, mặc dù không phải lúc nào anh em cũng gần gụi được với nhau. Những lần đọc thơ, cùng dẫn chương trình cho truyền hình, trong các cuộc giao lưu khác nhau và cả những cuộc rượu… Tôi còn nhớ, một lần, trong lúc ngà ngà, anh đã ôm vai tôi và thốt lên: “Mày cũng giống anh, chỉ đam mê đào hát…”. Rồi anh cười, ánh mắt xa xôi có vẻ tươi nhưng ở tận cùng dưới đáy lại cực kỳ buồn…
2. Năm 2005, khi tôi chuẩn bị in tập thơ mới “Sống như không thể chết”, tôi đã nhờ anh viết hộ mấy dòng giới thiệu. Và anh đã rất nhiệt tình viết cho tôi cả một bài dài… Với tôi, đó đã là một món quà vô giá… Trong bài viết đó có những dòng đầy anh minh và tình nghĩa mà tới bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi trào nước mắt:
“Và sự thảng thốt đến như mê sảng của bài “Đi theo những cơn mơ” làm tôi xúc động đến gai người:
“Đi theo những cơn mơ mọi gương mặt nhạt nhòa
Ta nhớ một người môi lại hôn người khác
Ta khóc một người thế mà nước mắt
Lại đầm trên vai áo mẹ ta”.
Có một lần tôi cũng đã viết một dòng, có cảm giác hơi giống như cảm giác vừa rồi của Hồng Thanh Quang: “Khi yếu đuối ta bỗng thành trẻ nhỏ…”. Đoạn thơ trên của Quang, nói là viết về người tình cũng được mà bảo là viết về mẹ cũng được.
Chính bởi sự trăn trở níu giữ cái đẹp mà tác giả vui buồn. Có lẽ Blaga Dimitrova cũng đã từng trăn trở thế trong “Ngày phán xử cuối cùng”. Nữ sĩ ấy viết: “Cái đẹp trên đời đang bị săn đuổi và đang bị tiêu diệt. Các loài chim đẹp bay đi đâu hết và các loài hoa đẹp cánh lại mỏng và rất mau tàn”. Bởi thế, tác giả “Sống như không thể chết” đã viết:
“Thu mà, đã hết mùa chanh
Phất phơ hương cốm chẳng dành cho nhau
Anh nhìn nắng xế hàng cau
Nhớ bài thơ lỡ viết câu nặng lời”
Nặng lời trong thơ cũng ân hận, chứ đâu chỉ nặng lời trong đời sống thường nhật.
Lần mở từng bài, từng bài, những câu thơ mới của Hồng Thanh Quang cứ ngấm, cứ lan tỏa, cứ đọng lại trong ta. Cuộc tìm giữ cái đẹp cũng là cuộc săn tìm nghệ thuật đích thực của thơ ca. “Ta đang sống như tãi lòng ra gió” (Hãy đi theo bàn tay) và sự “tãi lòng ra gió” ấy đã đem đến những câu thơ hay, những bài thơ hay: “Gối đầu lên thế sự/ Giấc ngủ đến trong lành”. Không phải gối lên gối, gối lên tay mà “Gối đầu lên thế sự” thì thật lạ mà thật đúng với thời này. Phải nói thêm, thơ ấy viết rất gần với thơ Thiền. Mà không chỉ câu ấy, nghệ thuật làm cô đọng như thơ Thiền còn rải rác ở một số bài khác:
“Không thèm những gì không phải của mình
Không tiếc những gì đã mất
Gặp cự phú không khinh khi
Thấy Chí Phèo không giễu cợt”.
(Tự nhủ)
“Mất lợi là mất ít
Mất danh là mất nhiều
Sẽ là mất tất cả
Khi không còn biết yêu”.
(Mất)
“Thảng hoặc ngồi chợt nhớ
Ngón tay buồn duỗi ra”.
(Quên)
Nghệ thuật phản ánh hiện thực của chi tiết, sự kiện và nghệ thuật phản ánh hiện thực của tư duy là hai cách phản ánh. Ở tập này, tác giả hơi nghiêng sang cách thứ hai. Tất nhiên, muốn đạt tới cái cách thứ hai, phải dùng cả cách thứ nhất. Ví dụ như những dòng thơ này:
“Như nhìn vào âm bản phim
Sáng nhất là bóng tối
Đầu điếu thuốc đang cháy sạm đen
Tựa lỗ thủng thiên hà”.
(Đêm cuối cùng của chiến tranh)
Cái phát hiện có tính hình thức ấy đã cho tác giả công cụ bắn vỡ cái vỏ của hiện thực để tới cái cốt lõi của nội dung. Nhưng bàn về nghệ thuật mà làm gì, chính Hồng Thanh Quang viết: “Đứng ngoài mọi tham vọng cách tân/ Đứng ngoài mọi tranh luận” (Viết trong Quán Cũ). Không dụng công, nhưng qua tập thơ này Hồng Thanh Quang đã làm một cuộc cách tân nhuần nhị. Chúng ta hãy đi cùng nhau trên con đường khó nhọc này.
“Cần người để trọng
Cần người để tin
Cần người để yêu
Vô cớ
Cần con đường
Có em ở cuối
Dẫu đi hết đời
Chắc gì đã tới”
(Cần)
Trên hành trình ấy, chúng ta có thể có rất nhiều buồn phiền, nhưng như Hồng Thanh Quang viết trong bài “Một giấc mơ”:
“Chúa ơi tôi không muốn thêm một cuộc sống nào khác
Hãy cho tôi chỉ sống kiếp này thôi”.
Sống như không thể chết, sống như không để cái đẹp bị tiêu diệt, sống như không để nàng thơ mà ta tôn thờ bị xúc phạm, dù chỉ nặng lời…”.
3. Rồi trong giai đoạn cuối đời, khi anh bắt đầu lâm trọng bệnh… Có lẽ đó cũng là giai đoạn mà tôi có được nhiều thời gian qua lại thăm anh nhất. Thực sự rất thương anh cũng như thương những nhà thơ như anh, dù không làm được gì nhiều để giúp đỡ. Tôi vẫn còn giữ những bản thảo cuối cùng mà anh mang tới cho tôi để đăng trên những ấn phẩm mà tôi từng làm biên tập…
Khi chứng kiến anh nằm trong phòng cấp cứu của Viện 108, ngày 29-11-2007, trong tôi đã vang lên những câu thơ như tâm sự cuối cùng của “nòi thi sĩ”:
“Nếu tôi chết, sẽ một mình lặng lẽ,
Chỉ có con trai tôi được tới bên tôi.
Con sẽ thấy, đời cha đông đúc thế,
Nhưng cuối cùng, cát bụi bồ côi…
Nếu tôi chết, bao nhiêu mỹ nữ,
Xin đừng ai tìm tới bên tôi.
Đã đắm đuối những câu thơ bốc lửa,
Xem làm gì lúc tôi thở chẳng còn hơi…
Nếu tôi chết, những trang tôi đã viết
Sẽ bùng lên sưởi ấm mọi tâm hồn.
Ngay cả lúc nhà thơ không còn nữa,
Cũng tự đốt mình cho đời bớt cô đơn…”.
Phạm Tiến Duật trút hơi thở cuối cùng vào sáng 4-12-2007… Trong đám tang của anh, khi tới nghĩa trang Văn Điển, mọi người đã cùng nhau hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” trong nước mắt… Trong đám tang ấy, đã có không chỉ một người đàn bà nước mắt lặn hết vào trong vì không còn đủ sức mà nức nở thêm nữa…
Hồng Thanh Quang
Theo nguồn:https://antgct.cand.com.vn/So-tay/nho-anh-pham-tien-duat-i680022/?fbclid=IwAR2j5VHKvUaWWC-y33c8cDO0J5MBb-78e3yL-cw0TSWjyMaWIFIOh1cEdmM